PHẢNG PHẤT NGÀY VIẾNG MỘ
Trời vào cuối thu, những cơn mưa phùn rả rích kéo dài dai dẳng khiến lòng người có chút gì đó mơ hồ, khó tả. Suốt cả tuần, từ nhà hương nhìn ra, tôi không còn được thấy cái nắng vàng tươi với bầu trời cao xanh thăm thẳm, nhưng là một bầu trời ảm đạm với những đám mây nặng trĩu như muốn kéo ghì lòng ai xuống đất. Thế nhưng, khung cảnh kia chẳng làm cho lòng tôi xao động. Cái tiết trời ấy lại giúp tôi chìm sâu trong hồn mình với những tâm tình của tháng 11 - mùa báo hiếu của người Công Giáo. Cứ mỗi độ này, Giáo Hội mời gọi toàn thể con cái mình hướng về nguồn cội với lòng tri ân, được thể qua những thánh lễ, giờ kinh, và bao hy sinh liên lỉ trong đời sống thường nhật, để thêm lời cầu nguyện cho những thân nhân còn ở chốn luyện hình. Theo truyền thống tốt đẹp của Giáo Hội, ai đi viếng nghĩa trang kính nhớ các đẳng linh hồn trong 8 ngày của tháng 11 thì sẽ được hưởng ơn đại xá. Thật là một việc làm ý nghĩa! Nhớ về người chết lại có thể sinh ơn cứu độ cho bản thân mình bởi “Ai thảo kính cha mẹ thì đền bù tội lỗi”. Đây là một nét đặc trưng của đạo thánh Chúa mà ít người biết đến. Quả thực, đi theo đạo không những không bỏ ông bà tổ tiên mà còn phải hết mực hiếu kính với các ngài nữa, nếu không sẽ mang lấy án phạt đời đời, xa lìa nước Thiên Chúa: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi” (Xh 20, 12 - Mười điều răn). Nối tiếp truyền thống tốt đẹp ấy, dù đang ở trong giai đoạn Tập theo Giáo Luật, hôm nay, chị em chúng tôi cũng được đi viếng mộ.
Sau giờ kinh chiều, chị em chúng tôi tập trung xuống sảnh lúc 3 giờ, mang theo những bó “hương nhà”, xếp thành hai hàng, từ từ bước ra khỏi nội vi Tập Viện trong sự thinh lặng đến lạ lùng. Những dải mưa thu cứ “thả mình nhẹ nhàng” từ trên cao. Chúng tôi tay che ô, tay cầm tràng chuỗi Mân Côi, môi mấp máy lời kinh Kính Mừng, hướng về các linh hồn mà mình sắp đến viếng mộ. Để tránh gặp người ngoài, chúng tôi không đi ra cửa chính nhưng đi tắt theo lối Toà Giám Mục rồi rẽ sang nghĩa trang Giáo Phận. Đến nơi, chúng tôi cất hết ô. Trời vẫn mưa lất phất, cả không gian như nấp dưới một cái rây bột khổng lồ. Ở đó, bụi nước lây rây mờ ảo, bụi nước đọng trên tóc, trên lúp khăn, trên áo quần như những hạt sương muối li ti. Cái se lạnh cuối thu cũng từ đó mà ngấm vào da thịt. Những bó hương được đốt cháy, khói bảng lảng bay trong làn mưa bụi, nhưng những hạt bụi nước ấy không thể dập tắt các “nén hương trầm đang cháy bừng bừng tấm lòng biết ơn” của các Tập sinh trẻ dành cho các bậc tiền nhân của họ. Không khí thật linh thiêng và trang nghiêm! Hương trầm vô tri giờ đây đã trở nên nhịp cầu nối kết giữa Đấng từ trời cao với người dưới đất thấp, giữa linh hồn người chết với những kẻ đang lữ hành trên cõi dương gian. Thắp hương xong, mọi người tập trung về lối giữa, kính cẩn hướng về phía Thánh Giá. Những bài thánh ca cầu hồn được vang lên du dương, trầm bổng, réo rắt vào tận tâm can mỗi người; quyện với làn hương khói, hoà vào từng hạt mưa, và có lẽ cũng làm tỉnh thức linh hồn những người đã nằm xuống. Phía xa xa, những cây lau hoang dại dường như cũng đung đưa, nghiêng mình theo giai điệu của các bài thánh ca ấy. Đó đây, một vài chiếc lá vàng thả mình lững lờ trong không trung, để mặc cho những cơn gió đưa đẩy rồi bay đi cách vô định. Đứng giữa bầu trời thênh thang, rộng lớn, bên những nấm mồ thinh lặng, tôi nghẹn ngào nhìn về kiếp nhân sinh: “Đứng ở đời, thật con người chỉ như hơi thở - Thấp thoáng trên đường tựa bóng câu - Công vất vả ngược xuôi: làn gió thoảng - Ky cóp mà chẳng hay ai sẽ hưởng dùng” (Tv 38,7 ). Con người ai cũng biết cái kết của thân xác hư nát là nấm mồ với hai bàn tay trắng, vậy sao người ta cứ sống như thể họ sẽ mang được tất cả đi vào cõi âm? Thánh Phaolô đã mạnh tiếng cảnh báo cho chúng ta rằng: “Chúng ta không mang gì vào trần gian thì cũng chẳng mang gì ra được” (1Tm 6,18 ). Đây quả là một sự công bằng tuyệt vời của Thiên Chúa bởi kẻ giàu người nghèo đều phải đối diện với sự trần trụi khi họ cán đích cuộc đời. Thật là ngốc nghếch và mù quáng khi người ta cứ cắm đầu cắm cổ vươn lên làm giàu, bỏ quên hạnh phúc của mình và của người khác dưới chân, ra đi như một kẻ thất bại và để lại gia sản cho kẻ khác hưởng dùng. Tôi nghẹn ngào nhìn về phía những nấm mồ xung quanh. Thử hỏi trên đời có mấy ai dám từ bỏ tất cả danh lợi trần thế để hết mình cho một lý tưởng, dấn thân vì phần rỗi các linh hồn và vươn mình cho sự sống vĩnh cửu như những con người nằm ở nơi đây? Những thước phim cuộc đời của họ đã góp nên cuộn phim lịch sử giáo phận Vinh chúng tôi. Một khu nghĩa trang nói lên lịch sử của một giáo phận đi ra từ máu lửa của thời cuộc. Những ngôi mộ biết nói của các cố Tây, các linh mục bản xứ và những nữ tu Mến Thánh Giá đã không ngừng thủ thỉ bên tai hậu duệ của họ những giá trị nhân sinh và nhân linh cao cả. Quả vậy, dù chỉ vài phút ít ỏi lắng đọng nơi đây, tôi thấy lòng mình đong đầy bao tâm tình và tâm trí được mở ra bao suy tư về kiếp người. Khép lại cánh cửa nơi nghĩa trang Tòa Giám Mục, chúng tôi đi vào nhà thờ chính tòa Xã Đoài, nơi có phần mộ của các Đức Cha tiền nhiệm trong iáo phận. Vừa bước vào, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng và cảm động trước một hình ảnh tuyệt đẹp. Đức Cha Anphong đang ngồi ân cần giải tội cho giáo dân. Hàng người xếp dài chờ đến lượt mình, đàn ông, đàn bà, cụ già, giới trẻ, người mặc áo khoác nhẹ, người khoác áo len mỏng, lại có người vẫn phong phanh áo sơ mi. Dù khác biệt, tôi thấy họ gặp nhau ở một điểm chung: “Tất cả các khuôn mặt còn đượm nét u buồn bỗng tươi tỉnh hẳn lên, ánh mắt tràn đầy bình an và hy vọng sau khi bước ra từ tòa giải tội”. Thật là một cuộc “đổi mới ngoạn mục” của Chúa Thánh Linh!
Tạm biệt ngôi nhà thờ Chính Tòa, mọi người trở về khung trời Tập Viện. Tôi bỗng thấy vui lạ, một niềm vui sâu thẳm trong nội tâm thật dạt dào, nhanh chóng lan tỏa khắp cả người cứ như một luồng điện đa chiều. Trên đường về, thỉnh thoảng chúng tôi thì thầm to nhỏ với nhau, không còn giữ được thinh lặng tuyệt đối như lúc nãy, nhưng vẫn chẳng để mất đi cái nét nghiêm nghị của một Tập sinh.
Về đến cổng, tôi nhìn ra xa, môi mấp máy: “Tạm biệt thế giới ngoài kia, tôi về với nơi mình thuộc về đây!”. Dứt lời, tôi bước vào sân, đi về phía nhà hương. Tôi dừng lại, ngó vào mấy thùng hương sẽ được chuyển đi vào chiều hôm ấy; Chẳng mấy chốc nữa, những bó hương này sẽ chia tay nhau. Thật là hay, chúng được làm ra một nơi nhưng sẽ đến nhiều nơi. Tuy nhiên, dù ở đâu, khi những nén hương trầm này được đốt cháy thì những giá trị nhân văn cao cả của con người cũng được thắp lên. Rồi ngày mai, có những bó hương sẽ chẳng rời xa phần mộ của người quá cố, tiễn đưa họ vào cõi ngàn thu và quyện bay vào lòng những ai còn sống, dặn dò người ta phải giữ tròn “chữ hiếu”. Cũng có những bó sẽ được trưng diện trên bàn thờ gia tiên ngày tết, toả ngát mùi đoàn tụ khắp mọi nẻo đất Việt, nhắc nhở bao người con nhanh chân trở về nhà….
Thật là tuyệt vời! Cuộc sống luôn chất chứa những điều bình dị đẹp đẽ như thế, nhưng không mấy người bỏ chút thờ gian dừng lại để cảm nhận. Đang thả mình theo dòng suy nghĩ, bỗng một hồi chuông vang lên mang tôi về thực tại. Đã đến giờ đọc kinh chiều rồi: Hạnh phúc biết bao khi được làm Tập sinh của Chúa, sớm tối được cùng nhau sum vầy bên Người. Tôi biết rằng những giây phút sâu lắng và bình yên như thế này rồi sẽ trôi qua, và đến một ngày không xa, chúng tôi phải “xuống núi”. Chắc hẳn, dưới chân núi kia sẽ có những đổi thay đến bất ngờ sau một vòng quay của Trái Đất quanh Mặt Trời và sẽ làm chúng tôi choáng ngợp. Thế nhưng, dù đi đến đâu, “chỉ cần có Chúa” là cuộc sống sẽ luôn tràn ngập tình yêu, niềm tin và hy vọng.
Nhật Ký Tập Viện, 11/2019
Cây Bút Chì, MTG Vinh
|