>> SUY NIỆM - SUY TƯ | SUY TƯ - CHIA SẺ

Cũng một kiếp người
Tin đăng ngày: 7/11/2021 - Xem: 5866

Upload

 

TGPSG -- “Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người khác” (Xukhôm Inxki).

                                                             

Trải qua hàng thiên niên kỷ, trái đất và con người phải đối diện với biết bao thảm họa bởi thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh… và gần đây nhất là đại dịch Covid-19. Cuộc sống con người dường như bị đảo lộn hoàn toàn bởi con virus vô hình ấy. Nghe tới nó ai cũng sợ. Những người đã bị nó xâm nhập vào cơ thể thì sự sống và cái chết dường như đang giành giật nhau trong từng hơi thở của họ.

Dẫu biết rằng sinh, lão, bệnh, tử là quy luật tự nhiên của con người. Cái chết là điều mà ai cũng biết chắc là nó sẽ đến, nhưng khi phải đối diện với quy luật tất yếu ấy thì không ai tránh khỏi sợ hãi, bởi vì ai cũng muốn được sống và được sống thọ nữa. Do đó, khi đối diện với thời khắc khó khăn của đại dịch, nhiều người đã cảm thấy chao đảo, không biết cuộc đời mình sẽ đi về đâu, tương lai sẽ như thế nào? Họ nhận ra ranh giới giữa sự sống và cái chết thật quá mong manh, đời người thật quá ngắn ngủi. Tuy nhiên, cũng nhờ dịch bệnh mà nhiều người đã dần hiểu hơn về ý nghĩa của cuộc đời, về cùng đích của kiếp làm người.

Đối với những người đã phân biệt được sự sống và cái chết thì bài học là thế, còn đối với những em bé sơ sinh, chưa biết cảm nhận về sự sống và cái chết thì sẽ thế nào?

Những tháng ngày được chăm sóc các bé tại khoa Sơ Sinh trong chuyến đi thiện nguyện đã để lại trong tôi nhiều dấu ấn, nhiều kỷ niệm yêu thương khó phai và cả những ưu tư, thao thức về kiếp làm người.

Tôi không thể nào quên giây phút gặp mặt đầu tiên của tôi với các bé. Hồi hộp sau cánh cửa bước vào khoa, tôi bắt gặp hình ảnh của những hài nhi bé nhỏ nằm ngủ say trong nôi và được quấn gọn bởi tấm mền ấm áp. Các bé nằm ngủ say đến nỗi tôi cứ tưởng đó là những chú búp bê bất động. Chưa hết ngạc nhiên này lại đến ngay ngạc nhiên khác, khi tôi ghé qua phòng ICU, phòng chăm sóc đặc biệt dành cho các bé có bệnh lý nặng. Tim tôi đã như thắt lại khi nhìn thấy thân hình bé xíu của các bé nằm trong lồng kính và được gắn đầy các loại dây trên cơ thể. Tôi không nghe thấy gì ngoài những tiếng kêu bip, bip, bip... và những làn sóng nhấp nhô trên màn hình thiết bị.

Giây phút đầu tiên ấy đã khơi lên trong tôi tình yêu sự sống mãnh liệt và khao khát được làm điều gì đó cho các hài nhi bé nhỏ còn non yếu. Cơ hội đã đến và tôi nghĩ đây là lúc thuận tiện để tôi có thể làm điều gì đó ý nghĩa cho cuộc đời này, đặc biệt là cho các bé nơi đây.

Việc phải chứng kiến sự ra đi đột ngột của các bé mà tôi được gặp trong những ngày làm việc tại khoa nhi càng khiến lòng tôi thêm ngậm ngùi, đau xót. Vâng, làm sao không đau, không xót khi thấy cảnh một hài nhi ra đi trong lạnh lẽo, cô đơn, không người thân thích, nằm bơ vơ trong tấm vải trắng tinh sau hành lang bệnh viện, bên ngoài trời mưa như trút. Lặng lẽ bên bé, hai hàng nước mắt tôi tự động tuôn rơi lúc nào không biết. Vâng, tôi đã khóc. Tôi khóc cho một kiếp người quá ngắn ngủi của bé, tôi khóc vì thương bé phải ra đi trong cô đơn và trống vắng. Tôi dâng lên Chúa lời kinh nguyện, cầu chúc bé được an nghỉ bên Chúa và được đoàn tụ cùng các thánh hài nhi trên Trời.

Lúc này tôi chỉ muốn nghĩ tới những điều tích cực hơn để tự an ủi mình. Bởi vì, biết đâu đó lại là điều Chúa nhân lành muốn để bé được hưởng nếm hương vị hạnh phúc Thiên đàng, cho dù bé đã đi qua một cuộc đời quá ngắn ngủi.

Mỗi bé có một hoàn cảnh đáng thương khác nhau. Có bé mới sinh ra đã nhiễm cùng lúc nhiều căn bệnh: HIV và giang mai do lây truyền từ mẹ sang con; thêm vào đó, mẹ bé còn dương tính với virus Sars-Cov-2 nên bé phải nằm tại phòng cách ly và không được ở bên mẹ. Có bé thì mãi mãi không được gặp người mẹ yêu dấu của mình, không được hưởng tình yêu thương dịu dàng, nồng ấm của mẹ vì mẹ bé đã ra đi sau khi sinh.

Tại phòng “Săn sóc tiêu chuẩn 1” - phòng chăm sóc các bé sinh thiếu tháng và cũng là nơi tôi được phân công trực tiếp chăm sóc các bé - tôi ấn tượng mãi hình ảnh của bé có mẹ tên là T.H. Nhìn khuôn mặt đầy khắc khổ của bé, tôi đã phải thốt lên với chị điều dưỡng cùng phòng: “Chị ơi, lòng em đầy ưu tư khi nhìn khuôn mặt khắc khổ của bé!”. Nghe tôi nói thế, chị gật đầu rồi chị kể cho tôi nghe về hoàn cảnh của bé: Mẹ bé đã mất sau khi sinh bé; gia đình bé nghèo lắm, đã nghèo rồi còn thêm thất nghiệp vì dịch Covid. Hôm trước, bệnh viện thông báo đóng tiền để mổ mắt cho bé nhưng ba bé xin khất, vì ngoài tiền mổ mắt, gia đình còn phải trả các lệ phí khác khi bé đang điều trị tại bệnh viện do sinh non. Dù đã được bảo hiểm chi trả cho khoảng 80-90% tổng số chi phí dành cho các bé sơ sinh, nhưng số tiền 20 triệu đồng gia đình bé chưa thể chi trả cho bệnh viện.

Đúng là đã nghèo lại còn mắc eo, nhìn khuôn mặt gầy gò, xanh xao của bé, tôi thấy chữ “nghèo”, chữ “khổ” như được khắc sẵn. Chẳng lẽ cuộc đời đã định mệnh sẵn tương lai cho bé rồi sao? Ẵm bé trên tay mà lòng tôi đầy thao thức, hy vọng sau này bé sẽ vượt qua số phận để thoát được hai chữ “nghèo” và “khổ” trong kiếp làm người của mình. Kiếp người là thế, dù chỉ là đứa trẻ sơ sinh còn non yếu mà đã phải trải qua những hoàn cảnh khác nhau: hạnh phúc có, đau khổ có, khỏe mạnh có, yếu đau có, sang có, hèn có…

Được tham gia trong công tác thiện nguyện, tôi tưởng mình sẽ có gì đó để cho đi, nhưng thực tế điều tôi cho đi chẳng đáng là gì so với những điều tôi nhận được. Trong đó, điều quý giá nhất tôi nhận được đó là bài học về tình yêu sự sống, về ý nghĩa của kiếp làm người.

Kiếp người thật đúng như Thánh Vịnh đã diễn tả: “Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình” (Tv 103,15-16). Lời Vịnh gia mấy ngàn năm về trước vẫn luôn thích hợp cho kiếp người mọi thời đại. Vì thế, chúng ta hãy trân quý sự sống mình đang có, trân quý từng hơi thở mình đang hưởng, đừng để khi gần kề với cái chết ta mới hối hận, vì đã không trân quý khí trời Thiên Chúa đã ban tặng cách nhưng không. Đời người mau qua, không ai biết được mình sẽ ra đi lúc nào, nên chúng ta hãy cố gắng tạo nên những giá trị ý nghĩa cho cuộc đời khi còn có thể. Những giá trị ấy không nằm trong của cải, vật chất hay danh vọng, tiền tài…, mà nằm trong từng giây phút sống có giá trị bền lâu cho cuộc đời, cho con người, như lời Thầy Giêsu đã dạy trong Tin Mừng: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát và kẻ trộm không thể khoét vách lấy đi” (Mt 6,19-20).

Kho tàng trên trời sẽ ở lại với những ai chăm lo “tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người” ngay tại trần thế này với tình yêu và sự cho đi vô vị lợi, như lời Xukhôm Inxki đã nói: “Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người khác”. 

Tôi tạ ơn Chúa, cảm ơn Hội dòng, cảm ơn những người đã cho tôi cơ hội để có được những trải nghiệm quý giá qua chuyến đi đầy ý nghĩa này. Tôi sẽ không quên từng kỷ niệm đầy dấu ấn khó phai; không quên từng khuôn mặt ngây ngô, dễ thương của các hài nhi bé nhỏ; không quên những chị điều dưỡng, hộ sinh, những cô lao công ngày đêm vất vả trong trách nhiệm, bổn phận của mình. Tất cả đã góp phần viết nên một trang lịch sử mới trong cuộc đời tôi và đã giúp tôi thực thi sứ mạng của mình trong ơn gọi người Nữ tỳ Chúa Giêsu Linh mục qua những công việc nhỏ bé trong chuyến đi thiện nguyện ý nghĩa này. Với lòng tri ân và cảm mến, tôi sẽ nhớ tất cả mọi người trong lời cầu nguyện.

A Little Flower, SJP (TGPSG)

Nguồn: https://tgpsaigon.net/
Từ khóa:

Suy tư - Chia sẻ khác:

12/9/2024 - Cánh Hạc Nhói Lòng Nhìn Bến Quê
30/8/2024 - Sứ mạng truyền giáo tại Châu Á, một cuộc hội nhập văn hóa theo bước chân của các chứng nhân vĩ đại cảu đức tin
12/8/2024 - Làm thế nào đánh thức ơn gọi tu trì trong gia đình?
3/8/2024 - Tưởng nhớ một người Thầy
1/8/2024 - Suy tư của một số giám mục, linh mục và tu sĩ về Đại hội Thánh Thể Toàn quốc Hoa Kỳ
25/7/2024 - Hưởng ơn cứu độ Chúa hứa ban
21/7/2024 - Cầu Nguyện Và Đời Sống Linh Mục
15/7/2024 - Chỉ về đích khi vứt đi “Chiếc Bị”
15/7/2024 - Trong ngày phán xét, tyrô và siđon sẽ được xét xử khoan dung hơn các ngươi (16.07.2024 - thứ ba tuần 15 thường niên)
24/6/2024 - Sự thinh lặng của Thiên Chúa
20/6/2024 - Quan niệm của thánh Augustinô về ý nghĩa thực sự của bình an
10/6/2024 - Những điều tốt lành đức tin mang lại
8/6/2024 - Tin giả (Fake News) và Kinh Thánh: lời nào đáng tin?
7/6/2024 - Xế chiều
6/6/2024 - Điều gì xảy ra khi bạn né tránh ý muốn của Thiên Chúa?
 
  VIDEO CLIPS  
Video
Hoan ca tình Chúa
Tung hô Mẹ Giáo phận Vinh
Trong tình yêu Chúa
Một đời khắc ghi
Thánh lễ mừng Hồng ân Tiên khấn (15/06/2024)
Album Thánh ca Sr. Hoàng Phương
Chính Chúa sống trong con
Album Dâng Mẹ ngàn hoa
Ngàn hoa dâng Mẹ
Bộ mẫu dâng hoa kính Mẹ năm 2024
 
  FANPAGE FACEBOOK  
  LIÊN KẾT WEBSITE  
Hội Dòng MTG. Hưng Hóa
Hội Dòng MTG. Xuân Lộc
Hội Dòng MTG. Nha Trang
Hội Dòng MTG. Cái Mơn
Hội Dòng MTG. Gò Vấp
Hội Dòng MTG. Thủ Đức
Giáo phận Long Xuyên
Giáo phận Đà Lạt
Giáo phận Cần Thơ
Giáo phận Bà Rịa
TGP. Sài Gòn
Giáo phận Quy Nhơn
Giáo phận Nha Trang
Giáo phận Kon Tum
Giáo phận Đà Nẵng
Giáo phận Ban Mê Thuột
Giáo phận Phát Diệm
Giáo phận Lạng Sơn
Giáo phận Hải Phòng
Giáo phận Bùi Chu
Giáo Phận Bắc Ninh
Giáo phận Hưng Hóa
TGP. Hà Nội
Giáo phân Thanh Hóa
Giáo phận Vinh
Giáo phận Hà Tĩnh
 
  Trang chủ I  Giới thiệu   I  Giáo Hội   I  Sinh hoạt Hội Dòng   I  Cộng đoàn   I  Mục vụ   I  Suy niệm - Suy tư   I  Góc sáng tác   I  Kỹ năng sống    

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ VINH
Địa chỉ: Xã Đoài, Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An
Điện thoại: 0982.868.275 - 0386.501.245
Email: [email protected]
Website: http://mtgvinh.com