Mùi lúa chín theo gió phảng phất khắp cả cánh đồng hòa với tiếng lũ trẻ đang gọi nhau thả diều men theo bờ đất chạy dài tít tắp chia đôi cánh đồng; một bên là màu vàng ươm của những bông lúa trĩu nặng đang khẽ cúi mình xuống, phần còn lại là một màu xanh ngắt của những luống khoai tây.
Song song với cánh đồng ấy là con đường đến trường của biết bao thế hệ. Khi tôi sinh ra nó đã đAược đặt tên là “Đường Ma”, nghe ông nội kể lại thì con đường đó được đắp để đưa tang một vị quan nổi tiếng triều Nguyễn, chứ chẳng có ma mãnh gì cả. Con đường ấy gắn liền với tuổi thơ của tôi những lần trốn mẹ ngủ trưa đi bắt ve với lũ bạn dưới hàng nhãn đang vào mùa ra hoa, rồi thì bắt bọ xít làm xe đua, làm sao quên những lần chảy máu chân vì dẫm phải mảnh sành khi nhẩy từ cành nhãn xuống mương nước vui cùng đám bạn những ngày hè nóng bức.
Đứng từ rặng nhãn bạn có thể nhìn thấy ở phía cuối con đường có một cây xà cừ cổ thụ to lớn cũng phải đến bốn năm đứa như tôi mới ôm hết thân cây. Người dân ở đây vẫn gọi nó là cây xà cừ cô đơn, có lẽ vì từ hồi nào nó vẫn đứng đó chỉ có một mình, một mình lắng nghe sự chuyển động hài hòa của toàn thể vũ trụ, cùng những quy luật sinh sôi của tạo vật. Một mình chứng kiến biết bao thay đổi của con người và xứ đạo nơi đây. Vì thế tôi tin cây xà cừ ấy biết rõ những đứa trẻ như tôi, không phải chỉ vì chúng tôi thường xuyên nghịch ngợm dưới gốc cây, hay vẫn rình bắn chim bằng những khẩu súng cao-su tự chế, nhưng vì dưới gốc cây ấy, người ta vẫn nghỉ ngơi sau những mệt nhọc dưới cánh đồng để nói chuyện với nhau về con cái của mình, về sự tự hào nhưng cũng nhiều lắng lo khi chúng xa gia đình lên thành phố ăn học và làm việc.
“Sáng nay em thấy bọn trẻ nói chuyện là thằng An nhà ông Minh mới báo nợ mấy trăm triệu đấy chị ạ! Không biết thực hư thế nào”– Người phụ nữ có dáng mảnh khảnh vừa cầm nón quạt vừa nói.
Người phụ nữ trững tuổi hơn thở dài đáp: “Tội nghiệp nhà ông Minh! Mà chúng nó bây giờ hễ lớn lên xa gia đình, ra khỏi làng là bị cuốn vào thế giới bên ngoài, khao khát kiếm tiền, mong giàu thật nhanh, rồi có khi cũng bị lừa nữa! Tôi sợ lắm!”.
Phía trên tán cây xà cừ, hai chú chim chìa vôi đang thưởng thức thứ quả gì đó màu đỏ chín mọng, hình như cũng đang lắng tai nghe chuyện cuộc đời.
“Thằng Đức nhà tôi đang học đại học trên Hà Nội, tôi luôn gọi điện thúc giục chuyện đi lễ, đọc kinh sớm tối. Được nghỉ là phải về nhà với bố mẹ. Tôi nói với nó cũng như mấy đứa em là bố mẹ chỉ mong các con khỏe mạnh và ngoan ngoãn, đạo nghĩa sốt sắng, nghèo hay giàu không phải là điều quan trọng nhất!” – Bà nhìn về phía ngôi thánh đường giáo xứ nhỏ nhắn cũ kĩ rêu phong ở cuối tầm mắt.
Người phụ nữ kia đang lấy mấy cọng rơm gạt hết bùn còn dính trên đôi chân trắng nõn của mình cũng gật đầu tỏ vẻ đồng ý: “Em cũng nghĩ vậy, chuyện đạo nghĩa mới là quan trọng, Chúa mới là gốc rễ, chứ cứ hờ hững với Chúa thì kiểu gì cũng bị cám dỗ lôi kéo. Không phải chúng nó xấu, nhưng nói thật là xã hội bây giờ ghê gớm lắm chị nhỉ?”.
Bất chợt giông gió nổi lên thổi bụi đất bay mù mịt, bọn trẻ thả diều nhớn nhác thu đồ chạy về nhà, lũ trẻ đang tắm dưới mương cũng í ới gọi nhau dắt trâu về sớm. Từ xa đã thấy cơn mưa lớn, mây đen kịt đang phủ trên ngôi làng yên bình ấy.
Hai chú chim chìa vôi trên tán cây xà cừ kia cũng sợ hãi vỗ cánh bay về tổ, vô tình làm rơi bữa chiều của chúng xuống đất, thứ quả chín mọng ấy vỡ tan khiến hạt của nó rơi vung vãi quanh gốc cây cổ thụ. Dưới gốc cây, hai người phụ nữ cũng đành bỏ dở dang câu chuyện cùng gửi nỗi niềm lại đó, vội vàng trở về nhà để tránh cơn mưa đầu hè có vẻ rất dữ dội sắp ập đến và cũng để kịp thổi cơm cho cả gia đình còn đi nhà thờ đọc kinh tối.
Sau cơn giông gió ấy quả thật là nhiều ruộng lúa chín chưa kịp gặt cũng rụng bông đổ rạp xuống, nhiều cây cối bên đường còn bật gốc, đặc biệt là hàng bạch đàn cao vút. Chỉ có cây xà cừ cổ thụ là tỏ ra chẳng hề hấn gì, nhưng hình như có tiếng gì đó be bé dưới gốc cây, không phải tiếng của những phụ nữ hôm trước ra đây để kể lại câu chuyện của những đứa trẻ; cũng chẳng phải tiếng của những chú dế mèn phiêu lưu, nhưng là tiếng của một hạt giống vừa nảy mầm.
“Ông! Ông ơi! Bao giờ cháu mới cao lớn như ông vậy” – hạt mầm vừa hé đầu ra vươn lên để hỏi cây xà cừ cổ thụ.
“Cháu có phải là hạt giống của thứ quả màu đỏ hôm trước rơi vãi không nhỉ? Mà sao cháu nảy mầm nhanh vậy, ta thấy hình như cháu còn chưa nẩy rễ thì phải?” – Cây xà cừ nhẹ nhàng hỏi.
Mầm cây nở nụ cười tự hào nói: “Vì cháu muốn lớn thật nhanh, thật cao, cháu muốn trở nên vĩ đại như ông vậy!”.
“Cháu đang đi ngược lại quy luật tuyệt vời mà Thượng Đế khi dựng nên chúng ta đã đặt vào”– Cây xà cừ tỏ vẻ âu yếm.
“Quy luật gì ạ? Nếu không phải là vươn lên, vươn lên mạnh mẽ ạ!” – Mầm cây hăng hái đáp lại.
“Đúng! Nhưng trước khi có thể vươn lên, trước khi hạt giống nẩy mầm thì chúng phải trổ rễ. Nghĩa là đi tìm cho mình nguồn sống, đó chính là đất; đất không chỉ dưỡng nuôi mà còn giữ cho hạt khi nẩy mầm có thể đứng vững” – Cây xà cứ hướng mắt về hàng bạch đàn cao vút vừa bị quật ngã sau cơn giông.
“Cháu nhìn thấy không, bạch đàn kia cao thì cao thật; nhưng chiều cao không bảo đảm cho nó trước giông tố. Chỉ những cây nào bám rễ sâu vào lòng đất chúng mới có thể đứng vững”. Cây xà cừ mỉm cười nói tiếp: “những mầm non trẻ trung đầy sức sống như cháu, rất có thể bị cuốn vào cám dỗ vươn lên thật cao và thật nhanh, chỉ có điều lại quên bám rễ thật sâu và thật chắc”.
“Cháu không thấy là những anh em của cháu kia vẫn đang nằm yên trên nền đất ẩm đây để miệt mài trổ rễ thật sâu vào đất à, đó là quy luật của Tạo hóa đấy bé con ạ!”.
Mầm cây cảm thấy run lên vì sợ hãi, nó hiểu số phận của nó lúc này. Bất chợt, một cơn gió mạnh dù chẳng có gì dữ tợn thổi qua cũng khiến nó trở nên tối sầm mặt mũi, mọi thứ trao đảo và quay cuồng, nó như thể bị nhấc tung lên khỏi mặt đất, nó hét lên trong tuyệt vọng.
“Không! Không! Chúa ơi cứu con!” – Tôi la hét và giật mình tỉnh giấc, thì ra tôi đã ngủ gục trên bàn học. Đống sách ngổn ngang trên bàn kia chính là bằng chứng cho những nỗ lực và cố gắng thực hiện ước mơ về một cuộc sống đầy đủ sung túc trong tương lai.
Tôi nghĩ ước mơ của những người trẻ như tôi đâu có sai, cái sai là trong ước mơ đó dường như không có Chúa. Chúa chỉ như là một điều gì đó bên ngoài tôi, thế nên tôi vẫn “có mặt” đầy đủ trong các thánh lễ Chúa nhật mà không phải là “tham dự”, tôi đi lễ như một thói quen, một bổn phận chứ chẳng phải vì lòng mến yêu gì; thì ra tôi vẫn “giữ đạo” mà không hề “sống đạo”. Tôi đã đọc biết bao sách trên thư viện mà chỉ Tin Mừng là chưa bao giờ đọc cách cẩn thận, say mê. Tôi sở hữu cho mình rất nhiều thần tượng nhưng trong số đó không hề có Giêsu.
Thật đúng như cái cách mà xã hội này đang gieo vào đầu những người trẻ như chúng tôi với đủ thứ chủ thuyết tuyệt đối hóa con người. Nhân loại muốn xây dựng một thế giới tốt đẹp và thịnh vượng mà lại không hề có Thiên Chúa; một thế giới lớn mạnh mà lại không bắt nguồn cũng chẳng bén rễ chắc chắn trong Thiên Chúa. Tôi thấy rùng mình vì nghĩ rằng, chẳng phải Hitler hay Stalin cũng nuôi hy vọng xây dựng một thế giới như thế đó hay sao?
Xã hội này dạy và cung cấp cho chúng tôi khả năng để luôn vươn lên, nhưng lại không dạy chúng tôi biết phải bám rễ vào đâu. Phải chăng là bám vào tiền bạc, địa vị hay danh tiếng…nhưng tất cả những gì do con người nghĩ ra, những gì do con người làm nên đều không chắc chắn để bám vào, bởi rồi sẽ có một ngày sụp đổ. Chỉ những gì nằm bên trên con người hay chỉ có Đấng Hằng Hữu đã dựng nên con người mới là điểm chắc chắn để tôi có thể tin tưởng bám chặt vào.
Tôi nhìn ra cây hồng xiêm phía trước cửa sổ phòng trọ và chợt nghĩ đến qui luật mà cây xà cừ trong giấc mơ đã nói. Ngay những hạt giống vô tri mà còn biết đâm rễ để đi tìm nguồn sống và sự bảo vệ chắc chắn; một em bé chưa có ý thức còn biết bám lấy người có thể cung cấp cho nó dòng sữa, người có thể ôm ấp chở che bao bọc cho nó. Còn tôi thì sao? Ôi thế hệ tri thức! muốn nắm bắt những điều cao siêu, thế mà những gì đơn giản ngay trước mắt, những thứ vẫn diễn ra trong cuộc sống lại chẳng thể nhận ra, tôi thấy tức cười với chính mình.
Tôi đã từng băn khoăn trước câu hỏi của một người bạn: “Chúa có giúp mày kiếm sống không?”. Tôi đã có phần bối rối! Nhưng giờ thì tôi có thể trả lời cho chính mình rằng: “Giúp tôi kiếm sống ư? Còn hơn thế nữa! Ngài giúp tôi biết ‘sống’ những gì tôi kiếm được! Ngài là chính nguồn sống của tôi, là chốn tôi tựa nương!”.
Tự nhiên tôi thấy nhớ nhà, nhớ tiếng chuông nhà thờ mà đã lâu lắm rồi tôi không còn được nghe, giờ thì mẹ sẽ chẳng còn phải thúc giục tôi đi lễ, đọc kinh như cái hồi còn mải mê với cánh diều. Giờ tôi thực sự ý thức đâu là nguồn sống của tôi, đâu là nơi chắc chắn để tôi có thể bám víu và vươn lên thực hiện ước mơ của mình. Ước mơ ấy nhất định phải ở trong Thiên Chúa, phải được lớn lên nhờ sự dưỡng nuôi của Ngài.
Đến đây, có lẽ cần viết tiếp cái kết về số phận của mầm cây non nớt ấy sau cơn gió mạnh. Nó vẫn may mắn sống sót vì có sự che chở của những tán lá dày mà cây xà cừ cổ thụ ấy tỏa xuống. Đó cũng là số phận của mỗi chúng ta, cho dù có những vấp ngã, hay có nhiều sai lỗi trong suy nghĩ và hành động, chúng ta vẫn luôn được Mẹ Giáo Hội chở che nhờ hiệu quả của thánh lễ mỗi ngày, nhờ Bí tích Hòa Giải, qua những sự đồng hành thiêng liêng, qua những lời cầu nguyện không ngừng của cha mẹ và người thân.
Những người trẻ như tôi và cả bạn nữa, phải nhận ra quy luật của cuộc sống là: Hãy đi tìm nguồn sống đích thực cho mình! Hãy đâm rễ và bám chặt vào nguồn sống ấy là chính Đức Kitô Giêsu. Có như vậy, chúng ta mới có thể vươn lên mạnh mẽ nhờ sức sống dồi dào! và có thể đứng vững trước muôn ngàn sóng gió của cuộc đời này.
Chiara |