GỌI TÊN NGƯỜI LÀ GIÊSU !
Cuộc đời con người thường được đan xen bởi nhiều tiếng gọi khác nhau. Có tiếng gọi làm ta “chết mê chết mệt” vì hạnh phúc, nhưng cũng có lời mời làm hồn ta u mê, “chân nam đá chân chiu”, khiến đời ta chao đảo và sa vào vũng lầy. Ngày nay, con người sống trong xã hội như đứng trước ngã ba đường, vì thế, ta cần biết phân định tiếng gọi nào là chân thực, là viên mãn nhất, từ đó chọn cho mình một hướng đi có tính quyết định cho cuộc đời.
Ơn gọi nào cũng tốt, bậc sống nào cũng quý. Chỉ cần đời sống ấy tỏa hương thánh thiện tuyệt vời, biết kiếm tìm điều thiện hảo, để sinh ích cho chính mình và cho tha nhân. Và, những ai đang miệt mài sống đời thánh hiến, ắt hẳn sẽ có riêng cho mình “tiếng lòng thổn thức” với lời gọi của Đấng Tình Quân con hằng tôn thờ. Có xa nhau thì người ta mới gọi. Tuy nhiên, gọi để cho một tặng vật mới chỉ là cho một phần yêu thương, còn gọi để theo một người, là tiếng gọi cho tất cả. Vâng! Hành trình bước theo Thầy Giêsu là chặng đường đáp lại tiếng gọi thánh thiêng nhiệm mầu ấy. Ngài đã viết một cánh thư tình. Ngài không viết thư cho rừng, vì bụi bẩn sẽ phủ lấp thập giá, nhưng Ngài viết thư cho người vì chỉ có người mới biết xoa dịu một nỗi khổ đau. Ở nơi nào đó, Chúa đang mong chờ ta hồi âm…
“Ở đâu có tu sĩ ở đó có niềm vui” (Đức Thánh Cha Phanxicô). Thật vậy, các nam thanh nữ tú mang trong mình tinh thần mới mẻ, đầy nhiệt huyết của Thầy Giêsu để đem sức sống mới đến mọi nơi, đặc biệt là vùng ngoại biên; miền đất của anh chị em sắc tộc hay những người bị bỏ rơi, nghèo khổ triền miên. Và đây cũng là cách để đáp lại tiếng gọi thiêng liêng từ trên cao, tiếng gọi cho tất cả, tiếng gọi mang tên Giêsu!
Chị là một nữ tu trẻ, đầy can đảm và nhiệt huyết. Sau khi nhận bài sai về giúp cộng đoàn ở mảnh đất cao nguyên quanh năm sương gió mây mù, lòng chị đã hớn hở vui mừng, vì ước nguyện bấy lâu đã được Chúa nhậm lời. Những ngày đầu, chị tập quen với lối sống của người dân bản địa, dần dần chị cũng đã thích nghi. Chị hăng say với các công việc bác ái theo tinh thần của Hội Dòng: thương cảm, dịu dàng, thân tình, kính trọng và sùng mộ. Ngày tháng trôi qua, con người chất phác và vùng đất nghĩa tình nơi đây đã “quyến rũ” người nữ tỳ của Chúa, chị muốn phục vụ họ đến hơi thở cuối cùng. Tiếng Chúa gọi thật nhiệm mầu làm sao! Ngài đã gọi thì này con xin đến, hiến dâng tất cả; không chần chừ, không vòng vo, nhưng can đảm lên đường đem khí cụ là tình yêu thương đến các tâm hồn khốn khổ, ngặt nghèo đang chờ mong tái sinh. Vì muốn người khác trở nên giống mình thì phải cho họ biết rõ về mình. Ta không thể trở nên mẫu gương như Chúa muốn, ta không thể theo Ngài nếu Ngài không tỏ rõ cho chúng ta biết Ngài là ai? Và thật sự, Thập Giá đã minh chứng cho sự cho đi trọn vẹn ấy. Đến hôm nay, con người đơn sơ ấy đã cho đi tất cả, đã yêu thương họ đến cùng, như câu Lời Chúa chị đã chọn để sống: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài Thập Giá Đức Kitô” (Gl 6, 14). Đặc biệt, sau biến cố thập tử nhất sinh ấy, tình yêu Chúa và tha nhân nơi chị vẫn mãnh liệt đến vậy. “Giêsu ơi, xin cứu chữa con” đã vang lên liên lỉ nơi sâu thẳm tâm hồn người nữ tỳ tín trung của Ngài, thật không dễ khi ta có thể thốt lên những lời ấy vào lúc “sắp ra đi”, vì ta còn vấn vương bụi trần lấm lem, khiến trái tim ta nặng trĩu ưu phiền, không còn chỗ cho Chúa ngự trị. Thế nhưng, cuộc đời chị là một phản ánh trung thực về hình ảnh Thiên Chúa, một nữ tỳ khiêm hạ và khó nghèo. Có lẽ, chính thái độ sống cũng như cung cách phục vụ tận tình nơi chị, mà Chúa đã ghé mắt nhìn đến phận tôi tớ này. Ngài đã bồi sức linh hồn, phục hồi thân xác yếu đau, và phép lạ đã hiển hiện, chị được “về” lại cuộc sống bình dị, về với anh em đồng bào mà mình đang hết lòng phục vụ vào Chúa nhật Phục sinh. Những giọt nước mắt đã rơi trong chiều cuối thu, khi nghe tin chị “sống lại”, thật vui và hạnh phúc thay, vì chúng ta lại được tiếp tục ca ngợi vinh quang Chúa, ngang qua bao việc vĩ đại mà Ngài đã thi ân giáng phúc cho con người. Đến bây giờ, chị vẫn miệt mài phục vụ anh chị em nghèo nơi miền cao nguyên sơn cước; nơi chị, tiếng cười giòn tan hạnh phúc sau một ngày ngược xuôi việc bác ái vẫn nở trên môi; sự sống mới đã bắt đầu nơi người nữ tỳ quảng đại ấy, và hơn hết, chị đã tìm được cùng đích đời mình và chìm ngập trong tiếng gọi mời ra đi nên muối men cho trần gian.
Vâng! Thế gian sẽ ngập ánh quang rạng ngời khi có những người thành tâm thiện chí, sẵn sàng đáp lại lời gọi của Thiên Chúa mà hăng hái lên đường đem ánh sáng yêu thương chiếu soi vào nơi u tối. Hôm nay vẫn còn đó những thiên thần áo trắng bất chấp hiểm nguy, cực nhọc mà can đảm phục vụ các bệnh nhân thời Covid. Họ ra đi không chút sợ hãi, do dự, nhưng với một niềm xác tín: “Có Chúa ở cùng”, nên dù cho hành trình có mây mù che lối, có lên thác xuống gềnh, thì nỗi nhọc nhằn ấy vẫn không làm chùn đôi chân thoăn thoắt cùng trái tim nồng ấm biết yêu thương, chia sẻ. “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy đến mãi muôn đời” (Hr 13,8). Vâng, chỉ khi xác tín điều này, mỗi chúng ta mới can đảm dấn thân ra đi với trọn con người mình; không so đo, không tính toán thiệt hơn, nhưng đặt mọi sự vì Danh Đức Kitô. Có thế, dù trong bất kì cảnh huống bi đát nào, chúng ta vẫn cảm thấy bình an và được an ủi.
Sài thành cũng như cả nước đang “chuyển mình” mạnh mẽ sau khoảng thời gian bấp bênh vì đại dịch. Và chắc chắn tương lai sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức hơn nữa, tuy nhiên, “Chúa ở cùng chúng ta” để giúp con người gượng dậy và vượt qua sóng gió đang bủa vây. Thu qua, Đông sang, Xuân chớm nở, khúc giao mùa mới đang về trên quê hương đất Việt mến yêu, dẫu biết rằng xuân này không làm hồn ta rạo rực rộn ràng như mọi năm vì chênh vênh dịch giã, thế nhưng, chúng ta vẫn có quyền hy vọng, tin tưởng về một mùa Xuân vĩnh hằng, nơi chỉ có bình an và hoan lạc chẳng hề vơi!
Nguyện ước cho cuộc đời mỗi người là một mùa xuân bác ái, yêu thương và hy vọng; biết can đảm mở lòng lắng nghe, phân định và bền tâm vững chí với chọn lựa tròn đầy nhất, để ta sống cuộc đời hạnh phúc, ngõ hầu Tin Mừng được đơm bông kết trái và lớn lên trên toàn thế giới.
Louis Gonzaga Tường Quy, Tiền tập sinh Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm (OMI)
|