Sau những ngày phục vụ bệnh nhân nhiễm Sarx Covid 19 tại bệnh viện Dã chiến, tôi rút vào nơi yên tĩnh để cách ly theo dõi tình trạng sức khỏe của mình trước khi trở về với cộng đoàn nơi tôi sống và làm việc. Tâm trí tôi chưa ngừng nghĩ đến cuộc đấu tranh sinh tử của các bệnh nhân, sự cống hiến toàn bộ sức lực của đội ngũ y bác sĩ để cố gắng giành lại hay kéo dài sự sống của bệnh nhân, lòng tận tâm và hy sinh của anh chị em đội ngũ nhân viên phục vụ. Cảm xúc vẫn còn đó. Mối bận tâm đến những người bệnh nhân mà lòng hoang mang, bất an và nhiều âu sầu khi bà mới qua đời đêm qua, mẹ đang thở oxy, con đang sốt ly bì; khi chồng ở bệnh viện này mà vợ và con lại ở bệnh viện khác; khi vợ và con gái ở bệnh viện này trong khi chồng và con trai lại ở nơi cách ly khác; khi con gái ở bệnh viện này mà mẹ ruột tuổi già mắt kém đang ở bệnh viện kia,… Nỗi lòng thương cảm và sự trăn trở cứ day dứt, gợi lên trong tôi câu hỏi, “Chúa muốn con làm gì trong hoàn cảnh này?” Cảm nghiệm từ thực tế mà tôi đã tận mắt thấy tai nghe tôi nhận thấy con người hôm nay đang cần lắm hai “chiếc cầu”:
1. Chiếc cầu tình thương để nối kết
Chúa Giêsu để lại một tâm tư vàng ngọc, “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 34).
Virus Covid 19 nhỏ lắm và chẳng ai thấy được nó bằng mắt thường nhưng nó đi tới đâu gieo sợ hãi và chia cắt đến đó. Nó vào nhà ai thì thành viên trong nhà bị rẽ và phân tán đến đó. Nó xuất hiện ở đâu, đám đông tan tác tới đó. Tôi cảm nhận rằng tên khác của Virus này được gọi hôm nay là ‘sợ hãi.’ Đêm qua một chị hỏi tôi: “Phục vụ bệnh nhân trong bệnh viện cha có sợ không cha?” Tôi trả lời, “hạnh phúc hơn là sợ hãi.” Chị nói với tôi rằng, “Phải can đảm và có lòng bác ái lắm thì mới dám dấn thân như vậy.” Một lời chia sẻ mà tôi chưa hề nghĩ tới. Thật tình mà nói, khi quyết định dấn thân vào bệnh viện phục vụ, tôi chỉ nghĩ đơn giản là muốn được sống cùng, lắng nghe trực tiếp được trăn trở, lo lắng và cả những khó khăn của những ai đang bị đặt tên “bệnh nhân nhiễm virus Covid”. Điều đơn giản ấy tạo một động lực mạnh giúp tôi dấn thân và yêu thích những công việc mình được làm. Qua những gì anh em nhân viên và tôi cùng làm, tôi nhận thấy khơi lớn trong lòng “anh chị em bệnh nhân” chút tình người, khơi dậy trong cảm xúc của họ sức mạnh của hy vọng, và khơi gợi trong ước muốn của họ tinh thần phục vụ lẫn nhau. Tình người dần được gần lại; nỗi sợ hãi dần được rút gắn bởi sự quan tâm giữa người với người trao tặng cho nhau. Một nhân viên và cũng là Chủng sinh giáo phận Xuân Lộc chia sẻ, “Ban đầu con vào bệnh viện phục vụ mang theo nỗi sợ hãi nhưng nhìn thấy sự dấn thân của anh chị em nhân viên nỗi sợ bắt đầu giảm. Khi con mặc chiếc ao sang phục vụ bệnh nhân, nỗi sợ không còn mà thay vào đó là tình yêu thương và vui thích được phục vụ nhiều, nhiều hơn.”
Điều rõ nhất tôi nhận thấy là tình thương nối kết đang dần phát triển. Trong những ngày đầu, các “bệnh nhân” khoanh tay từ xa đứng nhìn khi nhân viên và chúng ta tôi làm các việc như nhặt rác quanh sân, thu gom rác từ các thùng, vệ sinh sạch sẽ khu vực, mang cơm cho người già, trao bát cháo cho người mệt, thêm ít sữa cho trẻ em… Những ngày sau, chính họ đảm nhận những công việc ấy. Họ làm với tinh thần tương thân, mỗi người một tay cho khuôn viên thêm sạch, mỗi người một việc cho khu vực bệnh viện thêm trật tự, ngăn nắp, và mỗi thành viên một chút hy sinh để người người đều cảm thấy yên tâm ấm lòng. Vậy là chiếc cầu tình thương đã được xây nên và đã tạo một sự thông thương nối kết giữa người với người, giữa bác sĩ và bệnh nhân, giữa nhân viên và “những người tạm trú.” Chiếc cầu yêu thương đã làm giảm nỗi sợ hãi dè chừng lẫn nhau mà thay vào đó là nụ cười, chia sẻ và động viên. Một chị chia sẻ với tôi: “cha ơi, sáng nay con và một anh đang nuôi mẹ già tình nguyện lau chùi sạch sẽ hết phòng cấp cứu, không còn mùi nữa cha ạ. Bác sĩ và y tá vui lắm. Họ cảm ơn chúng con. Con cảm thấy vui vì được làm công việc nhỏ bé đó.” Chiếc cầu yêu thương đã xoa dịu nỗi đau, giảm nhẹ nỗi sợ và kết nối tương quan tình người.
2. Chiếc cầu cảm thông để gần gũi:
Lời trăn trở của Chúa Giêsu vẫn vang trong lòng tôi, “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn” (Mc 8, 2). Khi một ai đó vô tình bị phát hiện nhiễm virus Covid, điều đầu tiên họ nhận là sự cô lập và chia cắt với tất cả những tương quan gia đình, họ hàng hay bạn bè. Virus Covid chưa kịp hành họ thì “virus của hoảng loạn và sợ hãi” đã xâm nhập họ từ đầu đến chân. Những ngày sống và phục vụ trong bệnh viện, tôi nghiệm ra rằng người “bị đến bệnh viện” không bị thiếu cái ăn nhưng là thiếu sự cảm thông. Họ không đói về thể xác nhưng đói về sự quan tâm và nâng đỡ. Chúng tôi (nhóm thiện nguyện) đến và làm những công việc bình thường nhưng sự khác thường là chúng tôi đặt vào trong công việc chút yêu thương chứa đựng sự cảm thông. Chúng tôi không chỉ muốn hoàn thành công việc nhưng qua công việc ấy bệnh nhân cảm thấy gì và chúng tôi học được gì? Một lần đến bên giường một bệnh nhân nữ đang thở oxy. Chị bị liệt 2 chân và mắt cũng đang mờ dần. Người mẹ dũng cảm đã đi với chị bằng đôi chân của mình suốt mười bốn năm qua nước mắt chảy tràn ngỏ với tôi, “Xin cha cầu nguyện cho con gái con. Bé sốt cả đêm qua và không thở được cha ạ.” Tôi lặng thinh cầu nguyện và chúc lành cho bé. Ngay sau đó, niềm vui và sức mạnh tinh thần thể hiện rõ trên khuôn mặt người mẹ. Chiều đó, chị gọi điện cho tôi biết là con gái chị đã qua cơn sốt, ăn cháo và uống nước cam được rồi. Vậy là chiếc cầu cảm thông cũng được xây lên và tạo một sự gần gũi giữa người với người. Trong những ngày đó, tôi nhận được nhiều tin nhắn, nhiều cuộc điện thoại: Cha ơi, bà con mới qua đời sáng nay, xin cha cầu nguyện cho linh hồn Maria nhé… “Cha ơi, mẹ con đang thở oxy trong phòng cấp cứu. Cha ơi, bà con qua đời rồi. Cha thương cầu nguyện cho gia đình con được chữa lành và bình an nhé. Gia đình con nhiễm bệnh hết gần 20 người cha ạ.” Đọc những dòng tin nhắn hay lắng nghe cuộc điện thoại, tâm hồn mang cả nỗi buồn và niềm vui: buồn vì sự mất mát to lớn của anh chị em mình và vui vì họ nhận sự cảm thông của chúng tôi. Chiếc cầu cảm thông cho tôi cơ hội rất gần với bệnh nhân, cho tôi dịp để chia sẻ vất vả với đội ngũ nhân viên y tế và anh chị em thiện nguyện. Bác sĩ Giám đốc bệnh viện nói với tôi, “Cám ơn quý cha và thầy đã đến đây. Từ ngày có sự hiện diện của quý cha và thầy, nhân viên chúng con được nâng đỡ và khích lệ rất nhiều. Những lời nói động viên và làm việc tận tâm của quý cha quý thầy cho con sự cảm phục. Bệnh nhân thay đổi thái độ thấy rõ.”
Trong những ngày cách ly theo dõi sức khỏe, tôi dành nhiều giờ bên Chúa Giêsu Thánh Thể để đọc lại cuộn phim đã quay trong thời gian phục vụ. Hai chiếc cầu yêu thương để nối kết và cảm thông để gần gũi vẫn là khát khao và sức mạnh trong đời sống cầu nguyện của tôi. Bài học tôi rút ra cho chính mình là sự hiện diện với trái tim yêu thương và cảm thông thì quan trọng hơn là hoàn thành công việc với trái tim lạnh giá. Tôi ước mong chiếc cầu với hai nhịp yêu thương và cảm thông ấy tiếp tục được xây nên nhiều nơi. Tôi mong ước có thêm nhiều anh chị thiện nguyện dấn thân để xây dựng chiếc cầu yêu thương và cảm thông ấy. Ước mong ấy tôi xin mượn tâm tình của thánh Phaolô như một lời cầu chúc cho anh chị em đang bị virus Covid hành hạ, quý nhân viên hết mình phục vụ, và thiện nguyện viên đang muốn dấn thân. Lời của thánh Phaolô là : “Cầu chúc cho tâm hồn anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô” (Pl 4, 23).
Linh mục Phaolô Đinh Chí Hiền, Giáo phận Xuân Lộc
Nguồn: giaophanxuanloc.net |