Nói về Chúa Thánh Thần, chúng ta rất dễ có nguy cơ nói một cách mơ hồ, một phần vì không có những sự kiện cụ thể lịch sử về siêu hình. Nếu không có gì xác định về Chúa Thánh Thần, rất dễ có cám dỗ gán cho Người bất cứ điều gì, theo như quan điểm riêng của chúng ta.
Nhưng Thánh Thần không chỉ là tinh thần, không tên tuổi và không ngôi vị. Chính là Thần Khí của Chúa Cha hằng hữu, trong Người ánh sáng vô phương đạt đáo. Đó cũng là thần khí của Đức Giêsu, con người ở giữa chúng ta. Đức Giêsu vừa là mạc khải của Chúa Cha, vừa là sự tỏ lộ Thánh Thần. Nhờ sự biểu lộ của Thánh Thần, Người mạc khải Chúa Cha. Vậy Thánh Thần, một cách chính xác nhất, là tinh thần của Tin Mừng, của các mối phúc thật, là tinh thần của Đức Giêsu chịu đóng đinh. Sự hài hòa tuyệt đối với tinh thần của Chúa Giêsu chính là quy luật cơ bản trong việc phân biệt các thứ tinh thần.
Ở đây, không có tham vọng diễn tả đầy đủ của đời sống theo Thánh Thần, Thánh Thần của sự sống, của chân lý, của hiệp thông, của yêu mến, của hợp nhất, của tự do, mà chỉ muốn gợi lên từ bên trong một đời sống mới… Thánh Thần của tự do
Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ, tức là Đấng giải phóng. Nếu Con Thiên Chúa đã chia sẻ đời sống của chúng ta, chia sẻ cái chết của chúng ta, thì chính là để giải phóng chúng ta khỏi mọi hình thức nô lệ đang vây bọc, hủy hoại và tàn phá chúng ta, đồng thời giúp chúng ta đạt tới sự tự do đích thực, cho chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa- nhờ sức mạnh của tình yêu Người. Nếu Thánh Thần đến trong chúng ta chính là để giải phóng chúng ta.
Sự giải phóng này phải là sự giải phóng toàn diện, liên hệ đến mọi chiều kích của cuộc sống. Đó là sự giải phóng nhờ liên quan với lề luật, như thánh Phaolô thường diễn tả. Nền luân lý mà Đức Kitô rao giảng không phải là một sự phù hợp với quy luật đạo đức, nhưng là đòi hỏi của tình yêu. Sự toàn thiện mà Đức Kitô chờ đợi nơi chúng ta không phải là chăm chỉ lo lắng cho nền đạo đức riêng, nhưng là ơn cứu độ cho những tôi nhân hối cải. Đức Kitô không đến vì những người mạnh khỏe, nhưng vì những người tội lỗi, không phải vì những người công chính, nhưng vì những tội nhân. Nếu luân lý của Người không phải là luân lý từ toàn thiện nhưng là luân lý từ trở về, từ trở về đến tình yêu thì có thể nói đó là một thứ phản luân lý theo một nghĩa nào đó. Và thánh Augustinô đã tóm tắt: hãy yêu và làm điều bạn muốn. Bởi vì những đòi hỏi của tình yêu, thay vì chịu khuất phục trước mọi cám dỗ tự xếp lại trên chính mình và loại trừ người khác, lại là một lời mời gọi luôn luôn mới mẻ đến sự toàn hiến mình cho người khác, kể cả cuộc sống. Không có tình yêu nào cao cả hơn việc hy sinh cuộc sống mình cho người mình yêu mến. Việc giải phóng khỏi lề luật nhờ Thánh Thần không phải là sự từ chối hay tạm biệt, nhưng là sự hoàn thành trọn vẹn nhất.
Về tôn giáo cũng thế, Đức Kitô không đến để thiết lập một thứ đạo mới, lập thêm những điều lệ, những chỉ thị. Người đã đến để giải phóng chúng ta khỏi sự sợ hãi và sự mù quáng mà mọi tôn giáo đều có, cho chúng ta xứng đáng trở thành con Thiên Chúa. Anh em đã không nhận lấy tinh thần một kẻ nô lệ để phải sống trong sợ hãi, nhưng đã nhận lấy tinh thần của một nghĩa tử, hân hạnh được kêu lên rằng: Abba - Cha ơi. (Rm 8,15)
Từ nay, chẳng có nơi nào là thánh nữa. Đã đến giờ anh em sẽ chẳng tôn thờ Cha ở núi này hay Giêrusalem nữa (Ga 4,21). Từ nay, những người tôn thờ đích thật sẽ thờ lạy Chúa Cha trong tinh thần và trong sự thật (Ga 4,23). Những mối quan hệ mới mà Chúa Giêsu thiết lập giữa chúng ta và Cha Người không còn là mối quan hệ “tôn giáo”, nhưng một lần nữa, là mối quan hệ của sự hối cải, hối cải trong Thánh Thần. Tôn giáo đích thực sẽ chẳng phải là hoàn tất các lễ nghi, (tôn trọng) tuân thủ các giờ thánh và nơi thánh, nhưng là hối cải và sống theo mọi đòi hỏi của Thánh Thần. “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : ‘Lạy Chúa ! Lạy Chúa !’ là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7, 21). Chống tôn giáo hơn là tôn giáo: Điều có giá trị trước mặt Đức Kitô, trước hết chính là tất cả cuộc sống.
Mỗi lần chúng ta để mình chiều theo một sự biểu lộ bên ngoài, chúng ta làm tha hóa chính tự do của chúng ta, và làm mất đi cái nhìn của Thánh Thần Đức Kitô là Đấng thay vì thu hẹp và tha hóa chúng ta, lại đến để củng cố tự do của chúng ta trước cái nhìn của Thiên Chúa. Nếu được Thánh Thần yêu mến thì tất cả mọi chiều kích của đời sống chúng ta sẽ trở thành một biến cố sống động ca tụng vinh quang Chúa Cha. Khi giải thoát chúng ta khỏi mọi xiềng xích tôn giáo, Chúa Thánh Thần sẽ kiện toàn trong ta tôn giáo đích thực, như Chúa Cha muốn. (x.Ga 4,23)
Dẫu vậy, Thánh Thần không chỉ giải thoát ta khỏi lề luật và tôn giáo. Người còn giải thoát chúng ta khỏi sự khôn ngoan của loài người, dù là của các triết gia hay nhà tu đức: Trong khi người Dothái đòi hỏi những ođiềm thiêng dấu lạ, còn người Hylạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Dothái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Dothái hay Hylạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người. (1Cr, 1,22.25)
Với sự khôn ngoan của các triết gia, Chúa Kitô đã không trả lời lại bằng một hệ thống triết lý, nhưng đã đáp ứng bằng những sự kiện: Đó là cuộc sống và cái chết của Người đã đảo lộn tất cả lịch sử nhân loại… Với sự khôn ngoan của các nhà tu đức là những người có công gạn lọc trong chính họ sự sống của Thần Khí, Chúa Giêsu đã đáp ứng bằng ân huệ Thánh Thần của Người. Từ nay, con người thiêng liêng sẽ không còn là người với tinh thần được tinh luyện, nhưng là con người của Thánh Thần. Ở đây một lần nữa, giải phóng không phải là từ khước. Thánh Thần giải phóng con người khỏi triết lý và tu đức, như là những điều tuyệt đối mà chỉ mình chúng đem lại ơn cứu độ. Nhưng chính là lôi kéo họ vào những đòi hỏi từ đây cũng như từ đó, cho đến sự điên rồ của thập giá.
Thánh Thần tình yêu và hợp nhất
Giải phóng nhưng không phải để con người sử dụng tự do một mình. Thánh Thần giải phóng họ khỏi mọi hình thức nô lệ để họ có thể tự hiến cho người khác trong niềm hiệp thông vào một tình yêu duy nhất. Ơn gọi của con người không phải là sự hoàn thiện cá nhân, sự thành toàn riêng tư, thứ tự do ích kỷ, nhưng là ơn gọi quy tụ mọi người trong một thân thể duy nhất, một dân tộc duy nhất, trong một mối thông hiệp, mà người ta gọi là Hội Thánh của Đức Kitô.
Nhờ điều này mà người ta nhận ra những môn đệ Đức Kitô yêu mến lẫn nhau (Ga13, 35). Nhờ điều này mà người ta nhận ra những người được Thánh Thần của Đức Kitô tác động. Đó là họ nỗ lực quy tụ mọi người trong ánh sáng, sự thật, tình yêu và cuối cùng là sự sống. Những hoa trái của ghen ghét là chia rẽ, chống đối, là đau khổ và sau cùng là sự chết. Trong khi đó, hoa quả của Thánh Thần là: mến yêu, vui mừng, bình an, đại lượng, nhân hậu, tốt lành, tín trực, hiền từ, tiết độ (Gl 5,22) tức là sự trưởng thành trong mối hiệp thông với người khác.
Thánh Thần của Đức Kitô tái lập trong chúng ta sự duy nhất đã bị phá vỡ bởi tội lỗi, sau đó, hướng đến việc tái lập trong chúng ta sự duy nhất đã bị phá vỡ vì những chia rẽ, những ghen ghét. Thánh Thần chính là nhà sư phạm vĩ đại của sự hiệp thông, không phải chỉ trong sự cử hành bí tích, nhưng còn trong đời sống cụ thể của nhân loại mà nghi lễ phải vừa cổ võ vừa giải thích.
Từ mối hiệp thông với nhân loại này, Thánh Thần vừa là nhà kiến tạo vừa là đích điểm cuối cùng, bởi vì hiệp thông không phải là kề cận người này với người kia, nhưng là sự duy nhất trong Thánh Thần, trong thân thể Đức Kitô, Đức Kitô của mọi chiều kích lịch sử, Emmanuel, Thiên Chúa ở giữa chúng ta. Mầu nhiệm là ở đó: sự hiệp thông mọi người trong tình yêu, tức là Thiên Chúa.
Hôm nay
Dù rằng thời đại chúng ta hôm nay có nhiều đặc điểm đáng lưu ý, nhưng thân phận của chúng ta trong cơ bản vẫn không khác với thân phận cha ông chúng ta trong Đức tin. Hôm nay cũng như hôm qua, vấn đề của chúng ta là sống mầu nhiệm: mở ra với Chúa Thánh Thần, là một trong Đức Kitô, là con cái của Chúa Cha và nhờ tình yêu, cộng tác với mọi anh em trong việc chứng tỏ cũng như mạc khải khuôn mặt của Thiên Chúa trong trần gian.
Theo dòng thời gian, sự trong sáng của dấu chỉ đã phần nào lu mờ, chúng ta có nhiệm vụ phá tan những bóng mây mờ. Đó là nhiệm vụ của muối, của men. Run sợ vì những đòi hỏi của tự do, chúng ta bị ép buộc lập lại những ràng buộc của lề luật, của giáo lý, của tôn giáo. Mỗi thế hệ một chút, nếu ta không để ý, khía cạnh bề ngoài của Giáo Hội kết cuộc bằng sự lo củng cố an toàn cho chúng ta, tạo thành những hàng rào cho mình. Lúc ấy, Giáo Hội đáng lẽ ra là bí tích của Thánh Thần cho Giáo Hội, sẽ bị biến mất đi vì sự lu mờ, không thực hiện được nhiệm vụ soi sáng trần gian, tỏ lộ các ý nghĩa.
Bởi vậy, thế kỷ này sang thế kỷ khác, thế hệ này qua thế hệ kia, Thiên Chúa phải thức tỉnh dân Người, cho họ hiểu rõ về cuộc xuất hành mới và sự thanh luyện của sa mạc ngõ hầu họ ý thức lại về sứ vụ tiên tri trong thế giới. Hôm nay, chúng ta đang sống trong sự chỗi dậy của Giáo Hội. Thật ra, không có gì khác cho lắm, bởi vì Giáo Hội luôn sống trong tình trạng tỉnh thức, ít ra là trong vài khía cạnh. Đặc điểm của thời đại này chính là cuộc canh tân được Công đồng Vat II thúc đẩy, cũng như chiều sâu của việc đặt lại các vấn đề do Công đồng gợi lên, không phải chỉ do các chuyên viên, nhưng do toàn bộ các tín hữu.
Trong khi nhắc lại rằng Đức Kitô hoàn tất sứ vụ tiên tri của Người, không phải chỉ qua hàng giáo phẩm nhưng còn nhờ tất cả mọi tín hữu, Công đồng đã làm sống dậy trong dân Chúa ơn gọi tiên tri ấy (ASMD 35). Người ta có thể nói vấn đề tiên tri chính là vấn đề cơ bản trong cuộc khủng hoảng về ý thức của Giáo Hội. Sứ mạng của chúng ta là những sứ ngôn, nhưng sứ ngôn về điều gì? sứ ngôn như thế nào?
Câu trả lời thật dễ dàng. Chúng ta là sứ ngôn về Tin Mừng, về ơn cứu độ. Thế nhưng, một vấn đề khác lại nảy sinh: ơn cứu độ này là ơn cứu độ nào, có ý nghĩa gì với thế giới? Chương trình của Thiên Chúa, đã được diễn tả trong lịch sử cứu độ, phải chăng lại đứng ngoài lịch sử nhân loại? hay ngược lại, việc mạc khải ý nghĩa mà Thiên Chúa trao phó không phải là điều tốt đẹp?
Vậy, chúng ta phải là những sứ ngôn, những người mạc khải ý nghĩa cho cuộc tìm kiếm của nhân loại. Sự đói khát giải phóng và hiệp thông đã tỏ lộ nhiều nền văn minh, nhưng vì do lý do này nọ, họ luôn tỏ cho thấy họ không thể hoàn tất được, và đó cũng là ý định của Thiên Chúa.
Ý định của Thiên Chúa lấy lại ý định của con người. Thánh ý không thay đổi ý nghĩa. Trái lại, thánh ý thúc đẩy đến nỗi con người có quyền hy vọng, và Thiên Chúa lại cho những phương tiện để thực hiện. Sự hiệp thông toàn thể mà mọi người khao khát, không chỉ là hiệp thông bên ngoài, nhưng là hiệp thông trong thân thể Đức Kitô, tức là mọi người đều chia sẻ đời sống của Thiên Chúa.
Chúng ta phải là sứ ngôn cho sự thông hiệp ấy, không chỉ bằng lời nói, nhưng bằng chính cuộc sống. Đời sống Giáo Hội không thể mâu thuẫn, cũng không phải là đặt cạnh đời sống nhân bản. Trái lại, đời sống Giáo Hội cho ta thấy toàn bộ ý nghĩa và giúp ta tìm thấy những phương tiện mới để hoàn thành đời sống nhân bản. Chỉ có Thánh Thần của Chúa mới giải phóng chúng ta khỏi mọi ý đồ nhằm chống lại người khác. Chỉ có Thánh Thần của Chúa mới làm cho chúng ta biết yêu mến người khác cách chân thực và cùng với họ tạo lập sự duy nhất của một thân thể. Chỉ có Thánh Thần của Chúa mới giúp ta sống như sứ ngôn của thời đại. Nhưng điều ấy sẽ chẳng thực hiện được nếu không có sự đòi hỏi gay gắt hướng về chân lý, sự cần mẫn thực hiện tự do và lòng trung tín cho đến chết, dù là cái chết trên thập giá.
Đòi hỏi của chân lý
Nếu đời sống chúng ta phải là nguồn cung cấp ý nghĩa, thì tất cả những dấu chỉ của đời sống phải sáng chói, phải chuyển đạt đầy đủ ý nghĩa. Nói khác đi, những dấu chỉ ấy phải thực. Đòi hỏi này của chân lý, có 2 mức độ áp dụng: đời sống Giáo Hội và đời sống nhân loại.
Trong đời sống Giáo Hội, tất cả các dấu chỉ của chúng ta phải thực sự chuyển đạt ý nghĩa sứ điệp của Chúa, của Tin Mừng cứu độ. Trong đời sống nhân bản, vấn đề đặt ra là những dấu chỉ ấy cũng tỏ cho thấy những thực tại trần gian được thu nhập. Thử lấy một ví dụ; ví dụ đặc biệt nhất của nhiệm cục Kitô giáo: cử hành nghi lễ thánh thể.
Đòi hỏi sứ ngôn chân lý được phát triển theo 2 hướng: một mặt, đòi hỏi này phải được thanh luyện khỏi những gì làm kềnh càng, khỏi những gì che lấp mầu nhiệm cứu độ cần được loan truyền; nhưng đồng thời, phải tỏ cho thấy ý nghĩa của mọi bữa ăn, là sự chia sẻ giữa mọi người và là dấu chỉ hữu hiệu của một mức độ hiệp thông.
Học tập tự do
Việc tìm kiếm chân lý trong sự cử hành này, cũng như trong đời sống, hàm ẩn một sự tái sinh đến tự do của con cái Thiên Chúa, vì chân lý của con người trong chương trình của Thiên Chúa, chắc chắn vượt mọi sự trong thân phát sinh ra sợ hãi, và phải hướng dẫn nếu tự do của những người con.
Tất cả sự thực hành quyền bính chỉ có ý nghĩa trong Giáo Hội, khi thúc đẩy sự tự do chính thức, đưa mọi người trở thành con Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Tất cả những quyết định mà đè bẹp, thu hẹp thực tại trong những liên hệ hạn hẹp của lề luật, của hình thức, tạo nên sự chia rẽ thay vì thúc đẩy sự hiệp thông, đều chống lại chương trình của Thiên Chúa.
Trung tín cho đến thập giá
Nhưng việc học tập tự do không chỉ đòi hỏi sự trở về của những người thi hành quyền bính trong Giáo Hội, nó còn đòi hỏi hơn nữa sự trở về của những người muốn sống tự do ấy. Con người tự do công bố với tất cả chân tính về điều mà Thánh Thần ban cho họ để hiểu về Đức Giêsu Kitô và về sứ điệp của Người đối với nhân loại. Họ không tìm quyền lực cũng chẳng tìm vinh quang. Khí giới của họ cũng chính là khí giới của Chúa Giêsu Kitô. Nhưng lời nói và đời sống của họ là dấu hiệu của mâu thuẫn. Trước mặt họ, mỗi người tự tỏ mình ra như họ đích thực là. Đời sống của họ trở thành một lưỡi gươm như là Lời Chúa, lưỡi gươm ấy phân biệt con cái của ánh sáng ra khỏi con cái của tăm tối và nó dẫn đưa đến thập giá.
Môn đệ không hơn thầy. Những lợi lộc xưa kia đã liên kết để chống lại Đức Kitô nay cũng liên kết để chống lại những người được Chúa Thánh Thần tác động; tất cả những mãnh lực của trần gian này, dù là được xây dựng trên tiền bạc, quyền hành, vinh dự, hay đơn giản trên sức mạnh của thói quen, luôn sẵn sàng phân rẽ nhau, thì cũng sẵn sàng liên kết với nhau khi chúng cảm thấy bị đối chất bởi sứ điệp giải phóng của Đức Kitô, sứ điệp của tình yêu đang hoạt động cho tình hiệp thông giữa mọi người. Con người chấp nhận sống theo Thánh Thần, noi gương Đức Kitô, tức là chấp nhận ơn gọi làm người với tính cách của một sứ ngôn, là người đạt đến tự do và sự duy nhất vượt trên mọi thất bại và mọi sự chết chóc…
Giuse Nguyễn Cao Luật, O.P |