>> SUY NIỆM - SUY TƯ | CHÚA NHẬT VÀ LỄ TRỌNG

Phục Sinh - Tiếng nói cuối cùng của Thập Giá
Tin đăng ngày: 16/4/2022 - Xem: 9482

Upload


PHỤC SINH - TIẾNG NÓI CUỐI CÙNG CỦA THẬP GIÁ

(Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật Phục Sinh)

 

Cây Bút Chì - MTG Vinh

 

LỜI CHÚA: Ga 20,1-9

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói : “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”.

Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng : theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.

 

SUY NIỆM:

 

Suốt hơn 40 ngày Chay Thánh vừa rồi, qua Giáo Hội, Thiên Chúa đã cày xới mảnh đất tâm hồn các Kitô hữu, gieo những hạt giống ân sủng, cho trổ mầm đức tin và tình yêu, ngắm nhìn chúng nảy mầm trong hy vọng. Trong mùa hồng phúc ấy, Thiên Chúa đã trao tặng cho chúng ta những cơ hội để đi sâu vào mầu nhiệm Thương Khó của Đức Kitô. Đã qua rồi không khí lặng trầm của Mùa Chay và màn tím tang tóc bao trùm khắp Giáo Hội khi tưởng niệm cái chết đau khổ của Con Thiên Chúa vì yêu thương nhân loại tội lỗi. Hôm nay, Chúa Nhật Phục Sinh, mùa tang chế đã hết “Thiên Chúa đã cất chiếc khăn tang bao trùm muôn dân, và tấm khăn liệm trải trên mọi nước. Người tiêu diệt sự chết đến muôn đời” (Is 25,6a.7-8). Giáo hội vui mừng hát lên lời Alleluia, vì Đức Kitô đã toàn thắng sự chết và đã sống lại. Không cần phải lăn tảng đá! Không cần phải xức dầu thơm! Đấng bị đóng đinh nay đã trỗi dậy. Người bật tung cửa mộ, bẽ gãy xiềng xích tội lỗi và đập tan gông cùm của sự chết, để nhờ Người và trong Người: vạn vật suy vong được hồi sinh, muôn loài già cỗi được đổi mới và hết thảy được phục hồi nguyên vẹn như thuở ban đầu. Nhìn lại cuộc thương khó của Chúa Giêsu, có lẽ nó đã vượt sức chịu đựng của các môn đệ và những người thân tín. Nếu chỉ dừng lại ở Thập Giá thì cuộc đời thật bi đát. Nhưng dưới ánh sáng và vinh quang phục sinh, các môn đệ được bình an, tìm được nguồn hy vọng và sức sống mới. Niềm đau mất mát và nỗi buồn chia xa giờ đây được thay thế bằng niềm vui hội ngộ và hy vọng về một sự sống vĩnh cửu. Như vậy, Thập Giá không dừng lại ở ngôi mộ của sự chết nhưng PHỤC SINH VỚI NGÔI MỘ TRỐNG MỚI LÀ TIẾNG NÓI CUỐI CÙNG CỦA THẬP GIÁ!

Chúng ta biết rằng, Người Do-thái đã nghe nói đến lời tiên tri Chúa Giêsu phán về việc Người sẽ sống lại, nên đâm bối rối. Và để ăn chắc, các Kinh sư và người Pharisêu đã lấy ấn niêm phong cửa mồ và cho quân lính canh phòng cẩn mật, làm một việc xưa nay chưa từng ai làm là canh chừng một xác chết vì sợ lời của người chết ấy trở thành hiện thực. Còn các môn đệ, có vẻ sau cái chết của Thầy Giêsu, chẳng ai buồn nghĩ đến chuyện Thầy sẽ sống lại, mặc dù chính họ là những người đã được Chúa Giêsu tiên báo nhiều lần. Họ sợ hãi nấp mình trong nhà và đứng trước nguy cơ ly tán về quê mỗi người một ngả. Chỉ có các phụ nữ quan tâm đến việc đi viếng mộ để xức xác Thầy. Tin Mừng theo thánh Gioan chỉ tập chú vào hình ảnh bà Maria Macdala là người đầu tiên phát hiện tảng đá đã được lăn ra khỏi mộ và thấy Chúa Giêsu không còn ở trong đó nữa. Bà trở nên nhân chứng số một của Tin Mừng Phục Sinh. Tuy nhiên, thoạt đầu, khi thấy ngôi mộ trống trơn, bà phân vân và bối rối không hiểu, liền tức tốc chạy về báo cho các môn đệ, hy vọng các ông có thể nhanh chóng tìm ra thủ phạm: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”.

Vừa nghe bà Maria thất thanh báo tin, hai môn đệ Phêrô và Gioan tức tốc chạy nhanh về phía ngôi mộ. Trước tiên, chúng ta cùng quan sát bước chân của Phêrô. Có lẽ Phêrô đang rất sợ hãi, cắn rứt, và khổ tâm bởi ông đã chối Thầy trong giờ phút Thầy cần đến sự dũng cảm của ông nhất. Dẫu vậy, ông vẫn được coi là vị thủ lãnh mà Chúa Giêsu đã đặt lên, và bà Maria vẫn đi tìm ông bất chấp việc ông đã nhát đảm chối Chúa. Chính trải nghiệm đáng xấu hổ ấy làm nên động lực phi thường giục giã ông chạy thật nhanh. Đến nơi, không chần chừ một giây phút nào, ông vào thẳng trong mộ, quan sát và thấy những băng vải, cùng với khăn che đầu của Thầy được xếp đặt với thứ tự nếp nang. Khăn che đầu không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Ông quan sát để rồi tin. Niềm tin và linh tính của người môn đệ cho phép ông thoáng nhận biết có một điều gì còn mạnh hơn cả sự chết. Còn Gioan, ông là người môn đệ luôn cảm nghiệm được tình thương mến của Thầy Giêsu và cũng là người môn đệ duy nhất trung tín bước theo sát dấu chân Thầy trên con đường thập tự đau thương. Với sức dài vai rộng của người trẻ tuổi, ông đã cán đích trước Phêrô nhưng ông lại không vào trước mà nhường quyền cho người “bác cả”. Thật tử tế và không thiếu sự tinh tế! Với trực giác của tâm hồn, Gioan đã nhìn thấy trong cõi rỗng không của ngôi mộ chất chứa dấu chỉ về một thực tại khác kỳ diệu hơn. Sau đó, ông cũng đi vào, đã thấy và đã tin. Những gì ông thấy chứng tỏ rằng, thi hài của Chúa Giêsu không bị đánh cắp, mà Người đã tự đi ra. Như vậy, niềm tin thì mạnh hơn giác quan. Thật tuyệt vời khi không thấy một người mà lại tin tưởng rằng Người đó đang hiện diện ở nơi ấy!

Qua bài Tin Mừng,chúng ta không ngại ca vang khúc ca “Chúa đã sống lại, Alleluia!”. Đó là tin mừng trọng đại nhất. Từ nay, thập giá không còn là dấu hiệu của nhục nhã, nhưng là dấu hiệu của vinh quang, bởi Phục Sinh là tiếng nói cuối cùng của Thập Giá. Chúa Kitô đã sống lại, cái chết của con người không còn là đường cùng, là ngõ cụt, vì ánh sáng Phục Sinh của Chúa Kitô đã bừng lên trong đêm đen tăm tối. Chúa Giêsu sống lại là để đem lại cho chúng ta sự sống mới, và trở nên những con người mới. Tuy nhiên, muốn có sự sống mới, muốn trở nên con người mới, ta phải cùng chết với Đức Giêsu, chết với tất cả những thói hư tật xấu và tội lỗi của con người cũ.

Nhìn vào thực tế đời sống, chúng ta thấy rằng dù Chúa đã Phục Sinh hơn 2000 năm rồi nhưng con người vẫn còn sống trong sự bất lực trước sự chết, trong không khí u ám trước ngôi mộ, trong sự bế tắc trước tảng đá che kín lối vào, trong sự bỏ mặc nổi trôi trước thử thách của cuộc đời. Vẫn còn đó rất nhiều bóng tối và bóng mờ che khuất tầm mắt con người khỏi nguồn sáng Phục Sinh. Nếu chúng ta cứ ù lỳ mãi trong những bóng mây đó thì Chúa Phục Sinh có ý nghĩa gì cho sự sống đời này và hạnh phúc đời sau của chúng ta? Ước gì Tin Mừng Phục Sinh hôm nay sẽ đánh động con tim, đập tan những nghi kỵ, và thúc giục chúng ta thay đổi lối sống của mình để chúng ta tận hưởng ân sủng dồi dào mà Chúa Phục Sinh mang lại cho chúng ta.

 

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu!

Là Kitô hữu, chúng con ý thức được rằng:

Hôm nay, chúng con không chỉ mừng lễ Chúa Phục Sinh

bằng những mâm cao cỗ đầy, đàn nhạc xập xình

mà còn phải làm chứng nhân việc Chúa đã sống lại

bằng chứng từ đời sống của mình

với những suy nghĩ tích cực, những lời nói tốt đẹp, và những hành động bác ái.

Sống niềm vui Phục Sinh chính là sống vui tươi, an bình và yêu thương

trong sự hiện diện của Chúa mọi nơi và mọi lúc.

Xin cho chúng con biết bỏ đi sức ì của những tảng đá nặng nề trong tâm hồn

đang kéo gì thần thái và sức sống của chúng con,

để chúng con được an yên bước đi giữa cuộc đời vạn biến

và luôn trở thành thụ tạo mới trong Chúa Phục Sinh. Amen.

 

 

 

 

 

Từ khóa:

Chúa Nhật và Lễ Trọng khác:

27/4/2024 - Ở lại và sinh hoa trái (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật V - PS)
20/4/2024 - Mục tử tốt lành - sự hiện diện của tình yêu (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV PS)
7/4/2024 - Tôi là nữ tỳ của Chúa (08.04.2024 – Thứ Hai Tuần 2 Phục Sinh - Lễ Truyền tin)
31/3/2024 - Ánh Phục Sinh xé toạc màn sự chết (suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật Phục Sinh)
23/3/2024 - Từ lời vạn tuế đến lời kết án (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Lá - Năm B)
9/3/2024 - Ánh sáng cứu độ từ Thập Giá (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV mùa chay - Năm B)
2/3/2024 - Tâm thế thờ phượng mới (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật III mùa chay - Năm B)
24/2/2024 - Biến hình là biến đổi nội tâm (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật II mùa chay - năm B)
3/2/2024 - Theo sát dấu chân Thầy Giêsu (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật V - TNB)
27/1/2024 - Gieo Lời Chúa trong tâm điền (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV - TNB)
20/1/2024 - Bài giảng Đức Thánh Cha: Chúa nhật 3 Thường niên năm B – Chúa nhật Lời Chúa
13/1/2024 - Cầu nối đến với Chúa (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật II - TNB)
7/1/2024 - Suy niệm chú giải Lời Chúa – Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa – Năm B
7/1/2024 - Hành trình tìm kiếm Ánh Sáng (Suy niệm Tin Mừng lễ Chúa Hiển Linh - năm B)
6/1/2024 - Bài giảng của Đức Thánh Cha - Lễ Chúa Hiển Linh
 
  VIDEO CLIPS  
Video
Bộ mẫu dâng hoa kính Mẹ năm 2024
Vết thương Phục Sinh
Giêsu khải hoàn
Thập Giá niềm hy vọng đời con
Suy niệm 14 chặng đàng Thánh Giá "DẤU CHÂN TÌNH YÊU TRÊN ĐƯỜNG THƯƠNG KHÓ"
Suốt đời Mẹ Cha
Ước vọng cuộc đời
Xuân đã về
Nguyện ước đầu xuân
Hang Bêlem
 
  FANPAGE FACEBOOK  
  LIÊN KẾT WEBSITE  
Hội Dòng MTG. Hưng Hóa
Hội Dòng MTG. Xuân Lộc
Hội Dòng MTG. Nha Trang
Hội Dòng MTG. Cái Mơn
Hội Dòng MTG. Gò Vấp
Hội Dòng MTG. Thủ Đức
Giáo phận Long Xuyên
Giáo phận Đà Lạt
Giáo phận Cần Thơ
Giáo phận Bà Rịa
TGP. Sài Gòn
Giáo phận Quy Nhơn
Giáo phận Nha Trang
Giáo phận Kon Tum
Giáo phận Đà Nẵng
Giáo phận Ban Mê Thuột
Giáo phận Phát Diệm
Giáo phận Lạng Sơn
Giáo phận Hải Phòng
Giáo phận Bùi Chu
Giáo Phận Bắc Ninh
Giáo phận Hưng Hóa
TGP. Hà Nội
Giáo phân Thanh Hóa
Giáo phận Vinh
Giáo phận Hà Tĩnh
 
  Trang chủ I  Giới thiệu   I  Giáo Hội   I  Sinh hoạt Hội Dòng   I  Cộng đoàn   I  Mục vụ   I  Suy niệm - Suy tư   I  Góc sáng tác   I  Kỹ năng sống    

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ VINH
Địa chỉ: Xã Đoài, Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An
Điện thoại: 0982.868.275 - 0386.501.245
Email: [email protected]
Website: http://mtgvinh.com