Cuộc sống đôi khi là một gánh nặng. Làm thế nào để chống lại cảm giác hao mòn đeo bám chúng ta? Nhà tâm lý học Jacques Arènes giải thích.
lavie.fr, Jacques Arènes, 2021-06-16
Thi sĩ Pháp Charles Baudelaire gợi lên nỗi nặng nề của ký ức trong bài thơ mang tựa đề Nỗi chán đời:
“Tôi có nhiều ký ức hơn nếu tôi ngàn tuổi.
Một hộc tủ khổng lồ ngổn ngang với các bảng kết toán,
Những câu thơ, những bức thư tình, những vụ kiện tụng, những mối tình lãng mạn,
Với mái tóc dày cuộn lại trong đống biên lai,
Giấu ít bí mật hơn bộ não buồn bã của tôi.”
Một số trong chúng ta, thậm chí còn khá trẻ, có cảm giác về một ký ức nặng nề, trĩu nặng như thể họ đã tích lũy tất cả sức mạnh, tất cả tấn công của sự tồn tại. Cô Emma ngoài ba mươi, ánh mắt nâu và sâu thẳm nói với tôi: “Tôi đúng là chết dần chết mòn”. Emma thú nhận điều này một cách tàn bạo: tất cả xảy ra như thử cô có nhiều đời sống. Cô không xem việc này như một cơ hội, nhưng là một chuỗi các đấu tranh bất tận.
Bí mật về bản thân
Cô phải săn sóc cha mẹ đau yếu trong bối cảnh xã hội khó khăn, cô phải chiến đấu hết mình để chật vật đương đầu với công việc đầy khó khăn. Chiến đấu và trải qua những cuộc chia tay, điều mà cô không muốn, ngay cả khi cô cảm thấy mình có gì đó liên quan đến nó. Vài cuộc đời, và cũng nhiều khởi đầu lại. Cô xem mình như hộc tủ trong bài thơ của Baudelaire, ngổn ngang với các bảng kết toán, với những kiện tụng (và từ đó là xung đột), các mối tình lưng chừng, khi “đầu tóc cuộn lại trong đống biên lai” tượng trưng cho sự đan xen của lo lắng vật chất và thôi thúc của trái tim.
Đau khổ có tránh được không?
Tất cả điều này dĩ nhiên là không rõ ràng, do đó cần phải hiểu hoặc vượt qua những bí mật bao trùm nó, không nhất thiết là bí mật gia đình, như chúng ta vẫn thường nói, mà là những bí mật bản thân làm cho việc tích lũy kỷ niệm trở nên mờ mịt và dù sao cũng sẽ mờ mịt như vậy khi các sự kiện xảy ra với cô theo chiều hướng chủ quan trong các quyết định của cô.
Hy vọng, một hướng dẫn cho cuộc sống
Có nhiều đời: ngày nay có nhiều người bị thu hút với ý tưởng này, gần như siêu hình, rằng số phận sẽ cho chúng ta một vài cơ hội trong trò chơi tồn tại. Đây là quan điểm có thể hiểu được, nhưng khá phiến diện. Người theo đạo phật sẽ cho rằng việc có vài kiếp không phải là may rủi mà là một dạng nguyền rủa mà họ phải thoát ra, vì sự lặp đi lặp lại của những kiếp này là kết quả của quá khứ chúng ta, chúng ta tiếp tục mang theo và khổ nhất là phải trả giá.
Quay lại với Emma. Loại “nguyền rủa” này là mệt mỏi hao mòn, yếu tố thiết yếu trong cái nhìn của cô về sự tồn tại.
Nhưng, nó không chỉ có vậy; một cái gì đó có thể giống như hy vọng. Nỗi chán đời của Baudelaire gợi lên làm chúng ta liên tưởng đến mùa đông tâm hồn, trong đó nhà thơ đắm mình trong một loại hài lòng với nó. Emma tránh sự tự mãn này. Cô đi tìm một con đường. Dù tối đến đâu. Bởi vì bóng tối không ngăn chúng ta đi tới đàng trước, dù khi đó cuộc hành trình làm lo lắng hơn. Đi tới mà không biết, luôn không biết, vì có đi tới mới biết.
Các nhà phân tâm học không nghĩ sự thật chỉ nằm ở phía sau, trong hộc tủ với những mùi thơm lỗi thời. Sự thật còn ở phía trước, cần được khám phá hoặc xây dựng. Trong trường hợp này, vài cuộc sống mà Emma nghĩ rằng cô đã trải qua, không phải là không có tổn hại nhưng dần dần tạo thành một tồn tại duy nhất, với những điểm dừng, nhịp điệu thay đổi, những khủng hoảng và sự ngưng trệ của nó, một tồn tại đảo lộn và duy nhất. Chỉ có thể đẹp trong sự độc đáo của nó…
Marta An Nguyễn dịch
|