Maria Diệu Huyền, MTG Vinh
Giáng Sinh là Mầu Nhiệm Cứu Độ thể hiện tình yêu sung mãn của Thiên Chúa Ba Ngôi dành cho nhân loại, và Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa đã “xé màn trời” mà đến trong thế gian để thực hiện nhiệm cuộc này. “Xé màn trời” ở đây mang nghĩa là trút bỏ vinh quang Thiên Chúa, để mang xác phàm hèn mọn. Đây là bước thân mật nhất mà Thiên Chúa và con người có được trong suốt dọc dài lich sử Cứu Độ. Đấng siêu việt nay chịu giới hạn bởi thời gian. Đấng Tuyệt Đối lại mang một thân xác hữu hạn để trở thành “Quà Tặng ơn sủng vĩnh cửu” cho con người.
Giáng sinh đã về đem đến niềm vui và bình an cho nhân loại. Đây là ngày hội lớn duy nhất trên trái đất được đón mừng bởi mọi quốc gia, mọi sắc tộc, mọi tầng lớp xã hội. Từ thế kỷ này đến thế kỷ khác, lời loan báo Tin vui của các Thiên Thần trong đêm Giáng Sinh đầu tiên: “Hôm nay, Đấng Cứu Thế đã Giáng Sinh cho chúng ta” (Lc 2,11) đã không ngừng rộn vang lên trong trái tim của Giáo Hội dẫu phải kinh qua những thách đố giữa lòng nhân loại. Đây là lời loan báo vang vọng trong đêm đen cho những ai đang tỉnh thức như các mục đồng xưa. Lời ấy vang lên cho những ai đã sống theo đòi hỏi của Mùa Vọng và sẵn sàng tiếp nhận sứ điệp của ánh sáng Tin Mừng.
Mừng biến cố Giáng sinh, người người nô nức, nhà nhà rộn ràng, đèn điện lung linh, cờ hoa giăng đầy và trần gian rực sáng. Giáng Sinh là ngày lễ của ánh sáng, không phải vì thế giới khoác vào mình chiếc áo dệt nên bởi muôn vàn đèn hoa sáng rực rỡ nhưng bởi vì Con Thiên Chúa làm người đã mang “ánh sáng của tình yêu” và “niềm vui ơn cứu độ” đến cho trần gian. Mầu nhiệm Chúa Giêsu trút bỏ mọi vinh quang trên trời để đến với con người tội lỗi thật vượt quá sự hiểu biết của chúng ta. Chúa Giêsu đã không chọn một hoàng hậu để làm mẹ nhưng Ngài đã chọn thôn nữ Maria đơn sơ, khiêm nhường, hằng vâng nghe thánh ý Thiên Chúa. Ngài đã không bước vào trần gian nơi cung điện nguy nga, lộng lẫy nhưng bằng sự nghèo khó, với mùi hôi tanh nơi máng cỏ quạnh hiu ở cánh đồng Bêlem. Ngài đã cúi xuống sát với con người, không thể nào thấp hèn hơn được nữa. Diệu vời thay huyền nhiệm Nhập Thể!
Vậy, tại sao Thiên Chúa lại giáng trần trong hoàn cảnh bi đát như vậy. Công đồng Vatican II, trong Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” đã cho chúng ta biết: “Thiên Chúa nhập thể và nhập thế là vì Ngài muốn sống cuộc sống nhân loại, để hành động với bàn tay nhân loại, để suy tư với một trí óc nhân loại, để yêu thương với một trái tim nhân loại”(Gaudium et Spes, số 22). Như vậy, chìa khóa duy nhất giúp ta hé mở mầu nhiệm cao cả này là hai chữ Tình Yêu - “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để những ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời” (1Ga 4,9). Qủa thật, tình yêu vĩnh hằng trào tràn trên cõi thiên đường đã “xé màn trời”, đi xuống và hóa nên “người phàm” để giải thoát nhân loại nhem nhuốc đang vùng vẫy trong bóng tối tử thần. Thế nhưng, tại sao Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng vô cùng, có thể hô một tiếng là toàn bộ nhân loại được cứu rỗi, lại nỡ lòng để cho Con của mình phải “xé màn trời” đi xuống cứu độ loài người bằng “con đường rốt hết” như vậy? Đúng! Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, tuy nhiên, ơn cứu độ của Người không phải là một trò ảo thuật. Vì tội lỗi con người quá nặng nề, nên ơn tha tội cũng không thể nào rẻ rúng được. Nhân loại chìm ngập trong bóng tối tội lỗi cần được Ánh Sáng chiếu soi. Thiên Chúa không ngồi ở trên trời ra lệnh cho bóng tối tiêu tan. Để chiếu sáng thế gian, Ánh Sáng đã đi vào lòng thế gian tăm tối và dẫn lối tâm hồn con người tìm về với Thiên Chúa bởi “dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bùng lên chiếu rọi” (Lc 8, 1). Hơn thế nữa, Ngôi Hai xuống thế làm người để mặc khải cách trọn vẹn về tình yêu sung mãn của Thiên Chúa và trở nên tấm gương hoàn hảo về tình yêu: Tình Yêu Trao Ban (The Giving Love), Tình Yêu Giáng Thế (The Incarnating Love), Tình Yêu Cứu Chuộc (The Saving Love), Tình Yêu Hy Sinh (The Sacrificing Love) và Tình Yêu Thành Tín (The Faithful Love). Như vậy, Nhập Thể là một biến cố mang ý nghĩa đặc biệt trong chương trình Cứu độ của Thiên Chúa.
Đã hơn hai nghìn năm trôi qua, Giáng Sinh vẫn đến với nhân loại nhưng ý nghĩa của đêm Giáng Sinh đã bị bóp méo. Khi nhìn vào thực tế, thật xót xa khi thấy rằng, thế giới đang bị “phủ sóng” bởi một sự chào đón hời hợt bên ngoài chóng qua. Nhân loại chẳng có mấy tâm hồn thiện chí thực sự trông chờ Chúa đến. Thế giới hôm nay vắng bóng Thiên Chúa vì con người chìm trong tội lỗi của thời đại. Ánh sáng đã đến thế gian nhưng người ta đã ưa chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa (Ga 3,19). Ngày nay, Giáng sinh đã trở thành thời điểm của phô trương, lãng phí, mua sắm thả ga, tiệc tùng linh đình, ăn chơi vô độ và người ta chạy theo những bóng nhoáng, ảo ảnh phù vân. Bên ngoài thì sáng rực, ấm cúng nhưng bên trong thì tối tăm, lạnh lẽo. Thế giới đang dần đi ngược lại với những gì Chúa Giêsu mang đến. Những thú vui vô độ của con người đã để lại biết bao hậu quả bi ai, tê tái sau mỗi dịp Giáng Sinh. Có biết bao người đã từng mừng lễ Noel, nhưng họ đã không một lần gặp được Chúa Hài Đồng, kể cả người Công Giáo. Trước viễn cảnh đau thương ấy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên bố với thế giới: “Noel không có Chúa Giêsu thì đó chỉ là một ngày lễ trống rỗng”. Quả vậy, Giáng Sinh có ý nghĩa gì nếu không xảy ra trong tâm hồn mỗi người, không làm cho người ta tìm thấy ý nghĩa đời mình. Ánh Sáng của Chúa Cứu Thế sẽ chiếu vào đâu nếu người ta ngoan cố ẩn mình trong bóng tối?
Là những người Kitô hữu, sứ điệp của ngày lễ hôm nay gửi đến cho chúng ta điều gì? Ơn cứu độ Chúa Giêsu mang đến không chỉ một lần trong đêm Giáng Sinh năm xưa, cũng không phải là lời hứa hẹn cho cuộc sống mai sau nhưng được trao ban cho chúng ta “ngay hôm nay và trong lúc này”. Chúng ta hãy để Mầu Nhiệm Tình Yêu Nhập Thể của Chúa Hài Đồng đụng chạm đến sâu thẳm tâm hồn mình trong từng giây phút hiện tại. Thiên Chúa đã chấp nhận trở nên nghèo khó để chúng ta được giàu có (2Cr 8,9). Vì vậy, mỗi chúng ta hãy mở lòng tiếp nhận tình yêu Giáng Sinh và theo gót Người làm một cuộc “nhập thể” ngay trong môi trường mình đang sống; hãy hóa thân vào trong hoàn cảnh của từng anh chị em xung quanh để biết yêu, biết trao ban, biết cảm thông, biết “sống cho” và “chết cho” người khác. Đừng để ai trở thành những vị khách xa lạ, vô cảm dửng dưng bằng một trái tim hóa đá với anh chị em mình.
Vậy, ngay lúc này, chúng ta hãy cùng nhau “nội tâm hóa” cung cách đón mừng Giáng Sinh của mình, không chỉ là “hiện diện” nhưng phải là “hiện hữu”. Đứng trước Hang Đá, chúng ta hãy một lần bỏ lại sự náo nhiệt, tưng bừng của khung cảnh Giáng Sinh lộng lẫy bên ngoài mà thả hồn mình vào cõi thinh lặng mênh mông nơi cánh đồng vắng Bêlem. Hãy lặng cho đến khi mình có thể lắng nghe và xem thấy những gì đang xảy ra cách sống động nơi Chúa Hài Đồng sinh ra. Tiếng muôn thiên thần hỷ hoan ca mừng, bước chân vội vã trong sự háo hức của các mục đồng, niềm vui sướng đong đầy trong trái tim của Đức Mẹ và Thánh Giuse. Tất nhiên, điều quan trọng nhất là chúng ta cần thinh lặng đối diện với Chúa Hài Nhi Giêsu và chân thành trả lời những chất vấn của Người dành cho ta: “Ánh Sáng xé màn trời mà đến đã thực sự chiếu soi đến tận tâm hồn con chưa? và “Khi Ta ngự đến lần thứ hai, liệu Ta còn tìm thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” Chúng ta hãy để cho huyền nhiệm “tình yêu xé màn trời” đi sâu “xé lòng” mình ra, để trái tim được ngập tràn niềm vui đong đầy của ngày đại lễ hôm nay!
|