Có lẽ những ai đã và đang dấn thân sống ơn gọi thánh hiến đều phải tập cho mình từ bỏ những gì thuộc về thế gian ở đời này. Đó là tình yêu, danh vọng, tài sản, sở thích, tính cách, thậm chí là gia đình, ngay chính những người thân yêu của mình.
“Chúng ta có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một chốn để về: đó là Nhà”. Ai trong chúng ta cũng biết rằng gia đình là cái nôi nuôi dưỡng đời sống đức tin, đời sống vật chất. Chính nơi này mà ta được lớn lên, trưởng thành về mặt thể chất lẫn tinh thần, nơi ấy đi theo dòng chảy thời gian, năm tháng của cuộc đời chúng ta. Trường học đầu tiên ấy gắn bó với ta từ lúc sinh ra có trí khôn, được học hành cho tới khi theo học các trường đại học, đi làm hay lập gia đình. Đó sẽ mãi là kỉ niệm in dấu ngay từ hồi còn bé. Điều này, tôi viết cho những ai đã là tuổi thơ, đặc biệt viết cho tu sĩ ngày nay. Vì thế, khi nhắc tới gia đình là ta hoài niệm ngay về tuổi thơ, chuỗi các câu chuyện, hộp kí ức dần hiện ra trên từng khuôn mặt, cử chỉ của cha mẹ, anh chị em thân thiết. Những hình ảnh đùa vui trộn lẫn nỗi buồn bất chợt ùa về như một thước phim quay chậm trong tâm khảm vậy đó. Mỗi lần nghĩ về nhà, ta lại càng mạnh mẽ can đảm sống con đường thập giá. Chính nhờ tổ ấm yêu thương mà ta vững vàng bước đi. Gia đình cho ta niềm tin, cho ta tình yêu và là động lực lớn lao trong đời sống tu trì. Đối với người tu sĩ họ luôn hướng trái tim mình về gia đình, những người thân thuộc, bà con lối xóm hơn bao giờ hết.
Ranh giới lựa chọn giữa Thiên Chúa và gia đình là người tu sĩ phải từ bỏ gia đình hoặc từ bỏ làm môn đệ Chúa. Theo Chúa là phải tử bỏ mọi sự, kể cả việc từ bỏ gia đình. Chúa dạy rằng: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được”. Mỗi khi suy ngẫm câu lời Chúa này, ta hiểu rằng Chúa không có ý nói từ bỏ hoàn toàn mái nhà – nơi ta từng được giáo dục, yêu thương. Nhưng là để nhắn nhủ ta hãy để tình yêu Thiên Chúa với ta lớn hơn tình yêu gia đình, đừng để tình cảm gia đình lấn át, làm xáo động tâm trí ta. Yêu mến gia đình là điều đáng, nhưng tình yêu này không được làm thiệt hại cho đức ái hoặc làm cho linh hồn bị lâm nguy. Yêu mến gia đình và bà con họ hàng đến độ phải hi sinh bổn phận, tổn thương lương tâm, đó là điều không đúng. Yêu cha mẹ. Phải! vì đạo làm con. Nhưng việc yêu cha mẹ quá nuông chiều theo tình cảm tự nhiên như muốn về nhà thăm viếng thường xuyên, luôn mong chờ tin tức, hoặc quá lo lắng cho sức khỏe và hoàn cảnh sống của các ngài có thể làm xáo trộn và suy giảm đời sống nội tâm của ta.
Vậy làm thế nào để giúp chúng ta cân bằng tâm lý, điều chỉnh cảm xúc khi quá lệ thuộc vào tình cảm gia đình tại nơi đa đang sống, ta đang phục vụ?
Thay vì ta luôn lo lắng, thì ta hãy hướng lòng lên Chúa, cầu nguyện thường xuyên với sự đau khổ của Chúa Giesu trên thập giá qua chính nỗi đau, nỗi buồn gia đình mình; cũng vậy niềm vui phục sinh con Chúa giúp ta có động lực sống vui mỗi ngày bên gia đình. Mọi việc hãy phó thác cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ cứu giúp nâng đỡ lúc ta cảm thấy mệt mỏi hay lúc lo âu hay thất vọng. Đừng lo mất phần của Chúa. Cứ để Chúa lo. Các thứ khác người sẽ ban cho.
Hi vọng rằng, qua những chia sẻ ngắn này sẽ là kinh nghiệm hữu ích giúp các tu sĩ trẻ mới chập chững bước vào đời sống dâng hiến tìm kiếm và nhận ra ý Người, thanh tẩy và làm mới động lực về gia đình mỗi ngày hầu có thể làm tươi trẻ đời sống nội tâm của mình hơn.
Sao Biển
|