Mặt trời vừa ló lên khỏi rặng tre, giãi những tia lụa vàng óng ánh mềm mại xuống trên vạn vật. Vừa xong giờ cơm sáng, chị em chúng tôi nhanh chân đi làm việc trong bầu khí thinh lặng nơi Tập Viện. Hôm ấy là ngày thứ tư, buổi lao động chính đầu tiên kể từ khi chúng tôi lãnh tu phục. Mọi việc đã được sắp xếp trước nên chẳng ai bảo ai, người cào, người cuốc, người liềm, chúng tôi hướng thẳng ra khu vườn để hoang mấy tháng nay. Vừa đến nơi, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là một bãi đất cằn cỗi, đầy cỏ dại, đất khô cứng nứt nẻ, đó đây có những tổ kiến khổng lồ đe dọa tinh thần. Những đám đất thế này vốn là đặc sản của xứ Nghệ mỗi độ thiếu mưa. Chao ôi, thoạt nhìn vẻ mặt ai cũng ngao ngán và có phần nhụt chí. Một chị em chua chát kêu lên: “Làm gì mà rau mọc nổi nơi bãi đất đá sỏi này? Rảo mắt nhìn quanh, tôi nghẹn ngào cay đắng nhớ lại lời nguyền trên đất đai mà Thiên Chúa đã giáng xuống tổ tông loài người. Bởi kiêu ngạo, mà Adam - con người đầu tiên, đã tước đi ơn ngoại nhiên trên nhân loại và vũ trụ: “Vì ngươi đã ăn trái cấm nên đất đai đã bị nguyền rủa vì ngươi, ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi.” (St 3, 17-18). Còn với con trai ông là Cain, chỉ vì ganh tỵ với lễ vật là những chiên dê béo tốt căng tràn tấm thành của em trai mình dâng lên Đức Chúa, mà ông đã đổ máu Aben xuống đất. Chính vì thế, Thiên Chúa đã phán với ông: “Giờ đây, ngươi bị nguyền rủa bởi chính đất đã từng há miệng hút lấy máu em ngươi, do tay ngươi đổ ra. Ngươi có canh tác đất đai, nó cũng không cho ngươi hoa màu của nó nữa.” (St 4, 11-12). Chẳng lẽ, những lời nguyền rủa đó cứ đeo đẳng số phận con người mãi hay sao? Đang bế tắc trong dòng suy nghĩ, bỗng có tiếng chị chủ vườn hô to: “Nào chị em, bắt đầu đi chứ. Em cần năm người nhổ cỏ, hai người vứt cỏ, mười người cuốc đất …”
Lúc này, những chú kiến chăm chỉ cũng đã bắt đầu rời tổ đi kiếm ăn, chúng tản ra hoạt động khắp cả khu vườn rộng lớn. Còn chúng tôi, dưới sự điều hành tháo vát của chị chủ vườn, ai nấy quên mất cái chán nản ban đầu, chẳng nề mệt nhọc, bắt tay vào việc cải tạo khu vườn đáng thương này. Nhịp điệu khẩn trương, thao tác nhanh nhẹn, tinh thần dấn thân của các tập sinh trẻ chẳng mấy chốc đã thổi vào khu vườn một sinh khí mới. Những đám cỏ dại đã được nhổ sạch, cột thành từng bó, chờ ngày quẳng vào lửa. Từng vạt đất đã xới lên tơi xốp. Những ánh nắng vàng nhạt của cái đầu thu quyện vào từng cơn gió thoảng, phảng phất mùi ngô rang từ bếp nhà ai, len lỏi vào lớp đất vừa mới được xới lên… Thơm ngát! Ngày hôm sau, khi những lớp đất để ải đó đã “bén mùi ôxi”, chúng tôi làm thành từng luống để chuẩn bị gieo giống. Đương nhiên, vì khu vườn khá rộng nên chúng tôi phải làm từ từ từng loại, tùy vào đặc thù của mỗi khối đất. Sau 2 tuần, chúng tôi đã hoàn tất công đoạn gieo hạt. Khi đám đất cuối cùng được canh tác thì cũng là lúc những mô đất trước đã lú nhú mọc lên những chồi non căng mẩm, lớn nhỏ khác nhau, tùy thuộc vào thời gian chúng được gieo. Khi đó, tôi có cảm giác là mình càng tiến lên thì hạt giống càng âm thầm nảy mầm phía sau lưng. Thật tuyệt vời biết bao! Đó là điều kỳ diệu mà Tạo Hóa đã ban cho thiên nhiên và con người. Việc quan sát sự lớn lên của các cây rau, đối với tôi là một phép màu lớn lao của cuộc sống. Một khi được gieo vào lòng đất, hạt giống cứ không ngừng âm thầm sinh trưởng không kể đêm hay ngày. Tuy vậy, mắt thường của con người không thể thấy cách thức lớn lên và những chuyển động li ti liên tục của chúng.
Nhờ vào sự cần mẫn chăm sóc của các tập sinh trẻ qua những buổi lao động, dù ngắn giờ nhưng thấm đượm tinh thần chiêm niệm trong hoạt động, với những chuỗi ngọc Mân Côi rơi xuống hòa vào hồn đất, vườn rau đã nhanh chóng thay màu đổi sắc, khoác lên mình một hình hài mới. Này là một khu vườn tươi đẹp với bao lao công mưa nắng. Nào những luống cải xanh, cải xôi, cải ngọt non tươi… Nào là tầng ô, xà lách, ngò tây, hành hoa mơn mởn xen lẫn những luống cà rốt, khoai tây tươi tốt mỡ màng…Nào là những hàng ngô thẳng tắp chạy dài từ bờ bên trái đến bờ bên phải, rồi đến những triền khoai lang sum suê những nhành lá…Tất cả các loại rau kia đã họa lại một bức tranh màu xanh đủ mọi sắc độ.
Khu vườn đẹp và đầy hứa hẹn là thế và chúng tôi vẫn chưa hưởng được thứ gì từ hoa lợi do mình làm ra, ấy mà bỗng dưng một cơn bão ập đến, theo sau là một trận lụt lớn như Hồng Thủy xưa, đã nhấn chìm tất cả trong biển nước. Từ trong nhà nhìn ra, không còn nhìn thấy được cây rau nào bên cây rau nào nữa, ai nấy lòng xót xa, nghẹn ngào. Chẳng lẽ công sức của chúng tôi trong suốt cả tháng qua lại đổ xuống sông xuống biển hết hay sao???
Sau hai ngày, nước đã rút khỏi vườn. Thê thảm thay! Trước mắt chúng tôi bây giờ là một bức tranh úa tàn. Dù buồn, dù đắng cay, chúng tôi quyết định phải làm gì đó để cứu vãn những đám rau còn sống sót và khởi đầu lại những nơi không còn gì. Trong lúc này, thà thắp lên một đốm lửa còn hơn đứng nguyền rủa bóng đêm. Tôi tin rằng nếu chị em chúng tôi chịu khó thì chẳng mấy chốc khu vườn sẽ tược lại sức sống. Và quả thật, Thiên Chúa chẳng phụ lòng ai bao giờ, vườn rau của Tập Viện đã nhanh chóng lấy lại được sinh khí của mình.
Một hôm, đang lúc nhổ cỏ cho luống cải xôi, loại rau đòi hỏi “sự quan tâm, chiều chuộng” cách đặc biệt của con người, một tư tưởng tuyệt vời đã lóe lên trong đầu tôi khi tôi nhìn lại hành trình biến đổi của khu vườn dưới bàn tay cần mẫn của người làm vườn. Chẳng phải công việc khai phá đất hoang, gieo trồng các loại rau, chăm bón cho chúng lớn lên cũng như việc gieo hạt giống Tin Mừng nơi xứ lạ hay sao? Chẳng phải học làm vườn cách chu đáo phần nào cũng giống như học truyền giáo cách nhiệt thành đó sao? Quả thật, khi đến một mảnh đất hoang hoải chưa có đức tin hay đức tin đã bị khô cháy vì thế sự thăng trầm, có thể “người môn đệ truyền giáo” sẽ cảm thấy bế tắc, tuyệt vọng và chán nản. Nếu chúng ta không đủ sự dấn thân và ý chí kiên cường vì Nước Trời, thì việc quay gót trở về là điều tất yếu, mặc cho tiếng kêu gào thống thiết của Đức Kitô nài xin ta ở lại. Một khi đã mang trong mình sứ mạng của “người gieo giống” thì phải kiên trì, chịu khó bắt tay vào làm những việc cơ bản nhất từ việc làm đất, bón phân, gieo hạt, vun xới, nhổ cỏ, bắt sâu, tỉa cây. Chẳng có vườn rau nào tự nhiên mọc lên tươi tốt nếu con người không mau mắn khởi sự. Nó cũng chẳng lớn nhanh như thổi trong một vài ngày vắn vỏi nhưng phải là cả một quá trình khó nhọc. Cũng vậy, để truyền giáo thành công, những việc quan trọng đầu tiên mà người môn đệ của Đức Kitô phải bắt tay vào là tiếp cận, làm quen, thăm hỏi, gây thiện cảm, quan tâm, giúp đỡ và sống làm sao cho người ta cảm nhận được cái hay của đạo. Đây chắc chắc không phải là chuyện ngày một ngày hai nhưng là chuỗi ngày vất vả, gian lao vì Tin Mừng. Cũng như người làm vườn phải am hiểu “bí quyết” chăm sóc các loại rau thì “người gieo giống Đức Tin” cũng phải nắm vững “nghệ thuật truyền giáo” cho những đối tượng nhất định sinh cư với những thuần phong mỹ tục khác nhau. Khi người làm vườn tích cực cộng tác với Thiên Chúa trong việc duy trì sự sống của vũ trụ để xóa bỏ 2 lời nguyền xưa thì “Thăm trái đất, Người tuôn mưa móc – Cho ngập tràn phú túc giàu sang – Bốn mùa Chúa đổ hồng ân – Ngài gieo màu mỡ ngập tràn lối đi” (Tv 64, 10-12) và “Đất đã sinh ra mùa màng hoa trái – Chúa Trời, Chúa chúng ta, đã ban phúc lộc” (Tv 66,7). Cũng vậy, khi người môn đệ nhiệt thành nối dài cánh tay của Đức Kitô trong công cuộc loan báo Tin mừng ơn Cứu độ nước Thiên Chúa và phá tan mưu đồ của Satan thì chắc chắn “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống – Mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.” (Tv125, 5). Tuy nhiên, bản thân người gieo giống phải khắc ghi rằng hoa trái của ruộng nương hay thành quả của Tin Mừng đều phát xuất từ Thiên Chúa, còn con người chỉ là cộng tác viên mà thôi. Thật vậy, chẳng phải như nhà thơ Hoàng Trung Thông đã kiêu hãnh thốt lên “Bàn tay ta làm nên tất cả - có sức người sỏi đá mới thành cơm”, người Kitô hữu luôn xác tín mọi sự đến từ Thiên Chúa. Dưới nhãn quan đức tin, chúng ta phải khiêm tốn mặc lấy tâm tình của thánh Phaolô rằng: “Tôi trồng, Apolo tưới, còn Thiên Chúa mới cho mọc lên.” (1Cr 3,6). Kinh nghiệm trong ba hành trình truyền giáo đã giúp thánh nhân đúc rút ra được chân lý ấy.
Đối với tôi, bây giờ tôi vẫn còn là một đứa trẻ chập chững bước đi trên con đường thánh hiến. Môi trường Tập Viện đã, đang và sẽ hun đúc tôi thành một người môn đệ truyền giáo của Đức Kitô, một người gieo giống Tin Mừng trong tương lai. Hình ảnh hai kiểu người gieo giống vẫn luôn in sâu trong tâm trí, thôi thúc lòng nhiệt thành của tôi cách mãnh liệt. Công việc làm vườn hôm nay sẽ giúp tôi có những bài học và kỹ năng quan trọng cho sứ vụ ngày mai. Dù là người trồng rau hay trồng đức tin, tôi biết rằng nếu mình chu toàn mọi việc với tình yêu Đức Kitô, thì đó chính là lúc tôi đang góp phần làm cho Nước Trời lan tỏa và lớn mạnh dần trên mặt đất này.
Cây Bút Chì - Tập Viện MTG Vinh
|