Một trong những hạt giống kỳ lạ nhất trên thế giới, đó là hạt giống của một loại tre bên Trung Quốc. Nó nằm trong lòng đất suốt 5 năm rồi mới ló chồi non lên trên mặt đất. Trong khoảng thời gian này, người ta phải chăm sóc, phải tưới nước, phải bón phân đều đặn cho nó. Thế nhưng một khi đã trồi lên khỏi mặt đất thì chỉ trong vòng sáu tuần, nó sẽ mọc lên cao tới 5 mét. Các chuyên gia cho rằng suốt thời gian 5 năm trong lòng đất, hạt giống của loại tre ấy đã hình thành một hệ thống rễ phức tạp. Nhờ hệ thống rễ này, mầm non có thể tăng trưởng một cách mau chóng.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta không thể hiểu được tại sao chúng ta sống. Tại sao muôn loài muôn vật vẫn sinh ra và lớn lên một cách tự nhiên mà tự sức con người không thể thấu hiểu nổi. Trong nhãn quan đức tin, chúng ta được dạy rằng chính Thiên Chúa là Đấng tác tạo mọi sự và là Đấng có uy quyền làm cho mọi sự được hiện diện và hình thành mà trí hiểu con người không thể nắm bắt. Từ hình ảnh cây tre ở trên, hạt giống cũng như hạt cải được gieo, được mọc lên, thành cây có bóng mát cho chim trời, các bài đọc Lời Chúa hôm nay muốn nhấn mạnh đời sống đức tin, sự lớn mạnh của Nước Thiên Chúa hay Đạo Chúa rất âm thầm nhưng có hiệu quả rất lớn từ hơn 2000 năm.
Các bài đọc hôm nay đã khẳng định đến tác nhân chính của công trình cứu độ, sáng tạo là chính Thiên Chúa, con người chỉ giữ phần cộng tác và quản lý các công trình này. Cụ thể, trong bài đọc I, Thiên Chúa là Người tìm ngọn hương bá, vun trồng nó, và cho nó phát triển từ một chồi non thành một cây hương bá to lớn, đến nỗi ‘muông chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng là cành’. Cũng vậy, nơi bài Tin mừng, Chúa Giê-su đã so sánh Nước Thiên Chúa giống như hạt giống gieo xuống đất, con người có biết đến hay không thì hạt giống vẫn sống: nó nảy mầm, bén rễ, mọc lên, sinh hoa kết quả, và sẵn sàng cho mùa gặt. Và Ngài cũng so sánh Nước Thiên Chúa như hạt cải, tuy nhỏ nhất trên mặt đất, nhưng nó có tiềm năng trở thành cây lớn cho các loài chim làm tổ.
Quả thật, như chúng ta biết, từ tạo thiên lập địa hay ngay từ khai sinh đất trời, chính Thiên Chúa là Đấng hiện hữu và Đấng tác sinh nên mọi sự. Ngài là chủ công trình sáng tạo và là Đấng nuôi dưỡng cũng như quyết định cho sự sống của muôn loài muôn vật. Cho nên sự tồn vong và phát triển của mọi sự là ở nơi Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo. Sự phát triển của Nước Thiên Chúa cũng không nằm ngoài sự quan phòng của Ngài. Thật vậy như Tin mừng hôm này trình thuật: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Đất tự động sinh hoa kết quả: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm ra gặt, vì đã đến mùa.” Và “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại nhỏ nhất trong các hạt giống trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.” (Mc 4, 26-34). Như thế, việc Nước Thiên Chúa hay đời sống đức tin vẫn âm thầm phát triển hằng ngày mà tự sức con người không biết. Việc phát triển và lớn lên đó là việc của Thiên Chúa. Cũng vậy, chính Thiên Chúa là tác nhân tối thượng cho sự phát triển của công cuộc loan báo Tin mừng. Việc loan báo Tin mừng là việc của mọi người, còn việc phát triển như thế nào là do Chúa. Miễn sao mọi người phải ra sức, nỗ lực và hăng say dấn thân cho công việc rao giảng Tin mừng, còn mọi sự khác Chúa sẽ lo liệu. Như thánh Phaolô cũng đã khẳng định “Tôi trồng, anh Apolô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho nó lớn lên." (1Cr 3,6).
Quả thật, việc truyền giáo cũng sẽ từ từ phát triển trong sự âm thầm nhưng không vội vã và nhanh chóng: gặp gỡ, tiếp cận, thân thiện, liên đới, làm việc bác ái - từ thiện qua sự cảm thông, quảng đại và quan tâm tha nhân,... còn việc lan toả và thẩm sâu là do uy quyền của Thiên Chúa. Như vậy, bổn phận của con người là gieo, là trồng, là hy sinh và dấn thân, còn sự lớn mạnh và tăng trưởng là do chính Chúa. Do đó, chúng ta cứ tin tưởng rằng mọi việc chúng ta làm, mọi lời chúng ta nói hôm nay nơi vùng miền chúng ta được đặt để sẽ có ngày thu hoạch và bội thu vì Thiên Chúa chính là tác giả làm cho mọi hành vi cử chỉ của chúng ta trở nên hoa thơm cỏ lạ trong mọi nơi mọi lúc. Vì thế, chúng ta không được nản chí, bận lòng nhưng cố gắng nỗ lực từng giây phút trong cuộc đời để sống cho xứng đáng, nhất là trong sứ vụ rắc gieo Tin mừng ở khắp mọi nơi cho mọi người. Chúng ta cứ kiên tâm sống đức tin trong những hành động cụ thể dù nhỏ nhoi, nhưng tin rằng hành động đó sẽ triển nở âm thầm ngang qua sự hiện diện của Chúa cùng làm và hành động với chúng ta.
Thật vậy, nhờ đức tin dạy bảo, chúng ta dù không biết được Nước Thiên Chúa sẽ lớn mạnh như thế nào, nhưng chúng ta được mời gọi hãy gieo, hãy sống tốt và làm đẹp lòng Chúa trong mọi sự. Điều này cũng được Thánh Phaolô nhắc nhở nơi bài đọc 2 (2Cr 5, 6-10) rằng: “… dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Người. Vì tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước toà Đức Ki-tô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác.” Quả thật, làm đẹp lòng Chúa ngang qua cách sống của chúng ta là điều hết sức cần thiết và quan trọng. Nhờ đó, Nước Thiên Chúa tiếp tục âm thầm phát triển và lan rộng khắp mọi nơi trên mặt đất này. Sự lành, sự thiện và bác ái yêu thương tuy âm thầm nhưng đó là cách thức đang làm cho Nước Thiên Chúa được giới thiệu cho mọi người, nhất là cho những ai chưa nhận biết Thiên Chúa tình yêu. Đức tin của chúng ta khởi đầu rất nhỏ bé, yếu ớt nhưng với sự quan phòng và chở che của Thiên Chúa, nó đã, đang và sẽ vững bền hơn.
Tóm lại, Nước Thiên Chúa vẫn luôn lớn mạnh dầu có nhiều khó khăn và gian nan trong mọi biến cố. Hơn 2000 năm, Giáo hội đã trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử tưởng chừng như bị vùi dập, nhưng chính Thiên Chúa đã an bài và gìn giữ để Giáo hội của Chúa vẫn tiếp tục lớn mạnh và lan rộng khắp cùng cả và thế giới. Về phần mình, mỗi Ki-tô hữu được mời gọi hãy luôn ý thức giữ đạo và thực hành đạo mỗi ngày dầu có những thử thách. Tuy nhiên, với ơn Chúa và sự tiềm ẩn đầy quyền năng của Ngài, đức tin của chúng ta sẽ ngày càng kiên vững và bền đỗ hơn nhằm trở nên ánh sáng và muối cho cộng đồng nhân loại, nhất là những nơi đức tin còn yếu kém và khô khan.
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương |