Tác giả: Đức Hồng y Fernando Filoni Chuyển ngữ: Linh mục Phaolô Nguyễn Minh Chính Từ: L’Osservatore Romano, số 10, thứ Sáu, 05 tháng Ba 2021, tr. 4 <osservatoreromano.va/it (02.03.2021)>
WGPQN (03.03.2021) - Ở Iraq, trong miền đất Babylon cổ xưa, có một điểm lịch sử rất thân quen với người Do Thái, Kitô hữu và Hồi giáo: ngôi mộ của Ngôn sứ Êdêkien, biểu tượng của những thị kiến và sấm ngôn; hành trình của Đức thánh cha đến vùng Mesopotamia đem lại một nhãn quan chung sống hoàn toàn cần thiết ở Iraq Trung Đông. Hồng y Fernando Filoni, Đại Thống lĩnh Dòng Hiệp sĩ Mộ Thánh Giêrusalem và nguyên Sứ thần Tòa Thánh tại Iraq, đã có những suy tư về nơi thánh này mà ngài biết rất rõ và đã hành hương đến đó.
Ngôn sứ Êdêkien (Michelangelo, 1510)
Mùa Xuân năm 2002, cùng với vài người bạn Iraq, tôi hành hương đến Kafel-al-Hilla. Di tích Babylon cổ đại của Chaldeans không xa; xa hơn về hướng Nam ở al-Najaf hiện giờ là nơi sinh sống của thủ lãnh tối cao của người Shiites, vị Đại giáo chủ Ayatollah al-Sistani, người mà Đức thánh cha Phanxicô sẽ thăm viếng vào ngày 6 tháng Ba. Ở Kafel-al-Hilla có một ngôi hội đường với những dòng chữ Do Thái rõ nét, điểm đến của những cuộc hành hương Hồi giáo và một ít Kitô hữu vẫn mạo muội đến đây, nhưng không có một người Do Thái nào vì cộng đoàn cuối cùng đã bị trục xuất khỏi Iraq sau cuộc chiến Ả Rập – Israel vào thập niên 1980. Truyền thống cho biết ở đây có ngôi mộ của ngôn sứ Êdêkien. Đây là nơi thánh. Ngôi mộ được bao quanh bằng lưới sắt để bảo vệ. Đây là nơi cầu nguyện, được các phụ nữ Shiite yêu thích đến đây để cầu xin giúp đỡ trong thai kỳ đầu và cuối. Vì thế, đây là nơi ngôn sứ Êdêkien được tôn kính. Nếu người ta nói rằng thần khí của Giona, nhà giảng thuyết về sự hoán cải, vẫn còn lưu lại Nineveh, thì miền đất Babylon cổ xưa này vẫn còn thần khí của Êdêkien, một tư tế bị lưu đày vào năm 597 trước Công nguyên, cùng với Jehoiachin, vua Giuđa. Ngôn sứ Êdêkien là bạn đồng hành suốt đời của người bị lưu đày.
Nói theo Kinh Thánh, ông là ngôn sứ của Thần khí Thiên Chúa, là người mà với những thị kiến lớn lao đã khuyên nhủ những kẻ bị lưu đày, an ủi và giáo dục họ trong niềm hy vọng, nhắc nhớ rằng chính Thiên Chúa sẽ ban “một trái tim mới và một thần khí mới” (cf. Ed 11,19). Người ta viết rằng ngôn sứ Êdêkien đã rao giảng lòng nhân từ của Thiên Chúa khiến lòng ăn năn quay đi: chúng ta ở trên đỉnh của hồng ân (P. Auvray). Nhưng điều chúng ta đặc biệt nhớ về vị ngôn sứ này là thị kiến vĩ đại của ông về thung lũng đầy xương khô (cf. Ed 37,1-14) đã hồi sinh và mang lấy hình dáng con người, hình thành nên những đám đông người đến vô hạn; thị kiến này luôn đi cùng với lời sấm của Thiên Chúa Toàn Năng.
Trong những ngày đen tối của Isis, khi Mosul và đồng bằng Nineveh bị chiếm đóng vào mùa hè năm 2014, và hàng ngàn Kitô hữu, người Yazidis và Hồi giáo chạy trốn, tìm kiếm nơi tị nạn ở Đông và Bắc Kurdistan, Đức thánh cha đã ấp ủ sáng kiến về một cuộc hành trình đến với những người tuyệt vọng này. Sự bất ổn định của Iraq đã làm chậm trễ chuyến tông du. Hiện giờ những mối lo lắng vẫn không thiếu; dịch Covid-19 đã thêm vào đó. Nhưng ta không thể biểu lộ sự đoàn kết chỉ bằng cách chờ đợi những thời gian hạnh phúc hơn. Niềm hy vọng về hòa bình, hài hòa, sự chung sống trong một miền đất thường hay bị rung chuyển bởi lòng thù hận, đã khiến ta nhớ đến những lời đầy hy vọng của Giona với Nineveh (thế kỷ VII trước Công nguyên), của Nahoum với Assyria (thế kỷ VII trước Công nguyên) và Êdêkien với Babylon (thế kỷ VI trước Công nguyên).
Sự đoàn kết được đặc biệt đánh giá cao trong những thời khắc khó khăn. Trong thời hoạn nạn, Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngài, điều này nhắc lại sách Xuất Hành (4,31), và vào thời Đức Giêsu, khi thấy những điều tốt đẹp Ngài đã thực hiện, đám đông đã bình luận rằng: “Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngài” (Lc 7,16).
Tại Iraq ngày nay vẫn cần đến thị kiến và sấm ngôn; vẫn cần đến chuyến thăm viếng của Đức thánh cha, bởi vì biến cố tông du này – không phải là một hành động cá nhân mà là hành động của toàn thể Giáo Hội – sẽ đem lại điều đó. Đây là hơi thở nồng ấm mang lại sự sống cho nhiều vị tử đạo và cho đức tin của nhiều Kitô hữu đã bị giết, bách hại và phân biệt đối xử; nhưng cũng còn cho nhiều người thuộc các tôn giáo và sắc tộc khác đã phải gánh chịu cùng những bạo lực như thế. Có một nhu cầu phải sắp xếp lại những rạn nứt nhiều vô cùng giữa người dân và miền đất này. Có một nhu cầu cho các Kitô hữu, người Yazidis, người Mandaeans và tất cả những dân tộc thiểu số khác cùng với người Shiites và Sunnis tìm lại được cuộc sống dân sự mà trong đó quyền của mọi người được tôn trọng. Có thể là anh chị em với nhau nếu có Thần khí của Thiên Chúa. Chuyến tông du của Đức thánh cha, theo như ước muốn của Đức Gioan Phaolô II (năm 2000), có thể là hạt giống giàu sức sống sẽ mang lại hoa trái. Điều này trước hết tùy thuộc vào trách nhiệm của người dân Iraq và rồi tiếp đến là sự góp phần của mọi người.
|