>> SUY NIỆM - SUY TƯ | SUY TƯ - CHIA SẺ

Vững một niềm tin - vẫn một tình thương
Tin đăng ngày: 22/6/2022 - Xem: 4972

Upload

Dẫn vào
Khái lược nội dung
Ai thấy Người Con và tin vào Người Con...
Gánh nhau trong đời
Thương quá Sài Gòn ơi
... thì được sống muôn đời
Hãy cho họ ăn bây giờ...
Sống đức tin giữa đại dịch Covid-19
Thay lời kết: Thương quá Việt Nam...

Dẫn vào

Đã gần hai năm trôi qua kể từ ngày 11 tháng 3 năm 2020, ngày đầu tiên Tổ chức Y tế Thế giới WHO công bố sự xuất hiện bùng phát của Covid-19 là đại dịch toàn cầu, một thứ bệnh viêm đường hô hấp cấp![1] Cũng trong ngày đó, thế giới đã chứng kiến những trường hợp đầu tiên nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 tại một số nước như: Công-gô, Bô-li-vi-a, Thổ Nhĩ Kỳ... rồi ngày càng xuất hiện thêm nhiều loại biến thể của loại vi-rút “rất tinh quái” này.[2] Tính đến nay, theo một bản thống kê trên toàn cầu ngày 10-01-2022, tổng số ca nhiễm Covid-19 đã là 305.000.000 ca; tổng số ca tử vong vì Covid-19 là 5.480.000 ca.[3] Cũng theo thống kê này, tại Việt Nam, số ca nhiễm Covid-19 đã là 1.880.000 ca; số ca tử vong vì Covid-19 là 34.117 ca.

Đau khổ. Lo âu. Sợ hãi! Những câu hỏi xoay quanh bối cảnh đó đã bắt đầu... nay xuất hiện với cường độ cao một cách lạ thường: Tại sao lại có vi-rút SARS-CoV-2? Ai là người phải chịu trách nhiệm trước nhất về đại dịch Covid-19 này? Tại sao Chúa lại để cho dịch bệnh “quái ác” này xảy ra? Tại sao Chúa không ra tay chữa lành khi nhân loại kêu cầu? Và thế là, từ những góc nhìn khác nhau, rất nhiều bài viết nhằm đưa ra câu trả lời cũng đã được trình làng, mỗi bài góp phần trả lời một chút, trong đó có Vững một niềm tin, vẫn một tình thương... như sau đây.

 


Khái lược nội dung


Xuất phát từ Lời Chúa dạy, Vững một niềm tin, vẫn một tình thương... ghi lại chút suy tư sống đức tin, những tâm tình sống đạo giữa đại dịch Covid-19, nhằm phản ánh một phần nào đó, một góc nhỏ nào đó về tính thời sự của các hoạt động tông đồ bác ái của các Ki-tô hữu đã và đang thực hiện trong cuộc đời. Vâng, những hệ luỵ rất nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 đã tạo ra, không chỉ rất cần được thấu hiểu, được đón nhận (dù muốn hay không), cần được thích ứng với một đức tin kiên vững của từng người mà còn hết sức quan trọng là... cần phải được mọi người có ý thức cùng nhau giải quyết, ứng xử với sự khôn ngoan và tình bác ái theo gương sống của Thầy Giê-su. Nghĩa là, với sự khôn ngoan và tình thương bao la nhất có thể của mọi thành phần dân Chúa thuộc “Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”; trong đó, “Hiệp hành là lối sống của Hội Thánh” để dân Chúa “cùng nhau cất bước lên đường…” cách hăng hái, phấn khởi.[4] Thật vậy, bất kỳ biến cố nào, sự kiện nào - huống chi là đại dịch Covid-19 - cũng cần được suy tư, cần được “soi sáng dưới lăng kính đức tin, để giúp người tín hữu vững tin trước những vấn nạn về sự dữ và lòng thương xót của Thiên Chúa”.[5] Theo đó, cũng sẽ cần lắm sự hiệp thông với nhau và cầu nguyện cho nhau, cho các sự việc chung và riêng, cách đặc biệt cho những người đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.

Nghĩa là, dưới ánh sáng của Lời Chúa, với những hướng dẫn mục vụ của các đấng bậc trong Giáo hội dành cho cộng đồng dân Chúa; trong tâm tình chia sẻ trách nhiệm với những vị hữu trách, đang chăm lo cho đồng bào, nhất là những người nghèo, những người đau khổ; đồng thời cũng là cách thể hiện tinh thần phục vụ của người Ki-tô hữu: sẻ chia và luôn đồng hành cùng dân tộc, Vững một niềm tin, vẫn một tình thương... là cách nói khác đi của câu Lời Chúa “Thầy chạnh lòng thương đám đông... họ không có gì ăn”.[6] Chính Lời Chúa soi sáng tâm trí và hành động để làm nên những “thước phim thời sự” của công việc bổn phận phải thực hiện. Hy vọng mọi người chúng ta đều cảm thấy được Lời Chúa và ân sủng của Người soi sáng, nâng đỡ, khích lệ cách đặc biệt. Thật vậy, được suy tư dưới ánh sáng đức tin và trong tinh thần “hiệp hành”,[7] Vững một niềm tin, vẫn một tình thương… gồm các tiểu mục: Dẫn vào, Khái lược nội dung, “Ai thấy Người Con và tin vào Người Con…”; Gánh nhau trong đờiThương quá Sài Gòn ơi; “… thì được sống muôn đời”; Hãy cho họ ăn bây giờ…; Sống đức tin giữa đại dịch Covid-19; Thay lời kết: Thương quá Việt Nam…

Đặc biệt, bài viết này luôn ý thức về định hướng chủ đạo: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe”.[8] Theo đó, tất cả những đề mục nhỏ nói trên còn được thể hiện trong cái nhìn của “ai thấy Người Con và tin vào Người Con, thì được sống muôn đời”.[9] Đúng hơn, lời dạy của Thầy Giê-su trong Mác-cô 16,16-18 được trích dẫn ở trên, chính là ánh sáng chiếu soi, là định hướng cho bổn phận của “hiệp thông - tham gia - sứ vụ”, tạo nên sự hiệp hành tất yếu và cần thiết của mọi Ki-tô hữu.

 


Ai thấy Người Con và tin vào Người Con...


Trong cuộc Thương Khó của Thầy Giê-su, khi phải đối diện với những bách hại tư bề, các tông đồ không phải là không sợ hãi; mà thật ra, không kể người bán đứng Thầy của mình, không kể người đã chối Thầy ba lần, tông đồ đoàn còn có khá nhiều vị đã bỏ trốn... mặc dù các vị ấy biết rằng làm chứng cho Tin Mừng của Thầy Ki-tô Giê-su chính là sứ mạng của mình. Tâm trạng như thế có lẽ vẫn luôn có nơi những con người được coi là môn đệ trong mọi thời đại. Ấy vậy mà, trong đại dịch Covid-19 thời gian qua, Ki-tô hữu nói chung về nhiều phương diện đã nhiệt thành dấn thân sống Tin-Cậy-Mến, đã thực sự cố gắng với những thành tựu trông thấy, những hiệu quả rất tích cực được công nhận. Thật vậy, trong đại dịch Covid-19, không ít người Công giáo cũng đã cùng nếm trải những vất vả của lực lượng tuyến đầu chống dịch, đã hăng hái chia sẻ bằng những cố gắng phục vụ, những nỗ lực cống hiến cùng với mọi người. Sự xuất hiện của Covid-19 “rất tinh quái” có làm nghiêng ngả nhưng đã không thể làm đảo lộn sứ mạng duy nhất: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ...” [10]

Theo đó, những khó khăn trong dấn thân vào “tuyến đầu”, những rủi ro bị lây nhiễm và trở thành F1, F0. rồi tử vong không phải là không có. Nhưng sứ vụ đã và vẫn đang được thực hiện rất kiên cường. Đức Tổng Giám mục Giu-se Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, khi kêu gọi mọi người sống bác ái, yêu thương nhau để cùng vượt qua đại dịch, đã trả lời VnExpress nhân dịp đại lễ Giáng sinh và năm mới 2022: “Những gì mà Giáo hội Công giáo Việt Nam muốn làm là quan tâm đến người nghèo. Năm nay, Giáo hội Công giáo Việt Nam đã thành lập các tổ chức tình nguyện với đủ mọi thành phần từ linh mục, nam, nữ tu sĩ, giáo dân. Hơn 600 tình nguyện viên từ khắp nơi, trong đó 24 linh mục và 8 phó tế đã có mặt tại tâm dịch; có người hy sinh khi tham gia điều trị, cứu chữa bệnh nhân Covid-19”.[11] Sứ vụ của Ki-tô hữu hẳn vẫn là thế, vẫn hiệp hành; “Hiệp hành là lối sống của Hội Thánh”.[12]

Động lực để tích cực thi hành sứ vụ cũng chính là thế. Bởi lẽ, nếu “ai thấy Người Con và tin vào Người Con, thì được sống muôn đời…”[13] là chuẩn mực từ Tin Mừng, với giá trị “tuyệt đối” như thế nào, thì chính đức tin ấy… mà không có hành động “… thì quả là đức tin chết”.[14] Chẳng vậy mà Đức Tổng Giám mục Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam - khi nói đến việc Giáo hội luôn quan tâm đến người nghèo, với hơn 600 tình nguyện viên từ khắp nơi dấn thân vào tuyến đầu chống đại dịch Covid-19 - còn bộc bạch tấm lòng mục tử nhiệt thành khi ngài cho biết thêm: “Khả năng tài chính của chúng tôi không nhiều so với các tổ chức từ thiện lớn. Nhưng điều tôi ấn tượng nhất là đã thực hiện được sứ mạng Chúa Giêsu kêu gọi, đó là sống mến Chúa, yêu người. Chúng tôi đã tìm thấy niềm vui, hạnh phúc khi chăm sóc, chia sẻ với người khốn khó nhất trong xã hội. Giáo hội Công giáo không có chủ trương quảng bá rầm rộ hành động mình làm. Đáng mừng là những sự đóng góp, dấn thân của người Công giáo đã được xã hội ghi nhận...”[15]

Thật vậy, hưởng ứng lời kêu gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam trong ngày Toàn quốc cầu nguyện xin ơn chữa lành mùa đại dịch, hầu như khắp nơi trên đất nước Việt Nam, các thánh lễ đã được cử hành để cầu xin Chúa chữa lành các bệnh nhân đã và đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong thánh lễ tại Nhà thờ Chính tòa Hà Nội, ngày Chúa nhật 17-10-2021, Đức Tổng Giám mục Giu-se Vũ Văn Thiên đã đưa ra câu hỏi “Thiên Chúa ở đâu khi dịch bệnh hoành hành gây ra biết bao hệ lụy…” để rồi câu trả lời ý nhị sâu sắc nhất được tìm thấy trong “mầu nhiệm thập tự giá”. Chẳng vậy mà, chính Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô tại Quảng trường Rô-ma vào ngày 27-3-2020 cũng đã đi bước trước, đã chọn lựa cách suy niệm như thế, trong buổi cầu nguyện sốt sắng cho đại dịch mau chấm dứt.[16]

Chúng ta dâng lời cầu nguyện hợp ý với mọi thành phần dân Chúa Giáo hội Việt Nam trong Chúa nhật hôm nay để dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, chúng ta tin rằng những lời cầu nguyện tha thiết của chúng ta không rơi vào quên lãng nhưng sẽ chạm đến trái tim của Thiên Chúa. Ngày thứ Sáu tới này, Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ mời gọi mọi người ăn chay để nhờ những hy sinh ấy, chúng ta cầu nguyện cho quê hương; đồng thời khi ăn chay, chúng ta có những tiết kiệm giảm thiểu để giúp đỡ những người đang gặp nạn.[17]

Vâng, “ai thấy Người Con và tin vào Người Con…” thì cũng có nghĩa là tự nguyện tín thác và sống mầu nhiệm thập tự giá mà Người Con ấy mang vác trong hành trình Tử Nạn-Phục Sinh. để được sống lại với Người và được sống muôn đời.[18] Bởi lẽ, mầu nhiệm thập tự giá mà Người Con ấy mang vác trong hành trình Tử Nạn-Phục Sinh là biểu hiện “quyền năng mềm với hiệu quả chắc nịch tuyệt vời” của Thiên Chúa, là Đấng giàu lòng thương xót, là Đấng luôn hiện hữu và là nguồn sức mạnh giúp con người thêm mạnh mẽ, biết hợp sức đồng lòng và cậy trông vững vàng vào Thiên Chúa hơn. Thiên Chúa ấy đã chiến thắng đau khổ và sự chết để đem ơn cứu độ cho muôn người. Nghĩa là, chính trong nước mắt, trong đau khổ mà mầu nhiệm thập tự giá đã và luôn tỏ lộ quyền năng vô biên của Thiên Chúa giàu lòng xót thương. Thế cũng có nghĩa là, đại dịch Covid-19 rồi đây cũng sẽ qua đi, tuy hệ lụy có thể còn kéo dài; đại dịch Covid-19 rồi đây cũng sẽ qua đi, nhưng cũng có những bài học mà chúng ta cần rút ra từ chính đại dịch Covid-19.

Thật ra, đại dịch có thể vẫn cứ còn đó, con người sẽ phải học cách “sống chung với lũ”, “sống chung an toàn với Covid-19”, vừa kiểm soát các đợt bùng phát dịch, vừa hướng tới cuộc sống “bình thường mới”; đối với người Công giáo, đó còn phải là kết quả của niềm tín thác mạnh mẽ và luôn kiên định vào một Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng vẫn luôn giàu lòng xót thương! Theo đó, giữa đại dịch Covid-19, để gọi là sống đức tin, sống bác ái, sống phó thác vào Chúa, các Ki-tô hữu, thay vì co cụm lại, có thể mở lòng thực hiện rất nhiều những hoạt động từ thiện, các công việc tương trợ lẫn nhau.[19] Chẳng hạn, chương trình Thương quá Sài Gòn ơiLan tỏa yêu thương… và trước đó còn là Gánh nhau trong đời. Vâng, tuy với mục đích là cứu trợ lũ lụt miền Trung, “Gánh nhau trong đời” cũng đúng là một sự kiện bác ái được tổ chức rất thành công vào quãng giữa của “gần hai năm đại dịch”.[20] Bởi lẽ, để làm chứng cho Tin Mừng của Thầy Ki-tô Giê-su, cho mầu nhiệm Vượt Qua của Người, các Ki-tô hữu cần tín thác vào mầu nhiệm thập tự giá với quyền năng vô biên của Thiên Chúa giàu lòng xót thương. Đó chính là sứ mạng của mọi Ki- tô hữu, cách riêng đó hãy là sứ mạng đặc biệt và duy nhất của người môn đệ đích thực. Thật vậy, trong đại dịch Covid-19, các Ki-tô hữu nói chung, những Ki-tô hữu tình nguyện viên nói riêng đã giúp cho nhiều người được thấy Người Con và tin vào Người Con… qua các việc làm, việc sống đức tin của mình.

 


Gánh nhau trong đời

“Đời của ai cũng là đời của tôi. Gánh của ai cũng là gánh của chúng ta…”,[21] lúc 19g30 ngày 27-11-2020, Đức Tổng Giám mục Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam trong lời khai mạc sự kiện đêm nghệ thuật “Gánh nhau trong đời” đã có đôi lời thổ lộ tâm tình rất tha thiết như thế tại The Adora Center (431 Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh). Vâng, không chỉ “Bầu ơi thương lấy bí cùng tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” mà còn hơn vậy, hơn cả “Tứ hải giai huynh đệ”… chúng ta còn là “đồng bào”, là anh chị em trong gia đình có cha mẹ là Âu Cơ, Lạc Long Quân. Và dĩ nhiên, còn hơn thế nữa, khi điểm nhấn chủ đạo nhất chính là vấn đề “đức tin và lý trí vẫn luôn song hành” được dịp “hữu thiện chí… tất cánh thành”, để xuất hiện kịp thời, đúng lúc những biểu hiện của lòng nhân, của tình bác ái từ những Ki-tô hữu chân thành với lý trí minh mẫn và đức tin mạnh mẽ. Bởi lẽ, “đức tin và lý trí” không bao giờ là đối nghịch nhau; trong đại dịch Covid-19 “đức tin và lý trí” đã có cơ hội đồng hành, một cơ hội rất đặc biệt để hiện hữu bên nhau và tương trợ lẫn nhau.

Nói theo kiểu nói của các tác giả tập sách “… Những câu trả lời hữu lý dành cho những câu hỏi về đức tin” thì đích thị: “Đức tin và lý trí là đồng minh của nhau” (Faith and reason are allies).[22] Chẳng vậy mà “Gánh nhau trong đời... / ai ơi khóc / Để ta cùng học... / biết thương nhau / Để ai đi mau / tập đi chậm / Để những âm thầm / được lắng nghe / Gánh vì nặng nhẹ / mất cân đối / Mong hết đời tôi / yêu công bằng / Mong kẻ đắc thắng / chia chiến bại / Mong một tương lai / chuộng hòa bình / Gánh mơ bình minh / “chào buổi sáng” / Mây trời quang đãng / tươi tắn thơ / Mây lưu giấc mơ / thanh nữ giới / Mây giữa lưng trời / thanh nam bay / Gánh vì dịp may / xóa vận rủi / Quyết không luồn cúi / sống hiên ngang / Quyết thôi ra dáng… / dừng kẻ cả / Quyết buông trưởng giả / bỏ thói sang / Gánh trong bẽ bàng / vẫn kiên vững / Vẫn là thế đứng / một đức tin / Vẫn tròn phước tín / Tin-Cậy-Mến / Vẫn vẹn ân đền / Cậy-Mến-Tin”.[23]

Thì ra, “Gánh nhau trong đời…” phải rất cụ thể. Nào là… khóc vì nỗi đau của nhau, là học để biết thương nhau, là tập đi chậm để được đi bên nhau. Không chỉ “Khổ đau là bạn, hoạn nạn là thầy” với ý nghĩa khổ đau của con người cần được san sẻ cả về thể lý lẫn tâm lý, cả nội tâm lẫn ngoại diện, nên “đức tin và lý trí” cần vào cuộc. rồi thôi; song còn phải là, và thực sự hãy là. khi gánh trong bẽ bàng vẫn hãy kiên vững, vẫn một thế đứng, một đức tin, vẫn phải tròn phước tín là Tin-Cậy-Mến, vẫn phải vẹn ân đền là Cậy-Mến-Tin. Thật vậy, lý trí là bạn, là đồng minh, đồng hành của “đức tin” và nói theo chiều ngược lại cũng rất ổn, rất đúng, rất cần thiết: đức tin là đèn soi cho lý trí. Lý trí và đức tin là những người bạn của nhau, đó không phải là đôi bạn tình cờ, không là mối tương kết của sự ngây thơ. Đức tin và lý trí phải là bạn thân thiết của nhau, giúp nhau tiến tới, dẫn nhau đến đỉnh điểm là tình yêu Agape, chứ không phải chỉ dừng lại tại Philia, càng không bao giờ lại chỉ là đam mê ích kỷ kiểu Eros (cách phân chia không hoàn toàn theo chuẩn “sáu cấp độ tình yêu” của người Hy-lạp cổ đại).[24]

Vì thế, hao hao kiểu biền ngẫu lý luận, ta có thể thấy rằng: hoạn nạn, khổ đau nếu không thể tránh thì chi bằng biến chúng thành những người bạn… để làm thức tỉnh chúng ta, khiến chúng ta phải nhìn lại đời mình, dạy chúng ta biết di chuyển đúng nhịp… để nhìn thấy rõ đâu là hạnh phúc chân thật, đâu là chân giá trị của đời sống. Theo đó, dù là thiên tai địch họa, hay nhân tai bệnh nạn, dù là đại dịch Covid suốt gần hai năm qua… để có thể gánh nhau trong đời, để đồng cảm… bởi cần lắm một tấm lòng chung. Nghĩa là, lúc nặng lúc nhẹ vẫn luôn chung lòng gánh nhau. Gánh bền, gánh mãi hết “nỗi đau này” đến “nỗi đau khác” của người này, rồi của người khác; đặc biệt, kể cả những nỗi đau của chính mình; bấy giờ “thế thái sự tình” hẳn sẽ là rất khác… so với gánh hay vác… chỉ một nỗi đau của ai bất cứ và có khi chỉ đôi ba lần trong đời. Tuy nhiên, nếu từng bước nhỏ, cứ từng việc một, nhưng chắc chắn, bền bỉ; nghĩa là, luôn mãi chắc, luôn vững bền, vẫn luôn gánh vẫn luôn chấp nhận dẫu có phải oằn vai với những gánh và những vác. thì đó mới chính là “vẫn một lòng thương…”. Vâng, Vững một niềm tin, vẫn một tình thương... là thế. Và chính vì thế mà… ai ơi ta hãy “vẫn và mãi một lòng thương”; hãy cùng gánh nhau trong đời… hãy tích cực phòng chống dịch, và hãy cùng nhau hướng tới cuộc sống “bình thường mới”.

Chính trong tâm thế đó, “vẫn và mãi một lòng thương” là cùng gánh nhau trong đời… cùng nhau vượt qua đại dịch… mà người Ki-tô hữu đang tích cực góp phần thực hiện để làm chứng, với một đức tin thật sống động. Bởi lẽ, khi hiểu rõ về bản chất và mối quan hệ của đức tin và lý trí, chúng ta có thể hiểu rõ về bản chất và mối quan hệ cần có khi con người phải đối diện với những đau khổ chồng chất, những khổ đau chất chồng.... Những thứ “không thể tránh” ấy dường như không bao giờ có thể được hiểu thấu, con người chỉ có thể cảm thông để có thể thấu hiểu phần nào. Hãy “vẫn và mãi một lòng thương để cùng gánh nhau trong đời…” sẽ là câu trả lời sống động của Tin-Cậy-Mến đích thực. Đó cũng có thể được coi là một “bước nhảy vọt” của lý trí để bước vào phạm trù của đức tin, để chúng ta có thể cụ thể hóa những khái niệm tinh thần, hiện thực hóa những giá trị đức tin... để cùng nhau “Thương quá Sài Gòn ơi”.[25]

 


Thương quá Sài Gòn ơi

Có lẽ cũng cùng một tâm thế hiểu và sống đạo như “ai thấy Người Con và tin vào Người Con, thì được sống muôn đời…”,[26] một lập luận có vẻ “thuần lý”… được ánh sáng đức tin soi dẫn, mà trước đây Đức Hồng y Joseph Ratzinger, trong một tác phẩm danh tiếng của mình là Faith as Standing Firm and Understanding (tạm dịch: Đức tin khi đứng vững và sự thấu hiểu), đã từng khẳng định khi viết rằng: “Nếu bạn không tin, thì bạn cũng không hiểu”[27] sau khi đã trích dẫn lời Chúa trong sách Tiên tri I-sai-a 7,9: “Nếu các ngươi không vững tin, thì các ngươi sẽ không đứng vững”.[28] Theo đó, sự thành công của Chương trình Lan tỏa yêu thương (với những món quà là gạo và thực phẩm thiết yếu), Chương trình Chăm sóc trẻ mồ côi vì đại dịch (với những món quà là tiền trợ cấp cho trẻ được học hành tới trưởng thành) cũng đã thực sự là một trong những thế mạnh… với sự tương tác hữu hiệu của những tấm lòng vàng, để hưởng ứng thông điệp “Thương quá Sài Gòn ơi!” xuất phát từ Thư kêu gọi cùng tên của Đức Tổng Giám mục Giu-se Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, gửi đồng bào Công giáo Việt Nam ngày 09 tháng 7 năm 2021. Vâng, với đức tin kiên vững và sự thấu hiểu, “Thương quá Sài Gòn ơi!” có những lời viết, được trích dẫn nguyên văn như sau:

Chưa bao giờ, kể cả thời chiến tranh, thành phố đã trải qua những ngày thử thách bức bách như hôm nay. Muôn vàn thảm kịch đang diễn ra mỗi lúc một nghiêm trọng: lây nhiễm cộng đồng, bệnh viện quá tải, y sĩ, nhân viên y tế kiệt lực, đội phòng chống căng thẳng, sản xuất ngưng trệ, lưu thông hạn chế, vật giá leo thang... Thành phố đã từng mệnh danh là “hòn ngọc Viễn Đông”, là “đầu tầu kinh tế” đang lâm nguy, đang thiếu nhân sự, đang thiếu gạo, thiếu rau, thiếu tiền, thiếu thuốc và thiếu cả tương lai…

Không biết khủng hoảng hiện nay sẽ kéo dài bao lâu, sẽ diễn biến như thế nào. Nhưng đối với tín hữu Ki-tô, đây là một dấu chỉ thời đại đòi chúng ta phải tỉnh thức để nhận ra Thánh Ý Thiên Chúa. Đại dịch tàn phá, nhưng chúng ta, cùng với đồng bào VN khắp nơi, trong nước cũng như hải ngoại sẽ xây dựng một thành phố mới và một hệ thống xa lộ mới bằng vật liệu tình thương.[29]

Ra thế, ta cần tin để hiểu, để hành động; tin vững vàng để hiểu thấu đáo hơn và hành động tích cực, mạnh mẽ hơn, bởi lẽ “Nếu các ngươi không vững tin, thì các ngươi sẽ không đứng vững”.[30] Hay như chính Đức Hồng y Ratzinger cũng đã từng nói “Nếu bạn không tin, thì bạn cũng không thể hiểu”; để rồi sau đó, ngài còn nêu câu hỏi về niềm tin, về một thực tiễn mà niềm tin thực sự là… để rồi cuối cùng, chính ngài cũng đã đưa ra một lời đáp rất trí tuệ và đầy niềm tin như sau: “Đó là cách thức con người tạo thế đứng trong tổng thể của thực tại, một cách thức không thể bị giảm xuống thành tri thức...”. [31]

“Thương quá Sài Gòn ơi!” là thế, một cảm tác rất đặc biệt của Đức Tổng Giám mục Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, với tất cả tâm tình trìu mến gửi đồng bào Công giáo Việt Nam. Vâng, tin để hiểu, hiểu để hành động, hành động phù hợp với đức tin là cách thức chứng minh đức tin sống động; đó là cách thức con người tạo thế đứng hài hòa của người có lý trí tốt, đức tin vững, đáp ứng nhu cầu thiết thực trong dân chúng lúc bấy giờ, đang lâm vào hoàn cảnh bị giãn cách nghiêm, cách ly ngặt, phong tỏa một phần… trong thực tại hiện sinh. Vâng đúng vậy, “Thương quá Sài Gòn / “một dấu chỉ…” / Quá bạo Cô-vy / bão cộng đồng / Sài-gòn Viễn Đông / ngọc hiện tại / Ơi ới tương lai / với sống còn / Thương quá Sài Gòn / một hệ thống / Quá khứ ngóng trông / ngưỡng anh hùng / Sài-gòn bao dung / dụng công nghệ, dũng hào sảng… / Ơi sao khuyết dạng / dáng héo hon / Thương quá Sài Gòn / một chút nắng / Quá thiếu phải chăng / mưa đáy lòng / Sài-gòn long đong / cơn khốn khó / Ơi xưa giàu có / lắm món ngon / Thương quá Sài Gòn. / “thành phố mới” / Quá giang… mau tới… / Thánh Giu-se / Sài-gòn chở che / xin bảo trợ / Ơi Người nâng đỡ / tất vuông tròn / Thương quá Sài Gòn. / đầu kinh tế / Quá thường… quá thể... / quá dễ thương / Sài-gòn phong sương / không “phong tỏa” / Ơi rau củ quả / quà cho không (x. Mt 10,8b).[32]

 


... thì được sống muôn đời

Khi vừa thoát ra khỏi hoàn cảnh bị giãn cách nghiêm, cách ly ngặt, hầu như mọi người đều cảm thấy trân quý cuộc sống hơn trước; thậm chí quan niệm sống “biết đủ là đủ” trở nên rất sống động.[33] Dường như hạnh phúc chính là những gì hiện đang có trong tầm tay, đang ở chung quanh chúng ta, trong tầm tay chúng ta. Rất khác với tâm trạng thường có trước đây… trong đại dịch, người ta lúc bấy giờ thèm khát của cải thiết yếu, khao khát được hưởng dùng tự nhiên về cái ăn cái mặc; vì thế người ta bấy giờ và cả giờ đây, dường như không còn dám tự mãn với của cải đời này và cũng không dám tự huyễn hoặc bản thân về sự sống đời sau. Tuy nhiên, một cách tất yếu từ nhu cầu được sống mãi, thì bất kỳ ai, phàm đã là người, đã từng sống trong tâm điểm của đại dịch Covid-19, cả người giàu kẻ nghèo, khi cận kề cái chết, đều tỏ ra hết sức tha thiết... rất cần thêm tình thương, mong ước được thêm hạnh phúc, khát vọng mạnh mẽ được sống muôn đời. Ai cũng mơ ước được sống hoài sống mãi, một cuộc sống không còn đau khổ hay đói khát gì nữa.

Chẳng vậy mà trong hành trình dương thế đem đến ơn cứu độ, mang lại sự sống vĩnh cửu cho nhân loại, Thầy Giê-su đã từng đưa ra một phương thuốc thần hiệu khi khẳng định: … ý của Cha Tôi là tất cả những ai thấy Người Con và tin vào Người Con, thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết”;[34] tương tự, Người còn nói: “Ai tin vào Người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào Người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy”.[35] Vâng, tin tưởng vào Chúa Con thì được sống muôn đời vì Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng Hằng Sống, muốn chia sẻ sự sống vĩnh cửu ấy cho nhân loại ngay trong công cuộc sáng tạo khi dựng nên con người có linh hồn bất tử; khi cứu độ con người bằng cách cho con người được làm nghĩa tử trong tử hệ muôn đời của Người Con duy nhất (filii in Filio); khi thánh hóa con người trong hành trình dương thế qua các bí tích trong ân sủng của Thánh Thần.

Vì thế, điều quan trọng là ta có đang sống cuộc đời của mình trong ơn soi dẫn của Thiên Chúa Ngôi Ba, có vâng theo lời dạy tuyệt vời, giá trị tuyệt đối của Thiên Chúa Ngôi Hai với lòng yêu mến Thiên Chúa Ngôi Nhất là Cha giàu lòng xót thương “… hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn, và yêu mến người thân cận như chính mình”[36] hay không? Có bao giờ trong nỗ lực sống và loan báo Tin Mừng, chúng ta xin ơn dấn thân phụng sự Chúa và Giáo hội vì yêu Chúa? Có bao giờ chúng ta xin ơn yêu thương phục vụ người khác như chính mình?

“... trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” Đức Giê-su đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy”.[37]

Thì ra, ước muốn sống muôn đời không chỉ xuất phát từ nhu cầu rất thật của con người mà còn là ý định từ muôn đời của Thiên Chúa dành ban cho con người; và vì thế, đó cũng chính là đích đến “cận tối hậu” cho tất cả mọi người (trước khi đạt đến đích “tối hậu”). Nghĩa là, để được sống muôn đời, Ki-tô hữu cần thỏa điều kiện “yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn” đồng thời hãy yêu thương người thân cận như chính mình. Vâng, ngay trong đại dịch Covid-19 này, quá khứ đã qua là lịch sử quý báu; tương lai sắp tới là thời vận nhiệm mầu; còn hiện tại chính là tặng phẩm vừa quý báu vừa nhiệm mầu mà Thiên Chúa thương ban để ta có thể thỏa đáp điều kiện bắt buộc nói trên. Thật vậy, nhân loại hoàn toàn có thể làm cho tặng phẩm cuộc đời thêm phần quý báu và nhiệm mầu bằng cách ngày càng thêm tin tưởng vào Người Con, sống theo lời dạy của Người Con ấy. Bởi chính khi sống trọn vẹn giây phút hiện tại là ta đang sống cái vĩnh cửu; chính khi chuẩn bị tốt cho đích đến “cận tối hậu” là lúc chúng ta có quyền hy vọng chắc chắn về mục đích “tối hậu” là chính sự, chính thể của một thực tại tuyệt vời là được kết hiệp với Chúa là Chân-Thiện-Mỹ. Nghĩa là, trong hiện tại ta hãy chuẩn bị cho sự sống muôn đời. Những chuẩn bị đó hãy là:

 


Hãy cho họ ăn bây giờ...

Rất kịp thời tại Sài Gòn, bởi cả trước đó chứ không chỉ từ ngày 27-7-2021, khi Đức cha Giu-se Nguyễn Năng, Tổng Giám mục TGP. Sài Gòn-TP. HCM, cũng đã thật nhanh chóng và hết sức ân cần viết Thư Mục vụ “Thầy chạnh lòng thương đám đông... họ không có gì ăn” (Mc 8,2) gửi đến quý cha cùng cộng đồng Dân Chúa. để gia đình Tổng giáo phận cùng cầu nguyện, sẻ chia, làm lan tỏa những hành động bác ái, yêu thương. Thật vậy, câu Lời Chúa “Hãy cho họ ăn bây giờ.” cũng trở thành cách gọi tên cho lá thư mục vụ ấy. Đó là lời mời gọi vô cùng sinh động, xuất phát từ chính Tin Mừng. Thư ấy có năm điểm cụ thể được nhấn mạnh cách thiết thực sau đây:

1. Tôi mời gọi tất cả mọi người, mọi gia đình và cộng đoàn cầu nguyện nhiều hơn, khẩn thiết hơn, tin tưởng phó thác hơn. Virus vô hình dường như đang cười nhạo mọi tự kiêu tự mãn của con người. Chúng ta hãy quỳ xuống, hãy cúi đầu, hãy khẩn khoản nài xin Chúa thương xót toàn thể nhân loại.

2. Cùng với lời cầu nguyện, tôi mời gọi anh chị em tích cực hơn, năng động hơn, dấn thân hơn, nhiệt tình hơn, để giúp đỡ những người đang gặp khó khăn đau khổ. Cũng như các Tông đồ khi xưa, chúng ta dễ phủi tay trốn trách nhiệm: “Xin Thầy cho giải tán dân chúng đi”. Thầy quặn đau, nên Thầy không giải tán, mà lại ra lệnh: “Chính anh em hãy cho họ ăn đi” (Mc 6,37).

3. Chỉ có các cha xứ và các gia đình mới biết được những người nghèo khổ đang ở tản mát khắp nơi trong địa bàn giáo xứ. Vì thế, mặc dù không thể ra khỏi nhà trong thời gian giãn cách, xin quý cha, các đoàn thể và các gia đình hãy tìm kiếm cho ra những người khó khăn, không phân biệt tôn giáo. Người nghèo khó vẫn có đó, nhưng âm thầm ẩn khuất đâu đó, khó nhận ra nếu không tinh ý; tiếng kêu của họ thều thào yếu ớt, khó nghe được nếu ta không thính tai.

4. Các cha chánh xứ trước hết hãy tổ chức và huy động nguồn lực trong giáo xứ của mình để giúp đỡ các gia đình khó khăn, như nhiều giáo xứ và dòng tu đã làm. Khả năng của anh chị em chỉ là “năm chiếc bánh và hai con cá”, nhưng trong khi chúng ta làm tính chia, chính Chúa sẽ lại làm tính nhân. Trong công việc này, vai trò của cha chánh xứ mang tính quyết định. Chúng ta đóng cửa nhà thờ, chứ không đóng cửa lòng.

Chúng ta còn có sự hỗ trợ từ sự giúp đỡ của các giáo phận theo lời mời gọi của Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam. Vì thế, các giáo xứ báo cho Ban Caritas của Tổng giáo phận biết các nhu cầu cụ thể, và cha Chánh Văn phòng của Hội đồng Giám mục sẽ phối hợp với Caritas Tổng giáo phận để cung cấp những nhu cầu thiết yếu sao cho hài hòa cân đối.

5. Ngoài việc “cho kẻ đói ăn”, các môn đệ Chúa Ki-tô còn có bổn phận “yên ủi kẻ âu lo”. Nỗi lo âu kéo dài tạo nên áp lực tâm lý rất lớn, dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi buông xuôi, thậm chí thất vọng. Có những người trong gia đình chào nhau đi cách ly, nhưng sau thời gian ngắn, người ở nhà nhận lại chỉ còn là một hũ tro. Trong những ngày qua, đã có nhiều người tuyệt vọng tự tìm đến cái chết. Xin quý cha và anh chị em chủ động gọi điện thoại thăm hỏi khích lệ những người đang đau khổ. Quý cha hãy kiên nhẫn lắng nghe tâm sự của những người không còn biết bám víu vào đâu.[38]

Thật vậy, “Hãy cho họ ăn… / ‘ruột gan Thầy đau quặn' / Cho đời bớt xoắn… / cho người người bớt xoăn / Họ gặp khó khăn... / các con ơi hãy nhớ / Ăn ngay uống đỡ… / hôm nay đừng để mai / Hãy lo tương lai… / bằng chăm sóc hiện tại / Cho lòng quảng đại… / tâm trí mở thênh thang / Họ nguy tính mạng… / trấn an bao cần kíp / Ăn uống tạo dịp… / hiệp thông cả xác hồn / Hãy sống thượng tôn… / luật kẻ rách được mặc / Cho là đánh giặc… / biếu tặng thắng kẻ thù / Họ vai ông chủ… / con bàn ăn phục vụ / Ăn uống đầy đủ… / dịch vụ thời ‘Năm Ka'[39] / Hãy sắm vai Ta... / môi miệng… tay chân… giúp / Cho vắc-xin đúp… / tiêm chích đủ đúng liều / Họ cần được yêu… / virus cười ngạo mạn / Ăn tuy hữu hạn… / Tin-Cậy-Mến vô cùng / Hãy cho… tất đúng… / giúp Thầy bớt đau quặn / Cho đời hết xoắn… / lòng muôn người hết xoăn / Họ gặp khó khăn… / các con ơi hãy nhớ / Ăn tạm bây giờ… / sống ‘Mầu nhiệm Vượt Qua'”.[40]

Theo đó, Thư mục vụ “Thầy chạnh lòng thương đám đông... họ không có gì ăn” (Mc 8,2) đã tạo nên niềm hy vọng thiết thực của Tin-Cậy-Mến, giúp cho đời người “bớt đau quặn” cuộc đời “hết xoắn… lòng muôn người hết xoăn”. Bởi lẽ, những xoăn, những xoắn của cuộc đời, những lúc “ruột gan đau quặn” của các vị hữu trách - với lời giải thích “Thầy chạnh lòng thương” dịch sát là “ruột gan Thầy quặn đau” - cũng hãy chính là lúc ruột gan chúng ta đau quặn, không thể… “dửng dưng trước những đau khổ về tinh thần cũng như thể xác của anh chị em chúng ta”.[41] Chúng ta đừng quên chính mầu nhiệm Tử nạn-Phục sinh của Thầy Giê-su. Mầu nhiệm ấy cũng hãy là thực thể sinh động giúp chúng ta vượt qua mọi đau khổ bởi luôn vững một niềm hy vọng: “Đức Ki-tô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em…”.[42] Thầy Giê-su và mầu nhiệm Tử nạn-Phục sinh của Người chính là con đường, là sự thật, sự sống mà chúng ta, phàm đã là người, đều được trù định sẽ đi qua; thậm chí còn mong ước được cảm nếm, được trải qua. Đó chính là biểu hiện của Tin-Cậy-Mến, là công việc của cả cuộc đời (it's the work of a lifetime).[43]

Chẳng vậy mà Scott Hahn, một thần học gia Công giáo (gốc Tin Lành), người Mỹ, với kinh nghiệm sống đức tin đương đại, trong tác phẩm Reasons to Believe: How to Understand, Explain, and Defend the Catholic Faith (tạm dịch: Những lý do để tin: Làm sao để hiểu, giải thích và bảo vệ đức tin Công giáo) đã phát biểu một câu khá “lạ tai” so với lối suy nghĩ truyền thống, nhưng vì thế lại rất đáng lưu ý, và thực tế cũng rất hữu lý: “Đức Chúa Trời và đường lối của Ngài có thể hiểu được và có thể bảo vệ được...”.[44]

 


Sống đức tin giữa đại dịch Covid-19

Trong nhật ký vào quãng những ngày đầu tháng 10 năm 2021 của bản thân, cha T viết “một lèo không xuống hàng” về một người học trò tên là H của mình… đã sống đức tin giữa đại dịch Covid-19 như sau:

“Hôm ấy, vào quãng trung tuần tháng 9, không muốn tham dự lễ ‘xuất quân', H được phép của mình, đã âm thầm nhưng rất hăng hái tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu điều trị Covid-19 tại một bệnh viện. Đang trong tâm thế hân hoan của một sinh viên năm cuối chương trình đào tạo để trở thành linh mục, nếu Chúa muốn… qua việc gọi chức của bề trên bản quyền, H quyết dấn thân phục vụ những người bệnh theo khả năng của mình, và có lẽ cũng là để tự kiểm tra lý tưởng tu trì của H. Tuy biết rằng mình và các bạn tu sĩ khác phần đông không có chuyên môn trong lãnh vực y tế, nhưng các bạn H và chính H cách riêng… một mặt phân vân không biết có làm được việc gì hữu ích hay không, nhưng mặt khác lại rất hăng hái dốc lòng dấn thân, nếu biết sự hiện diện nhỏ bé nhưng chân thành và tích cực của mình sẽ thực sự là có ích theo nhu cầu của bệnh viện. Vì thế, H đã sẵn lòng tình nguyện tham gia vào lực lượng tuyến đầu. Ấy vậy mà rồi… hơn cả mong đợi… khi được trực tiếp chăm sóc các bệnh nhân, các tu sĩ nói chung đã rất tận tình phục vụ, ân cần thăm hỏi, động viên… rồi nào là… dọn rác, lau nhà, cắt tóc, cạo râu cho bệnh nhân, đẩy xe chở ô-xy, thay bình ô-xy, đưa thức ăn đồ uống… cho bệnh nhân ăn uống theo yêu cầu riêng, thay đồ, kể cả thay bỉm; một số vị có chuyên môn về y tế thì tiêm… thì chích, sơ cấp cứu, kể cả làm những việc sau cùng cho bệnh nhân. Thế là, một thời gian phục vụ đã trôi qua nhanh chóng, không chỉ những lời khen sau đây đã diễn giải phần nào tinh thần yêu thương bác ái của Giáo hội, tấm lòng phục vụ của những tình nguyện viên ‘tu sĩ' thuộc tuyến đầu: (1) “Ban đầu, bệnh viện rất bối rối lo lắng khi tiếp nhận 62 tu sĩ - những người có rất ít chuyên môn, tôi không biết sẽ phân công cho các tu sĩ như thế nào. Nhưng tôi đã rất bất ngờ trước sự hội nhập và cách phục vụ của các tu sĩ. Họ hòa nhập rất nhanh và phục vụ rất tốt, kể cả việc trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, thăm hỏi, động viên”;[45] (2) “Các sơ, các thầy đã rất nhiệt tình, hết lòng...[46] mà còn... bằng một trong những tình huống sau đây chẳng hạn… vâng rất đặc biệt là… mỗi khi bệnh viện đã cố gắng hết sức… để cứu sống một bệnh nhân nào đó cho qua cơn nguy kịch… nhưng không thể được vị bệnh quá nặng rồi… đương sự lại có bệnh nền quá trầm trọng… thì các tu sĩ tình nguyện viên (trong đó có H) đã âm thầm cầu nguyện - cũng có trường hợp bệnh nhân còn được lãnh nhận bí tích xức dầu - trước khi bệnh nhân ngưng thở. Thì ra, đó là loan báo Tin Mừng… với lý tưởng rất cao là… làm theo lời Chúa dạy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.[47]

 


Thay lời kết: Thương quá Việt Nam...


So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, không thể nói Việt Nam là nước nhỏ với diện tích lãnh thổ khá rộng là 331.212 km2 (núi rừng chiếm khoảng 40%, đồi 40%); cũng không thể nói là nước nhỏ vì có đến những gần một trăm triệu người với sự phong phú các chủng tộc của 54 sắc dân đang sinh sống trên đất nước Việt Nam này,[48] nhưng “Thương quá Việt Nam…” trong lòng các tín hữu Công giáo Việt Nam khi thốt ra lời đó... cũng chính là muốn lặp lại lời của Thầy Giê-su đã dạy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.[49] Thật vậy, và hơn nữa, không chỉ là dân ở Sài Gòn, mà dù ở đâu bất cứ, nếu đã là “máu đỏ da vàng”, thì... trong những ngày tháng đại dịch Covid-19 bùng phát ấy, và cả trong những lúc này, rất tự nhiên, ai cũng có thể mang trong mình tâm tình: “Thương quá Việt Nam…”. Không chỉ ở gần, không chỉ ở trong nước, mà đâu đâu bất cứ, nếu đã là “con Rồng cháu Tiên”, nếu đã là dân Việt, hay thậm chí, chỉ nói được chút ít tiếng Việt, thì dường như không ai là không thiết tha buột miệng: “Thương quá Việt Nam…” trong những ngày tháng này.

Vì thế, không chỉ là Vững một niềm tin, vẫn một tình thương... mà còn là rất cụ thể: “Thương quá Việt Nam…”. Vâng, “Thương quá Việt Nam / Ba Miền Đất / Quá chất... quá thật… / Bắc Trung Nam / Việt can Việt đảm / Việt Nam tước / Nam hạnh Nam phước / mới Việt Nam / Thương quá Việt Nam / mùa trái vải / Quá khứ vĩ đại / Thăng Long đồ / Việt quốc thủ đô / xuân vô đối / Nam hà… Nam nội… / mãi Việt Nam / Thương quá Việt Nam / nhiều mưa nắng / Quá rứa… mần răng… / bão ni tê / Việt thể Việt thề / cố đô Huế / Nam thế Nam thệ / đúng Việt Nam / Thương quá Việt Nam / vườn vú sữa / Quá nắng sang mưa / đẫy lập trình / Việt đình Việt đỉnh / vượt thách đố / Nam đậu… Nam đỗ… / vẫn Việt Nam / Thương quá Việt Nam / dù Covid / Quá trình nhiều ít / đều vượt qua / Việt vượt… tạo đà… / qua mong quá / Nam quốc sơn hà / nam đế cư...”.[50] Thật vậy, “Nam quốc sơn hà nam đế cư” còn có thể được hiểu rằng, có những khác biệt cần được tôn trọng; có những giới hạn tưởng không nên vượt qua (khi không cần thiết phải vượt qua). “Thương quá Việt Nam...” là thế... cả khi những giới hạn về sức khỏe đã bị… Covid-19 và các biến thể “xuất hiện trước Omicron[51] tấn công, bị xâm lấn… đã làm cho số ca tử vong vì Covid-19 đã là 34.117 ca (trong tổng số ca nhiễm Covid-19 là 1.880.000 ca).[52] Những ngày gần đây, biến thể Omicron rồi Deltacron đã xuất hiện (cũng luôn tiềm ẩn một khả thể về sự xuất hiện của các biến thể nguy hiểm khác nữa)!

Thế đấy, chúng ta hãy cùng nhau nhắc lại lời của Đức Ki-tô Giê-su: “Thầy chạnh lòng thương đám đông… họ không có gì ăn” (Mc 8,2) và sẽ cố gắng hành động theo gương Người làm. Vâng, Vững một niềm tin, vẫn một tình thương... là đức tin thiên phú, là tình thương vượt trên các lý lẽ. Không chỉ là “Thương quá Sài Gòn ơi!” một cách cụ thể, hay rộng lớn hơn, phổ quát hơn: “Thương quá Việt Nam” mà còn là hiệp hành… “ngay và luôn”, “ở đây và bây giờ” (hic et nunc): Hãy cho họ ăn bây giờ... để Gánh nhau trong đời, để thực sự là Sống đức tin giữa đại dịch Covid-19. Thật vậy, Vững một niềm tin, vẫn một tình thương… mời gọi tâm tình hiệp hành, tâm tình sẻ chia tự nguyện…“. với đức tin kiên định rằng Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, là Cha giàu lòng thương xót, (với Tin-Cậy-Mến…): (1) cùng nhau hướng đến một Hội Thánh ‘Hiệp thông, Tham gia, và Sứ vụ', (2) cùng nhau ‘đồng hành' và cùng nhau ‘hành động' theo chính gương sống của Thầy Giê-su và trong ơn soi dẫn của Chúa Thánh Thần”.[53]

Là người Việt Nam, hơn nữa là Ki-tô hữu Việt Nam, tâm trí chúng ta đang cảm thấy thế nào khi: “Thương quá Việt Nam Ba Miền Đất / Chân chất. quê nhà. Bắc Trung Nam”? Để thể hiện

tinh thần “Tin-Cậy-Mến”, chúng ta đã làm gì, đang làm gì, và định sẽ làm thêm những gì thật thiết thực để diễn tả tâm tình ái quốc, đồng thời cũng là trả lời trực tiếp hoặc gián tiếp cho những vấn đề liên quan đến “đức tin và lý trí”: nào là vi-rút SARS-CoV-2 từ đâu mà ra, ai là người phải chịu trách nhiệm trước nhất về đại dịch “quái ác” này; Chúa đang ở đâu...? Câu trả lời của Vững một niềm tin, vẫn một tình thương... là sự xác tín kiên định vào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi - tuy trí khôn bất khả thấu đạt nhưng ý chí hoàn toàn có thể cảm nhận được - với Ngôi Thứ Nhất là Cha giàu lòng xót thương, biểu hiện cách đặc biệt qua công trình tạo dựng; với Ngôi Thứ Hai là Con, là biểu hiện tuyệt vời và hoàn hảo nhất của tình yêu xót thương ấy qua mầu nhiệm Tử nạn-Phục sinh; với Ngôi Thứ Ba là Thánh Thần đang làm sống động mầu nhiệm tình yêu xót thương ấy cách riêng trong Hội Thánh. Thật vậy, “… ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy Người Con và tin vào Người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết”;[54] “Ai tin vào Người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào Người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy”.[55]
 

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 128 (Tháng 3 & 4 năm 2022)


[1] WHO (World Health Organization): Tổ chức Y tế Thế giới; SARS-CoV-2 (Severe Acute Respiratory Syndrome Corona Virus 2): tên gọi một chủng corona virus, gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng 2, trước đây có tên tạm là Vi-rút Cô-rô-na mới 2019 (2019-nCoV), hoặc Vi-rút Cô-rô-na Vũ Hán. Thật vậy, một số tháng trước đó, những phát hiện đầu tiên về vi-rút này là từ thành phố Vũ Hán, nhưng mãi tới tối ngày 11 tháng 3 năm 2020, WHO mới chính thức tuyên bố là đại dịch toàn cầu sự bùng phát Covid-19 do chủng mới SARS-CoV-2 gây ra.

[2] Covid-19 (Coronavirus Disease 2019) là bệnh do vi-rút SARS-CoV-2 gây ra. Bệnh lây truyền giữa con người chủ yếu qua không khí. Nhiều người mắc bệnh có các triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng, tuy nhiên Covid-19 cũng có thể gây bệnh nặng và tử vong.

[3] X. https://www.google.com/search... (10-01-2022).

[4] X. Nguyễn Năng, Hiệp hành là lối sống của Hội Thánh (https://tgpsaigon.net/bai-viet/hiep-hanh-la-loi-song-cua-hoi-thanh-64898) (06/01/2022).

[5] Vũ Văn Thiên, Thư xin viết bài cho Bản Tin Hiệp Thông (Số tháng 2-2022).

[6] Mc 8,2.

[7] “Với đức tin kiên định rằng Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, là Cha giàu lòng thương xót, ‘hiệp hành' trong thời đại chúng ta đang trải qua, chính là đồng hành, là cùng đi, là cùng nhau đi: (1) cùng nhau hướng đến một Hội Thánh ‘Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ', (2) cùng nhau ‘đồng hành' và cùng nhau ‘hành động' theo chính gương sống của Thầy Giê-su và trong ơn soi dẫn của Chúa Thánh Thần” (x. Bao la lòng Chúa xót thương, Cùng nhau... Cùng đi, đồng hành, hiệp hành (4), audio visual clip, ngày 03-01-2022) (https://www. youtube.com/watch...).

[8] Mc 16,16-18.

[9] “Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy Người Con và tin vào Người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,40); “Ai tin vào Người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào Người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy” (Ga 3,36).

[10] Mc 16,16.

[11] https://vnexpress.net/chu-tich-hoi-dong-giam-muc-vn-keu-goi-moi-nguoi-song-bac-ai-4407438.html (24-12-2021).

[12] X. Nguyễn Năng, Hiệp hành là lối sống của Hội Thánh (https://tgpsaigon.net/bai-viet/hiep-hanh-la-loi-song-cua-hoi-thanh-64898) (06/01/2022).

[13] Ga 6,40.

[14] Gcb 2,17.

[15] https://vnexpress.net/chu-tich-hoi-dong-giam-muc-vn-keu-goi-moi-nguoi-song-bac-ai-4407438.html (24-12-2021).

[16] Để đặc biệt chúc lành cho các tín hữu và toàn thế giới giữa cơn đại dịch Covid-19, Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô đã ban Phép lành Urbi et Orbi trong buổi cầu nguyện lúc 18 giờ (giờ Rô-ma) thứ Sáu, ngày 27-3-2020 (x. Vatican News, https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-03/dtc-phanxico-urbi-et-orbi-dai-dich-virus-corona.html).

[17] Vũ Văn Thiên, trích lời bài giảng trong thánh lễ tại Nhà thờ Chính tòa Hà Nội, ngày 17-10-2021.

[18] X. Ga 6,40.

[19] Virus corona xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 12 năm 2019, trong đợt bùng phát đại dịch Covid-19 ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc và bắt đầu lây lan nhanh chóng, sau đó trở thành một đại dịch toàn cầu.

[20] Vào cuối tháng 11 năm 2020 tại The Adora Center (431 Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, TP. HCM).

[21] https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/dem-nghe-thuat-ganh-nhau-trong-doi-dem-noi-ket-yeu-thuong-41010

[22] Peter Kreeft and Father Ronald K. Tacelli, S.J., Handbook of Catholic Apologetics: Reasoned Answers to Questions of Faith, ISBN 978-1-58617- 279-4 (PB), ISBN 978-1-68149-702-0 (EB) (San Francisco: Ignatius Press, 2009), 15.

[23] Bạn Hữu và Nhóm Bạn, Sỏi đá vẫn cần có nhau, T132, số 87.

[24] Peter Kreeft and., Handbook of Catholic., 16. Thật ra, người Hy-lạp cổ đại còn tỉ mỉ dùng sáu từ ngữ riêng biệt để chỉ các cấp độ của tình yêu: (1) Eros (dục vọng và ham muốn tình dục); (2) Philia (tình bạn thân thiết, dựa trên cơ sở hợp tính hợp nết với nhau); (3) Ludus (tình yêu không ràng buộc); (4) Agape (tình yêu vị tha); (5) Pragma (tình yêu vững bền); (6) Philautia (yêu bản thân).

[25] X. William Lane Craig, “How Do I Know Christianity Is True” trong Reasonable Faith: Christian Faith and Apologetics, ISBN: 978-1-4335-0115-9, PDF ISBN: 978-1-4335-0452-5, ISBN: 978-1-4335-0453-2 (Wheaton, Illinois: Crossway Books, 2008), 29.

[26] Ga 6,40.

[27] “If you do not believe, then you do not understand, either” (Joseph Cardinal Ratzinger).

[28] Joseph Cardinal Ratzinger, “Faith as Standing Firm and Understanding” trong Einfuhrung in das Christentum translated by J. R. Foster as Introduction to Christianity ISBN 1-58617-029-5 (San Francisco: Ignatius Press, 2004, All rights reserved), 49-53.

[29] Nguyễn Chí Linh, “Thương quá Sài Gòn ơi”, Thư kêu gọi của Đức Tổng Giám mục Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, gửi đồng bào Công giáo Việt Nam, ngày 09-7-2021.

[30] Joseph Cardinal Ratzinger, “Faith as Standing Firm and Understanding” trong Einfuhrung..., 49-53.

[31] “It is a human way of taking up a stand in the totality of reality, a way that cannot be reduced to knowledge and is incommensurable with knowledge...

[32] Oh... the one who supported is now supported / We feel sorry for Saigon “the economic head...” / Too common... too much... too cute anyway /Saigon with “windy fog” is now somehow “blocked” / O fruits and vegetables. free gifts to her (cfMt 10:8b: “Without cost you have received; without cost you are to give”)” (BHvNB, Sỏi đá vẫn., T132, số 99).

[33] Ý tưởng xuất phát từ câu: “Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc; tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn”.

[34] Ga 6,40.

[35] Ga 3,36.

[36] Lc 10,27.

[37] Mt 22,36-40.

[38] Nguyễn Năng, Thư Mục vụ “Thầy chạnh lòng thương đám đông... họ không có gì ăn” (Mc 8,2) gửi quý cha cùng cộng đồng Dân Chúa của Tổng giáo phận, ngày 27-7-2021.

[39] Để giữ an toàn trước đại dịch Covid-19, cần thực hiện “5K”: (1) Khẩu trang, (2) Khử khuẩn, (3) Khoảng cách, (4) Không tập trung, và (5) Khai báo y tế.

[40] “Feed them now… (Composed with special emotions from the Pastoral Letter) “My heart is moved with pity for the crowd… they have nothing to eat” (Mk 8:2) Archbishop Joseph Nguyen Nang wrote to the priests and the people of God of HCMC Archdiocese on July 27, 2021): “Give them something to eat… “My stomach aches” / Let our life be less twisted… let people be less curly / They have a hard time… remember, My children / Let them eat and drink now... do not leave it for tomorrow / Take care of the future… by taking care of the present / Be generous with open mind and heart / Put in danger… their lives need more reassurance / Eating and drinking… to create an opportunity of communio / Let’s live respectfully... the law of “feeding the hungry”(In other words, it is the law of “clothing the naked”) / Giving is to fight the enemies... donating to win them / They play the role of the boss… you servant leaders / Fully to serve is… actually to do the “5 Ds” (To stay safe from the Covid-19 pandemic, it is necessary to do “5 Ds”: (1) Do wear masks, (2) Disinfection, (3) Distancing, (4) Do not gather, and (5) Declaring medically) / Play the role of Me… using My lips… My hands and feet… to help / Give them the double vaccine doses… to be injected with the right dosage / They need to be loved... to be against the virus of arrogant laughter /Eating is temporary... Faith- Hope-Love means forever / Lets give more to others to be right... to reduce “My stomach aches” / Let our life twist no longer... the people's hearts be no more curly / They have a hard time. My children, remember / Let them eat now. to let us all live the “Mystery of the Passover” (BHvNB, Sỏi đá vẫn., T133, số 12).

[41] Nguyễn Năng, Thư Mục vụ “Thầy chạnh lòng thương đám đông.”, ngày 27- 7-2021.

[42] 1 Pr 3,15; x. Scott Hahn, Reasons to Believe: How to Understand, Explain, and Defend the Catholic Faith (Những lý do để tin: Làm sao để hiểu, giải thích và bảo vệ đức tin Công giáo), eISBN: 978-0-385-52185-7 (New York: Doubleday Broadway Publishing Group, 2007), 12-3.

[43] Scott Hahn, Reasons to Believe., 12-3.

[44] “God and His ways are understandable and defensible” (Scott Hahn).

[45] Đó là lời nhận xét của bác sĩ chuyên khoa II Vương Trọng Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 16 (http://www.baoyenbai.com.vn...).

[46] Đó là lời nhận xét của tiến sĩ bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai (http://www.baoyenbai.com.vn...).

[47] Ga 13,34.

[48] X. “Kết quả toàn bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019” (https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2020/11/).

[49] Ga 13,34.

[50] “We love Vietnam most…: We love your three parts, Vietnam / Loving truly and really… “North-Central-South” / Vietnam, you’ve been given a noble rank of courage / Peace and happiness to you, Vietnam / We love you, Vietnam during the lychee season / Loving your great past through Thang Long map / Vietnam capital is of “no opponent spring” / Peace and happiness to you, Vietnam / We love you, Vietnam with rainy and sunny seasons / Loving you so much… to be where we are / Vietnam’s Hue is clearly the ancient imperial capital / Peace and happiness to you, Vietnam / We love you, Vietnam for your milkweed tree garden / Loving your changing seasons already programmed / Vietnam, you’ve overcome all the challenges / Peace and happiness to you, Vietnam / We love you, Vietnam, despite Covid-19 / Loving you more for passing all that you have to / Vietnam, you’ve surpassed… creating momentum… /  Peace and happiness to you, Vietnam” (BHvNB, Sỏi đá vẫn., T133, số 14).

[51] Các biến thể “trước Omicron” là Delta, Gamma, BetaAlpha.

[52] X. https://www.google.com/search... (10-01-2022).

[53] X. Bao la lòng Chúa xót thương, Cùng nhau... Cùng đi, đồng hành, hiệp hành (4), audio visual clip, ngày 03-01-2022) (https://www.youtube.com/watch...).

[54] Ga 6,40.

[55] Ga 3,36.

Nguồn: https://hdgmvietnam.com/
Từ khóa:

Suy tư - Chia sẻ khác:

12/9/2024 - Cánh Hạc Nhói Lòng Nhìn Bến Quê
30/8/2024 - Sứ mạng truyền giáo tại Châu Á, một cuộc hội nhập văn hóa theo bước chân của các chứng nhân vĩ đại cảu đức tin
12/8/2024 - Làm thế nào đánh thức ơn gọi tu trì trong gia đình?
3/8/2024 - Tưởng nhớ một người Thầy
1/8/2024 - Suy tư của một số giám mục, linh mục và tu sĩ về Đại hội Thánh Thể Toàn quốc Hoa Kỳ
25/7/2024 - Hưởng ơn cứu độ Chúa hứa ban
21/7/2024 - Cầu Nguyện Và Đời Sống Linh Mục
15/7/2024 - Chỉ về đích khi vứt đi “Chiếc Bị”
15/7/2024 - Trong ngày phán xét, tyrô và siđon sẽ được xét xử khoan dung hơn các ngươi (16.07.2024 - thứ ba tuần 15 thường niên)
24/6/2024 - Sự thinh lặng của Thiên Chúa
20/6/2024 - Quan niệm của thánh Augustinô về ý nghĩa thực sự của bình an
10/6/2024 - Những điều tốt lành đức tin mang lại
8/6/2024 - Tin giả (Fake News) và Kinh Thánh: lời nào đáng tin?
7/6/2024 - Xế chiều
6/6/2024 - Điều gì xảy ra khi bạn né tránh ý muốn của Thiên Chúa?
 
  VIDEO CLIPS  
Video
Hoan ca tình Chúa
Tung hô Mẹ Giáo phận Vinh
Trong tình yêu Chúa
Một đời khắc ghi
Thánh lễ mừng Hồng ân Tiên khấn (15/06/2024)
Album Thánh ca Sr. Hoàng Phương
Chính Chúa sống trong con
Album Dâng Mẹ ngàn hoa
Ngàn hoa dâng Mẹ
Bộ mẫu dâng hoa kính Mẹ năm 2024
 
  FANPAGE FACEBOOK  
  LIÊN KẾT WEBSITE  
Hội Dòng MTG. Hưng Hóa
Hội Dòng MTG. Xuân Lộc
Hội Dòng MTG. Nha Trang
Hội Dòng MTG. Cái Mơn
Hội Dòng MTG. Gò Vấp
Hội Dòng MTG. Thủ Đức
Giáo phận Long Xuyên
Giáo phận Đà Lạt
Giáo phận Cần Thơ
Giáo phận Bà Rịa
TGP. Sài Gòn
Giáo phận Quy Nhơn
Giáo phận Nha Trang
Giáo phận Kon Tum
Giáo phận Đà Nẵng
Giáo phận Ban Mê Thuột
Giáo phận Phát Diệm
Giáo phận Lạng Sơn
Giáo phận Hải Phòng
Giáo phận Bùi Chu
Giáo Phận Bắc Ninh
Giáo phận Hưng Hóa
TGP. Hà Nội
Giáo phân Thanh Hóa
Giáo phận Vinh
Giáo phận Hà Tĩnh
 
  Trang chủ I  Giới thiệu   I  Giáo Hội   I  Sinh hoạt Hội Dòng   I  Cộng đoàn   I  Mục vụ   I  Suy niệm - Suy tư   I  Góc sáng tác   I  Kỹ năng sống    

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ VINH
Địa chỉ: Xã Đoài, Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An
Điện thoại: 0982.868.275 - 0386.501.245
Email: [email protected]
Website: http://mtgvinh.com