Vừa bước ra khỏi nhà thờ sau Thánh lễ thiếu nhi chiều Chúa Nhật, một hơi nóng hầm hập phả thẳng vào mặt chúng tôi. Đứa cháu gái bé bỏng bỗng giật mình ôm chặt lấy tôi, rồi hỏi: “Bác! Cái gì mà sao nó thở ra nóng thế!”.
Tôi nhẹ nhàng bế cô bé lên rồi nói với nó: “Đấy là cục nóng điều hòa của nhà thờ đấy con gái ạ”. Dĩ nhiên sau đó tôi phải giải thích về cơ chế hoạt động của điều hòa cho cô bé.
“Thế người ta không làm được cái điều hòa mà không có cục nóng hả bác” – cô bé gặng hỏi.
Tôi cười đáp: “Có lẽ sau này con sẽ là người phát minh ra cái điều hòa ấy, chứ bây giờ người ta chưa làm được con ạ”.
Cô bé buồn bã đáp: “Thế thì hóa ra là bằng nhau bác nhỉ?”
“Bằng nhau ư? Ý con là sao nhỉ, bác chưa hiểu lắm”- Tôi hơi bối rối.
“À! Thì để có cái này thì phải chịu mất cái kia! Để được mát lạnh như trong nhà thờ mình, thì ngoài này lại phải chịu hơi nóng khó chịu, bác ạ!”
Tôi cảm thấy có điều gì đó vừa lóe lên trong đầu tôi, sau một thoáng “đứng hình” trước lời nhận xét “như người lớn” của cô cháu gái bé bỏng.
Bạn thân mến!
Sau khi sáng tạo, Thiên Chúa không hề “can thiệp” trực tiếp lên công trình tạo dựng như một ông chủ hà khắc, hay như một diễn viên điều khiển con rối; trái lại Người ban cho con người có tự do để sống và quản cai thế giới. Người cũng chẳng hề “bỏ rơi” vũ trụ này, nhưng đặt vào nó những quy luật để nó vận hành theo thánh ý của Người.
Chẳng phải đã có rất nhiều quy luật về vật lý, thiên văn học hay hóa học…mà con người đã khám phá ra đó hay sao. Còn với tôi, tôi muốn nói đến một quy luật của sự Công Bằng.
Tôi chợt nhớ đến định luật Newton, đó là khi ta tác động một lực lên vật khác, thì vật đó cũng tác động lại một lực bằng như vậy lên ta. Chẳng hạn, bạn đấm vào bao cát thì bao cát ấy cũng trả lại bạn một lực như vậy.
Trong tự nhiên ta thấy rõ quy luật công bằng ấy, khi tác động xấu lên môi trường, thì nhận lại là những cơn giận dữ từ mẹ thiên nhiên; cụ thể là biết bao thiên tai, thay đổi khí hậu bất thường đang tác động ngược lên chính con người.
Còn trong đời sống luân lý của con người thì sao nhỉ? Phải chăng các cụ nhà ta cũng đã thấy rõ điều đó khi dạy con cháu trong những lời ca dao, tục ngữ như: “Ở hiền thì gặp lành” hay “Gieo gió thì gặp bão”, “Sóng trước xô đâu, sóng sau xô đấy” hoặc “Đời cha ăn mặn đời con khát nước” …
Trong dịp nghỉ hè vừa rồi tôi nghe thấy nhiều chuyện buồn từ nơi tôi được sinh ra. Một vài gia đình phải bán đất trả nợ vì con cái chơi bời, nợ nần; thậm chí hiện giờ không còn đất để ở, phải đi ở nhờ. Có những người tôi khó lòng nhận ra vì dáng vẻ tiều tụy, chán nản, thất vọng bởi những chuyện gia đình, con cái. Có người thì cuối đời sống trong sự cô đơn, bệnh tật, chẳng ai đoái hoài.
Khi tôi chia sẻ những chuyện này với các cụ cao niên trong làng, thì nhận được lời nhận xét rằng, hầu hết họ là những người khi con trẻ đã lao vào kiếm tiến cách bất chấp, với mọi thủ đoạn thậm chí cãi nhau với hết mọi người cũng chỉ vì dành lấy cái gọi là “miếng cơm manh áo”; trong số họ, nhiều người chẳng bao giờ biết đến nhà thờ nhà thánh, khi họ còn ở cái tầm “oai phong lẫm liệt”, cũng chẳng bao giờ dạy dỗ con cái theo tinh thần Kitô giáo.
Cuối cùng thì “Của Thiên cũng trả Địa” thôi! – Các cụ thở dài nói với tôi
Ngược lại, tôi cũng thấy, nhiều lắm những gia đình cảm thấy hạnh phúc, viên mãn sau những ngày tháng vất vả chăm chỉ cả việc đạo lẫn việc đời. Có người sung túc vì con cái thành đạt và hiếu thảo; có những người hạnh phúc vì con cái trở thành linh mục, hay tu sĩ; cũng có những người không lấy gì là giàu có nhưng bình an vì con cái ngoan ngoãn, trưởng thành, được mọi người yêu mến.
Những điều này là có thật, không chỉ trên quê hương tôi nhưng tôi nghĩ sẽ xảy ra ở nhiều nơi, và tôi tự hỏi liệu đó có phải là tác động của quy luật Công Bằng? Tôi không phán xét cũng chẳng kết luận, tôi chỉ chia sẻ suy tư cá nhân về những điều đã được đánh động và được thôi thúc viết ra.
Tôi mong những người trẻ, những người đầy tràn năng lượng, đầy tràn khát vọng lẫn cả tham vọng, đang muốn lao nhanh vào đời, đang muốn thành công trong cuộc sống cách mãnh liệt hơn ai hết hãy thử lúc nào đó ngẫm về “luật công bằng”, để chúng ta sẽ nhận lại sự bình an, hạnh phúc sau khi đã miệt mài mang vào đời niềm vui, trao cho người tình yêu, và gieo vào thế giới này những điều tốt đẹp.
Thánh Phaolô cũng dạy chúng ta: “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng” (Gl 6,9) Bởi những điều thiện hảo chúng ta đã gieo sẽ không ngay lập tức trổ bông, cần có sự kiên nhẫn và trung thành đợi chờ trong hy vọng đến mùa gặt.
CHIARA |