Vãn Tết…Chậu hoa cúc tươi màu nắng chín vừa mới chưng hôm Mồng Một Tết nay đổ màu vàng ung khó nhìn. Mấy nhành đào nhà ai chặt vội cắm vào bình nay đã nằm chèo queo, ngả nghiêng dưới gốc mít sau vườn. Mới đó mà đã vãn Tết. Trời chưng hửng sáng, chị Tư tay dắt cu Tý đến trường sau kỳ nghỉ Xuân. Thằng bé trông có vẻ không vui lắm.
- “Thế là hết Tết thật rồi hả mẹ?”
Thằng cu Tý vừa tiu nghỉu gặng hỏi vừa lúi húi vào người mẹ nó như muốn mẹ bắt đền cho nó một cái gì đó. Chị Tư vừa buồn cười vừa cố trấn an thằng bé: “Tết năm nay hết nhưng sắp đến Tết năm sau rồi đó con!”. Bỗng mặt nó tươi tỉnh hẳn lên. Rồi hai mẹ con dắt nhau đi. Câu hỏi của cu Tý bỗng làm tôi trở nên vu vơ. Không biết trong mình tôi còn “bao nhiêu phần trăm con nít”, nhưng cái cảm giác tiếc nuối cái Tết vẫn còn khá đậm. Tiếc không phải vì hết Tết mà là phải thêm một lần trong đời nói lời tạm biệt bố mẹ và gia đình để lên đường. Cái cảm giác sau Tết mà cứ một ngày trôi đi là thêm một đứa khăn gói rời nhà thật không tròn trịa chút nào. Nhưng mà Tết nào cũng vậy nên dần dà tôi cũng đâm quen. Có lẽ, trong những điều chóng vánh trôi qua cuộc đời thì Tết là cái gì đó chóng vánh, ngắn ngủi nhất. Mới hôm nào, vừa thấy mặt tôi đầu ngõ, mấy thím hằng xóm hỏi cười đon đả: “Về ăn Tết rồi à?”; “Năm nay, cháu nghỉ được nhiều không?”; “Chà, năm này nhà ông Lãnh có lẽ ăn Tết to nhất xóm đó, đứa nào đứa nấy về đầy đủ hết rồi.”. Chỉ vậy thôi mà lòng tôi đã rạo rực, chân này đá chân kia chạy thật nhanh từ đầu ngõ về đến nhà. Thế mà hôm nay, cái rạo rực đã nhạt tan trong một khoảng trời vô định nào đó. Cảm giác đoàn tụ thật đủ đầy con tim nhưng rồi không nắm giữ nổi cả đời bởi ai cũng có một cuộc đời, một sứ mạng riêng tại một mảnh đất không phải là quê. Ấy là cứ như cảm giác của nhà thơ Xuân Diệu khi muốn “tắt nắng đi, cho màu đừng nhạt mất; muốn buộc gió lại cho hương đừng bay đi” nhưng chẳng thể nào làm được.
Trời đứng bóng! Sau một vài cận cảnh chia tay, đứa em trai hớt hải chở tôi đi cho kịp chuyến xe ra Vinh. Chẳng mấy chốc mà đến trạm...may mà chưa chậm chuyến. Cái cảnh đứng bắt xe lại làm dậy nhớ trong tôi, một thứ ảo ảnh trong vắt, như thể tôi đang ngồi trong một buổi trưa của ngày mới về Tết. Tôi tự nhủ: “Thôi, tỉnh lại đi cưng, hết Tết thật rồi đó”. Đứng ở chỗ này một lúc thôi nhưng tôi chụp lại được nhiều tiểu cảnh thú vị của cuộc sống sau những ngày vãn Tết. Đó đây, dọc cả con đường, có hàng trăm người chờ xe. Người trông ngược, người ngó xuôi, người bắt xe ra Bắc, kẻ mua vé vào Nam. Ai nấy tay xách nách mang mớ hành lý lỉnh khỉnh, trông mệt phờ. Thường khi, những chuyến đi đầu năm cứ làm cho thành thị thêm đông đúc còn những làng quê lại trở nên vắng vẻ.
Rồi ngồi chễm chệ bên mép đường là mấy bà mấy chị gánh hàng quê đi bán đầu năm. Người bán hoa quả thì xếp mấy nải chuối ngả chín, mấy chục bưởi lăn lóc trên mấy cái kệ gỗ mốc vệ đường. Người bán rau thì gánh những mớ sản vật đồng ruộng xanh non màu mỡ thơm mùi hương xuân. Nhìn xa xa về phía cánh đồng làng, thấp thoáng bóng những người nông dân phơi mình ngoài đồng, tất tả nhổ mạ cho kịp ruộng lúa vào vụ mùa mới. Hết Tết thì phải lo làm việc, lại một năm cày cấy để có một cái Tết đủ đầy cho năm sau. Há đó chẳng phải là vòng quay của cuộc đời sao?
Đối với những người xa quê như tôi, trên chuyến xe rời cố hương, chút dư vị ngày Tết tuy còn đọng lại; Chái bếp của mẹ vẫn còn chình ình, choán chật cả tâm trí; Nỗi nhớ nhà vẫn cứ vần vũ trong tim, nhưng một khi đã lên đường là cứ phải toàn tâm toàn ý cho cuộc đời phía trước. Vãn Tết nhưng Xuân chưa hết. Còn chút sắc xuân trong tâm hồn nghĩa là đời còn tươi mới.
Nhìn mớ hành lý và mấy xách quà quê, tôi nhận ra rằng: Đống đồ lớn nhất và quan trọng nhất mà tôi đã gói ghém là TÌNH QUÊ. Nguồn nội lực giúp tôi vượt thắng mọi thử thách phía trước là TÌNH GIA ĐÌNH. Chỗ an toàn nhất để cất giấu những hành trang quý giá ấy là NỘI TÂM của mình.
Có lẽ, bạn và tôi, bất kể chúng ta là ai, miễn là người đi xa nhà, cứ “Gói tình quê, tình gia đình” đi theo bên mình thì dẫu ở nơi đâu và đang làm gì, chúng ta mãi là người đủ đầy và giàu có nhất!
Maria Diệu Huyền, MTG Vinh
|