Thiên Triệu
WGPMT (18.02.2022) – Suốt hơn 70 năm làm linh mục, Joseph Ratzinger xác định cho mình sứ vụ tìm kiếm và loan báo chân lý; ngài đã chọn châm ngôn giám mục là “Cooperatores veritatis - Cộng tác viên của chân lý”. Ngài đã làm đúng như thế khi trả lời Bản điều tra Munich về lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ với trẻ vị thành niên, bằng cách bảo vệ đúng các sự kiện, chống lại ý kiến đang thắng thế, và nâng toàn bộ vấn đề lên bằng cách đặt nó vào bối cảnh phụng vụ về tội lỗi, sám hối, phán xét và cứu độ (x. Thư của Đức Bênêđitô XVI, ngày 08/02/2022).
Đức Bênêđitô XVI phản bác bản tường trình của một hãng luật bên Đức tiến hành cuộc điều tra. Cùng với nhóm tư vấn về luật, ngài lập luận rằng các sự kiện đưa ra không ủng hộ cho những kết luận. Chính bản điều tra tự nhìn nhận là “thiếu bằng chứng”, do đó họ đưa ra phán đoán riêng của họ là “rất có khả năng xảy ra”. Ý kiến của họ chưa có phần bảo vệ và chứng nghiệm tại bất cứ tòa án nào, nên không được coi là sự thật.
John Allen, một quan sát viên lâu năm tại Vatican, ghi nhận rằng Đức Bênêđitô không đi theo chiến thuật PR (quan hệ công chúng), theo đó các giám mục không phản bác các kết luận của những cuộc điều tra như thế, kể cả khi một vài cáo buộc rõ ràng là sai hoặc phóng đại, như trường hợp bản điều tra ở Pensylvania năm 2018 và tại Pháp năm 2021.
Joseph Ratzinger đã không bao giờ theo chiến thuật đó. Đang khi hầu hết các giám mục trên thế giới đợi cho đến khi các phương tiện truyền thông tạo ra scandal thì mới hành động chống lại việc lạm dụng tình dục, thì chính Đức hồng y Ratzinger là người dẫn đầu những cải cách quan trọng của Vatican về vấn đề này, từ một năm trước khi xảy ra scandal tại Boston.
Cha Federico Lombardi, phát ngôn viên của Đức Bênêđitô dưới triều Giáo hoàng của ngài, nói rằng: “Tôi nghĩ ngài bào chữa cho sự chân thực của ngài là việc đúng đắn, vì đó là đặc điểm nơi con người và cách ứng xử của ngài suốt đời. Là người đã sống gần gũi với ngài như một cộng tác viên trong nhiều năm, tôi có thể làm chứng rằng việc phục vụ chân lý luôn được ngài đặt lên hàng đầu. Ngài không bao giờ cố gắng che đậy những điều có thể làm cho Giáo hội phải đau đớn nhìn nhận, cũng không bao giờ cố gắng đưa ra một hình ảnh giả tạo về thực tế của Giáo hội và những gì đang xảy ra. Vì thế tôi tuyệt đối tin rằng chúng ta không thể nghi ngờ chút nào sự chân thực của ngài. Và khi ngài xác nhận điều đó, tôi tin là chúng ta nên đón nhận với xác tín và niềm tin tưởng”.
Giáo hội Công giáo tại Đức hiện nay đang trải qua cuộc khủng hoảng sâu sắc, với khủng hoảng về lạm dụng tình dục được các nhóm vận động đầy thế lực khai thác để đẩy mạnh những lập trường sai lạc, hiểu như một phần của “con đường hiệp hành”. Trong bối cảnh đó, việc quan tâm cách bất thường vào thời gian 5 năm Ratzinger làm Tổng giám mục Munich, cách đây 40 năm, là chuyện có thể hiểu được. Tại Đức, tấn công Ratzinger là phương thế để đạt được mục đích là xói mòn giáo huấn chính thống của Công giáo.
Chúng ta không ngạc nhiên về cách Đức Bênêđitô trả lời bản cáo trạng này. Ngài đặt cuộc đời phục vụ lâu dài của mình trong khung cảnh phụng vụ: một tội nhân đứng trước nhan Chúa. Ngài nói như một người môn đệ Chúa Kitô và một mục tử, chứ không như nhà quản lý một tập đoàn đang bị tấn công, tức là cách mà hàng giám mục Đức quen làm.
Ngài viết: “Càng ngày tôi càng được đánh động bởi điều này là: ngày này qua ngày khác, Giáo hội bắt đầu việc cử hành Thánh Lễ - trong đó Chúa ban Lời của Ngài và chính Mình Ngài cho ta - bằng việc xưng thú tội lỗi và xin ơn tha thứ. Chúng ta công khai khẩn nài Thiên Chúa hằng sống tha thứ những lỗi lầm của chúng ta, những lỗi lầm nặng nề nhất (maxima culpa)... Điều đó mời gọi tôi tự vấn hằng ngày, đồng thời thật an ủi khi biết rằng dù lỗi lầm của chúng ta lớn thế nào, Chúa vẫn tha thứ nếu chúng ta thành tâm trước mặt Chúa và sẵn sàng sửa đổi”.
Nhắc đến những lần gặp gỡ các nạn nhân bị các giáo sĩ lạm dụng tình dục, Đức Benêđitô viết: “Chúng ta bị lôi vào thứ tội trầm trọng này bất cứ khi nào chúng ta xao nhãng hoặc không giải quyết với sự quyết đoán và tinh thần trách nhiệm cần thiết, như đã từng xảy ra và vẫn xảy ra”.
Rồi Đức Bênêđitô nhắc tới những hình ảnh Kinh Thánh ngài yêu thích để hiểu về đời sống Giáo hội, đó là hình ảnh Chúa Giêsu ngủ trên thuyền giữa cơn bão đang đe dọa. Ngài đã vận dụng hình ảnh này trong buổi triều yết chung cuối cùng của ngài năm 2013. Lần này, ngài nói đến việc các tông đồ ngủ say đang khi Chúa Giêsu đau khổ trong cơn hấp hối tại Ghetsemani, và trong nỗi đau của Chúa, có cả nỗi đau của các nạn nhân bị lạm dụng.
Đức Bênêđitô viết: “Càng ngày tôi càng quý trọng sự run rẩy và sợ hãi mà Chúa Kitô cảm nhận trên Núi Cây Dầu khi Chúa nhìn thấy những sự gớm ghiếc Ngài phải chịu đựng trong tâm hồn. Điều đáng buồn là chính lúc đó, các tông đồ lại ngủ, và tình trạng ấy vẫn tiếp tục diễn ra ngày nay, và chính vì thế tôi thấy mình cần phải trả lời”.
Cuối cùng, Đức Bênêđitô nhắc chúng ta rằng nên ghi nhận phán đoán của hãng luật Munich, nhưng không sợ hãi. Sợ hãi và run rẩy phải dành cho những vấn đề trầm trọng hơn là những cãi vã vì tính toán chính trị trong Giáo hội Đức.
“Chẳng bao lâu nữa tôi sẽ ra trước nhan Vị Thẩm phán cuối cùng của đời tôi. Nhìn lại cuộc đời mình, dù tôi có lý do để phải run rẩy và sợ hãi nhưng tôi cảm nhận niềm vui vì tôi tin tưởng vững vàng rằng Chúa không chỉ là Vị Thẩm phán công minh, nhưng còn là người bạn và người anh đã luôn chịu đựng những khiếm khuyết của tôi, và như thế Ngài cũng là “Đấng Bàu chữa” (Paraclete) cho tôi. Trong ánh sáng của giờ phán xét, hồng ân được làm người Kitô hữu hiện rõ hơn bao giờ. Hồng ân ấy ban tặng cho tôi sự hiểu biết, nhất là tình thân với Đấng xét xử tôi, và như thế giúp tôi tin tưởng đi qua cánh cửa tăm tối của sự chết”.
Lá thư của Đức Bênêđitô XVI không chỉ là lời phân bua phải trái; đúng hơn đó là một suy niệm thiêng liêng cho tất cả chúng ta.
________________ Giới thiệu bài viết của Cha Raymond J. de Souza, Pope Benedict’s Departure from the Public-Relation Handbook, National Catholic Register, 12/02/2022. |