>> SUY NIỆM - SUY TƯ | CHÚA NHẬT VÀ LỄ TRỌNG

Suy niệm Tin mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống
Tin đăng ngày: 23/5/2021 - Xem: 8930

CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN

 

Upload

 

Thánh Thần là Thiên Chúa Ngôi Ba trong Ba Ngôi. Vai trò của Ngài là thánh hoá. Ngài là nguồn mạch tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con. Từ khi Chúa Giê-su về trời, Chúa Thánh Thần như là nguồn mạch chính yếu cho Giáo Hội, cho thời đại, cho mỗi chúng ta với nhiệm vụ hướng dẫn, bào chữa, an ủi,…Tuy nhiên, hình như Chúa Thánh Thần đã bị lãng quên trong tâm thức con người. Vì thế, Giáo Hội dùng ngày hôm nay để giúp chúng ta ôn lại giáo lý về Chúa Thánh Thần để nhớ đến Ngài và yêu mến Ngài.

Các bài đọc trong ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay cho chúng ta nhìn thấy các khía cạnh khác nhau của Ngôi Ba Thiên Chúa. Trong bài đọc I, Sách Công vụ Tông đồ tường thuật Thánh Thần hiện xuống và đậu lại trên các Tông-đồ qua hình ảnh của cơn gió mạnh, hình lưỡi lửa, và sự kiện nói tiếng lạ. Trong bài đọc II, Thánh Phaolô đề cập đến những công việc của Thánh Thần làm nơi mỗi cá nhân và toàn thể Giáo Hội. Ngài nhấn mạnh đến sự hiệp nhất trong cùng một Đức tin, một Phép Rửa, và một tình yêu; vì tất cả đều hoạt động trong cùng một Thánh Thần. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến vai trò của Thánh Thần trong việc sở hữu bình an và quyền tha thứ cho con người. Sau đây, chúng ta có thể nói rõ hơn về các hoạt động của Chúa Thánh Thần đối con người.  

Trước tiên, nơi bài đọc 1 cho chúng ta biết những điều xảy ra trong ngày lễ Ngũ Tuần: hình ảnh thứ nhất ‘tiếng gió mạnh’: “Khi đến ngày lễ Các Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp.” (Cv 2, 1-2) Trong tiếng Do-thái cũng như Hy-lạp, họ chỉ có một danh từ dùng cho cả Thánh Thần lẫn gió: ruah trong tiếng Do-thái, và pneuma trong tiếng Hy-lạp. Vì thế, Thánh Thần được đồng nhất với gió. Gió muốn thổi đâu thì thổi. Gió có tác dụng làm mát và xua đi mọi bụi bặm. Với vai trò là gió, Chúa Thánh Thần cũng sẽ làm mát cõi lòng nóng giận; tẩy sạch mọi vết nhơ tội lỗi nơi cõi lòng mỗi người.  

Hình ảnh thứ hai là ‘lưỡi lửa’: "Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một." (Cv 2, 3). Sách Khải Huyền đồng hóa Thánh Thần với lửa (Dt 4,5). Mattheu nói tới việc chịu Phép Rửa bởi Thánh Thần và lửa (Mt 3,11; Lc 3,16). Khi nói đến lửa là nói đến sự tỏa sáng, nấu nướng, sưởi ấm, thanh luyện “lửa dùng để luyện kim như thử vàng (1Pr 1,7); Cột Lửa cũng dùng để soi sáng cho dân Israel biết đường đi (Xh 13, 21),…Thánh Thần được đồng hóa là ngọn lửa để sưởi ấm lòng người và soi sáng cho con người nhận ra sự thật, đường đi, và xua tan bóng đêm tội lỗi; đốt cháy những ‘rác thải’ tội lỗi, những thói hư tật xấu, những hờn ghen ích kỷ, những tham lam vô cảm,…

Sự kiện thứ 3 là ‘nói tiếng lạ’: "Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho. Lúc đó, tại Jerusalem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng sốt, thán phục và nói: "Những người đang nói đó không phải là người Galilee cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta?" (Cv 2, 4-8). Trong tiếng Hy-lạp, danh từ dùng để chỉ cái lưỡi (gnôssa) cũng được dùng để chỉ các ngôn ngữ khác nhau, nhưng chỉ dùng ở số nhiều (gnôssai). Khi dùng danh từ ở số nhiều, nó cũng có ý nghĩa là nói tiếng lạ. Biến cố nói tiếng là do quyền lực của Chúa Thánh Thần. Ngài làm vai trò là “phiên dịch” lời các Tông đồ nói trong trí óc khán giả, để chỉ một ngôn ngữ các ông nói ra bằng tiếng Aramaic, mọi người đều hiểu theo ngôn ngữ của họ. Họ nói: "chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa." (Cv 2, 11). Có thể nói ngay rằng nhờ Chúa Thánh Thần, các Tông đồ đã nói từ trái tim, nói lời yêu thương, nói lời cảm hoá khiến mọi người có thể hiểu, cảm nghiệm, hiểu và tin theo. 

Tiếp sang bài đọc 2, Thánh Phaolô giúp chúng ta nắm rõ công việc của Chúa Thánh Thần cách thiết thực: thứ nhất, Ngài hướng dẫn nhận ra sự thật và tất cả mọi sự thật, vì Ngài là Thần Chân Lý. Sự thật trên hết mọi sự thật là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Thánh Phaolô quả quyết: "Chẳng có ai ở trong Thánh Thần của Thiên Chúa mà lại nói: “Giêsu là đồ khốn kiếp!” Cũng không ai có thể nói rằng: "Đức Giêsu là Chúa," nếu người ấy không ở trong Thánh Thần.” (1Cr 12, 3b).  Thứ đến, Thánh Thần ban cho mỗi tín hữu các đặc sủng khác nhau; nhưng tất cả các đặc sủng Thánh Thần ban là cho việc xây dựng Nhiệm Thể Đức Kitô là Giáo Hội: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thánh Thần. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa.”(1 Cr 12, 4-5); Thứ ba, Thánh Thần hiệp nhất và liên kết tất cả trong cùng một Phép Rửa, một đức tin, và một tình yêu: “Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu Phép Rửa trong cùng một Thánh Thần để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thánh Thần duy nhất.”(1 Cr 12, 6-13).

Nơi bài Phúc Âm, chúng ta bắt gặp một sự bình an đích thực từ Chúa Giê-su Phục sinh “Bình an cho anh em.” Đức Giê-su cũng thổi hơi và ban Thánh Thần cho các môn đệ để nhờ Ngài các môn đệ chiến thắng sợ hãi và bóng tối bao trùm. Sau khi Chúa Giê-su chịu chết, sự sợ hãi bao trùm toàn thể các Tông đồ, nhưng sự hiện diện của Chúa Phục sinh ngang qua việc trao ban sự bình an cũng như Chúa Thánh Thần, các ngài đã được trấn an và tràn đầy sức mạnh. Bên cạnh đó, việc trao ban Chúa Thánh Thần của Chúa Giê-su cho các Tông đồ có vai trò hết sức quan trọng trong việc tha thứ các tội của con người. Nơi các điều kiện để xưng tội nên, Chúa Thánh Thần giữ vai trò nòng cốt để giúp con người chúng ta nhận ra sự thật qua việc Xét mình. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta ăn năn và dốc lòng chừa tội. Khi xưng tội, Chúa Thánh Thần giúp hối nhân thú tội nơi tòa cáo giải. Nói cách khác, Chúa Thánh Thần có vai trò chủ chốt cho con người trước khi đến và sau khi ra khỏi Toà Cáo Giải. Tuy nhiên, chúng ta cần biết đâu là những ơn ban cụ thể của Chúa Thánh Thần?

Thật vậy, khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, con người đón nhận Bảy Ơn Cả cao trọng như sau: Ơn thứ nhất là Khôn Ngoan, giúp ta phân biết điều phải, điều trái. Ơn thứ hai là Hiểu Biết, giúp ta hiểu biết sâu xa hơn những điều Chúa và Giáo Hội dậy. Ơn thứ ba là Biết Lo Liệu, giúp ta phải giải quyết mọi khó khăn trong đời sống. Ơn thứ tư là Sức Mạnh, giúp ta chu toàn việc bổn phận và vượt qua mọi khó khăn. Ơn thứ năm là Thông Minh, giúp ta nhận ra thánh ý Chúa. Ơn thứ sáu là Ðạo Ðức, giúp ta tin yêu Chúa và giúp đỡ anh em. Ơn thứ bảy là Kính Sợ Thiên Chúa, giúp ta tôn kính sự công bằng và quyền phép Chúa và sợ làm phiền lòng Ngài. 

Mặt khác, ngoài Bảy ơn cả trên, mỗi ki-tô hữu chúng ta còn đón nhận được mười hai Hoa Quả Chúa Thánh Thần (Gl 5, 22.23a-25) khi chúng ta sống trong Ngài và Ngài sống trong ta: Hoa quả thứ nhất là Bác Ái, giúp ta làm mọi việc vì mến Chúa. Hoa quả thứ hai là Vui Vẻ, giúp ta nhận biết lòng nhân từ của Chúa. Hoa quả thứ ba là Bình An, kết quả của niềm vui, làm cho ta được thư thái. Hoa quả thứ tư là Kiên Nhẫn, giúp ta chịu đựng những nghịch cảnh ở đời và những đau khổ do sự chết gây nên. Hoa quả thứ năm là Nhân Từ, thôi thúc ta làm sự lành cho mọi người. Hoa quả thứ sáu là Hòa Nhã, phát sinh do lòng nhân từ trong lời nói và trong việc làm. Hoa quả thứ bay là Nhẫn Nại, làm ta kiên nhẫn chịu đựng lâu dài dù không có những khích lệ bên ngoài. Hoa quả thứ tám là Hiền Lành, kìm hãm nóng giận. Hoa quả thứ chín là Tin Tưởng, giúp ta trung thành, thẳng thắn trong những giao tế với mọi người. Hoa quả thứ mười là Nhã Nhặn, làm phát sinh điều độ, chừng mực trong hành động bền ngoài. Hoa quả thứ mười một là Tiết Ðộ, chế ngự những dục vọng. Hoa quả thứ mười hai là Trong Sạch, giúp canh phòng ngũ quan để chúng không trở nên dịp tội cho ta; giúp ta coi thân xác mình và thân xác người khác như đền thờ Chúa Thánh Thần.

Quả thật, với những ơn ban của Chúa Thánh Thần vừa được nêu trên, ước mong mỗi ki-tô hữu chúng ta đón nhận được tất cả trong sự khiêm tốn và cầu nguyện để trở nên những chứng nhân loan bao Tin mừng, chứng nhân sự thật giữa một xã hội gian dối, chứng nhân của niềm hy vọng giữa cơn lốc dữ dội của đại dịch Covid, chứng nhân của niềm vui giữa thế giới đầy u buồn và chán nản,…Chỉ có Chúa Thánh Thần mới là linh hồn hay là chủ chốt cho những chứng nhân này. Do đó, nhờ các hoạt động của Chúa Thánh Thần trong con người và với con người, mỗi ki-tô hữu sẽ luôn luôn tươi mới, tràn đầy sự khôn ngoan và sức mạnh nhằm trở nên những tác nhân truyền giáo cho nhân loạn hôm nay. 

 

THÁNH THẦN, LINH HỒN CỦA CÔNG CUỘC LOAN BÁO TIN MỪNG

 

Upload

 

Tại một giáo xứ ở miền Sicilia, thuộc miền Nam nước Ý, có một tập tục khá ngộ nghĩnh và lý thú. Mỗi năm vào dịp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, sau bài Tin Mừng, cha xứ ra lệnh thả ra trong nhà thờ một con chim bồ câu tượng trưng cho Chúa Thánh Thần. Khi con chim câu nầy đậu xuống trên vai hay đầu ai thì người ấy không được tránh né hoặc đuổi đi, nhưng phải quyết tâm thực hiện một công tác cụ thể, to hoặc nhỏ tùy theo khả năng của mình, để chứng tỏ rằng mình làm công việc ấy là do sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.

Lịch sử giáo xứ ấy có ghi lại một số sự kiện điển hình như sau:

- Một lần chim câu đã đậu xuống trên vai ông hiệu trưởng. Kết quả là ông đã quyết tâm thực hiện một cuốn sách giáo khoa rất có giá trị.

- Lần khác, chim câu đáp xuống trên đầu một công tước vùng ấy, khiến ông ta phải ra tay nghĩa hiệp, bỏ tiền xây một hệ thống dẫn nước được đặt tên là “hệ thống dẫn nước Chúa Thánh Thần”.

- Có một linh mục trẻ được chỉ định đến thay thế cho cha xứ già đã đến tuổi hưu. Dù không tán thành nhưng cũng chưa dứt khoát bỏ đi tập tục đã thành truyền thống kia. Vào dịp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống đầu tiên của ngài ở xứ mới, vị linh mục trẻ vẫn cho giữ thông lệ thả chim câu, nhưng ra lệnh mở hết tất cả các cửa chính và cửa sổ với hy vọng là chú chim câu sẽ bay ra ngoài để tung cánh trong bầu trời cao rộng. Trớ trêu thay, sau khi bay lượn vài vòng từ đầu này đến đầu kia của nhà thờ, chim câu đã đáp xuống vai phải của cha xứ mới trong tiếng vỗ tay vang dội của giáo dân. Phải hứa làm gì cụ thể bây giờ đây? Cha xứ mới chỉ tuyên bố là ngài sẽ đầu tư mọi khả năng và thời giờ để phục vụ tốt cộng đoàn giáo xứ. Và ngài đã giữ lời hứa.

Để Chúa Thánh Thần là linh hồn trong sứ vụ loan báo Tin mừng, thiết tưởng chúng ta phải có Chúa Thánh Thần trong tâm hồn mỗi người. Nhưng làm sao để có Chúa Thánh Thần đây? Đọc Tin mừng (Ga 2-, 19-23) của ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay chúng ta nhận ra rằng chính Đức Giê-su Ki-tô Phục sinh đã ban Thánh Thần cho các Tông đồ nói riêng và cho mỗi chúng ta nói chung. Như chúng ta biết, sau khi Đức Giê-su đã chịu chết cách đau thương trên thập giá, các môn đệ đã phân tán, buồn rầu và hoang mang lo sợ đủ điều. Họ đã tìm cách chạy trốn và trở về với nghề cũ của mình như hình ảnh hai môn đệ trên đường Em-mau. Họ buồn bã và sợ hãi đến nỗi khép kín các cửa phòng. Nói chung, không có nỗi buồn nào diễn tả được khi trò mất thầy, khi tương lai đang tươi sáng với những tia hy vọng nay bị chìm tắt vì cái chết tức tưởi của Thầy Giê-su. Thế nhưng, trong cái thất vọng thì có niềm hy vọng, trong cái buồn phiền lại nở rộ niềm vui sướng khi Thầy Giê-su đã bị giết nay đã sống lại và hiện ra với các ông để trấn an, chúc lành và ban Thánh Thần cho họ. “Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con!" Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại.” Niềm vui đã làm tan đi sự buồn bã và thất vọng nơi các môn đệ.

Niềm vui lớn nhất là từ nay dẫu Đức Giê-su Ki-tô không hiện diện bằng thể xác nữa, nhưng Ngài sẽ hiện diện bằng cách thức mới vượt thời gian và không gian qua việc ban Thánh Thần của Ngài cho các môn đệ. Từ nay Thánh Thần của Đức Ki-tô sẽ là Đấng Bào Chữa và An Ủi các ông trong mọi nơi và mọi lúc. Lời hứa “Thầy sẽ không để các con mồ côi” nay đã được hiện thực hoá là có Thánh Thần của Đức Ki-tô ở cùng và luôn hiện diện với các ông để giúp các ông can đảm thay vì sợ hãi, bình an thay vì bất an, vui mừng thay vì buồn phiền, mạnh mẽ dấn thân thay vì âu sầu khép kín nhằm Tin mừng Đức Ki-tô được loan báo. Nhờ vậy các Tông đồ đã trở nên khí cụ đắc lực cho công cuộc rao giảng Tin mừng mà không còn hoang mang hay nghi ngại nữa. Chúng ta hiểu rõ điều đó trong ngày lễ Ngũ Tuần mà bài đọc I hôm nay trình thuật.

Quả thật, đọc lại sách Công vụ Tông đồ, chúng ta có lẽ đồng ý với nhau rằng chính Chúa Thánh Thần là tác nhân trọng yếu cho sứ vụ loan báo Tin mừng nơi các Tông đồ. Từ những người nhút nhát, sợ hãi và trốn tránh sau khi Chúa Giê-su chịu chết, nay các Tông đồ đã mạnh dạn và can đảm làm chứng cho Chúa Giê-su chịu chết và Phục sinh nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Hình ảnh gió, lửa và nói tiếng lạ nơi các Tông đồ là dấu chỉ có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Không chỉ hiện xuống nơi các Tông đồ mà thôi, Chúa Thánh Thần cũng đã hiện xuống nơi những ‘khán giả’ đến từ nhiều vùng miền khác nhau để giúp họ hiểu tiếng nói của các Tông đồ. Quả thật, Thánh Thần mang một vai trò hết sức cao cả trong sứ vụ truyền giáo. Ngài không chỉ khai sáng, mở trí, mở miệng, mở con tim cho những ngôn sứ, các Tông đồ và những chứng nhân để việc loan báo Tin mừng được triển nở và lan rộng. Ngài còn trở nên tác nhân hữu hiệu giúp cho những ‘khán thỉnh giả’ nghe, hiểu, cảm nghiệm và tin theo sau khi lĩnh hội các bài giảng của các ngôn sứ hay các Tông đồ. Như vậy, Chúa Thánh Thần nắm vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc loan báo Tin mừng khi Ngài vừa là tác nhân cho người giảng và vừa cho người nghe.

Mặt khác, Chúa Thánh Thần giúp chúng ta hiểu biết về Chúa Giê-su cách toàn vẹn. Chính Chúa Giê-su đã nói với các môn đệ về điều đó: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.” (Ga 16, 13-15). Như vậy, để hiểu về Chúa Giê-su cách thâm sâu và rõ ràng, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần với con người là điều hết sức cần thiết. Vì chỉ trong Ngài và với Ngài, con người mới thẩu hiểu được mọi sự. Không có Ngài, chúng ta chẳng hiểu biết gì cũng như không làm được gì. Do đó, sau khi Chúa Giê-su lên trời, người ta mới nói rằng thời đại này là thời đại của Chúa Thánh Thần. Giáo Hội sống trong sự hướng dẫn và bảo trợ của Chúa Thánh Thần.

Hơn nữa, Chúa Thánh Thần là mối dây nối kết giữa con người với Thiên Chúa và con người với nhau. “Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1Cr 12, 13). Như vậy, Thánh Thần có sứ mạng nối kết, liên đới và hiệp nhất mọi người trong cùng một đức tin, một phép rửa và một tình yêu. Nơi đâu có hiệp nhất nơi đó có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Nơi đâu có tình yêu thương, nơi đó Chúa Thánh Thần ngự trị và chúc lành. Nơi đâu có Chúa Thánh Thần, nơi đó có sự bình an, hạnh phúc và gắn bó với nhau. Thật vậy, khi chúng ta sống trong sự hiệp nhất và yêu thương là chúng ta đang lan toả Giê-su, lan toả đạo yêu thương cho tha nhân nơi môi trường sống. Hiểu được như thế, mỗi chúng ta cố gắng gắn kết với Chúa Thánh Thần, lắng nghe Ngài và xin Ngài ở cùng, thôi thức và thánh hoá toàn thể con người để trở nên khí cụ hữu ích trong công việc loan báo Tin mừng cho muôn dân.  

Ngoài ra, Chúa Thánh Thần là tác nhân ‘lôi kéo’ hoặc ‘hướng dẫn’ cho chúng ta dấn thân, thực hành sứ điệp Lời Chúa nơi vùng miền mà Ngài thấy là phù hợp và dễ đón nhận. Hay nói cách khác, trong sứ vụ loan báo Tin mừng hoặc gặp gỡ những người chưa cùng niềm tin, chính Chúa Thánh Thần là Đấng dẫn dắt, hướng dẫn và thúc đẩy chúng ta lên đường. Điều này được trình bày nơi (x.Cv 8, 26-40; 10, 3-33) khi Ông Phi-lip-phê được Thánh Thần thôi thúc đi gặp gỡ viên thái giám E-thi-op và rửa tội cho ông này; khi Ông Co-nê-li-ô được Thánh Thần mời gọi ông gặp cho được Ông Phê-rô để chịu phép rửa tội. Không chỉ như vậy, mà trong suốt hành trình truyền giáo của Thánh Phaolô, Chúa Thánh Thần cũng đã luôn đồng hành và hướng dẫn cho ngài để ngài biết làm chứng mà không sợ hãi. Trong Giáo hội cũng vậy, Chúa Thánh Thần như là ‘vị ân nhân’, ‘vị linh hướng’ và là ‘bạn đồng hành’ để giúp đỡ, bảo trợ và hướng dẫn Giáo hội Chúa Ki-tô tiếp tục lớn mạnh dẫu phải trải qua nhiều sóng gió nặng nề. Tin mừng vẫn luôn được loan đi bởi biết bao người can đảm, nhiệt thành và hăng say nhờ vào sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.

Tóm lại, Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, là Đấng ban sức mạnh và là nguồn mạch tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Nhờ Người và trong Người, Giáo hội của Chúa Ki-tô vẫn luôn tồn tại và lớn mạnh dần dần mặc dầu phải đối diện với biết bao địch thù. Tin mừng chỉ thật sự được loan báo trong mọi nơi mọi lúc cho mọi người khi có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Khi Chúa Thánh Thần hiện diện là có Chúa Cha và Chúa Giê-su hiện diện. Ba Ngôi Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta để gìn giữ, chở che và ban sức mạnh để chúng ta luôn luôn là chứng nhân của Tình Yêu cho thời đại đầy nhiễu nhương này.

 

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương

Từ khóa:

Chúa Nhật và Lễ Trọng khác:

27/4/2024 - Ở lại và sinh hoa trái (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật V - PS)
20/4/2024 - Mục tử tốt lành - sự hiện diện của tình yêu (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV PS)
7/4/2024 - Tôi là nữ tỳ của Chúa (08.04.2024 – Thứ Hai Tuần 2 Phục Sinh - Lễ Truyền tin)
31/3/2024 - Ánh Phục Sinh xé toạc màn sự chết (suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật Phục Sinh)
23/3/2024 - Từ lời vạn tuế đến lời kết án (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Lá - Năm B)
9/3/2024 - Ánh sáng cứu độ từ Thập Giá (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV mùa chay - Năm B)
2/3/2024 - Tâm thế thờ phượng mới (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật III mùa chay - Năm B)
24/2/2024 - Biến hình là biến đổi nội tâm (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật II mùa chay - năm B)
3/2/2024 - Theo sát dấu chân Thầy Giêsu (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật V - TNB)
27/1/2024 - Gieo Lời Chúa trong tâm điền (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV - TNB)
20/1/2024 - Bài giảng Đức Thánh Cha: Chúa nhật 3 Thường niên năm B – Chúa nhật Lời Chúa
13/1/2024 - Cầu nối đến với Chúa (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật II - TNB)
7/1/2024 - Suy niệm chú giải Lời Chúa – Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa – Năm B
7/1/2024 - Hành trình tìm kiếm Ánh Sáng (Suy niệm Tin Mừng lễ Chúa Hiển Linh - năm B)
6/1/2024 - Bài giảng của Đức Thánh Cha - Lễ Chúa Hiển Linh
 
  VIDEO CLIPS  
Video
Album Dâng Mẹ ngàn hoa
Ngàn hoa dâng Mẹ
Bộ mẫu dâng hoa kính Mẹ năm 2024
Vết thương Phục Sinh
Giêsu khải hoàn
Thập Giá niềm hy vọng đời con
Suy niệm 14 chặng đàng Thánh Giá "DẤU CHÂN TÌNH YÊU TRÊN ĐƯỜNG THƯƠNG KHÓ"
Suốt đời Mẹ Cha
Ước vọng cuộc đời
Xuân đã về
 
  FANPAGE FACEBOOK  
  LIÊN KẾT WEBSITE  
Hội Dòng MTG. Hưng Hóa
Hội Dòng MTG. Xuân Lộc
Hội Dòng MTG. Nha Trang
Hội Dòng MTG. Cái Mơn
Hội Dòng MTG. Gò Vấp
Hội Dòng MTG. Thủ Đức
Giáo phận Long Xuyên
Giáo phận Đà Lạt
Giáo phận Cần Thơ
Giáo phận Bà Rịa
TGP. Sài Gòn
Giáo phận Quy Nhơn
Giáo phận Nha Trang
Giáo phận Kon Tum
Giáo phận Đà Nẵng
Giáo phận Ban Mê Thuột
Giáo phận Phát Diệm
Giáo phận Lạng Sơn
Giáo phận Hải Phòng
Giáo phận Bùi Chu
Giáo Phận Bắc Ninh
Giáo phận Hưng Hóa
TGP. Hà Nội
Giáo phân Thanh Hóa
Giáo phận Vinh
Giáo phận Hà Tĩnh
 
  Trang chủ I  Giới thiệu   I  Giáo Hội   I  Sinh hoạt Hội Dòng   I  Cộng đoàn   I  Mục vụ   I  Suy niệm - Suy tư   I  Góc sáng tác   I  Kỹ năng sống    

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ VINH
Địa chỉ: Xã Đoài, Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An
Điện thoại: 0982.868.275 - 0386.501.245
Email: [email protected]
Website: http://mtgvinh.com