Tác giả: Phó tế Mark Danis
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung
Từ: integratedcatholiclife.org
Chúng ta có đang tìm kiếm Chúa trong cuộc đời mình không? Chúng ta có thể tự tin nói rằng chúng ta đang thực sự tìm kiếm Chúa trong mọi việc chúng ta làm không?
“Hãy nhận biết Ngài trong mọi đường đi nước bước, Ngài sẽ san bằng đường nẻo con đi.” (Châm Ngôn 3:6)
Nhận biết chúng ta có đang tìm kiếm Chúa mỗi ngày hay không là một câu hỏi quan trọng. Thực vậy, đó là câu hỏi quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta. Rốt cuộc, tìm kiếm Chúa là mục đích chính của sự hiện hữu của chúng ta trên trần thế, đó là lý do chúng ta được ban cho ân huệ sự sống. Cuộc sống trần thế được ban cho chúng ta là để cho chúng ta đi tìm Thiên Chúa và trở nên giống như Ngài hết mức có thể.
“Hãy tìm Chúa khi Ngài còn cho gặp, kêu cầu Ngài lúc Ngài ở kề bên” (Isaia 55:6).
Câu này đặt ra một câu hỏi quan trọng, có thể là một câu hỏi mà chúng ta đã phải chiến đấu với chính mình:
Điều gì xảy ra cho những cá nhân chưa bao giờ tìm kiếm Chúa trong cuộc sống của họ, những người không được nuôi dưỡng trong bầu khí đức tin?
Để giải quyết mối quan tâm này, chúng ta có thể nhờ đến sự khôn ngoan của CS Lewis, một trong những nhà văn Kitô giáo nổi tiếng nhất của thế kỷ 20. Ông nổi tiếng với khả năng viết ra những lời tuyên bố rõ ràng, ngắn gọn và mạnh mẽ về đức tin. Dưới đây là phiên bản của một trong những câu dí dỏm ngắn gọn của ông về việc tìm kiếm Chúa, cung cấp cái nhìn sâu sắc về tầm quan trọng của việc chúng ta tìm kiếm Chúa.
“Thiên Chúa bày tỏ chính Ngài với đầy đủ bằng chứng cho những ai mong muốn tìm thấy Ngài, đồng thời, Ngài che giấu chính Ngài trong sự tối tăm vừa đủ cho những ai không muốn tìm kiếm Ngài.”
Một định đề thú vị, và đối với một số người, những lời của CS Lewis đưa ra một thách thức đối với phương cách chúng ta sử dụng thời gian trong cuộc đời này.
Ngay cả đối với những người cầu nguyện thường xuyên và thật lòng tìm kiếm Chúa trong cuộc sống của họ, vẫn có một câu hỏi khó hơn. Câu hỏi này đi thẳng vào trọng tâm của lý do thúc đẩy chúng ta cầu nguyện.
Chúng ta đang tìm kiếm ai trong lời cầu nguyện?
Khi lời cầu nguyện của chúng ta sâu sắc hơn, và khi ước muốn nhìn thấy Chúa trong cuộc đời của chúng ta tăng lên, chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận rằng sẽ có những giai đoạn khô khan hoặc thậm chí cảm thấy vắng bóng Chúa. Sẽ có những lúc chúng ta có thể không nhận được câu trả lời hoặc sự an ủi trong lời cầu nguyện của mình. Trong những lúc khô khan này, chúng ta sẽ hiểu được chúng ta đang thực sự tìm kiếm ai trong lời cầu nguyện.
Được hướng dẫn và an ủi là những trông mong hợp lý đối với những người cầu nguyện, đó là điều chúng ta thường cảm nghiệm được, nhất là khi đối phó với những vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi trưởng thành trong đời sống cầu nguyện, chúng ta cần bắt đầu từ bỏ những trông mong được an ủi.
Thay vào đó, chúng ta nên ngày càng quan tâm đến những gì Thiên Chúa đang cố gắng thực hiện với chúng ta trong lời cầu nguyện, ý muốn của Ngài đang được thực hiện trong chúng ta như thế nào, ngay cả trong những lúc khô khan.
Chính trong nỗ lực cầu nguyện của chúng ta, đặc biệt là khi khó khăn, chúng ta có thể chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa dành cho cuộc đời chúng ta một cách hoàn hảo hơn, bằng cách để Ngài hành động trong chúng ta và thanh tẩy chúng ta khỏi những trông mong hạn hẹp của chúng ta.
“Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Chúa Kitô Giêsu” (1 Thessalonica 5:16-18).
Về phía chúng ta, chúng ta phải nỗ lực rất nhiều để tiếp tục cầu nguyện trở lại khi chúng ta không cảm nghiệm được như những gì chúng ta đã có thể cảm nghiệm trong quá khứ, hay khi không được hướng dẫn hay được an ủi rõ ràng. Tuy nhiên, như với bất cứ mối tương quan lành mạnh, trưởng thành và yêu thương nào, sẽ có lúc những lời cầu nguyện của chúng ta không được thúc đẩy bởi điều gì khác ngoài ước muốn làm hài lòng Thiên Chúa.
Những lúc này, chúng ta tìm kiếm Ngài chỉ để bày tỏ lòng biết ơn đối với những gì Ngài đã làm trong cuộc sống của chúng ta và về ân huệ sự sống vĩnh cửu của Ngài. Mong muốn của chúng ta là cho Ngài biết chúng ta không tìm kiếm Ngài chỉ vì sự an ủi của Ngài, nhưng chúng ta mong muốn tìm thấy Ngài chỉ vì tình yêu.
Đây là quá trình lớn lên trong lời cầu nguyện của chúng ta và trong sự biến đổi của chúng ta trong tình yêu. Đó là điều cho phép chúng ta trở thành những con người hoàn chỉnh, những con người giống Thiên Chúa, làm mọi sự vì tình yêu.
“Hãy làm mọi sự vì đức ái” (1 Côrintô 16:14).
Chúng ta hãy cầu nguyện để tất cả chúng ta có thể tìm thấy ân sủng để tìm kiếm Thiên Chúa chỉ vì tình yêu mà thôi. Xin Chúa phù hộ cho chúng ta.
|