CHỞ TÌNH THƯƠNG VÀO BẢN, MANG ƯỚC MƠ VỀ XUÔI
Maria Diệu Huyền, MTG Vinh
Không biết từ bao giờ, ý tưởng “Lấy vầng tim họa lại dung mạo Thiên Chúa cho người dân tộc thiểu số” cứ vần vũ trong dòng suy tư của tôi. Sau bao ngày chờ đợi, tôi rất đỗi vui mừng khi chị em trong lớp Học viện II chúng tôi, được Hội dòng cử đi thực thi sứ vụ bác ái Mùa Chay và cũng là chuyến trải nghiệm thực tập mục vụ Truyền giáo tại Bản Búng, cách xa giáo đô Xã Đoài khoảng gần 150 km về hướng Tây. Chúng tôi đã đến với họ bằng hành trình vượt đường xa, trèo đèo lội suối một cách đúng nghĩa để chuyên chở vào bản tình thương của Thiên Chúa, cũng là một ông Giàng trong tiềm thức mơ hồ của người dân tộc Đan Lai.
Đúng 5h30 sáng Thứ Bảy, đoàn chúng tôi khởi hành. Ba chiếc xe lần lượt đi ra khỏi cổng Nhà dòng, bon bon nối đuôi nhau trên đường rải nhựa hướng về bản Búng. Hai chiếc chở 35 chị em, còn một chiếc xe tải thì chở gạo và các phần quà khác. Nhìn vào đội hình, ai cũng phải tặc lưỡi ngỡ ngàng bởi hai masơ cầm càng lái xe chẳng khác gì các bác tài chuyên nghiệp. Cùng trợ giúp chị em chúng tôi, có thầy Song (thuộc Hiệp hội Antôn Pađôva) lái chiếc xe lớn dẫn đường đi lên miền sơn cước, bởi thầy đã có kinh nghiệm chở nhiều đoàn đi lên rẻo cao này. Sau giờ kinh chung với nhau, chúng tôi chuyện trò, cười nói rộn ràng như một bí kíp để đánh tan cảm giác say xe. Càng tiến lên địa hình trên cao, chúng tôi càng thấy khí trời thanh nhẹ. Hình ảnh những dãy núi đá vôi trùng điệp thấp thoáng trong sương mù choán lấy cặp mắt. Đi được một quãng, những nương chè mềm mại, uốn lượn bắt đầu xuất hiện trên các quả đồi, từ thoai thoải rồi đến nhấp nhô đây đó. Chè được trồng cuộn tròn, những thân chè ôm lấy nhau, rồi cùng quấn lấy những quả đồi. Hẳn đây là nét đặc trưng, tinh túy của miền bán sơn địa này.
Hết trạm thứ nhất tức là đến địa điểm khu du lịch sinh thái Pù-mát, dưới sự sắp xếp của chị Têrêsa Ánh Hồng (người chị của chúng tôi đã phục vụ tại giáo điểm Con Cuông gần 8 năm nay) cùng với chị Hạnh (đang phục vụ cùng với chị Hồng) và hai chú thuộc giáo xứ Con Cuông, chúng tôi chia đôi ra hai nhóm để đi. Nhóm đi đường sông thuê bốn chiếc xuồng máy, còn nhóm đi đường bộ thì lái chiếc xe nhỏ và thuê thêm hai chiếc công nông đặc dụng chở hàng hóa qua đường núi. Vì đường vào bản rất hiểm trở, chỉ những người đã từng có kinh nghiệm lái xe vào mới có thể cầm chắc khả năng, nên chị Hồng đã bố trí một chú lái xe rất vững tay lái. Thế là chị em chúng tôi chia tay nhau và hẹn tái ngộ ở trước bản làng. Con đường độc đạo ngược dòng sông Giăng để vào bản Búng thật là một trải nghiệm tuyệt vời cho nhóm đi xuồng. Con sông này có độ sâu ngang người và dòng nước chảy xiết cuồn cuộn rất nguy hiểm, là một “cửa ải” khó khăn để vượt qua. Tuy chúng tôi phải mất 4 lần dừng xuồng để sửa máy hay là đẩy thuyền mắc cạn nhưng với bản thân tôi, đây quả là một trải nghiệm xưa nay hiếm. Sông Giăng hiện lên trước mắt chúng tôi như một bức tranh thuỷ mạc huyền ảo. Cảnh vật trông có vẻ hư hư thực thực tạo nên nét kì vĩ lạ lùng! Trải dài hai bên triền sông là những dãy đồi chập chùng, nhấp nhô như hai dải sóng xanh uốn lượn, bồng bềnh trôi trên biển sương mù. Dòng nước có màu xanh ngọc bích, trong văn vắt đến nỗi có thể nhìn thấu đáy, những hạt bụi nước li ti bắn lên cao ở những ngọn thác nhỏ. Nước in bóng mây trời, cả bóng dáng của đại ngàn. Những hình tượng ấy cứ lung linh, chập chờn theo làn nước khi thuyền chúng tôi lướt qua. Hai bên tả hữu con sông, các lùm cây xanh um, duyên dáng ngả mái tóc mượt mà của mình xuống dòng nước tinh khiết, rồi ngả mình trên mấy tảng đá phủ đầy rêu xanh. Hương rừng ngan ngát quyện trong gió, những đám mây trắng lượn lờ trôi trên nền trời xanh thẳm. Ngồi trên chiếc xuồng cảm giác lòng mình tĩnh tại và cứ an yên thưởng thức khí thiêng của trời, tinh khí của đất và hơi mát dịu của nước. Thật tuyệt vời làm sao!
Sau hơn một tiếng đồng hồ ngồi xuồng, nhóm chúng tôi lên bờ, bắt đầu con đường bộ gian nan tới bản Búng, nơi được mệnh danh là chốn “sơn cùng thủy tận” ở huyện Con Cuông. Chúng tôi men theo con đường mòn khúc khuỷu, đất đá lởm chởm, quanh co giữa núi đồi mà đi. Có những chỗ đường mòn hoàn toàn mất dấu, nhìn đâu cũng chỉ thấy đất cát, sình lầy. Dẫu địa hình ghồ ghề, ai nấy đều hứng khởi sải bước. Tuy vậy, trời càng trưa càng oi bức, đi miết rồi cũng mệt lử cả người, cái hào hứng ban đầu hình như cũng bị giảm xuống. Trèo đồi chán thì đến lội suối. Người cứ ướt rồi lại khô. Chúng tôi phải băng qua ít nhất 2 con suối sâu, nước lên gần ngang lưng. Từng lớp đá phủ rêu trơn dưới đáy suối khiến chị em chúng tôi phải bám trụ vào nhau, làm thành một dải người di động từ bên này tới bên kia bờ. Sau gần ba tiếng đi bộ, chúng tôi mừng rỡ gặp lại nhóm chị em đi xe. Theo lời kể lại, các chị em này cũng đã trải qua một hành trình cực kỳ gian nan và thách đố trước khi chạm bản. Con đường độc đạo “huyền thoại” từ ngoài trung tâm xã Môn Sơn lên bản Búng dài hơn 20km có nhiều đoạn dốc đứng cheo leo, hiểm trở, có cả vực thẳm vách đường, thoáng nhìn thôi cũng đã thấy rùng mình. Chỉ trong một vài tích tắc thì xe phải leo lên những dốc cao rồi ngay lập tức phải đổ đèo xuống đất trũng. Chị em ngồi trong xe cứ thế mà tận hưởng những “ổ voi ven đường” và “hàng chục khúc cua dày đặc”. Có đoạn đoàn xe phải băng qua suối sâu, xe mắc cạn, chị em phải đừng lại đẩy, đẩy không nổi thì phải chạy đi nhờ mấy anh em dân tộc đi làm gần đó cứu trợ. Mấy chị em đã nói rằng: “Có nhiều phen thót tim, phải đọc kinh ‘Ăn năn tội’. Nhưng nghiệm lại con đường đi qua, thấy ơn Chúa thật đong đầy. Vào gần tới bản mới trân quý nỗ lực của mọi người”.
Tưởng chừng như gần tới nơi thì con đường sẽ trơn tru hơn, nào ngờ lại phải băng qua suối. Chiếc xe ôtô nhỏ tội nghiệp tiếp tục bị mắc cạn dưới con suối, không sao lên được. Sau một hồi đẩy lên nhưng vô vọng, chúng tôi phải dùng chiếc xe công nông chở gạo để kéo. Tạ ơn Chúa, xe đã lên được bờ nhưng vì xe không thể đi sâu hơn được nữa, các chị em nhóm đi xe cùng nhập đoàn với nhóm đi bộ chúng tôi. Thế là sau hơn 8 tiếng đồng hồ kể từ lúc khởi hành, vào khoảng 1h30 chiều, chúng tôi mới đặt chân được đến bản Búng. Nhìn lại chặng đường, một cảm giác sâu hun hút, xa vời vợi thật khó diễn tả cứ dâng trào trong tôi. Cái bản này thực sự là một ốc đảo hoàn toàn tách biệt với phần còn lại của huyện Con Cuông và lệch pha với thế giới mà người Kinh đang sống. Được biết Bản Búng (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An) là một trong những vùng xa và khó khăn nhất của huyện với 115 hộ, với 520 khẩu, 100% là hộ nghèo. Toàn bộ người dân nơi đây là dân tộc Đan Lai sinh sống trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát. Trên đường vào địa điểm tập trung, chúng tôi có ghé qua một vài ngôi nhà sàn để khám phá cuộc sống của người dân nơi đây. Mấy chị em vào nhà trò chuyện và buộc tóc cho các em nhỏ. Nhìn đứa nào cũng đen nhẻm, lấm lem nhưng trông rất “chất và chắc”, cầm cái tay cái chân là khác ngay với trẻ con thành phố.
Bên cạnh một vài nhà sàn khá khang trang thì hầu hết các căn nhà ván được làm bằng gỗ mỏng lụp xụp, với những khe hở to rải đều bốn góc, đủ để cho những trận gió đông tự do lùa thốc vào nhà, và chắc chắn cũng đủ cho những vạt nắng hạ ngang nhiên chiếu thẳng vào trong. Đi ngoài đường nhìn vào, thấy rõ chiếc giường đặt mấy cái ghế nhỏ lên trên. Nếu ai không biết người Đan Lai có tục ngủ ngồi thì họ không thể nào lý giải nổi cách bài trí độc đáo ấy.
Gần đến chỗ hẹn, chúng tôi bắt gặp hai ông bà già đáng thương ngồi lê lết ven đường. Ông bà ở dưới một tấm bạt, phía trong có vỏn vẹn một cái giường. Tôi không thấy gì khác hơn. Ông ngồi đơ, đôi tay không thể cầm nắm, làn da đen sạm để lộ những nốt ung nhọt nhỉ nước. Ruồi nhặng bao vây chích hút, trông thật thảm thương. Tôi nhìn ông bà và lòng se thắt. Thế rồi, mấy chị em ngồi xung quanh, bón chút bánh cho ông ăn, cầm lon nước ngọt cho ông uống, còn bà thì dù gầy dơ xương nhưng cũng có thể tự phục vụ mình. Sau đó, chia tay ông bà, chúng tôi phải đến kịp Nhà Văn Hóa, nơi bà con trong bản đang chờ đợi chúng tôi. Vừa đến nơi, bà con vỗ tay hân hoan chào đón đoàn. Chúng tôi nhanh chóng sắp xếp các phần quà. Sau đó, chị Anna Ánh Hồng, thay lời cho chị em có những tâm tình với bà con và đại diện chính quyền đang hoạt động tại đây. Sau khi phát quà xong, chúng tôi phải nhanh chóng lên đường vì nghĩ đến hành trình dài thăm thẳm về xuôi.
Chào tạm biệt bà con, chị em chúng tôi chia nhau lên hai chiếc xe công nông để đi một con đường khác, đỡ phải lội suối. Với cái địa hình được ví như đường “điện tâm đồ” mà ngồi lên xe thì khỏi phải nói. Độ xóc thì cực mạnh, khi xe lên dốc, toàn bộ chị em trượt về phía sau, còn khi xe xuống dốc thì lại tự động đẩy mọi người lao về phía trước. Ngồi trên xe chỉ biết thét, biết cười giòn giã trong trạng thái níu chặt lấy nhau. Trong khi đó, chúng tôi thấy một đám trẻ chạy theo sau xe như muốn níu kéo chúng tôi lại. Chúng vượt cả nửa quả đồi, cứ chạy được một đoạn lại có mấy đứa khác nhập đoàn. Chúng tôi ra hiệu cho chúng dừng lại vì sợ nguy hiểm nhưng chúng cứ chạy mãi, chạy cho tới hết bản thì mới dừng lại ngó theo dáng xe mất hút dần trong bóng chiều tà.
Được một đoạn đường, nhiều chị em không chịu nổi nữa nên quyết định nhảy xuống đi bộ. Chỉ còn một vài người cầm cự đi cùng với tài xế trên hai chiếc xe công nông. Trên đường đi ra, nhiều người trong chúng tôi tá hỏa khi phát hiện những mũi cắn của vắt rừng. Người thì ở bắp chân, người thì dưới bàn chân, máu tươi chảy mướt mát, không sao cầm được. Cái miệng của vắt rừng thật lợi hại, bởi khi chúng cắm vòi hút, chúng tiết ra chất chống đông máu hirudin, khiến vết thương tê liệt và không cảm nhận được đau đớn. Đây là kinh nghiệm đáng lưu tâm cho những ai trèo đèo lội suối lên miền sơn cước.
Sau một vài giờ đồng hồ, chúng tôi về lại điểm du lịch Pù-mát. Vì buổi sáng chỉ kịp ăn bánh mì và một số đồ ăn nhẹ khác trên xe, nhịn bữa trưa cho đến lúc này, nên ai nấy đói cồn cào. Chị em tập trung cùng vắt chung nắm xôi mà cảm giác ngon chi lạ. Những lúc như thế này mới thấm thía tình chị em của những thiếu nữ chung chia một lý tưởng! Sau khi nạp năng lượng xong, chúng tôi đi về Con Cuông, thăm nơi đóng đô của nhóm chị em Mến Thánh Giá Vinh chúng tôi đang ngày đêm phục vụ tại điểm truyền giáo này. Khi về đây, chúng tôi phải nán lại chừng 2 tiếng để chờ mấy chị em đi theo xe công nông bởi vì xe hỏng dọc đường nên các chị phải lầm lũi đi bộ ra khỏi núi. Chao ôi, một hành trình thôi mà chị em chúng tôi nếm trải được bao thứ cảm xúc trên đời, dù là thứ cảm xúc gì đi nữa thì hạnh phúc vẫn là thứ cảm xúc chủ đạo dâng trào trong tim từ lúc lên bản tới khi về xuôi.
Trời tối như mực. Xe chúng tôi từ từ lăn bánh về lại giáo đô Xã Đoài. Chiếc xe bon bon “rẽ đôi chiếc màn đêm” bay nhẹ trong không trung. Và rồi…những trải nghiệm phong phú trong ngày cũng “rẽ dòng ký ức” mà dồn dập chảy về trong tâm trí tôi. Nhìn về phía sau, tôi thấy hiện lên hình ảnh của những đứa trẻ đen nhẻm, vượt cả quả đồi chạy theo xe, đôi mắt chúng ánh lên những khát vọng sâu thẳm. Liệu chiếc xe của chúng tôi có chuyên chở nổi sự mong đợi của các em về xuôi, để rồi, có thêm nhiều tấm lòng hảo tâm tìm đến góp sức gầy dựng một cuộc sống văn minh, yên ấm hơn cho bản làng các em?
Về tới cổng nhà Dòng, đồng hồ đã điểm 11 giờ khuya. Ngày hôm nay cũng là 24 tiếng như mọi ngày, mà sao tôi cảm nhận được mình đã thu được thật nhiều điều mới mẻ. Dù người như rã rời, xương khớp như rơ ra vì đi bộ quá nhiều, nhưng thật giá trị cho một chuyến xe “chở tình thương vào bản, mang ước mơ về xuôi”. Miên man trong mơ, tôi thấy một con đường rải nhựa xuyên thấu vào một bản làng hoàn toàn được thay da đổi thịt trong tiếng cười giòn giã của đám trẻ thơ cắp sách đến trường!
|