Thánh Giuse là ai?
Dường như chúng ta không có một tài liệu nào nói rõ ràng, đầy đủ về cuộc đời thánh Giuse. Thánh Kinh nhắc đến ngài thuộc hoàng tộc Đavít, “Giuse là con vua Đavít” (Mt 1,20), nhưng thực ra từ vua Đavít đến Chúa Giêsu đã 28 đời rồi. Thánh sử Mátthêu ghi rằng: “Từ Đavít đến thời lưu đầy ở Babylon là mười bốn đời, và từ thời lưu đầy ở Babylon đến Đức Kitô cũng là mười bốn đời” (x. Mt 1,17). Cho nên có thể nói rằng: nếu thánh Giuse sống bằng nghề thợ mộc thì cũng là điều dễ hiểu, vì cái gốc gác hoàng tộc ấy đến ngài cũng đã quá xa.
Theo Thánh Kinh thì Giuse thuộc hoàng tộc Đavít. Nguyên quán tại Bêlem, nhưng sinh sống và làm nghề thợ mộc tại Nazaerth (x.Lc 2,4). Ngài kết hôn với Maria, con ông GioaKim và bà Anna. Ngài có người con trai tên là Giêsu. Ngoài những bạn bè, những người thân quen trong ngôi làng nhỏ Nazareth, ngài cũng đã từng gặp gỡ các mục đồng đến viếng Hài Nhi Giêsu trong đêm Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần. Ngài cũng đã gặp ông già Simeon và nữ ngôn sứ Anna khi đem Chúa Giêsu đi làm phép cắt bì tại đền thờ Giêrusalem (x.Lc 2,22-32). Ngài cũng được đón tiếp 03 nhà đạo sỹ trong thời gian Hài Nhi Giêsu vừa mới sinh tại Belem (x.Mt 2,1-2).
Ngài đã đem Hài Nhi trốn sang Ai-cập để tránh sự truy sát của vua Hêrôđê (x.Mt 2,3). Một thời gian sau, khi được mộng báo đã an toàn, ngài lại đem Hài Nhi về lại Israel (x. Mt 2,19). Khi biết Ác-khê-lao thay Hêrôđê thì ông lại sợ, và theo như lời sứ thần báo trong giấc mộng, Giuse đã đem Hài Nhi và Đức Maria về Galilê, sống tại thành Nazareth (x. Mt 2, 23). Ngài đã vất vả suốt 03 ngày tìm kiếm Chúa Giêsu khi gia đình lạc nhau lúc trẻ Giêsu lên 12 tuổi. Trong đền thờ: “Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người rằng: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm kiếm con” (Lc 2, 48).
Về ngày sinh và ngày qua đời của ngài không ai biết rõ, nhưng phần đông các học giả Kinh Thánh cho rằng: ngài qua đời trước khi Chúa Giêsu bước vào sứ vụ công khai rao giảng Tin mừng. Vì trong 03 năm Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng, có nhiều chỗ Tin Mừng nhắc tới Đức Mẹ và có sự hiện diện của Đức Mẹ, nhưng không hề có sự hiện diện của Thánh Giuse. Trên thập giá, không hề thấy Chúa Giêsu nhắc tới người cha đáng kính của mình là thánh Giuse. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ngài đã trối mẹ của mình cho Gioan là môn đệ yêu quí phụng dưỡng lúc tuổi già (x. Ga 19, 25-27).
Chúng ta đều biết rằng, trong các sách Tin Mừng, thánh Giuse không nói một lời nào. Mỗi lần sứ thần của Chúa báo tin thì không nhằm lúc ngài thức, lúc ngài tỉnh táo, mà toàn báo tin trong lúc ngài ngủ, qua giấc mộng. Thế mà cả cuộc đời của ngài lại là một cuốn sách mở ra để Hội Thánh qua mọi thời đại chiêm ngưỡng, suy tôn và dõi theo gương thánh đức của Ngài.
1. Thánh Giuse là người công chính.
Cuộc đời của Thánh Giuse như vừa được tóm lược một cách đơn giản theo Kinh Thánh, tuy ít nhưng cũng đủ để ta hiểu về ngài chỉ trong một câu đơn giản: “Giuse là người công chính” (Mt 1, 19). Thánh sử Mátthêu tường thuật như sau: “Bà Maria thân mẫu của Chúa Giêsu đã đính hôn với ông Giuse, nhưng trước khi về chung sống thì bà đã có thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, nên định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần của Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này Giuse, con cháu vua Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về… ”. Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (x Mt 1, 18-24).
Vậy, công chính là gì? Công chính trước hết là trả lại cho người khác những gì thuộc về họ. Nói cách khác công chính là không dám nhận cái không phải của mình. Bởi vậy, thánh Giuse mới định bỏ trốn khi thấy Maria, người vợ tương lai đã đính hôn với mình mang thai mà ngài biết chắc chắn không phải của mình. Theo cách giải thích xưa kia thì thánh Giuse định bỏ trốn vì nghi ngờ Đức Maria. Nhưng theo cách giải thích của các nhà chú giải đương thời thì thánh Giuse định bỏ trốn vì thấy mình không xứng đáng với danh hiệu làm cha nuôi Đấng Cứu Thế là một chức vị quá cao trọng. Ngài cảm thấy không xứng đáng nên ngài định bỏ trốn.
Công chính là gì? Công: có nghĩa là chung. Chính là lớn, là quan trọng, là ngay thẳng. Công chính là sẵn sàng từ bỏ kế hoạch, từ bỏ ý riêng, bỏ chuyện riêng tư của mình để làm theo ý Chúa dù phải trả giá bằng đau khổ và hy sinh. Công chính là trung tín chu toàn nhiệm vụ của mình. Nhiệm vụ của thánh Giuse là bảo vệ, chăm sóc, gìn giữ Chúa Giêsu và Đức Maria. Chúa đã trao nhiệm vụ đó và ngài đã hết sức chu toàn trong mọi hoàn cảnh lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn.
Trong cuốn phim có tựa đề bằng tiếng Ý “Maria Di Nazareth” (Đức Maria thành Nazareth) có cảnh sau khi Maria đi thăm và ở lại giúp đỡ bà chị họ Elisabeth. Lúc về có đi qua nhà thánh Giuse. Giuse lúc này là một thanh niên độ tuổi 20 trai tráng, mạnh khỏe, đang xây một căn nhà rất đẹp để chuẩn bị đón người bạn đời tương lai của mình là Maria. Maria đi ngang qua nhà Giuse. Giuse vui mừng chào đón bạn mình. Maria e dè nói với Giuse: Em báo cho anh một tin bí mật. Giuse nói: Tin gì? Em đang cưu mang Đấng Cứu Thế. Đấng Cứu Thế ah? Giuse ngạc nhiên hỏi lại. Vâng. Đúng vậy, Đấng Cứu Thế. Maria bình thản trả lời mà không giải thích gì thêm, rồi từ từ đi về nhà mình để mặc Giuse đứng như trời trồng.
Giuse tỏ ra sửng sốt, ngạc nhiên, nghi vấn... Giuse bực tức, đá thúng, đụng nia… Ông tự tay phá đổ ngôi nhà mình đang xây dựng. Mấy đêm liền Giuse không thể ngủ nổi. Giuse trăn trở, dằn vặt, với một loạt nghi vấn trong đầu. Maria đã đính hôn với chàng. Hai người hiểu nhau, yêu nhau thắm thiết. Giuse cảm thấy thật hạnh phúc khi có người bạn đã kết ước là Maria đẹp người, đẹp nết, chẳng ai chê trách điều gì. Thế mà đùng một cái, người hôn thế thánh thiện của người lại mang thai, sau một thời gian vắng nhà.
Giữa lúc do dự, dằn vặt, sứ thần Chúa đã hiện đến báo cho ông trong giấc mộng. Sứ thần Chúa nói với ông rằng: “Này Giuse, con cháu vua Đavít, đừng ngại đón Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1, 20-21). Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như lời sứ thần Chúa dậy và đón vợ về nhà (c.24). Đơn giản như vậy. Ông không hề tra hỏi thêm Maria một lời nào. Ông không còn cảm thấy mình bị lừa dối, bị xúc phạm, mà một mực tin tưởng rằng hôn thê của mình trong sạch, vẹn toàn.
Giuse đã vâng phục thánh ý Chúa một cách chóng vánh, quyết liệt và dứt khoát đến độ vô lý. Ông chỉ cần một dấu hiệu ngay cả trong khi ông ngủ là đọc được thánh ý Chúa và thực thi ngay lập tức, đó là lý do mà ông được gọi là “người công chính”. Ta thử đặt mình vào hoàn cảnh của Giuse lúc đó xem. Ta có một vị hôn thê, bỗng dưng nàng có thai, ta nằm mộng thấy thiên thần bảo rằng hôn thê mình chưa bao giờ liên hệ với một thanh niên nào, và bào thai trong lòng là do phép lại của Chúa. Khi tỉnh giấc, ta có tin không? Chắc là không. Ta sẽ cho là chuyện hoang đường. Giuse đã chấp nhận từ bỏ ý riêng, từ bỏ viễn tượng về một gia đình tự nhiên theo ý mình, để sống theo ý Chúa.
Được coi là người công chính, bởi suốt đời Giuse là người luôn tỉnh thức trước thánh ý Chúa, tỉnh thức ngay cả trong giấc ngủ. Có lẽ vì vậy, sứ thần Chúa luôn truyền lệnh cho ông qua giấc mộng. Theo Kinh Thánh có tất cả 04 lần sứ thần Chúa báo mộng cho ông. Ngoài lần truyền tin cho ông tại Nazareth như đã được đề cập ở trên, còn 03 lần khác nữa. Tại Belem, sứ thần báo mộng cho ông: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho tới khi tôi báo lại” (x. Mt 2, 13b). Sau một thời gian ở bên Ai-cập, sứ thần lại báo mộng cho ông: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Israel, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi” (Mt 2, 20). Khi nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hêrôđê thì ông sợ không dám về đó. Sau khi được báo mộng, ông lui về miền Galilê (Mt 2, 22).
Mỗi khi sứ thần Chúa truyền lệnh qua giấc mộng, Giuse đều mau mắn trỗi dậy thi hành liền. Mỗi lần thi hành, ông đều phải từ bỏ ý riêng, từ bỏ những suy tính của mình. Ông dự định âm thầm rời bỏ Maria thì sứ thần bảo ông hãy đón Maria về nhà mình. Khi vừa được hưởng một chút vinh dự do ba đạo sỹ từ phương đông đến bái thờ, xác nhận vương quyền của Hài Nhi, tưởng được an nhàn thư thái thì sứ thần lại bảo ông hãy trỗi dậy mau, giữa đêm khuya đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập sống cảnh lưu vong nơi đất khách quê người. Nơi xa lạ, không nhà không cửa, không người thân thuộc, rồi cuộc sống sẽ ra sao? Giuse không hề thắc mắc. Không đặt câu hỏi, mà vội vã thi hành liền.
Kinh Thánh không nói gia đình Thánh gia sống lưu vong bên đất Ai-cập bao lâu. Nhưng chắc sau một thời gian, cuộc sống đã dần ổn định. Sứ thần lại hiện ra với ông trong giấc mộng bảo hãy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Is-ra-el. Ông liền trỗi dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Is-ra-el (Mt 2, 21). Tất cả những nỗi khó khăn, vất vả, Giuse đều vui vẻ chấp nhận, không bao giờ kêu ca, phàn nàn. Giuse không bao giờ đặt lại vấn đề. Không bao giờ ông cho rằng con trẻ đã gây cho ông quá nhiều rắc rối, quá nhiều phiền toái. Ông một mực bảo vệ Con trẻ và mẹ Người, mà có lần trong mộng sứ thần đã bảo ông rằng Hài Nhi ấy sẽ là vị cứu tinh dân tộc.
2. Thánh Giuse - bạn trăm năm của Đức Trinh nữ Maria
Thiên Chúa đã đưa thánh Giuse vào chương trình cứu độ của Ngài. Thánh Giuse đã tích cực góp phần thực hiện chương trình ấy. Ngài được Thiên Chúa chọn làm cha nuôi Chúa Giêsu ở trần gian. Vì vai trò làm cha của Chúa Giêsu và làm bạn đời của Mẹ Maria, sống bên cạnh người nữ trẻ đẹp là Mẹ Maria, mà theo dự định của Thiên Chúa, sẽ trọn đời đồng trinh, nên các nghệ nhân thường có khuynh hướng hình dung thánh Giuse như một cụ già. Điều đó không đúng. Thánh Giuse là một thanh niên trẻ trung và đầy sinh lực, có lẽ chỉ hơn mẹ Maria chừng năm đến bảy tuổi. Nhưng ngài là một người rất nhân đức, được Thiên Chúa chọn để đồng hành với Mẹ Maria đồng trinh trong cuộc đời dâng hiến của Mẹ. Mẹ đã hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, không thuộc về người trần gian (Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc).
Tin Mừng Thánh Matthêu viết về thánh Giuse như sau: “Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1, 19). Đây là một câu mà thánh Matthêu đã nói về vai trò của Thánh Giuse khi thánh Giuse đã đính hôn với Maria và ngài phát hiện ra Maria đang mang thai. Thánh Giuse quả thực đã trằn trọc, lo âu, xao xuyến vì Chúa chưa khai mở tâm trí cho ngài. Ngài định âm thầm từ bỏ vị hôn thê, nhưng Thiên Chúa đã can thiệp kịp thời.
Để tỏ lòng tôn kính Đức Trinh Nữ Maria và Chúa Giêsu, các dịch giả tiếng Việt đã cố gắng tránh dùng từ “chồng” hoặc “hôn phu” khi nói về thánh Giuse đối với Đức Maria, thay vào đó dịch là “bạn” trăm năm, bạn thanh sạch của Đức Mẹ. Danh từ “cha” của ngài đối với Chúa Giêsu được dịch là “bõ nuôi”, “cha nuôi”, “dưỡng phụ”… Nhưng chính Đức Maria đã không ngại nhận Giuse là chồng, và là bố của Giêsu. Kinh Thánh ghi lại điều này khi gia đình lạc nhau lúc trẻ Giêsu lên 12 tuổi. Trong đền thờ: “Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con không thấy, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Lc 2, 48).
Dĩ nhiên, người chồng và người cha ở đây không hiểu theo nghĩa thông thường. Giuse kết hôn với một trinh nữ “được chúc phúc giữa các phụ nữ” (Lc 1, 42). Người vợ (bạn thanh khiết) của ngài là Maria, Trinh nữ rất thánh, và là Mẹ Chúa Cứu Thế. Giuse đã bị thử thách nặng nề, khi thấy vị hôn thê của mình có thai mà không rõ lý do. Để bảo vệ sự công chính của mình, và để tôn trọng vị hôn thê mà ngài rất mực yêu mến, ngài đã chọn giải pháp ra đi âm thầm. Quyết định này đã khiến Thiên Chúa phải can thiệp: “Này Giuse, con vua Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu” (Mt 1, 20-21). Giuse đã đón nhận Maria, và ngài là người đặt tên cho người con đó. Và người có quyền đặt tên cho con, đương nhiên phải là người cha.
3. Thánh Giuse - cha nuôi của Chúa Giêsu
Các thánh sử Matthêu và Luca trình bày thánh Giuse như người cha nuôi của Chúa Giêsu chứ không phải là cha ruột. Thánh Matthêu xác định rõ, bằng cách tránh dùng công thức “sinh ra”, được sử dụng cho tất cả tổ tiên của Chúa Giêsu trong gia phả. Matthêu xác định: “Gia-cóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô” (Mt 1, 16). Trong khi Luca khẳng định rằng Thánh Giuse là cha của Chúa Giêsu “như thiên hạ nghĩ”, tức ngài xuất hiện với tư cách là một người cha. “Khi Đức Giêsu khởi sự rao giảng, Người trạc ba mươi tuổi. Thiên hạ vẫn coi Người là con ông Giuse” (Lc 3, 23).
Để hiểu được mối quan hệ cha con hợp pháp hay theo luật của Thánh Giuse, cần biết rằng vào thời cổ đại, ở Đông Phương, thể chế qui định nhận con nuôi rất phổ biến, nhiều hơn so với thời đại của chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ đến trường hợp phổ biến ở Israel được trình bày trong sách Đệ Nhị Luật: “Khi có những anh em ở chung với nhau, và một trong những người đó chết mà không có con trai, thì vợ của người chết không được lấy người xa lạ, ngoài gia đình; một người anh em chồng sẽ đến với nàng, lấy nàng làm vợ và chu toàn bổn phận của một người anh em chồng đối với nàng. Đứa con đầu lòng nàng sinh ra sẽ duy trì tên của người anh em đã chết; như vậy tên của người chết sẽ không bị xóa khỏi Israel” (Đnl 25, 5-6). Nói cách khác, cha của đứa trẻ này là anh hoặc em chồng, nhưng người cha hợp pháp vẫn là người đã khuất, là người cho đứa trẻ mới sinh ra kế thừa gia sản. Mục đích của luật này gồm hai mặt: bảo đảm cho dòng dõi người đã khuất và bảo tồn tài sản.
Với tư cách là cha chính thức của Chúa Giêsu, thánh Giuse thực hiện quyền đặt tên cho con trai mình, công nhận đứa trẻ về mặt pháp lý. Ngài là cha về mặt pháp lý, nhưng cách chung không phải là người đã sinh ra Chúa Giêsu. Đặt tên cho một người hay cho cái gì đó có nghĩa là khẳng định chủ quyền trên những gì đã được đặt tên, như Ađam đã làm khi đặt tên cho muôn vật (x. St 2, 19-20).
Sứ thần Chúa nói với Giuse rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1, 20-21). Giuse hiểu rằng, đối với người con của Maria, Thiên Chúa đã chuẩn bị sẵn một cái tên, tên Giêsu do người cha đích thực của Chúa Giêsu là Thiên Chúa đặt cho. Giêsu nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”, như sứ thần giải thích “vì chính người sẽ cứu dân Người khỏi mọi tội lỗi” (Mt 1, 21).
Trong Tông thư “Patris Corde” (Trái tim người cha), Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Sinh một người con vào lòng thế giới để được gọi là cha mẹ của nó vẫn chưa đủ. Có những người cha không sinh ra, nhưng họ được trở thành cha. Và họ không trở thành cha chỉ vì sinh ra một đứa con trong thế gian, nhưng vì họ đảm nhận trách nhiệm chăm sóc đứa trẻ ấy. Bất cứ khi nào một người nhận trách nhiệm về cuộc sống của người khác, theo một nghĩa nào đó, họ trở thành cha của người ấy” (Tông thư Patris Corde).
Trong loạt bài giáo lý về thánh Giuse, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Tôi nghĩ cách riêng đối với tất cả những người mở rộng lòng đón nhận sự sống qua con đường nhận con nuôi, đó là một thái độ thật quảng đại và cao đẹp. Thánh Giuse cho chúng ta biết rằng mối dây liên kết kiểu này không phải là thứ yếu, không phải là tạm bợ. Kiểu chọn lựa này là một trong những hình thức cao nhất của tình yêu, của tình phụ mẫu. Biết bao đứa trẻ trên thế giới đang đợi ai đó chăm sóc chúng. Biết bao cặp vợ chồng mong ước được làm cha làm mẹ nhưng không thành vì lý do sinh học; hoặc dù đã có con nhưng họ vẫn muốn chia sẻ tình cảm gia đình với những người không có được nó” (bài giáo lý số 6 sáng ngày thứ tư 01.01.2022).
Ngài nói thêm rằng: Nhiều người không muốn có con, hay chỉ duy nhất một đứa thôi. Nhiều cặp vợ chồng không sinh con vì họ không muốn, hay chỉ sinh một đứa vì họ không muốn có thêm nữa, thế nhưng họ lại có hai con chó, hai con mèo… Đúng vậy, chó và mèo thế chỗ cho con cái. Thật buồn cười, nhưng đó là sự thật. Và việc từ bỏ thiên chức làm cha làm mẹ làm giảm giá trị và lấy đi nhân tính của chúng ta. Một nền văn minh như thế trở nên quá già cỗi và không có nhân văn, vì sự phong phú của tình phụ mẫu bị mất đi. Và quốc gia đau khổ vì không có con cái, như có người đã từng nói hơi hài hước: ai sẽ trả thuế hưu dưỡng cho tôi? Ai sẽ chăm sóc tôi đây, nếu không có con cái và người trẻ? Bạn sẽ cười, nhưng đây là sự thật.
Đức Thánh Cha nói tiếp, tôi cầu xin Thánh Giuse thức tỉnh lương tâm chúng ta để suy nghĩ nghiêm túc về điều này: về việc sinh và dưỡng dục con cái. Tình phụ mẫu là sự viên mãn của cuộc sống con người. Anh chị em hãy nghĩ điều này. Thực vậy, có tình phụ mẫu thiêng liêng đối với những người dâng hiến cho Thiên Chúa; nhưng những người sống giữa đời và lập gia đình phải nghĩ đến chuyện sinh con, sinh ra cuộc sống. Vì chúng sẽ là những người vuốt mắt bạn, sẽ bận tâm đến tương lai của bạn. Thậm chí nếu không thể sinh con, anh chị em hãy nghĩ đến việc nhận con nuôi. Đó là một sự rủi ro. Đúng. Có một đứa con luôn là một rủi ro. Con đẻ và kể cả con nuôi. Nhưng rủi ro hơn khi không có đứa con nào. Hãy chấp nhận rủi ro. Đừng sợ khi chọn con đường nhận con nuôi. Sẽ rủi ro hơn khi phủ nhận tình phụ mẫu, tình phụ mẫu thực và thiêng liêng.
Đức Thánh Cha đã kết bài giáo lý với lời nguyện:
Lạy Thánh Cả Giuse
Ngài đã yêu thương Chúa Giêsu bằng tình yêu hiền phụ
Xin ở bên những đứa trẻ không có gia đình
Và đang mong ước có được cha mẹ.
Xin nâng đỡ các đôi vợ chồng không thể có con
Giúp họ khám phá ra một chương trình rộng lớn hơn qua nỗi đau này.
Xin đừng để một ai thiếu gia đình, thiếu tình cảm,
thiếu người chăm sóc học,
và xin cứu chữa lòng ích kỷ của những người khép mình với cuộc sống
để họ mở rộng tâm hồn cho tình yêu.
4. Thánh Giuse - mẫu gương sáng cho các gia trưởng
Mỗi dịp mừng lễ kính thánh Giuse, tôi vẫn thường tự hỏi: không biết Thánh Giuse, người sống cách chúng ta đã hơn 2000 năm có còn thích hợp với thời đại của chúng ta không?
Thánh Giuse là một con người hết sức đặc biệt vì ngài được Thiên Chúa tuyển chọn để làm cha nuôi của Chúa Giêsu và làm bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria. Thánh nhân được trao một phẩm vị cao quí. Đó là một vị thế đặc biệt trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Thánh Giuse vẫn là gương mẫu, là ước mơ của con người thời nay. Vì thế giới ngày nay vẫn thiếu vắng sự công chính. Người ta gian tham, sẵn sàng nhận những gì không phải của mình, gian tham tiền bạc, danh vọng, chức quyền… Vì thiếu công chính mà người ta hãm hại, chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ danh dự của người khác. Vì thiếu công chính mà người ta sống giả dối, lừa đảo, trốn tránh trách nhiệm, thích phô trương, không thích âm thầm.
Ngày nay người ta quá đề cao tự do cá nhân, hai chữ “hy sinh” đôi khi lại mang nghĩa tiêu cực. Hy sinh không còn là một đức tính cao đẹp đáng khuyến khích nữa. Ngược lại, nó gắn liền với thua thiệt, bất công, cần phải đấu tranh loại bỏ. Ông bà xưa dạy ta rằng: “một điều nhịn, chín điều lành”, ngày nay người ta cho rằng “nhịn là nhục, là ngu, là thua thiệt”. Khi thánh Giuse chấp nhận đón một người đã có thai về làm vợ mình, chắc hẳn ngài đã phải đấu tranh tư tưởng ghê gớm. Nếu ngài một mực đòi hỏi sự công bằng, đòi minh bạch cho mình thì đã không chấp nhận thiệt thòi như vậy. Thánh Giuse biết quảng đại hy sinh bởi ngài có lòng tin tưởng. Tin tưởng tuyệt đối nơi người bạn đời của mình.
Nhiều cặp vợ chồng ngày nay không còn hy sinh cho nhau bởi họ không có được sự tin tưởng như thánh Giuse. Họ nghi ngờ nhau, sợ rằng người kia sẽ lừa dối mình, sẽ không thật lòng với mình. Họ sống trong tình trạng nửa vời, bất an, sợ bị thua thiệt. Chỉ khi nào vợ chồng thực sự tin tưởng nhau thì họ mới có thể cùng nắm tay nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống gia, nhờ đó gia đình mới được ấm êm, hạnh phúc.
Noi gương thánh Giuse, ta cũng cần phải tin rằng: Chúa có kế hoạch của Ngài trên cuộc đời mỗi người chúng ta. Cần luôn xác tín rằng: chính Chúa đã tác thành hôn nhân của mình, thì Ngài cũng sẽ ban đủ ơn để ta sống trọn đời với nhau dù gặp nhiều biến cố thăng trầm trong cuộc sống.
Thánh Giuse đã sống nghèo và luôn trung tín. Người ta không biết gia đình của Giuse và Maria nghèo đến như nào nếu không có biến cố Giáng Sinh tại Belem. Thánh sử Luca đã ghi lại chi tiết nghèo của thánh gia trong thời gian lưu lại ở Giêrusalem: “Bà sinh con trai đầu lòng, quấn tã lót và đặt trong máng cỏ, vì họ không tìm được chỗ trong các quán trọ” (Lc 2, 7). Sự nghèo nàn của thánh gia còn được thấy ghi trong lễ hiến dâng Hài Nhi Giêsu. Vì nghèo không đủ tiền mua những lễ vật giá trị hơn, nên ông bà chỉ mua được một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non (x. Lc 2, 22-24), những lễ vật thuộc giới bình dân, nghèo khó.
Có người nghĩ rằng với số vàng, nhũ hương và mộc dược do ba đạo sỹ dâng tặng trong lần họ đến bái yết Hài Nhi chắc cũng dư dùng cho gia đình. Sao gia đình lại sống nghèo được? Vả lại, thánh Giuse có tay nghề thợ mộc vững chắc, cộng thêm sự chăm chỉ, nhiệt tâm của ngài, làm sao lại nghèo được? Thế mà gia đình Thánh gia lại sống nghèo. Đây là cái nghèo tự nguyện, chẳng giữ lại điều gì cho riêng mình. Một đời sống nghèo của người công chính, không chộp giật, không bon chen, không tham lam. Nó phát xuất từ tâm hồn đơn sơ, phó thác và tin tưởng hoàn toàn nơi Chúa quan phòng.
Trong Tông thư “Patris Corde”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã miêu tả thánh Giuse như là một người cha luôn che chở. Thánh nhân gìn giữ, bảo vệ, không rời Chúa Giêsu, đảm nhận trách nhiệm trong cuộc sống của Chúa. Thánh Giuse được gọi là đấng rất thanh khiết, nghĩa là đối nghịch với sự chiếm hữu. Ngài biết yêu thương cách tự do, không chiếm hữu, biết từ bỏ mình để đặt Chúa Giêsu và Mẹ Maria ở trung tâm của đời mình. Hạnh phúc của ngài là trao tặng chính mình, luôn tin tưởng, không than van, luôn thinh lặng, nhưng thể hiện bằng những việc làm cụ thể.
Trong mọi hoàn cảnh, thánh Giuse luôn biểu lộ tinh thần trách nhiệm cao nhất của người chủ gia đình. Khi nhận những mệnh lệnh từ sứ thần, dù khó hiểu, khó tin, nhưng ngài không bao giờ đặt vấn đề, không thắc mắc, không chần chừ, mà đều mau mắn thi hành.
Trong đời sống hôn nhân gia đình, chúng ta luôn bị ràng buộc bởi những trách nhiệm, nhất là trong cương vị làm chồng, làm cha. Tinh thần trách nhiệm của gia trưởng trong gia đình đòi hỏi trước hết người chồng, người cha có một tấm lòng yêu mến, vị tha, quảng đại, coi gia đình quan trọng hơn chính bản thân mình. Vì chỉ có tình yêu rộng mở, khoan dung mới có thể giúp chúng ta vượt qua những khó khăn khi chu toàn trọng trách của mình.
Thời gian thánh Giuse chung sống với Đức Maria và Chúa Giêsu có lẽ không dài, hai mươi hay ba mươi năm, không ai biết chính xác; nhưng thánh nhân đã trở nên tấm gương sống động về sự đơn sơ, khiêm nhường, luôn tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Ngài đã dũng cảm chịu đựng mọi thử thách, biết khôn ngoan vượt qua mọi khó khăn nguy hiểm để bảo vệ gia đình mình. Ngài nêu gương sáng về một người cha đầy tinh thần trách nhiệm, một người bạn đời chung thủy, nói ít làm nhiều. Một vị gia trưởng thánh thiện, sẵn sàng hy sinh phục vụ gia đình.
Lm. Gioan Đinh Công Lịch |