Nt. Maria Diệu Huyền (Cây Bút Chì)
Dòng Mến Thánh Giá Vinh
Chiều cuối ở quê…
Bước đi lững thững trên cánh đồng, những cơn gió lộng như rót vào khuôn mặt một nỗi niềm khó tả, nỗi niềm ấy cứ như làn gió không biết từ phương nao thổi đến. Thoang thoảng trong tiết trời là hương cỏ lẫn với mùi khoai lang nướng khen khét trên đống củi của mấy thằng bé đang ngồi tụm lại bên mép mương. Cái mùi đặc trưng ấy như dậy lên, sợi khói khoai lang nướng thơm mùi nao nao của hoài niệm, mênh mang trôi vào trong tiềm thức. Góc trời mà lũ trẻ đang ngồi phảng phất hình ảnh của tôi mười mấy năm về trước. Ngày ấy, tôi cũng lăn lộn với mấy gánh củi, sọt cỏ; cũng đi chăn bò, cấy lúa; cũng tụm ba tụm bảy nướng ngô, nướng khoai với chúng bạn …cháy hết mình cho một tuổi thơ dữ dội!
Lần này tôi về thăm quê được hai tuần. Mai đi rồi, tôi rảo bộ từ nhà ra cộng đoàn Mến Thánh Giá Hướng Phương để chào các chị trước khi ra Nhà Mẹ ở Vinh. Cộng đoàn này là nơi nhen nhóm tình yêu đời dâng hiến trong tôi, là cái nôi ơn gọi của tôi nên tôi thường ghé thăm mỗi dịp về quê. Vừa bước vào sân, tôi thấy đông lắm, các chị đang hội họp ở trước sảnh nguyện đường. Không biết có chuyện gì. Tôi tiến lại gần, mau miệng chào hỏi mọi người.
Có cái gì đó không ổn. Hình như sự vui vẻ của tôi bị “lạc tone” so với tâm trạng của các chị. Nhìn vẻ mặt ai cũng thất thểu, giăng thành một dải buồn. Một chị vỗ vai tôi bùi ngùi:
- Em đấy à. Này, nghe nói chị Tuyết Mai bị đột quỵ … đang trong tuần tĩnh tâm đấy. Ở ngoài kia, các chị điện về nói là tình trạng cực kỳ nguy hiểm, khó mà qua được, bảo gia đình phải chuẩn bị tinh thần rồi.
Nghe đến đó, tôi chết lặng trong chốc lát. Tôi không thể tin nổi vào những gì mình đang nghe.
- Nhưng chị ơi, chị Bi mới về hè thăm gia đình mà (Bi là cái tên ở nhà mà bố mẹ chị ấy và mấy người chị em thân thiết hay gọi). Em còn nghe nói dịp này chị ấy còn dẫn theo một đoàn giới trẻ đi dã ngoại nữa.
- Ừ, thế đó. Hôm trước mới vào đây chào cộng đoàn. Thấy cái mặt tươi như hoa, khi nào cũng nhoẻn miệng, lại còn hay cà khịa cho các bà các chị cười mấy trận như muốn vỡ bụng. Ấy thế mà…
Chị ấy vừa nói vừa lấy tay quệt vội dòng nước mắt đang tràn ra khỏi mi. Chị phụ trách cộng đoàn bảo tôi:
- Này, có lẽ mai ráng ở lại bữa đã. Để xem tình hình tối nay xem sao. Nếu tình hình xấu nhất xảy ra thì ở lại phụ giúp cộng đoàn lo việc cho chị Mai.
- Dạ, vậy…có gì tối chị báo lại em nhé.
Nói rồi, chị bảo mấy chị em vào nhà nguyện khấn xin ơn Chúa. Tối ấy, có tin báo lại là chị Tuyết Mai đã vượt qua giờ phút tử thần, nhưng tình trạng vẫn rất nguy hiểm. Như vậy là tôi cũng nhẹ đi phần nào. Tôi quyết định ngày mai vẫn ra lại nhà Mẹ như lịch đã định.
Sáng hôm sau, tôi bắt xe ra lại cộng đoàn. Có một chút bịn rịn níu lại phía sau nhưng cũng có một chút hối hả giục giã bước chân tiến về phía trước. Tôi không thể gọi tên được thứ cảm xúc này nhưng nó là “điệp khúc” của mỗi lần ra đi. Đi tu gần 12 năm rồi nhưng chưa thể mất đi cảm giác dùng dằng với tình quê. Cứ mỗi lần được sà vào tổ ấm gia đình là thấy mình bé lại, nhớ nhớ nhung nhung. Dù vậy, những gì níu kéo ở phía sau chẳng thể nào mạnh mẽ cho bằng tiếng gọi phía trước. Tôi biết mình là ai và sứ mạng của mình là gì.
Về đến nhà Dòng, tôi xăm xăm mang gánh quà quê vào nhà bếp rồi rảo nhanh về khu Học Viện mong hỏi được chút tin tức về tình trạng của chị Bi. Một ca mổ định mệnh! Tôi hoang mang, đau đớn khi nghe rằng chị Bi có khả năng sẽ sống thực vật cả đời. Não của chị đang phồng lên từng giây, hóa đen hơn phân nửa. các bác sĩ yêu cầu nhà Dòng và gia đình ký giấy cam kết để nhanh chóng thực hiện ca phẫu thuật. Còn nước thì còn tát. Chút hy vọng quý giá đặt vào bàn tay quan phòng của Đấng làm chủ sự sống và cái chết. Tôi tiến vào nhà nguyện, quỳ gối dâng lời cầu xin cho chị Bi. Bầu trời ngoài kia sao hắt hiu quá! Cơn hung tin phũ phàng như muốn quật ngã tim tôi.
Đêm hôm ấy, ca mổ diễn ra trong gần 4 tiếng đồng hồ. Vẫn không có gì chắc chắn cho mạng sống của chị. Đến cả các bác sĩ mà cũng nói với chúng tôi là họ chỉ trông chờ một phép lạ xảy ra. Sau ca mổ, chị Bi được chuyển vào phòng hồi sức đặc biệt. Nhìn cái cảnh tượng của người nữ tu ấy, chẳng ai mà kìm nổi nước mắt. Còn đâu hình ảnh một masơ năng nổ, nhiệt thành, dấn thân trong các công việc. Còn đâu bóng dáng người nữ tu xúng xính trong tà áo dòng đen tuyền đàn hát..múa nhảy…cháy hết mình với thanh xuân đời tu. Chị mới vỏn vẹn 31 tuổi, lại là con đầu trong một gia đình chẳng mấy khá giả. Được của lễ đẹp nhất, bố mẹ chị ấy đã sớm dâng trọn cho Chúa trong ơn gọi Mến Thánh Giá Vinh. Giờ đây, nữ tu chăm chỉ nhiệt thành ấy là một bênh nhân bất động, nằm hôn mê trong tình trạng thực vật, không có bất cứ một phản ứng nào với mọi kích thích xung quanh, không nghe…không nói…không ăn uống…chỉ nằm ngủ, một giấc ngủ chẳng biết bao giờ mới thức dậy! Mái tóc đuôi gà của ma soeur trẻ ngày nào đã bị cắt trọc, loang lổ từng vết cạo vội vàng, chiếc áo dòng cũng cất vội vào tủ để mang lấy bộ đồ bệnh nhân. Xót xa hơn khi nhìn thấy chiếc đầu bị khuyết dạng do các bác sĩ đã phẫu thuật cất đi nửa hộp sọ bên trái của chị để tránh tình trạng phù não, vỡ mạch thần kinh. Chao ôi…chẳng còn gì nhói đau, nghẹn đắng và vụn vỡ hơn hình tượng này!
Đêm sâu…bên ngoài cổng bệnh viện văng vẳng tiếng xe cứu thương xé toang tịch mịch, bên trong vẫn dồn dập cận cảnh những bước chân khẩn trương níu lại sự sống cho các bệnh nhân. Đó đây, thất thần những khuôn mặt đứng ngồi ngoài các phòng cấp cứu, cảm giác bất lực cũng theo đó mà thít chặt, bóp nghẹt con tim.
Tờ mờ sáng hôm sau, bố mẹ chị Bi đã tất tưởi đến nơi. Quãng đường từ Quảng Bình ra Nghệ An trong tâm trạng hỗn loạn, cồn cào, vật vã lo lắng cho đứa con gái, chắc chắn là một trải nghiệm không dễ gì với họ. Tôi thấy hai cặp mắt hốc hác, nặng trĩu đang níu lấy nhau. Có lẽ, không có cái gì nặng hơn thế. Tôi cứ tưởng khi chứng kiến cảnh chị Bi nằm bất động như vậy thì họ sẽ quằn quại, thét gào trong đau đớn. Nhưng không, hai người hùng ấy thinh lặng dằn nỗi đau vào trong, ngồi lặng bên giường con gái, nước mắt cứ vậy mà âm thầm trào ra. Ánh nhìn của họ khắc khoải nhưng không bi thương, ánh nhìn ấy lóe lên một tia sáng hy vọng lan tỏa chứ không phải vụt tắt nhanh ở một nơi nao phù phiếm xa vời. Tôi tin đây là biểu hiện của những tâm hồn có Chúa, có đức tin kiên vững. Rồi họ cất vang lời kinh bên giường bệnh. Sự đơn sơ tín thác của họ khiến tôi cảm phục. Ở nhà dòng, chị em chúng tôi cũng làm tuần cửu nhật và hy sinh hãm mình để cầu nguyện cho chị Bi nhanh tỉnh lại.
Vậy là cứ như một phép màu. Mấy ngày sau, chị Bi bắt đầu cử động, mở mắt và từ từ lấy lại ý thức. Dù bị liệt hẳn nửa thân bên phải nhưng việc tỉnh lại của chị là một sự hồi sinh diệu kỳ. Quả thật, có những điều mà con người không thể làm được, thì Thiên Chúa sẽ ra tay, vì không có gì là không thể đối với Người. Chúa sẽ không thinh lặng quá lâu trước lời khẩn nguyện của đoàn con cái.
Tin này báo về nhà Dòng, cả nhà mừng như mở hội. Bây giờ, tình trạng của chị Bi đã chuyển sang một giai đoạn mới, chị Phụ Trách phải lựa chọn một người phù hợp để chăm sóc chị. Nhiều chị em xung phong vào bệnh viện để thay cho một chị đang trực trong đó.
Trong lớp Học Viện của tôi có Chị Khuyên là bạn thân thiết với chị Bi từ tấm bé. Từ bữa chị Bi xảy ra chuyện đến nay, khuôn mặt chị Khuyên cứ âu sầu mãi. Không não nề sao được khi hai người bạn rủ nhau đi tu, giờ một đứa ra như thế kia rồi! Nghe chị phụ trách “tuyển người” đi vào bệnh viện, chị Khuyên cứ lân la trước cửa phòng chị, xin chày xin cối, cuối cùng cũng nhận được một cái gật đầu. Chị Khuyên vừa học tây y vừa chuyên y học cổ truyền nên tôi nghĩ rằng chị là người thích hợp nhất để ở bên chị Bi ngay lúc này.
Ngay hôm ấy, chị Khuyên khăn gói vào với chị Bi. Thời gian này, em gái chị Bi sinh em bé nên bác gái phải trở về Quảng Bình. Còn bác trai thì nhất quyết bỏ việc để ở lại bệnh viện với con gái. Bác ấy là một người trên cả tuyệt vời. Tôi nhận ra điều đó khi quan sát từng lời nói và cử chỉ mà bố dành cho chị Bi. Từ ngày chị ấy tỉnh lại, được bác sĩ cho phép thăm nom tự do, thì mỗi ngày như vậy, có khoảng mấy chục đoàn thăm viếng. Chị Bi vốn thuộc cộng đoàn ở Quảng Bình, nay phục vụ một cộng đoàn ở Hà Tĩnh và thỉnh thoảng về nhà Mẹ ở Nghệ An để tĩnh tâm. Chính vì thế, các chị em trong Hội dòng chúng tôi và những giáo xứ mà chị Bi đã từng phục vụ cứ nườm nượp đến thăm. Người ta vào đông đến nỗi cả Khoa Hồi Phục Chức Năng nằm lòng vóc dáng các sơ, các cha và hình ảnh người Công Giáo. Cứ mỗi lần nghe tiếng người lao xao, tiếng bước chân lên cầu thang đều đều là biết ngay có người chuẩn bị vào phòng thăm chị Bi. Dù chưa thể nói được nhưng cứ thấy mọi người vào thăm là chị Bi lại tươi như hoa. Thật ấn tượng khi các đoàn vào bệnh viện không chỉ ghé thăm chị Bi nhưng lại còn thăm hỏi, động viên tinh thần các bệnh nhân lương lẫn giáo khác. Tôi cảm nhận được sợi dây Tình yêu đang gắn kết chúng tôi lại với nhay trong niềm hy vọng.
Phần chị Khuyên, tôi chẳng còn lời nào để nói về tinh thần hy sinh của chị nữa. Cái cách chị ấy chăm sóc cho chị Bi còn hơn cả một người chị em ruột thịt. Từ việc bón đút thức ăn, vệ sinh, tập cử động, tập nói…chị đều đặt hết tình yêu và sự kiên nhẫn vào trong đó. Chị còn đi lục lọi cả bệnh viện tìm các bệnh nhân Công Giáo để hỏi han và liên lạc với cha phụ trách mục vụ bệnh viện cho họ rước lễ, xưng tội. Đây quả là cung cách của một người nữ tu đã thánh hiến cuộc đời cho Thiên Chúa để phục vụ tha nhân. Mỗi lần tôi vào bệnh viện, chị lại thủ thỉ cho tôi nghe về những cảnh đời éo le, tội nghiệp mà chị hỏi biết được. Tôi cũng có cơ hội được gặp gỡ và trò chuyện với họ. Thương lắm những con người đang oằn mình chống chọi với “những cái gánh nghiệt ngã” trên vai.
Hơn một tháng điều trị ở bệnh viện trôi qua, chị Bi được bác sĩ cho phép về nhà Dòng tập luyện. Sự hồi phục thần tốc của chị là kết tinh ơn lành của Thiên Chúa, ý chí của chính chị, sự nỗ lực của những người chăm sóc và sức mạnh lớn lao từ những lời cầu nguyện của chị em và thân nhân. Ngày chị Bi trở về nhà Dòng, niềm vui như vỡ òa và lan tỏa khắp mọi ngóc ngách trong nhà. Từ các chị cao niên đến các em mới vào tập tu, tất cả sum vầy chào đón người chị em đã “thoát khỏi lưỡi hái của tử thần”.
Chị Bi được chăm sóc đặc biệt ở khu vực nhà thuốc của Hội dòng. Tôi nghĩ sự quan tâm của chị em chúng tôi sẽ là nguồn động lực để chị vượt thắng những khó khăn trước mắt. Trong số những người xung quanh chị, tôi biết chị Khuyên vẫn là niềm an ủi lớn nhất đối với chị Bi. Dù chị Khuyên bận bịu với chương trình năm học mới của khóa Thần Học nhưng thật quý giá khi cứ mỗi sáng trước giờ đi học, chị lại tranh thủ tập cho chị Bi những bài vật lý trị liệu và xoa bóp các cơ bị liệt. Chị còn tận dụng những giờ rảnh khác để đến với người chị em đồng hương của mình.
Ngày qua ngày, chị Bi kiên trì tập luyện. Cứ mỗi lần đi đâu ngang qua khu vực nhà thuốc, tôi lại thấy chị ấy đang lê lết từng bước chân. Những bước chân nặng nề của thân xác lại hằn in lên cả khối ý chí của một con người. Tôi biết chị đang khao khát cháy bỏng sớm được hồi phục. Chị muốn phục vụ, chị muốn tự mình đọc được lời tuyên khấn trọn đời, chị muốn đi lại được để về thăm gia đình. Rồi cứ mỗi lần thấy chị khó khăn tập nói những vần chữ đơn giản, tôi lại ngậm ngùi. Tôi đăm chiêu nhìn chị và tự hỏi: “Lạy Chúa, phải chăng nếu đó là con?”
Trong khi tôi được vui hưởng những khả năng thể lý và tinh thần thì người chị em của tôi đang trở về thời thơ ấu “tập đi, tập nói”. Chị cố gắng nhiều nhưng tiến trình hồi phục chắc chắn không dễ dàng và người ta chưa dám chắc chị có thể lấy lại khả năng ngôn ngữ được không. Điều này nhắc nhở tôi ý thức hơn về những ân ban hiển nhiên mà mình đã nhận lãnh. Thường khi, cuộc sống bộn bề làm tôi quên ý thức về những ơn lành của Thiên Chúa, chỉ khi chứng kiến ai mất đi cái gì mới thấy trân quý những gì mà bản thân đang có.
Hôm nay, bố và em gái chị Bi, cùng với cậu của chị ấy là một linh mục ra thăm chị. Nhìn cái cảnh người bố bịn rịn không muốn về mà ai cũng bùi ngùi xúc động. Nắng tràn qua khung cửa, chiếu thẳng vào hai bố con. Lời bố khe khẽ áp vào tai chị:
- Cố gắng nhé con gái, khỏe mạnh để tháng sau bác sĩ lắp nửa hộp sọ trái vào cho con nhé. Tết này bố mẹ chờ con về nghe.
Chị cười, gật đầu lia lịa mà nước mắt nóng hổi. Rồi đây, không biết tương lai của người nữ tu này sẽ ra sao?
Lạy Chúa…
Tôi nhắc tên chị trong lời cầu nguyện âm thầm.
|