Minh Tuệ, Mến Thánh Giá Vinh
Thương là “nỗi lòng” của lý trí, là xúc cảm của trái tim và là nỗi niềm của những “mảnh hồn thiêng” khi đã cùng hòa chung nhịp đập. Thế nhưng, khi đặt bên cạnh “vết” - vết thương, nó trở thành niềm đau đến lạ thường và dai dẳng đến khôn nguôi.
Vết thương… có lẽ là thứ tất yếu mà ta sẽ phải có trên mình khi lữ hành giữa cuộc đời lữ thứ này trong thân phận lữ khách; là thứ mà ta sẽ phải đón lấy, nếm cảm, và gặm nhấm; và sẽ mãi là thứ khiến ta cứ day dứt trong linh hồn vì một thời ngây dại “ta đã yêu và được yêu”.
Có loại vết thương nào mang tên hạnh phúc?
Nghe thật trớ trêu! Nhưng sự trớ trêu đó lại có thật và thật sự tồn tại trên cõi đời này “loại vết thương mang tên hạnh phúc”!
“Vết thương mang tên hạnh phúc”, không có nghĩa là người mang nó lên mình không phải chịu đựng sự đau đớn trên thân xác, cũng không đồng nghĩa rằng người đó không phải gánh chịu những nỗi giằng xé đớn đau trong tâm hồn. Bởi trong thực tế, những “vết thương hạnh phúc” ấy luôn ẩn tàng khả năng sát thương khủng khiếp và tiềm tàng năng lực tổn thương sâu rộng khiến cho “thân chủ” của nó phải quằn quại lắm, phải vật vã lắm và phải kinh hoàng, khiếp đảm đến run giùng.
Dẫu vậy, vết thương ấy vẫn mang tên hạnh phúc! Đơn giản thôi, chỉ vì “thân chủ” của nó cảm thấy niềm hạnh phúc trào dâng khi mang lên mình vết thương ấy. Không phải cho họ, cũng không phải vì họ. Nhưng là vì một ai đó mà họ tự nguyện chịu tổn thương, là vì một con người nào đó mà họ “cam tâm tình nguyện” gánh hết mọi “nỗi đau chung” và “mang lấy vào thân” cả những “nỗi niềm riêng”. Để trong suốt chuỗi ngày còn lại của cuộc đời, ai đó được thư thái và thảnh thơi, dẫu không có bóng hình của họ và ngay cả khi họ trở thành đáng ghét trong đôi mắt của người ấy.
Vết thương của ngày thứ 6 năm xưa chính là vết thương mang tên hạnh phúc. Chúa Giêsu là người đã phát kiến ra loại vết thương ấy, làm lan phát nó ra khắp trên mặt đất và phát tác công dụng của nó cách công hiệu nhất. Ngài đã đón lấy tất cả những vết thương trên thân mình, kinh hoàng cả về con số lẫn mức độ tổn thương! Ngài đã đón nhận tất cả những vết thương kinh khiếp trong tâm hồn, cả về cao độ lẫn trường độ! Ngài đã ôm lấy tất cả “vào thân cho đủ mức”, để “xoa dịu và chữa lành vết thương cho người mình yêu” và để hóa những vết thương vốn mang tính “sát thương” trở thành những vết thương mang đặc tính “sát trùng” và “đặc trị chữa lành” mọi loại vết thương và tổn thương. Ngài đớn đau chỉ một mình và có một lần nhưng ân sủng thì trào tràn đến muôn đời và cho muôn người!
Thứ 6 tuần thánh năm nay, tôi bồi hồi, ngậm ngùi nhớ về chiều thứ 6 năm nào! Nhớ về một con người nào đó đã vì tôi mà tình nguyện ôm trọn mọi gian lao của dòng đời thác loạn. Đã chỉ vì tội tôi mà lãnh trọn mọi đớn đau của lòng người tha hóa và biến chất.
Khắc khoải về một vị Thiên Chúa đã hạ mình xuống nơi “rốt hết”, gieo mình xuống chỗ sâu nhất trong vực thẳm nhân sinh để nâng tôi lên chỗ cao nhất, đã trút bỏ tất cả mọi danh dự, vương quyền và vinh quang để mặc lấy những gì là “hèn mạt”, là “nhơ nhớp” và “cùng khốn” nhất để cho tôi được hạnh phúc nhất.
Day dứt về một sự thật trớ trêu, sự thật về một loại vết thương mang tên hạnh phúc - Hạnh phúc cho người mình yêu!
Lạy Chúa!
Giữa dòng đời thác loạn và phong sương của “nhân tình thế thái”, xin cho con can đảm như Chúa, biết “vui cùng người vui và khóc với người buồn”, biết dùng “trái tim của con người” để cảm nhận niềm đau của tha nhân, dùng “trái tim của Thiên Chúa” để cảm thông, cảm thấu và sẻ chia với nỗi đau của đồng loại và biết can trường dùng “vết thương của Chúa” để “sát trùng” và “chữa lành” mọi vết thương trên thế giới!
|