Trong ánh hoàng hôn dần buông của buổi xế chiều, lúc đang đi dạo trên con đường quen thuộc xung quanh ngôi nhà nguyện, Nó bắt gặp chị nữ tu già đang cặm cụi di chuyển chiếc xe lăn cách mệt nhọc, theo thói quen Nó vội vàng tiến tới và hối hả thưa: “Chị ơi, em đẩy chị về phòng nhé!”. Một giọng nói trầm lắng từ từ phát ra: “Dạ, nhờ chị giúp em về phòng với”!
Nó vui vẻ đẩy chiếc xe lăn tiến vào dãy nhà ở, vì chị ở tầng 2 để thuận tiện cho việc đi lại nên hai chị em phải di chuyển bằng cầu thang máy. Khi cửa thang máy dần đóng lại, hình ảnh phản chiếu trên tấm gương “Người chị già ngồi trên chiếc xe lăn, còn Nó đứng phía sau cầm lấy tay lái”. Bỗng dưng, Nó nhìn thấy khuôn mặt chị chùng xuống, ánh mắt như muốn trốn tránh một sự thật hiện sinh gì đó. Bất giác một luồng suy nghĩ hiện lên trong tâm trí, Nó nghĩ: “Chắc chị đang nhớ về khoảng thời gian thanh xuân, tuổi trẻ trước đây, những giây phút huy hoàng khi phục vụ nơi này nơi kia, rồi cả những nhiệm kỳ làm chức vụ này sứ mạng nọ. Hồi xưa chị cũng từng trẻ trung, năng động, xinh đẹp và nhiệt huyết như Nó lúc này”. Thế mà bây giờ đã đến tuổi xế chiều, xế bóng, mái tóc nhuộm đủ màu muối tiêu, phải cậy nhờ đến sự giúp đỡ của người khác. Ngẫm nghĩ đến lời Chúa Giêsu đã nói trong Tin Mừng Gioan: “Lúc còn trẻ, con tự mình thắt lưng lấy và đi đâu tùy ý nhưng khi về già, con sẽ phải giang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn con đến nơi con chẳng muốn” (Ga 21, 18).
Công việc bổn phận của Nó trong giai đoạn này là chăm sóc các chị già liệt giường và những chị không còn khả năng đi lại. Một cơ hội nó được tiếp xúc, sống chung và sống cùng những người tu sĩ ở độ tuổi xế chiều. Quan sát cuộc sống của những người chị đi trước, nó nảy lên nhiều suy tư cũng như thấy được những góc khuất mà trước giờ bản thân chưa từng nghĩ tới.
Hồi tưởng lại trong kí ức, có những người bạn cùng trang lứa đã từng đặt câu hỏi với Nó rằng: “Mày đi tu rồi khi về già sống với ai, ai chăm sóc, không có con cháu sum vầy thì buồn lắm….” Nhưng thực ra, với những người không sống Đời Sống Thánh Hiến, họ không thể hiểu thấu được rằng: “Người tu sĩ khi về già họ không buồn sầu, không cô đơn cũng không hề bất hạnh”. Họ có một gia đình Hội Dòng rộng lớn, tuy không chung ruột thịt máu mủ nhưng là chị em sống chung nhà, chung lý tưởng, chung linh đạo, chung sứ mạng và cùng chung lời kết ước với Đấng Tình Quân Giêsu. Ngoài ra, ở những buổi chiều tà bóng xế thì họ vẫn còn tận hưởng “niềm vui đồng trang lứa”, đó là những người chị, người em mà những năm tháng trước họ đã cùng chung sống, cùng đi tu, cùng trưởng thành, cùng tuyên khấn, cùng phục vụ và rồi cùng nhau già đi. Khi đã về nhà hưu dưỡng, họ cũng có những người chị em già như mình, có hội bạn già để cùng hoài niệm những kỉ niệm đã qua. Đặc biệt, những người tu sĩ già luôn luôn có thì giờ và cơ hội để kết hợp với Chúa trong nhà nguyện hay trên giường bệnh. Những hình ảnh chị già liệt giường nhưng trong tay vẫn ôm lấy Thánh Giá làm cho Nó hiểu rằng, cho đến khi da mồi tóc bạc, khi sức lực đã cạn thì vẫn còn có tình yêu Chúa là nguồn sức mạnh của mình.
Càng tiếp xúc, Nó càng thấu hiểu về tính cách của những chị cao niên, khi về già lại càng giống trẻ thơ, dễ nhõng nhẽo, thích được chiều chuộng, ủi an, đúng như người xưa có câu: “Một đời người hai lần trẻ con”. Có người chị cao niên từng nói với Nó rằng: “Chị được Anh Giêsu yêu riêng”. Nó cảm thấy thật dễ thương và cảm phục trước sự đơn sơ của Chị. Mặt khác, không chỉ những tu sĩ già mà cả những người cao tuổi nói chung thường rơi vào tình trạng cô đơn hay là mặc cảm rằng mình vô dụng. Nhưng thực ra, khi không còn sức lực, tài năng, những người tu sĩ già vẫn có thể đóng góp vô vàn lời cầu nguyện, đó không chỉ là sứ vụ mà còn là phương tiện trong đời sống thiêng liêng của họ. Thêm vào đó, sự hiện diện và tinh thần lạc quan của những người cao niên lại đóng một vai trò to lớn. Bởi chưng, những người tu sĩ ở độ tuổi xế chiều khi đã kinh qua những thăng trầm của thời cuộc, họ gặp gỡ nhiều đối tượng, trải qua nhiều cảnh huống khác nhau. Họ biết điều gì đúng, điều gì sai, cái gì cần buông bỏ và cái gì phải nắm giữ. Nếu như Hội Dòng nào vắng bóng sự hiện diện của các tu sĩ già thì thật là thiệt thòi, bởi vì họ thiếu đi một hậu phương vững chãi cho những chị em đang hoạt động truyền giáo ngoài tiền tuyến.
Suy tư về những người ở cuối sân ga cuộc đời và với công việc mà Nó đang phục vụ, Nó phải học cách làm quen những lúc trí nhớ các chị không còn minh mẫn, chân tay hoạt động chậm chạp và cả những khi tính khí thay đổi thất thường, để có thể kiên nhẫn và ân cần với các chị, vì rồi cũng đến lượt Nó phải già đi trong tương lai.
Thiết nghĩ, khi người ta dốc hết nhiệt huyết để đón nhận ánh bình minh tuổi trẻ thế nào thì khi đã đến những chương cuối của cuộc đời, họ cũng sẽ an nhiên đón nhận những buổi hoàng hôn lịm tắt và những buổi chiều tà bóng xế của cuộc đời một cách thanh nhàn và bình an.
Lan Hương
|