NỤ HÔN PHẢN BỘI
Dưới lăng kính văn hóa của các nước Phương Tây, từ xa xưa họ đã dùng cái hôn như một hành vi giao tiếp phi ngôn ngữ để thay lời chào. Nó vượt khỏi khuôn khổ gia đình, cử chỉ thân mật này thể hiện tình cảm và sự bình đẳng, song cũng ẩn chứa nhiều “bí mật” mà ngay cả nhiều người cũng không hiểu rõ. Thực tế cho thấy, cái hôn lên má thay lời chào lại phổ biến ở nhiều nước thiên về Công Giáo.
Đối với những người chủ trương theo lối văn hóa Phương Đông, nhắc đến “Nụ hôn” có nghĩa là một sư kết tinh và là kết quả của tình yêu giữa người với người. Đó là cách thể hiện cảm xúc, tình cảm của người yêu dành cho đối phương. “Nụ hôn” một cử chỉ hay hành động mà ta có thể nhìn nhận và hiểu thấu và biết được qua khả giác. Nhưng với hai đương sự, nụ hôn đưa lại những cảm nhận sâu xa hơn về những cảm xúc tiềm ẩn nằm phía trong cái vô thức. Nghĩa là nó có thể đụng chạm và xoáy sâu vào trái tim của con người.
Trong Kinh Thánh, một “Nụ hôn” đầu tiên cũng là “Nụ hôn” kinh hoàng nhất đã đi vào huyền thoại, nó đã in dấu trong tâm khảm của mọi hữu thể đặc biệt đối với những người tin vào Thiên Chúa. Bởi đó là “Nụ hôn của sự phản bội”, Nụ hôn mà Giu-đa đã trao cho Chúa Giê-su tại vườn Ghết-sê-ma-ni. Ông dùng cái hôn để chỉ điểm, dùng cái hôn để nộp Chúa Giê-su cho quân dữ. Cái được coi như dấu hiệu của yêu thương lại trở thành phương tiện để phản bội. Cái hôn được trả với giá “30 đồng bạc” cùng giá máu cứu của Con Thiên Chúa. Ôi! Sao nụ hôn này thật cay đắng. Chúa Giê-su cảm nghiệm được cái giả chước ngọt ngào mà chát chúa từ nụ hôn của Giu-đa. Đến nỗi Người phải thốt lên “Giu-đa, anh dùng cái hôn để nộp Con Người sao”. Đó là kinh nghiệm về sự phản bội của Giu-đa nói riêng và của thân phận nhân loại nói chung.
Vậy tại sao Giu-đa không dùng cử chỉ nào khác mà lại dùng cái hôn để phản bội lại Chúa Giê-su? Thiết tưởng, tận thâm sâu trong vô thức ông đã được ảnh hưởng từ “Luật Yêu Thương” mà Thầy Giê-su thường ngày vẫn luôn giảng dạy và nêu gương cho các môn đệ của Ngài. Trớ trêu thay ông không thể thắng nổi con quỷ trong lòng ông, nó đã cám dỗ và điều khiển khiến ông mỗi ngày càng lún sâu vào tội lỗi mà không thể quay về với Thiên Chúa.
Khóc thương cho Giu-đa cũng là lúc mà ta thương thay cho thân phận loài người mỏng giòn cát bụi. Vì bao lần đã phản bội Thiên Chúa Nhân Lành trong vô thức hay ý thức, trong lời nói hay hành động, qua cách này đến cách khác. Ấy thế mà, ta đã thực sự hồi tâm quay trở về với Thiên Chúa hay chưa?
Mùa Chay năm nay đã bước vào những ngày chóp đỉnh của Tam Nhật Thánh. Đây là cơ hội cũng là những giây phút linh thiêng để mỗi người biết sám hối, ăn năn và quay trở về gắn kết mối tình giữa ta với Thiên Chúa, giữa người với người. Dù bao lần ta phản bội nhưng Chúa Giê-su vẫn ở đó dang cánh tay rộng mở đón chờ ta và sẵn sàng ôm ấp ta trong trái tim của Ngài.
Lan Hương
|