Có một lần nghe cha Michael Phạm Quang Hồng chia sẻ, tôi bị ấn tượng với câu hỏi rất đỗi bình dị nhưng cũng không dễ có câu trả lời: Đời sống tôn giáo bắt đầu khi nào? Phải chăng với người Công Giáo thì đời sống tôn giáo bắt đầu khi chúng ta lãnh nhận phép thánh tẩy? Câu trả lời chắc chắn không phải là vậy. Chính Cha Michael sau đó đã trả lời cho chúng ta: Đời sống tôn giáo bắt đầu khi chúng ta cảm nghiệm được rằng Chúa yêu thương chúng ta. Giây phút tôi bắt đầu cảm nhận được Chúa thương tôi thực sự thì đời sống tâm linh tôn giáo của tôi bắt đầu.
Trong bữa cơm trưa nay, tôi được ông Trùm xứ kể cho nghe về câu chuyện của một người giáo dân trong xứ. Trước đây, anh là một người khô khan. Anh hiếm khi đi lễ đi nhà thờ và cũng chẳng lãnh nhận các bí tích. Trong cuộc sống hôn nhân gia đình, anh cũng không bao giờ giữ được sự chung thuỷ với người bạn đời của mình. Thế rồi, chứng kiến anh trai qua đời, anh bắt đầu có niềm tin vào Chúa. Sau đó, anh vào giáo điểm Tin Mừng của cha Giuse Trần Đình Long. Chứng kiến dòng người đông đảo đến với Lòng Chúa Thương Xót, anh thấy mình thật là tội lỗi. Anh tự nhủ, tại sao bao nhiêu người lương dân đến đây cầu nguyện với Chúa còn mình là người có Đạo gốc mà lại bỏ quên Chúa. Anh thấy thương vợ con anh hơn bao giờ hết. Kể từ khoảnh khắc đó, anh bắt đầu thay đổi. Anh trở thành một con người khác hẳn. Anh thường xuyên đi tham dự các thánh lễ. Anh cũng chịu khó xưng tội hơn để được đón nhận Mình Thánh Chúa. Con người của anh cũng trở nên hiền hoà và dễ mến hơn rất nhiều. Anh đã thực sự được biến đổi.
Chiều qua, chính anh lên gặp tôi và chia sẻ với tôi về việc chị gái của anh muốn gia nhập Đạo. Anh kể với tôi rằng chị gái của anh cũng đã có niềm tin vào Chúa từ hồi còn đi bán băng đĩa trong Sài Gòn. Nhưng cuộc sống cứ cuốn trôi đi tất cả. Giờ chị muốn được gia nhập Hội Thánh làm con cái Chúa. Tôi rất ngạc nhiên về cách anh nói chuyện với chị gái của mình. Khi chị gái anh đề nghị anh lên gặp tôi để xin được theo Chúa, anh đã nói với chị gái rằng chị cần phải hoán cải. Hai chữ hoán cải làm tôi liên tưởng tới việc phải chăng chị gái anh hay đi xem bói toán chăng. Nhưng anh bảo với tôi rằng không phải. Hoán cải trong cái nhìn của anh ở đây có nghĩa là phải trở nên hiền dịu hơn. Chị gái anh vốn là một người khó tính, hay nổi nóng với chồng con. Anh bảo với chị rằng chị muốn theo Chúa thì phải thay đổi tính nết. Chị phải trở nên dịu hiền thì mới xứng đáng làm con cái Chúa.
Cuộc trò chuyện với anh gợi cho tôi bao suy tư về hai chữ Theo Đạo. Có lẽ nhiều người trong chúng ta hiểu theo Đạo có nghĩa là mỗi chúa nhật đi tham dự thánh lễ một lần, tối sáng đọc kinh cầu nguyện, đi xưng tội một năm một lần như luật Hội Thánh dạy. Tôi thấy ít người để ý đến khía cạnh chuyển hoá đời sống. Người giáo dân thường tỏ ra lo lắng khi bỏ lễ chúa nhật hay bỏ đọc kinh cầu nguyện, nhưng lại cảm thấy không có vấn đề gì khi giận ghét anh chị em mình. Thánh Gioan bảo với chúng ta rằng hễ ai ghét anh em mình đều là kẻ sát nhân. Các thánh lễ chúa nhật vẫn rất đông các tín hữu đến tham dự. Nhưng trong số đó có được bao nhiêu người đi lễ vì lòng mến Chúa? Có lẽ con số thực không có nhiều. Tôi thấy nhiều người đi lễ chỉ vì sợ tội, sợ sa hoả ngục đời đời. Vì thế mà chất lượng cuộc sống không thay đổi là bao nhiêu.
Đọc lại Kinh Thánh, chúng ta thấy những con người gặp Chúa, họ đã biến đổi cuộc đời ra sao. Gia-kêu sau khi gặp Chúa đã tuyên bố chia nửa gia tài cho người nghèo, và đền gấp bốn cho những người mà ông đã gây thiệt hại. Matthêu, một người thu thuế, sau khi gặp Chúa, ông đã từ bỏ mọi sự đi làm tông đồ cho Chúa. Ông trở nên thành viên của nhóm mười hai và đã viết sách Tin Mừng truyền lại cho chúng ta. Những cô gái điếm gặp Chúa cũng thay đổi cuộc sống, từ bỏ con đường tội lỗi và bắt đầu một cuộc đời mới. Ngay trên cây thập giá, người trộm lành cả một đời đi ăn trộm may mắn gặp được Chúa, anh ta đã được biến đổi và anh được nghe lời hứa mà tất cả chúng ta đều muốn nghe: “Hôm nay ngươi sẽ ở trên Thiên Đàng với Ta”. (Lc 23,42).
Như thế theo Đạo hay theo Chúa nghĩa là biến đổi cuộc đời mình. Bài hát “Gặp Gỡ Đức Kitô” mà chúng ta thường hát lên lặp đi lặp lại sự biến đổi ấy: “Gặp gỡ Đức Kitô biến đổi cuộc đời mình, gặp gỡ Đức Kitô đón nhận ơn tái sinh, gặp gỡ Đức Kitô chân thành mình gặp mình, gặp gỡ Đức Kitô nảy sinh tình đệ huynh”. Nếu theo Chúa mà cuộc đời chúng ta vẫn không có gì thay đổi thì có lẽ chúng ta đang đi sai đường. Có thể chúng ta theo Chúa nhưng chỉ theo hình thức mà chưa có nội dung. Chúng ta mới chỉ dừng lại ở các lễ nghi bên ngoài. Chúa chưa thực sự có một chỗ đứng trong cuộc đời của chúng ta. Tham dự các cử hành phụng vụ nhất là thánh lễ và đời sống cầu nguyện đôi khi lại trở thành gánh nặng. Nếu như thế thì chúng ta cần xem lại đời sống của mình. Mình đã thực sự bắt đầu đời sống tôn giáo chưa? Chỉ khi nào tham dự lễ và việc cầu nguyện trở thành một nhu cầu như ăn uống, như hơi thở thì việc theo Đạo mới thực sự có ý nghĩa.
Lạy Chúa, đã bao năm con đi theo Chúa nhưng con chưa thực sự để cho Chúa biến đổi cuộc đời con. Xin Chúa hãy đến trong tâm hồn con và ở lại trong con để con thực sự cảm nghiệm được tình thương của Chúa qua từng biến cố của cuộc sống hàng ngày. Nhờ thế, con có thể trở nên một con người hiền hoà và yêu thương anh chị em con hơn. Xin Chúa chúc lành cho con. Amen.
Lm. Giuse Tạ Xuân Hòa |