LÀM SAO BIẾT ĐÓ LÀ Ý CHÚA
Theo linh thao của thánh I-nha-xi-ô, thì đó là phân định ý muốn đặc biệt của Thiên Chúa về con người cá nhân của chúng ta. Vấn đề ý Chúa có liên hệ chặt chẽ với kinh nghiệm của cá nhân tôi về Người. Đối với tôi, Người là ai? Người dạy tôi điều gì? Làm thế nào để cuộc đời tôi thành công? Trong hiểu biết của chúng ta về ý Chúa, kinh nghiệm về Thiên Chúa và kinh nghiệm về mình liên kết với nhau. Rất nhiều người cố gắng biết được ý Chúa để tìm thấy con đường riêng cho mình. Lại có những người cảm thấy bị đe doạ bởi câu hỏi trên: họ sợ rằng Chúa muốn một điều gì đó không tốt cho họ. Ở đây, hình ảnh chúng ta có về Chúa đóng một vai trò quan trọng. Nếu tôi thấy Chúa là Đấng không hoà hợp với tôi chút nào, và là Đấng đè bẹp và phá vỡ đời tôi, thì tôi chỉ có thể ghê sợ Người. Nếu tôi chỉ thấy Chúa là kẻ địch thì thật là nặng nề để thi hành ý Người. Nhưng nếu tôi thấy Chúa là Đấng ở với tôi, hoạt động trong tôi, thì tôi sẽ cảm thấy ý Người là ơn gọi của tôi, là đường dẫn tôi đến sự sống.
Chúa Giêsu thi hành ý Chúa Cha.
Chúa Giêsu đã luôn coi việc thi hành ý Chúa Cha là một bổn phận chính yếu: “Lương thực của tôi là thi hành ý của Đấng đã sai tôi.” (Ga 4,34). Người hoàn toàn hoà hợp với Chúa Cha. Người liên kết chặt chẽ với Chúa Cha. Ý Chúa Cha không là mối đe doạ, mà là dây liên kết Người với con tim của Chúa Cha. Tuy nhiên, vì mang thân phận loài người, chính Người cũng phải rất cố gắng để chấp nhận ý Cha người. Khi thoáng thấy có thể con đường Người đi sẽ kết thúc bằng cái chết đầy bạo lực trên thập giá, Người đã không thể lập tức nói tiếng xin vâng. Chẳng ai muốn chết. Ngay cả nơi Chúa Giêsu, khát khao sống vẫn mạnh mẽ hơn là phó mình chịu chết. Vì thế, Người đã cầu xin: “Lạy Cha, nếu chén này không thể rời khỏi con, nhất định con phải uống, thì xin cho ý Cha được thể hiện.” (Mt 26,42). Chúa Giêsu tranh đấu, nhưng cuối cùng, Người vẫn cầu xin: “Xin cho ý Cha được thể hiện”. Người cũng mời gọi chúng ta cầu xin như Người trong kinh Lạy Cha: “Xin cho ý Cha được thể hiện” (Mt 6,10). Rồi trong bình an và hoà hợp với chính mình, Người đi trên con đường dẫn tới thập giá. Trong cầu nguyện, Người khám phá ra rằng con đường này sẽ đưa Người tới sự sống, và rằng bằng cách ấy, Người trở nên nguồn suối ơn phúc và cứu độ cho nhân loại.
Chúa Giêsu cầu nguyện ở vườn Cây Dầu: cách thế để biết ý Chúa.
Cảnh tượng Chúa Giêsu cầu nguyện ở vườn Cây Dầu chỉ cho chúng ta biết làm thế nào để hiểu được ý Chúa. Bao lâu chúng ta còn chưa tập trung đến tận đáy sâu tâm hồn mình, thì bấy lâu ý Chúa vẫn biểu lộ như một điều gì đó xa lạ, bên ngoài. Nếu chỉ lắng nghe những nhu cầu và tâm trạng của chúng ta một cách hời hợt, bề ngoài, chúng ta sẽ cảm thấy ý Chúa ngáng đường chúng ta. Nhưng nếu trong cầu nguyện, chúng ta lắng đọng tận đáy sâu tâm hồn, và trong thinh lặng, khám phá ra sự hòa hợp nội tâm, thì chính chúng ta sẽ biết rằng ý Chúa giống với ý riêng của chúng ta. Lúc ấy, chính ý Chúa sẽ là sự hoà hợp của chúng ta. Trong ý Chúa, chúng ta sẽ khám phá ra hình ảnh độc đáo mà Thiên Chúa tạo ra từ chúng ta. Thánh Phaolô hiểu ý Chúa như con đường hướng tới ơn cứu độ và sự toàn vẹn của chúng ta: “Đó là điều Thiên Chúa muốn: chúng ta được nên thánh.” (1 Tx. 4,9). Ý Chúa chính là chúng ta trở nên thánh và toàn vẹn, là trở nên con người mà chúng ta là theo Thiên Chúa và là để chúng ta đạt tới sự hoà hợp với cái TÔI đích thực của mình. Thiên Chúa không bao giờ muốn huỷ hoại con người hay làm con người suy yếu đi, mà cũng không đặt những gánh nặng vượt quá sức của họ.
Tiêu chuẩn để biết ý Chúa: bình an, sự sống, tự do.
Nhưng làm thế nào tôi biết được ý Chúa? Đây là câu hỏi then chốt. Trong thinh lặng, khi tôi lắng nghe tiếng lòng tôi, thì đó là tôi lắng nghe chính tôi hay nghe tiếng Chúa? Có phải chính tôi chọn lựa đâu là ý Chúa? Làm thế nào để biết đó là ý Chúa mà không chỉ là ý riêng cá nhân tôi? Các tu sĩ ngày xưa nói rằng tiêu chuẩn để biết ý Chúa cách rõ ràng, chính là nó sản sinh trong tôi sự bình an, sự sống và tự do.
Tôi biết có những người trẻ ước muốn vào một dòng tu. Khi tôi hỏi, họ nói họ tin rằng Thiên Chúa đòi hỏi điều đó nơi họ bởi vì đó là con đường khó khăn nhất và hợp lý nhất. Và đồng thời, điều đó cũng làm cho họ sợ hãi, vì thực sự họ mong muốn sống đời sống gia đình. Thực ra, mỗi người trong chúng ta đều mang trong con người mình một tu sĩ và một người cha, một nữ tu và một người mẹ. Trong chúng ta, luôn luôn vang vọng hai tiếng nói khác nhau. Vậy tiếng nào là tiếng của Chúa? Thật là vô ích nếu muốn khám phá ra ý Chúa bằng lý trí. Tôi luôn chỉ dẫn cho những người cho biết là nơi họ, cả hai tiếng nói khác nhau đó đều có, rằng hãy xét xem họ cảm thấy gì và sự hoà hợp nội tâm họ thế nào. Ở đâu có bình an hơn, có sự sống hơn, có tự do hơn, ở đó có ý Chúa.
Biết được ý Chúa: sống đời sống viên mãn.
Biết được ý Chúa là một phương diện quan trọng của kinh nghiệm chúng ta có về Thiên Chúa, vì không bao giờ chúng ta trải nghiệm được Người trong chính Người, mà luôn trải nghiệm Người trong tương quan của Người với chúng ta. Và ý Chúa tỏ lộ cho chúng ta rằng Thiên Chúa có một ý nghĩa quyết định cho cuộc hành trình nên thánh của chúng ta. Nên biết rằng ơn gọi của chúng ta thì rất cá biệt. Mỗi người đều độc đáo và mỗi người đều có một sứ vụ rất riêng cho mình. Thiên Chúa muốn dẫn đưa người đó trên con đường làm cho đời sống người đó dồi dào, phong phú, giúp người đó phát triển những tài năng và sống hoà hợp. Đó là lý do tại sao biết được ý Chúa là yếu tố quyết định cho đời sống của chúng ta thành công và viên mãn.
Ý Chúa là ánh sáng soi sáng cho chúng ta và toả sáng trong ta. Nó dẫn đưa chúng ta đến tự do nội tâm, một thứ tự do giải thoát chúng ta khỏi những ràng buộc vào những mong ước hay những nhu cầu đời này. Thiên Chúa muốn làm cho chúng ta sống theo hữu thể đích thực của chúng ta và theo ơn gọi cá biệt của mỗi người chúng ta. Trong sâu thẳm của tâm hồn, chúng ta cảm thấy Thiên Chúa là Đấng làm cho chúng ta hoà hợp với hữu thể đích thực của mình. Nhưng phải có một cảm quan sắc nhọn của sự phân định để học biết phân biệt ý Chúa đưa chúng ta đến sự sống, khỏi ý riêng của chúng ta, một ý riêng tương đồng với những gì hời hợt, bên ngoài của chúng ta hơn, nhưng thực sự lại cản trở chúng ta trở nên chính mình. Người xưa coi ân ban “phân biệt các thần trí” là nhân đức quan trọng nhất. Nếu tôi có thể phân biệt Thiên Chúa khỏi các ngẫu tượng, đời sống tôi sẽ thành công và tôi sẽ hoàn toàn là hữu thể độc đáo mà Thiên Chúa muốn tôi là.
Linh mục Mỹ Sơn