>> SUY NIỆM - SUY TƯ | CHÚA NHẬT VÀ LỄ TRỌNG

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu Lên Trời
Tin đăng ngày: 15/5/2021 - Xem: 9197

 

Upload

 

Lm. Phaolô Phạm Trọng Phương

 

SUY NIỆM 1: ĐỨC GIÊSU LÊN TRỜI, TA HÃY XIN ÁI MỘ NHỮNG SỰ TRÊN TRỜI

 

Giữa giông tố bão bùng của Đại dịch Covid -19 đang lan tràn và hoành hành khắp cả và nhân loại, dường như con người chùn bước và cảm thấy thất bại hoàn toàn, chúng ta lại được loé lên tia hy vọng đích thực từ niềm tin vào Thiên Chúa. Chỉ nơi Chúa mọi sự mới được giải cứu và bình an. “Đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” (Mc 10, 27). Ngày lễ Chúa Giê-su Lên Trời như một niềm hy vọng lớn lao để con người biết đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa ngang qua Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Nhập Thể. Như vậy, Đức Giê-su Lên Trời có ý nghĩa gì? Ngài lên trời có phải là xa lìa chúng ta không? Đức Giê-su Lên Trời còn để lại di chúc gì cho con người? Chúng ta phải ái mộ những sự trên trời như thế nào? Đó là những câu hỏi mà chúng ta sẽ cùng nhau suy niệm sau đây.

Quả thật, “Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa.” (Cv 1, 9) và “Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.” (Mc 16, 19). Nói Đức Giê-su Lên Trời là lên ở đâu? Trời ở đây không phải là địa điểm vật lý, nhưng là tình trạng thiêng liêng, là ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng. Trời ở đây cũng là thiên đàng, là nơi có Chúa hiện diện, là hưởng hạnh phúc đời đời bên Chúa. Đức Giê-su Lên Trời là trở về với Chúa Cha, là mang theo bản tính nhân loại lên cùng Chúa Cha. Nhờ đó, loài người chúng ta có một niềm hy vọng chắc chắn rằng: “Chúa Giê-su là Đầu của Hội Thánh, đã đi trước chúng ta vào Nước vinh hiển của Chúa Cha, để chúng ta, là chi thể của Thân Thể Người, sống trong niềm hy vọng một ngày kia sẽ được vĩnh viễn ở với Người.” (GLHTCG, số 666).

Hơn nữa, Đức Giê-su Lên Trời là để dọn chỗ cho con người lên sau. “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. (Ga 14, 2-3). Đức Giê-su Lên Trời nhưng Ngài không bỏ chúng ta mồ côi. Ngài vẫn hiện diện cách mới mẻ khi trao ban Thánh Thần cho con người. “Chúa Giê-su Ki-tô, đã tiến vào cung thánh trên trời một lần cho mãi mãi, không ngừng chuyển cầu cho chúng ta với tư cách là Đấng trung gian, Đấng luôn luôn tuôn ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta.” (GLHTCG, số 667). Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, Ngài hiện diện là Chúa Chúa và Chúa Con, Ngôi Lời Nhập Thể hiện diện. Chúa Giê-su Lên Trời không có nghĩa là Ngài không ở với chúng ta nữa, nhưng từ nay Ngài là trung gian đắc lực để chuyển cầu ân sủng Thiên Chúa cho con người và đón nhận những nhu cầu ước nguyện của con người dâng lên trước tôn nhan Thiên Chúa. Chúa Giê-su Lên Trời nhưng Ngài vẫn hiện diện với các môn đệ trong mọi nơi mọi lúc trong mọi hoạt động: “Có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.” (Mc 16, 20). Chúa Giê-su Lên Trời cũng là lúc Chúa đi vào cõi lòng, tâm hồn của mỗi chúng ta. Từ nay, ở đâu có niềm vui, có bình an và ân sủng dồi dào là ở đó có Chúa. Từ nay, những lúc ta yêu thương, gặp gỡ, nối kết, giúp đỡ nhau là Chúa đang hiện diện. Chúa hiện diện nơi đâu, nơi đó là thiên đàng. Thiên đàng không phải nơi đâu xa lạ nhưng đó là tình trạng có Chúa ở cùng, là sống yêu người thân cận, là giúp đỡ kẻ cô thể cô thân, là dấn thân hy sinh phục vụ, là sống khiêm nhường và hiền lành trong mọi nơi mọi lúc,… Như vậy, thiên đàng đâu ở xa chúng ta, nhưng đang hiện diện mỗi khi chúng ta thực thi điều răn của Chúa trong đời sống thường ngày.

Nói cách khác, Chúa Giê-su Lên Trời cũng có nghĩa là Chúa Giê-su đã hoàn thành sứ vụ Chúa Cha giao phó: là chấp nhận làm người, giống con người mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi; là yêu thương và hy sinh mọi sự vì nhân loại ngay cả cái chết. Ngài đã hoàn thành một cách xuất sắc khi vì tình yêu mà sẵn sàng hiến mạng sống cho nhân loại tội lỗi. Việc Ngài Lên Trời hay Về Trời là về nơi Ngài đã xuất phát, là về ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng. Việc Ngài Lên Trời như là phần thưởng xứng đáng mà Chúa Cha dành cho Ngài. Việc Ngài Lên Trời như muốn mời gọi tất cả mọi người hãy hướng về trời, hướng về thiên đàng, nơi vui vẻ đời đời bên Chúa.

Phần chúng ta, chúng ta được gọi là Ki-tô hữu, là người thuộc về Chúa Ki-tô, là người nghe Chúa Ki-tô, là người sống như/ sống trong/ sống cùng Chúa Ki-tô, thì chúng ta cũng được ‘Lên Trời’ với Chúa Ki-tô. Chúa Ki-tô không bỏ chúng ta mồ côi đâu, nhưng Ngài đi để dọn chỗ cho chúng ta như lời Ngài đã hứa. Trong khi chờ đợi Ngài dọn chỗ, Ngài cũng đã ban Thánh Thần, Đấng bảo trợ ở cùng chúng ta để hướng dẫn và thánh hoá mọi công ăn việc làm của chúng ta nhằm xứng đáng ‘Lên Trời’ cùng Chúa trong ngày sau hết.

Mặt khác, khi suy ngắm mầu nhiệm Năm sự Mừng, chúng ta suy gẫm nơi thứ hai: ‘Chúa Giêsu lên trời, ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời’: tại sao lại xin cho được ái mộ hay yêu mến những sự trên trời? Những sự trên trời là những sự gì? Phải chăng đó là những hoa quả của Chúa Thánh Thần: Bác ái, vui vẻ, bình an, kiên nhẫn, nhân từ, hoà nhã, hiền lành, tin tưởng, nhã nhặn, tiết độ và trong sạch? (x.Gl 5, 22-23). Yêu mến sự trên trời là luôn hướng thượng/ thượng giới thay vì hạ giới. “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”. (Cl 3,1-2); yêu mến sự trên trời là năng làm sự thiện thay vì gian ác; là hướng đến sự yêu thương, quan tâm và quảng đại với tha nhân thay vì hận thù, ghen ghét, dửng dưng, loại trừ,…Khi chúng ta thực hành những điều răn Chúa dạy là Mến Chúa – Yêu người là chúng ta đang ái mộ những sự trên trời rồi. Quả thật, ái mộ sự trên trời là hướng đến đời sống thiêng liêng, là hướng về thiên đàng dầu chúng ta đang sống nơi trần gian đầy khó khăn và thử thách. Chúa Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Nhập Thể đã ở cùng chúng ta và đã trải qua với biết bao thăng trầm cũng như gian khổ. Ngài đã chịu chết, đã sống lại và hôm nay Lên Trời ngự bên hữu với Chúa Cha. Là con cái của Chúa, chúng ta cũng cố gắng nỗ lực chiến đấu với 3 thù là ma quỷ, thế gian và xác thịt để khi hoàn tất cuộc sống lữ thứ này, chúng ta cũng được ‘Lên Trời’ cùng với Đức Giê-su Ki-tô, cùng với Đức Maria và cùng với các thánh. Thật vậy, khi chúng ta sống ái mộ những sự trên trời bằng những hành động cụ thể là chúng ta đang thực hiện di chúc của Chúa Giê-su trước khi Ngài về Trời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn không tin, thì sẽ bị kết án.” (Mc 16, 15-16)

Tóm lại, Đức Giê-su Lên Trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha là một “biến cố vừa có tính lịch sử đồng thời vừa có tính siêu việt, đánh dấu sự chuyển đổi từ vinh quang này đến vinh quang kia.” (x.GLHTCG, số 660). Từ nay, chúng ta sống trong niềm hy vọng rằng là chúng ta có một quê hương đích thực là Thiên đàng, là ‘Trời’, là nơi sẽ được hưởng hạnh phúc viên mãn với Thiên Chúa Ba Ngôi cũng như các thánh. Cho nên, giữa biết bao nhiêu khó khăn, thử thách, nhất là giữa đại dịch Covid-19 đang hoành hành dữ dội, mỗi chúng ta hãy biết hướng về Chúa, hướng về Trời, hướng về Thiên đàng vì chỉ có Chúa mới giải thoát chúng ta và thế giới thoát khỏi mọi sự. Chỉ nơi Chúa mà thôi, chúng ta mới được an lòng và hạnh phúc. Tiền tài, danh lợi thú chỉ là hạnh phúc chóng qua và tàn lụi, chúng ta không nên bám víu vào những thứ đó nhưng biết hãy bén rễ sâu vào Thiên Chúa ngang qua Đức Giê-su Ki-tô.

 

SUY NIỆM 2: CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI, NGÀI ĐỂ LẠI "CHÚC THƯ" GÌ CHO CHÚNG TA?

 

1/ Chúa lên Trời, niềm hy vọng chắc chắn?

Theo Giáo lý Hội Thánh công giáo, số 665 “Chúa Giê-su Ki-tô, là Đầu của Hội Thánh, đã đi trước chúng ta vào Nước vinh hiển của Chúa Cha, để chúng ta, là chi thể của Thân Thể Người, sống trong niềm hy vọng một ngày kia sẽ được vĩnh viễn ở với Người”. Quả thật, việc Đức Giê-su lên trời không phải hôm nay mới lên, mà khi Ngài sống lại đã lên ngự bên hữu Chúa Cha rồi. Nhưng tại sao hôm nay, chúng ta mới mừng biến cố vô cùng quan trọng này? Phải chăng Chúa có phương cách của Ngài là muốn hiện ra và đồng hành với các môn đệ sau khi Ngài chết. Đức Giê-su Phục Sinh đã đến và cùng đi với các Tông Đồ để củng cố đức tin yếu kém của các ông. Việc chưa tin và còn cứng lòng của các Tông Đồ sau biến cổ khổ nạn của Ngài, Đức Giê-su biết rõ hơn ai hết. Vì thế, sau khi Chúa Cha cho Đức Giê-su sống lại để giúp các ông hiểu rõ về chương trình cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Giê-su.“Trước ngày ấy, Người đã dạy bảo các Tông Đồ mà Người đã tuyển chọn nhờ Thánh Thần. Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình : trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa.” (Cv 1, 2-3)

Tuy nhiên, mặc dù sự hiện diện của Đức Giê-su sau khi sống lại cũng chưa đủ để thuyết phục cho các Tông đồ và mọi người tin một cách chắc chắn. Cho nên, sau 40 ngày, Đức Giê-su đã thực hiện một điều kỳ lạ trước mặt các Tông Đồ: “Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa.” (Cv 1,9). Đức Giê-su lên Trời là Ngài được ngự bên hữu Chúa Cha. Ngài trở về nơi Ngài đã xuất phát. Ngài lên Trời để chỉ đường cho chúng ta đi theo. Ngài lên Trời để khẳng định và xác tín với mỗi chúng ta rằng: ‘Quê hương thiên đàng’ là có thật, nơi hưởng vui vẻ đời đời với Chúa là có thật. Ngài lên Trời để nhắn gửi với mọi người rằng là Ngài đi để dọn chỗ cho chúng ta. “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14,2-3).

Quả thật, để chiếm được “chỗ ở” hay thiên đàng mà Đức Giê-su đã chuẩn bị cho chúng ta không phải không có khó khăn và gian nan, nghĩa là chúng ta phải chiến đấu để qua cửa hẹp, là phải biết từ bỏ tính mê nết xấu, là biết làm lành lánh dữ, là yêu thương tha thứ, là công bằng vị tha, là vui tươi dẫu có đau khổ và thử thách,… Do đó, nói như nhạc sĩ Hoàng Vân trong bài ca Hát về Cây Lúa hôm nay: “Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay.” Thật vậy, cuộc sống Thiên đàng mai sau sẽ được quyết định tuỳ thuộc vào cuộc sống hiện tại của mỗi chúng ta. Do đó, chúng ta cố sao để sống cho tốt, cho xứng đáng là hình ảnh của Thiên Chúa trong mọi nơi và mọi lúc. Khi chúng ta sống tốt và yêu thương là chúng ta đang hưởng phúc thiên đàng nơi trần gian rồi. Câu chuyện sau đây phần nào giúp chúng ta hiểu rõ thế nào là hoả ngục, thế nào là thiên đàng.

Có một hiệp sĩ Samurai kia rất hung bạo. Ông tìm đến một thiền sư hỏi: Xin cho tôi biết thiên đàng, hỏa ngục là gì. Vị thiền sư nhìn thấy con người thô bạo của anh thì nói: Ta không thể dạy cho ngươi biết thiên đàng hỏa ngục là gì, vì ngươi hung bạo quá. Ngươi làm nhục cho hàng ngũ hiệp sĩ của ngươi. Nghe vị thiền sư nói thế, chàng hiệp sĩ bừng bừng sát khí, rút gươm định chém vị thiền sư. Nhưng vị thiền sư đưa tay cản lại mà nói: “Hỏa ngục là đó”. Nhận được bài học thực tế của vị thiền sư, chàng hiệp sĩ dừng tay lại. Sự hối hận và thương cảm trào dâng trong tâm hồn y. Y hiểu rằng vị thiền sư đã dám hy sinh cả mạng sống để dạy cho y bài học về hỏa ngục. Y từ từ xỏ gươm vào vỏ, rồi quỳ gối trước mặt vị thiền sư với tất cả tấm lòng thành và tỏ ý sám hối. Vị thiền sư đưa tay đỡ y dậy, nhìn sâu vào đôi mắt y mà bảo: “Thiên đàng là thế đó”.

2/ Mệnh lệnh hay ‘chúc thư’ của Chúa Giê-su trước khi Ngài lên trời?

Trước khi về Trời, Đức Giê-su đã để lại một “chúc thư” hay sứ vụ quan trọng cho các Tông Đồ nói riêng và mỗi chúng ta nói chung: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.”(Mt 28,18-20). Sứ vụ này chính Đức Giê-su đã thực hiện, Ngài đã nêu gương. Nay trước khi Ngài lìa khỏi các Tông đồ, Ngài cũng muốn truyền lại sứ vụ đặc biệt này cho tất cả mọi người nhằm mở mang Tin Mừng của Nước Trời đến tất mọi hang cùng ngõ hẻm để hết thảy mọi người tin và được hưởng ơn cứu độ. Đây là ý muốn của Thiên Chúa, như Thánh Phaolô Tông Đồ dân ngoại đã nói: “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (Tm 2,4). Thật vậy, sứ vụ Loan Báo Tin Mừng cho muôn dân là trách nhiệm của mỗi ki-tô hữu. Không ai có quyền chối từ sứ vụ đó khi trên mình mang danh là ki-tô hữu. Nói rõ hơn như Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng là những ai đã chịu Bí tích Thánh Tẩy đều có trách nhiệm Loan Báo Tin Mừng hay truyền giáo. Chính Công Đồng Vaticanô II khẳng định rằng: Hành trình lữ thứ của Giáo Hội tự bản chất là một cuộc truyền giáo” (AG 2)

Là ki-tô hữu, chúng được mời gọi dấn thân đi đến với tha nhân, vì đó là sứ mạng. Chính Thánh Phaolô đã cảm nhận: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta” (2 Cr 5,14); hay “Khốn cho tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1 Cr 9,16). Đúng là khốn, là buồn nếu mỗi ki-tô hữu không chịu Loan Báo Tin Mừng. Tuy nhiên, để sống sứ vụ truyền giáo hay loan báo niềm vui Tin Mừng, mỗi ki-tô hữu tiên vàn là người vui và bình an, là người có Chúa. Mà đã có Chúa thì phải có niềm vui. Nếu không có niềm vui thì sứ vụ loan báo Tin Mừng xem ra phản tác dụng. Đức Thánh Cha đã cảm nhận được điều đó hết sức thực tế như sau: Có những kitô hữu sống như chỉ có Mùa Chay mà không có Phục Sinh. (NVTM, số 6). Ngài nói tiếp: Cho nên, một nhà truyền giáo không thể lúc nào cũng giống như một người vừa đi đưa đám về. Chúng ta hãy phục hồi và gia tăng lòng nhiệt thành,“niềm vui ngọt ngào và an ủi của việc rao giảng Tin Mừng, ngay cả khi chúng ta phải gieo trong nước mắt […] Chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, là thế giới đang tìm kiếm, có khi trong lo âu, có khi trong hy vọng, nhận được Tin Mừng không phải từ nhà truyền giáo buồn rầu và chán nản, thiếu kiên nhẫn hoặc lo âu, nhưng từ thừa tác viên của Tin Mừng mà cuộc sống của người ấy tỏa sáng lòng nhiệt thành, là người đã nhận được niềm vui của Đức Kitô trong mình trước”.(NVTM, số 10)

3/ Đức Giê-su lên Trời nhưng Ngài vẫn ở với nhân loại cho đến tận thế, nghĩa là làm sao?

Đức Giê-su lên Trời, nhưng Ngài không bao giờ bỏ rơi các môn đệ nói riêng, và chúng ta nói chung. Điều đó được chứng thực qua lời nói của Ngài: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,20). Nghĩa là làm sao?

Vì là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa là tình yêu, Đức Giê-su đã không nỡ lòng nào bỏ bê các Tông đồ và nhân loại lầm than. Dấu chỉ đó được cụ thể hoá qua những lời nói của Ngài đối với các môn đệ trước khi rời xa họ. Trước tiên, Đức Giê-su gửi Thánh Thần đến cho các Tông đồ. “Song, Thầy nói thật với anh em : Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em ; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.” (Ga 16,7) Điều đặc biệt là Đức Giê-su muốn ban Thịt Máu của Ngài cho các môn đệ nói riêng và mỗi chúng ta nói chung.  Chính câu nói “Thầy sẽ ở cùng anh em mỗi ngày cho đến tận thế” là ý muốn nói từ nay Ngài không thể hiện diện bằng xương bằng thịt như anh em đang thấy, nhưng Thầy sẽ hiện diện bằng cách thức khác, đó là Ngài trở nên Bí Tích Thánh Thể để nuôi sống mỗi người. Từ nay tấm bánh trắng và chén rượu nho, sau khi được truyền phép, tấm bánh trở nên Mình của Đức Giê-su, chén rượu trở nên Máu của Đức Giê-su. Từ nay, Ngài ở cùng nhân loại nơi các nhà tạm nơi các nhà thờ được thánh hiến. Nói cách thâm sâu hơn, khi chúng ta rước Mình Máu Người, chúng ta có Người hiện diện trong nhà tạm tâm hồn của chúng ta. Từ nay, chúng ta không còn cô đơn hay mồ côi nữa vì có Chúa Thánh Thần luôn ở cùng ta, đặc biệt, có Đức Giê-su là Bí Tích Thánh Thể ở bên cạnh ta nơi nhà chầu và nhất là ở trong cung lòng của mỗi chúng ta khi chúng ta rước Ngài. Bên cạnh đó, Đức Giê-su còn hiện diện nơi Lời Chúa, nơi những người nghèo, nơi những dấu chỉ yêu thương với anh em đồng loại.

Mầu nhiệm Đức Giê-su lên Trời không chỉ là niềm hy vọng chắc chắn về đời sống vĩnh cửu cho những ai có niềm tin vững chắc, mà mầu nhiệm này còn nhắc nhở chúng ta về bổn phận và trách nhiệm tiếp nối sứ vụ Loan báo Tin Mừng của những ai đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, giúp người khác đi trên con đường Đức Giê-su đã đi. Đó là con đường về Trời.  Đặc biệt, mầu nhiệm Chúa lên Trời không làm cho chúng ta mất Chúa, xa lìa đời đời, nhưng lời hứa của Chúa là “Thầy ở cùng các con mỗi ngày cho đến tận thế” đã làm cho chúng ta vui mừng hơn, có hy vọng tràn trề hơn và nhờ đó, chúng ta có sức mạnh và lòng nhiệt huyết để ra đi loan báo Tin Mừng cho mỗi anh chị em để chỉ đường cho nhiều người cùng về Trời với chúng ta. Amen.

 

 

 

Từ khóa:

Chúa Nhật và Lễ Trọng khác:

27/4/2024 - Ở lại và sinh hoa trái (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật V - PS)
20/4/2024 - Mục tử tốt lành - sự hiện diện của tình yêu (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV PS)
7/4/2024 - Tôi là nữ tỳ của Chúa (08.04.2024 – Thứ Hai Tuần 2 Phục Sinh - Lễ Truyền tin)
31/3/2024 - Ánh Phục Sinh xé toạc màn sự chết (suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật Phục Sinh)
23/3/2024 - Từ lời vạn tuế đến lời kết án (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Lá - Năm B)
9/3/2024 - Ánh sáng cứu độ từ Thập Giá (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV mùa chay - Năm B)
2/3/2024 - Tâm thế thờ phượng mới (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật III mùa chay - Năm B)
24/2/2024 - Biến hình là biến đổi nội tâm (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật II mùa chay - năm B)
3/2/2024 - Theo sát dấu chân Thầy Giêsu (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật V - TNB)
27/1/2024 - Gieo Lời Chúa trong tâm điền (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV - TNB)
20/1/2024 - Bài giảng Đức Thánh Cha: Chúa nhật 3 Thường niên năm B – Chúa nhật Lời Chúa
13/1/2024 - Cầu nối đến với Chúa (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật II - TNB)
7/1/2024 - Suy niệm chú giải Lời Chúa – Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa – Năm B
7/1/2024 - Hành trình tìm kiếm Ánh Sáng (Suy niệm Tin Mừng lễ Chúa Hiển Linh - năm B)
6/1/2024 - Bài giảng của Đức Thánh Cha - Lễ Chúa Hiển Linh
 
  VIDEO CLIPS  
Video
Album Dâng Mẹ ngàn hoa
Ngàn hoa dâng Mẹ
Bộ mẫu dâng hoa kính Mẹ năm 2024
Vết thương Phục Sinh
Giêsu khải hoàn
Thập Giá niềm hy vọng đời con
Suy niệm 14 chặng đàng Thánh Giá "DẤU CHÂN TÌNH YÊU TRÊN ĐƯỜNG THƯƠNG KHÓ"
Suốt đời Mẹ Cha
Ước vọng cuộc đời
Xuân đã về
 
  FANPAGE FACEBOOK  
  LIÊN KẾT WEBSITE  
Hội Dòng MTG. Hưng Hóa
Hội Dòng MTG. Xuân Lộc
Hội Dòng MTG. Nha Trang
Hội Dòng MTG. Cái Mơn
Hội Dòng MTG. Gò Vấp
Hội Dòng MTG. Thủ Đức
Giáo phận Long Xuyên
Giáo phận Đà Lạt
Giáo phận Cần Thơ
Giáo phận Bà Rịa
TGP. Sài Gòn
Giáo phận Quy Nhơn
Giáo phận Nha Trang
Giáo phận Kon Tum
Giáo phận Đà Nẵng
Giáo phận Ban Mê Thuột
Giáo phận Phát Diệm
Giáo phận Lạng Sơn
Giáo phận Hải Phòng
Giáo phận Bùi Chu
Giáo Phận Bắc Ninh
Giáo phận Hưng Hóa
TGP. Hà Nội
Giáo phân Thanh Hóa
Giáo phận Vinh
Giáo phận Hà Tĩnh
 
  Trang chủ I  Giới thiệu   I  Giáo Hội   I  Sinh hoạt Hội Dòng   I  Cộng đoàn   I  Mục vụ   I  Suy niệm - Suy tư   I  Góc sáng tác   I  Kỹ năng sống    

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ VINH
Địa chỉ: Xã Đoài, Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An
Điện thoại: 0982.868.275 - 0386.501.245
Email: [email protected]
Website: http://mtgvinh.com