Một đồng nghiệp từng thách thức nhà thần học Pierre Teilhard de Chardin bằng câu hỏi này: Cha tin rằng sự thiện cuối cùng sẽ chiến thắng sự dữ, vậy nếu chúng ta cho bom nguyên tử làm trái đất nổ tung thì sự thiện sẽ như thế nào đây? Cha Teilhard trả lời: Nếu chúng ta cho trái đất nổ tung bằng bom nguyên tử, thì trái đất sẽ đi lui hai triệu năm, nhưng sự thiện sẽ chiến thắng sự dữ, không phải vì tôi ước mong như vậy, nhưng vì Thiên Chúa đã hứa như vậy, và trong biến cố phục sinh, Thiên Chúa đã cho thấy Ngài có quyền năng để thực hiện lời hứa này. Cha Teilhard nói đúng. Ngoài trừ sự phục sinh, chúng ta chẳng có đảm bảo nào cho bất kỳ chuyện gì. Dối trá, bất công, bạo lực có vẻ cuối cùng sẽ chiến thắng. Vào ngày Chúa Giêsu chết, mọi chuyện có vẻ rõ ràng như thế.
Chúa Giêsu là bậc thầy về đạo đức và nếu chúng ta tuân theo giáo lý của Ngài, thế giới sẽ biến đổi. Nói đơn giản, nếu chúng ta tất cả đều sống theo Bài giảng trên núi, thì thế giới chúng ta sẽ đầy yêu thương, bình an và công bằng, nhưng tư lợi thường đi ngược lại với huấn giáo đạo đức. Theo các Tin Mừng, chúng ta thấy được, đâu phải các giáo huấn của Chúa Giêsu lay chuyển các thế lực của sự dữ và tỏ lộ quyền năng Thiên Chúa. Đâu phải như vậy. Chiến thắng của sự thiện và quyền năng tối hậu của Thiên Chúa được tỏ lộ qua cái chết của Chúa Giêsu, hạt lúa rơi xuống lòng đất và chết đi để sinh nhiều hoa trái. Chúa Giêsu đã chiến thắng các thế lực thế gian theo cách dường như đi ngược lại với mọi quyền lực trên đời. Ngài không áp chế ai bằng sự ưu việt về trí tuệ hay bằng sức thuyết phục trần tục. Không, Ngài tỏ lộ quyền năng ưu việt của Thiên Chúa đơn giản bằng cách giữ vững sự thật và tình yêu dù cho những quyền lực dối trá, thù ghét, và tư lợi đã đóng đinh Ngài. Các thế lực của thế gian đã đẩy Ngài đến chỗ chết, nhưng Ngài đã tin tưởng, bằng cách nào đó, Thiên Chúa sẽ bào chữa cho Ngài, Thiên Chúa sẽ là người phán quyết sau cùng. Đúng thật là thế. Thiên Chúa đã phục sinh Ngài từ cõi chết, như một lời chứng nhận rằng Ngài đã đúng và các thế lực thế gian đã sai, rằng tình yêu và sự thật sẽ luôn là người phán quyết cuối cùng.
Đấy chính là bài học cho chúng ta. Chúng ta cũng phải tin tưởng Thiên Chúa sẽ cho sự thật và tình yêu được là người phán quyết cuối cùng, bất kể thế gian có thế nào đi nữa. Sự phán xét của Thiên Chúa đối với các thế lực thế gian sẽ không như kiểu phim Hollywood, kiểu kẻ xấu cuối phim sẽ bị bắn chết bởi một người hùng cơ bắp và chúng ta sẽ được hưởng cảm giác nhẹ nhõm hưng phấn. Sự phán xét của Thiên Chúa như thế này: tất cả mọi người được phán xét bởi Bài giảng trên núi, dù cho tư lợi thường lờ đi sự phán xét này và có vẻ chẳng hề hấn gì. Tuy nhiên, có sự phán xét thứ hai là tất cả mọi người sẽ quy phục sự phục sinh. Đến cuối cùng, và không như cái kết trong phim Hollywood, Thiên Chúa cho sự thật và tình yêu từ mồ sống dậy và được là người ra phán quyết cuối cùng. Đến tận cùng, những thế lực thế gian đều sẽ quy phục sự phán xét tối hậu đó.
Không có sự phục sinh, thì chẳng có bảo đảm cho bất kỳ điều gì. Chính vì thế mà thánh Phaolô đã nói, nếu Chúa Giêsu không phục sinh thì chúng ta là những kẻ ảo tưởng hơn ai hết. Thánh Phaolô nói đúng. Thỉnh thoảng, vào những lúc tin tức thế giới có vẻ khả quan, niềm tin rằng các thế lực dối trá, tư lợi, bất công và bạo lực cuối cùng sẽ biến đổi và từ bỏ sự thống trị trần tục của mình, có vẻ cũng khả thi. Tuy nhiên, như đã xảy ra với Chúa Giêsu, chẳng có gì bảo đảm rằng những thế lực này sẽ không trở mặt và đóng đinh hầu hết những gì là chân thành, yêu thương, công bằng, và hòa bình trên đời. Chuyện của Chúa Giêsu và lịch sử thế giới làm chứng, chúng ta không thể đặt niềm tin vào các thế lực trần gian kể cả vào những lúc chúng có vẻ đáng tin. Các thế lực tư lợi và bạo lực đã đóng đinh Chúa Giêsu. Chúng đã làm thế từ rất lâu trước đó và vẫn còn tiếp diễn rất lâu sau đó. Những thế lực này sẽ không tan biến vì những sức mạnh đạo đức cao vượt, nhưng nhờ chúng ta sống theo Bài giảng trên núi và tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ vẫn là tảng đá chắn mồ của chúng ta.
Nhiều người, có lẽ là hầu hết, tin rằng hiện thực như một hình cung, hướng về sự thiện hơn là sự dữ, về tình yêu hơn là thù hận, sự thật hơn là dối trá, và công lý hơn là bất công, và họ lấy lịch sử để chứng minh điều đó, rằng sự dữ chiến thắng trong một thời gian, nhưng cuối cùng hiện thực tỏ lộ và sự thiện chiến thắng, luôn là thế. Một số người gọi đó là quy luật của nghiệp. Niềm tin đó phần nào cũng đúng, không phải chỉ bởi lịch sử dường như củng cố cho điều đó, nhưng là bởi khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, Ngài đã tạo thành một vũ trụ được điều hướng bởi tình yêu, và Thiên Chúa đã viết Bài giảng trên núi vào trong lòng con người và vào cả cốt lõi của vũ trụ. Tạo vật hữu hình biết cách tự chữa lành mình, thì tạo vật vô hình cũng thế. Do đó, sự thiện sẽ luôn chiến thắng sự dữ, nhưng, có một cái nhưng, là bởi sự tự do của con người, nên chẳng có gì đảm bảo cả, ngoại trừ lời hứa được ban cho chúng ta trong sự phục sinh.
Lm. Ron Rolheiser, CMI |