Tác giả: Lm. Billy Swan
Chuyển ngữ: Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Từ: wordonfire.org (04. 01. 2023)
Sinh năm 1927, Joseph Ratzinger chào đời trong giai đoạn thế giới có nhiều biến động lớn, đặc biệt là nước Đức đang phải vật lộn để thực hiện các nghĩa vụ được quy định trong Hiệp ước Versailles sau Thế chiến thứ nhất.
Sự phẫn nộ ngày càng gia tăng đối với các nhóm thiểu số và các quốc gia khác bị coi là đồng lõa với khó khăn của Đức. Chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy, giống như Adolf Hitler, người đã trở thành thủ tướng Đức năm 1933, khi Joseph Ratzinger lên 6. Trọng tâm của hệ tư tưởng của Chủ nghĩa xã hội quốc gia là quyền tự quyết bằng ý chí quyền lực và sự sống còn của kẻ mạnh nhất. Ngay từ khi còn rất trẻ, vị giáo hoàng tương lai đã nhận thấy việc thực thi quyền tự do tuyệt đối của kẻ mạnh và thế lực sẽ dẫn đến chiến tranh và chết chóc như thế nào. Đối với ngài, phải có một giải pháp thay thế cho việc sử dụng quyền tự do trong đó số ít quyết định cho số đông về điều gì là đúng và điều gì là sai, thậm chí, là ai được sống và ai phải chết.
Đức Bênêđictô đã tìm thấy viễn ảnh thay thế này về tự do của con người trong Lời Chúa. Năm 1981, với tư cách là Tổng giám mục của Munich, ngài đã có 4 bài giảng về trình thuật tạo dựng trong sách Sáng thế tại nhà thờ chính tòa của ngài trong Mùa Chay năm đó. Trong những bài giảng này, ngài chỉ ra bản chất của tội lỗi đó là lạm dụng tự do khi chúng ta cố gắng chiếm đoạt vị trí của Thiên Chúa, Đấng là vị thẩm phán đích thực giữa thiện và ác, và Đấng là nguồn mạch sự sống. Trong bài giảng thứ tư và cũng là bài giảng cuối cùng, ngài cảnh báo về hậu quả của việc theo đuổi tự do “không có chuẩn mực”. Khi phê bình về tính hiện đại, ngài chỉ ra rằng bất kỳ hình thức cấm đoán hoặc ràng buộc bên ngoài nào đều bị coi là “cướp đi quyền tự do và những điều quý giá nhất của cuộc sống con người”. Ngài nói tiếp: “Và rồi, con người đưa ra quyết định không chấp nhận những giới hạn của sự tồn tại của mình... không bị ràng buộc bởi những giới hạn áp đặt của điều thiện và điều ác hoặc của đạo đức nói chung... và điều đó có nghĩa là thước đo của con người là những gì họ có thể làm chứ không phải những gì họ là”.
Ngài cảnh báo rằng khi bác bỏ tiêu chuẩn của thiện và ác, con người “không giải thoát mình nhưng là tự đặt mình vào thế đối lập với chân lý. Và điều đó có nghĩa là con người đang tự hủy hoại mình và thế giới”.
Bối cảnh của những bài giảng này hết sức quan trọng. Các bài giảng được trình bày chỉ 36 năm sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, và cử toạ của ngài chủ yếu là người Đức. Rất ít người có thể bỏ qua mối liên hệ giữa những lời cảnh báo của Giám mục Ratzinger về việc lạm dụng quyền tự do và sự khủng khiếp của chiến tranh, vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức dân tộc. Tuy nhiên, trong khi những lời của ngài phù hợp với bối cảnh của nước Đức, thì chúng cũng hoàn toàn phù hợp với giáo huấn của Công đồng Vatican II, được đưa ra trước đó 16 năm khi ngài tham dự với tư cách là cố vấn thần học cho các giám mục Đức. Về tự do của con người, Công đồng Vatican II tuyên bố:
chỉ trong tự do, con người mới có thể quay về với sự thiện. Tự do là điều con người đương thời luôn đánh giá cao và hăm hở theo đuổi, và họ có lý khi làm như thế. Tuy nhiên, lắm lúc họ cổ võ cho tự do một cách lệch lạc, xem tự do như là quyền làm bất cứ điều gì mình thích, kể cả điều xấu… Tự do của con người, vì bị tội lỗi làm tổn thương, nên chỉ nhờ ơn Chúa trợ lực mới có thể thực hiện cách trọn vẹn động tác hướng về Thiên Chúa. (Gaudium et Spes, 17)
Kể từ những bài giảng năm 1981, dù với tư cách là bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin hay sau này với tư cách là Giáo hoàng, Đức Bênêđictô luôn nhất quán một cách minh bạch trong giáo huấn của ngài về bản chất thực sự của tự do con người.
Tự do đích thực phải liên kết với sự thật được Thiên Chúa mạc khải và phù hợp với điều thiện. Trái lại, mục đích của chủ nghĩa Quốc xã, chủ nghĩa Mác, và các chế độ vô thần khác là đạt được một sự tự do không có giới hạn, là có mọi thứ trong tầm tay “và mục tiêu cuối cùng của nó chỉ bao gồm cái tôi và ham muốn của chính mình” (Bài giảng của Hồng y Ratzinger ngày 18. 4. 2005, trước mật nghị và cuộc bầu ngài làm giáo hoàng).
Đây là nền tảng để hiểu một trong những điểm chính trong bài giảng của Đức Bênêđictô trong thánh lễ khai mạc thừa tác vụ Phêrô của ngài vào ngày 24. 4. 2005, tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Để tưởng nhớ vị tiền nhiệm, Tân giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nhắc lại những lời trong bài giảng đầu tiên của Đức Gioan Phaolô II trên cương vị giáo hoàng vào năm 1978, kêu gọi những người mong muốn được tự do “đừng sợ hãi”, vì niềm tin vào Chúa Kitô và sự dấn thân cho Tin Mừng không phải là kẻ thù của tự do mà là bảo đảm cho tự do. Sau đó, Đức Bênêđictô đã thêm phần giáo huấn của riêng ngài về quyền tự do con người:
Chẳng lẽ chúng ta không sợ hãi theo một cách nào đó sao? Nếu chúng ta để cho Chúa Kitô bước vào đời sống chúng ta cách trọn vẹn, nếu chúng ta mở rộng mình hoàn toàn để tiếp rước Người, thì thử hỏi chúng ta không sợ Người sẽ lấy đi điều gì đó ra khỏi chúng ta sao? Chẳng lẽ chúng ta không sợ bỏ đi điều gì đó có ý nghĩa, điều gì đó duy nhất, điều gì đó làm cho cuộc sống này trở nên tươi đẹp sao? Và theo đó, chúng ta không gặp nguy cơ bị thu nhỏ và từ bỏ tự do của chúng ta sao?... Không! Nếu chúng ta để Chúa Kitô bước vào cuộc đời của mình, chúng ta không mất đi điều gì cả, tuyệt đối không mất điều gì làm cho cuộc đời được tự do, tươi đẹp và cao cả. Không! Chỉ trong tình bằng hữu với Chúa Kitô này mà các cửa sự sống được mở rộng ra. Chỉ trong tình bằng hữu này mà những khả năng vĩ đại của cuộc sống con người được thực sự thể hiện. Chỉ trong tình bằng hữu này mà chúng ta cảm nghiệm được điều gì là tươi đẹp và điều gì là tự do.
Nói cách khác, ân sủng hoàn thiện khát vọng tự nhiên của chúng ta là được tự do. Nhờ ân sủng, mọi khả năng của con người được tình yêu Thiên Chúa thanh tẩy, biến đổi và thăng hoa.
Sau đó, trong triều đại giáo hoàng của mình, Đức Bênêđictô đã giải thích rõ trong thông điệp Spe Salvi rằng tình bằng hữu với Chúa Kitô, vốn bảo đảm sự tự do của chúng ta, là một món quà phải được chăm sóc liên lỉ vì “sự tự do bao giờ cũng mong manh... Tự do phải không ngừng được giành lấy vì mục đích tốt lành”. Giống như bất kỳ mối tương quan đáng tin nào, tình bằng hữu của chúng ta với Đức Chúa phải được nuôi dưỡng qua lời cầu nguyện và các bí tích, nơi chúng ta gặp gỡ Chúa Thánh Thần, Đấng bảo vệ sự tự do của chúng ta vì “ở đâu có Thần Khí của Đức Chúa, ở đó có tự do” (2 Cor. 3, 17).
Đức Bênêđictô đã sống trong một thời kỳ mà ngài tận mắt chứng kiến cảnh tàn sát do sự lạm dụng quyền tự do của con người. Nỗi kinh hoàng của chiến tranh trong những năm đầu đời chắc chắn đã ảnh hưởng đến thần học của Đức Bênêđictô nhưng không nhiều Lời Chúa và truyền thống đức tin của Giáo hội là nguồn cảm hứng thực sự của ngài về chủ đề này. Chúng ta được tạo dựng một cách tự do bởi Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta món quà tự do. Mặc dù chúng ta có thể muốn loại bỏ bất kỳ giới hạn nào đối với quyền tự do để thể hiện bản thân, nhưng Lời Chúa dạy rằng chỉ có sự tự do khỏi các thần giả, khỏi sự dính bén, và khỏi bản ngã của mình mới có thể giúp chúng ta tự do hướng tới chân, thiện, mỹ và cuộc sống tươi đẹp mà vì đó, Thiên Chúa dựng nên chúng ta.
Đức Bênêđictô mời gọi chúng ta nhìn nhận rằng: với tình bằng hữu của Thiên Chúa thì sự tự do đích thực là điều khả thi; và cách cùng với nhau trong Giáo hội, chúng ta có thể trở thành chiến luỹ chống lại việc thực hiện sự tự do chỉ gây thất vọng và nô lệ.
Khi thương tiếc sự ra đi của Đức Bênêđictô, chúng ta tạ ơn Chúa vì sự minh bạch trong tư tưởng của ngài về rất nhiều chủ đề, đặc biệt là món quà tự do đích thực dẫn đến công lý, hòa bình, và hạnh phúc.
|