MAI TÁNG ĐI NHỮNG ĐAU KHỔ!
Cây Bút Chì – MTG Vinh
Trong một lần đi đàng Thánh Giá Chúa Giêsu, vào chặng thứ 14, tôi bất giác chú ý đến hình ảnh bên trong ngôi mộ mà người ta đang táng xác Chúa Giêsu. Không biết với dụng ý gì mà người họa sĩ đã đặt chiếc vòng gai sắc nhọn và những cái đinh lầm lì nhuốm màu máu huyết vừa mới được gỡ ra từ xác thể của Chúa, nằm gọn trên nền bậc thang dưới phiến đá đặt xác Chúa. Có lẽ, vứt hết mọi đau buồn, chôn đi những hình khổ vào ngôi mộ là cách tốt nhất để người ta quên đi những điều kinh hoàng đã xoáy sâu vào tâm can họ sau khi chứng kiến cuộc khổ nạn bi thương của Chúa. Hình ảnh ngôi mộ, mão gai và những mũi đinh vẫn cứ dai dẳng đeo bám tâm trí tôi...
Nói đến mồ mả là nhắc đến dấu chỉ của sự chết. Mộ là điạ hạt của âm phủ, là nơi chôn cất “thân xác hóa về tro bụi” của con người. Một khi đã vào đó thì sẽ không bao giờ có cơ may bước ra ngoài nữa. Con người ta, ai cũng phải một lần đi vào trong đó khi cán đích cuộc đời - một lần cho mãi mãi. Vì thế, khi nói đến mồ mả, ai cũng kinh khiếp, cũng lẩn tránh, mong sao cho mình kéo dài thêm tuổi thọ để được ngày nào hay ngày đó. Và người ta tìm mọi cách để có thể trì hoãn cuộc hành trình đi về chốn tối tăm, âm u, hoang lạnh trong cõi âm ti.
Cho dù cái định luật “ai đã đi vào mộ thì hết đường ra” là đúng với con người mọi nơi trong mọi thời đại; thế nhưng, Tin Mừng Phục Sinh mặc khải cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu là người thật, đã nằm trong mộ ba ngày và rồi Người đã trỗi dậy. Người đã khải hoàn bước ra và làm cho “ngôi mộ đầy” biến thành “ngôi mộ trống”. Cho dù sự chết đã ngăn cách thân thể Người với thế giới bên ngoài bằng một tảng đá khổng lồ, rốt cuộc nó chẳng thể cầm giữ bước chân Người. Thần chết dù có cố gắng đến đâu thì họa chăng chỉ có thể hả hê được ba ngày, vì đến ngày thứ ba, sự sống đã bắt đầu nóng lên nơi trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu. Hạt lúa mì cứu độ đã đâm chồi sự sống. Có ai ngờ ngôi mộ này lại là thửa đất màu mỡ làm bật dậy sự sống cho cả thế giới! Ánh sáng Phục Sinh nơi thân thể Chúa Giêsu đã xé nát tấm màn đêm lạnh lẽo nơi âm phủ. Người đã làm bừng dậy niềm hy vọng cho những ai đang bị bóng tối tử thần cầm giữ. Người cũng cho những ai đang lữ hành trên dương gian niềm tin để chiến thắng mọi khó khăn thử thách trong cuộc đời.
Ngôi mộ trống của Tin Mừng Phục Sinh là một ngôi mộ biết nói. Nó nói cho chúng ta biết về Thiên Chúa, Đấng vừa hiện diện vừa vắng mặt giữa nhân loại và người ta gọi đó là “sự-hiện-diện-vắng-mặt” của Đấng Tạo Hóa. Mặc dù chúng ta không thể chạm tới Thiên Chúa bằng những cảm quan thể lý, nhưng chúng ta đều có thể cảm nghiệm được sự hiện diện đầy quan phòng của Người trong vũ hoàn và trong chính cuộc đời chúng ta. Nếu chẳng thể gặp gỡ Người “mặt giáp mặt”, thì chúng ta lại có thể gặp gỡ thân tình với Người qua cái nhìn của đức tin và đức mến.
Niềm xác tín mạnh mẽ ấy dẫn chúng ta vào quỹ đạo của ánh sáng Phục Sinh. Có lẽ, sống trên đời, chẳng ai có thể thoát khỏi sự vây đuổi của đau khổ và thử thách. Đôi khi, chúng làm cạn kiệt nghị lực sống và phân hóa nội tâm của chúng ta cách dã man, đến nỗi con tim héo tàn, nước mắt cạn khô. Nếu chúng ta có vấp phải kinh nghiệm nào đau thương, những thử thách nào cam go, hãy vùi chúng vào nấm mồ của Chúa Giêsu, cứ như cách người ta đã vứt vòng gai và những cái đinh kia vào trong ngôi mộ năm xưa của Chúa. Chắc chắn, chúng ta sẽ phải chờ đợi trong bóng tối của đêm canh thức Vượt qua. Nhưng hãy tin rằng, Người sẽ không để ta chờ đợi trong vô vọng. Nếu chúng ta đủ kiên nhẫn chờ đợi, chúng ta sẽ thấy kinh ngạc bởi những gì chúng ta bỏ vào ngôi mộ ấy sẽ lột xác đi ra. Ngôi mộ của những kinh nghiệm đau thương sẽ trở thành ngôi mộ trống của sự bình an và thanh thản.
Hãy học cách mai táng những đau khổ, đừng ngồi đó gặm nhấm để rồi những gì ta nhận lại được là một sự tổn thương hằn sâu trong tâm hồn. Đấng Phục Sinh sẽ chẳng để ai một mình lẻ bóng trong bóng tối của sự cô đơn và tuyệt vọng... Hãy tin vào “sự hiện diện vắng mặt của Người - Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế!” (Mt 28,10).
|