“Đi Ra Vùng Ngoại Biên” đã trở thành câu nói quen thuộc của nhiều tín hữu kể từ khi Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập trong Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng”. Ngài khuyến khích mọi người bước ra khỏi sự quen thuộc hằng ngày của mình để đi đến những nơi, với những người xa lạ ở vùng ven, vùng ngoại biên … Đây không chỉ là một lối sống thích ứng tích cực trong khuynh hướng toàn cầu hóa hiện nay, nhưng còn là một phương thế, một giải pháp để Tin Mừng Chúa Kitô được rao giảng rộng rãi hữu hiệu hơn. Phải ra khỏi khu vực an toàn của mình để “đến với những vùng ngoại biên” thì mới có thể cảm được nỗi đau, sự bần cùng, túng quẫn của nhân thế. Từ đó thắp lên ánh sáng của tình yêu và niềm hy vọng cho con người.
Trong tinh thần ấy, chị em Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh đã bỏ lại sự bằng phẳng, trơn tru, rộng rãi của những quốc lộ, để băng rừng vượt núi đến với những dân tộc thiểu số của Huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, với quãng đường khoảng 300 km. Như một sự trải nghiệm, mỗi chị em đều hứng khởi để sải bước trên những con đường ngoằn ngoèo, quanh co, bê tông thì ít, bùn đất thì nhiều. Sau một quãng đường bê tông uốn lượn ven sườn núi nối với Quốc lộ 16 lại thêm một quãng đường rừng đầy rẫy dốc lớn, dốc bé bên cạnh những vực cao, vực thấp. Tôi thầm tạ ơn Chúa bởi những kỳ công của Người, giữa nơi núi cao hiểm trở, chênh vênh vẫn có sự hiện diện của con người, một sự hiện diện đầy năng động.
Một nơi mà điện lưới quốc gia chưa có nhưng cuộc sống của họ thật bình dị, đơn sơ, thân thiện. Họ không ngừng cố gắng để sống năng động, linh hoạt với hoàn cảnh của mình, họ sáng tạo những nguồn điện thô sơ, nhỏ bé đủ để gia đình họ quây quần bên nhau. Những ngôi trường Mầm Non, Tiểu Học nhỏ bé hơn cả những ngôi nhà cấp bốn dưới miền xuôi, được dựng lên bên triền núi cheo leo nhưng lại là nơi chuyên chở những ước mơ, hy vọng cho các em nhỏ nơi đây. Cây cầu mới ngang suối như con đường đưa các em đến tương lai gần hơn. Những chuyến xe chở các em cấp hai, cấp ba đi học xa nhà cả tuần lễ mới trở về một lần như mang cả niềm vui, niềm hạnh phúc và ước mong. Thật là một tương lai đầy hy vọng cho Bản làng.
Rồi sự hiện diện của chị em chúng tôi như một nguồn sáng mới, một nhóm lửa mới đem tình yêu, sự nhiệt huyết, hăng say của tuổi trẻ, của tuổi thanh xuân đến với Bản, đến với từng gia đình và từng người dân. Hành trang mỗi chị em mang theo chẳng có gì khác ngoài “Tình yêu Đức Ki-tô”. Sự gặp gỡ, thăm hỏi, những câu chuyện giao lưu, những món quà và cả những điệu nhảy vui nhộn đã để trong lòng mỗi người một kỷ niệm đáng nhớ, một ý nghĩa khó phai. Sự gần gũi, thân thương giữa con người với nhau càng trở nên dấu ấn để lại. Từ đứa trẻ được bọc trong chiếc địu bằng vải ngoan ngoãn ngủ yên trên lưng mẹ cho đến những bậc lão thành của Bản, ai nấy đều toát lên một nét phấn khởi, mừng vui. Vâng, đó là phép màu và phép màu đó đến từ những trái tim chan chứa tình yêu. Chính tình yêu là sợi chỉ đỏ nối kết chúng tôi, từ những con người xa lạ trở thành những người bạn, người con, người cháu trong đại gia đình nhân loại.
Những khó khăn, trắc trở trên quãng đường chẳng còn là gì so với niềm vui, niềm hạnh phúc chúng tôi nhận được sau khi đến với người dân nơi đây. Chúng tôi trở về, để lại tình người với những nếp nhà sàn gỗ nhỏ xinh xếp san sát nhau theo từng dãy. Chúng tôi trở về mang theo niềm hy vọng, hoài bão và ước mơ sẽ còn được đến với nhiều người, nhiều nơi khác nữa. Với ước mong tình Chúa sẽ luôn được hiện hữu ngang qua sự hiện diện của chúng tôi giữa lòng đời.
La Thứ
|