“Có một nghề bụi phấn dính đầy tay Người ta bảo là nghề trong sạch nhất Có một nghề không trồng cây trên đất Lại nở cho đời những đóa hoa thơm”
Sáng sớm, đang loay hoay dọn lại cái rương sách vở, tôi chợt gặp thấy những dòng thơ ý vị gấp lại theo năm tháng trong cuốn lưu bút của một thời xa vắng. Gió đập mạnh vào cửa sổ. Trời đã dần chuyển sang mùa đông thật rồi. Tôi không biết đất trời giao mùa từ khi nào nhưng rõ ràng là làn gió heo may cuối thu đã âm thầm nhường chỗ cơn gió bấc chớm đông sáng nay. Cái cây trước sảnh nhà nguyện đứng lim lìm, vắng lặng, khoác trên mình bộ xương trụi lá mà cảm tưởng chỉ cần một cơn gió bấc ghé qua thì cũng có thể đưa những chiếc lá còn sót lại trên cây bay đi đến một nơi rất xa. Lời thơ vô tình đọc vội cùng với hình ảnh chiếc lá bàng lững lờ trong không trung vô định, bất giác đưa tôi quay về miền ký ức mênh mông. Ừ thì đã kết thúc tuổi mực tím cách đây mười mấy năm rồi, mà nó vẫn hiện về nguyên vẹn đến lung linh. Hình như việc trở thành một nữ tu không xóa đi những kỷ niệm thời hoa nắng cũng không ngăn nỗi nhớ về những người thầy, người cô dưới bao mái trường mà tuổi học trò của tôi đã đi qua. Ngược lại, vì là người nữ tu, nên tôi thấy mình biết săp xếp gọn ghẽ những góc riêng tư và các cung bậc cảm xúc trong trái tim; đồng thời, biết biến tâm tình tri ân thành lời cầu nguyện cho những nhà giáo đã làm nên hành trình thành nhân của tôi.
Sự trân trọng những ân sư của quá khứ dẫn tôi đến sự trân quý những tôn sư của thời hiện tại. Nếu những người thầy năm xưa dẫn lối tôi trên hành trình thành nhân thì những người thầy hôm nay đang dìu dắt tôi trên hành trình trở thành người tu sĩ đích thực, chắp đôi cánh thiêng liêng cho tôi vươn đến ước mơ của đời dâng hiến. Đó là một sự chuyển tiếp thật kỳ diệu trong “hành trình truy tầm kiến thức” mà Thiên Chúa đã khéo an bài cho cuộc đời tôi.
Khi ngẫm lại hành trình ấy, tôi nhận ra rằng nguồn tri thức đi vào tâm hồn tôi cách tự nhiên như một người gia chủ mỗi ngày tích trữ “của cải mới” vào trong kho lẫm của mình. Quả vậy, tâm hồn tôi như một cái kho vô hình. Tôi đã mở nó ra để đón nhận những gì người khác đổ vào, rót vào cho mình. Hành trình tích lũy ấy, có bóng dáng những ân sư cần mẫn, tận tụy đồng hành với tôi. Nhớ lại điểm khởi đầu, vốn liếng của tôi khi rời xa vòng tay cha mẹ cái thuở lên ba lên bốn chỉ vỏn vẹn mấy câu nói thơ dại. Bước vào trường mầm non, những cô giáo đầu đời đã cho tôi những bài học vỡ lòng, những con chữ đầu đời và cái nền móng nhân lễ nghĩa cơ bản. Lên cấp I, cấp II và cấp III, theo đặc thù của mỗi giai đoạn, dưới sự hướng dẫn của các thầy cô, tôi nhận thấy những kiến thức căn bản của thế giới đã được thu gọn trong bộ não bé tí của mình. Thật hạnh phúc khi thấy kho kiến thức và đời sống tinh thần lớn dần hơn mỗi ngày. Đến đại học và sau đại học, các giáo sư đã góp phần làm cho kỹ năng chuyên biệt của tôi trở nên dày dặn hơn. Tuy vậy, tôi cảm thấy mái trường làm cho tôi “bớt nghèo” nhất hay nói cách khác là làm cho tôi “thoát nghèo” là mái trường giáo lý nơi giáo xứ, mái trường đào tạo nơi Hội Dòng và mái trường Học Viện của Giáo Phận mà tôi đang có diễm phúc được theo đuổi hôm nay. Không phải là tôi đang xem nhẹ tri thức nhân loại hay là không coi trọng các thầy cô dưới mái trường đời nhưng tôi đang muốn nhấn mạnh đến một nguồn tri thức cao quý hơn, đó là tri thức thánh. Thực vậy, con người có thể nắm cả tri thức nhân loại trong đầu nhưng rốt cuộc họ sẽ chẳng có gì nếu không biết Thiên Chúa. Ngày chung cục cuộc đời, người ta sẽ vỡ lẽ ra điều này. Ngược lại, dù ai đó có bị cả thế giới xem là ngu dốt nhưng họ vẫn trở nên giàu có khi thực sự hiểu biết về Thiên Chúa – Nguồn mạch của mọi sự khôn ngoan, thông thái đích thực. Với tôi là một nữ tu, tôi chẳng có của cải, lắm lúc bị liệt vào “giai cấp vô sản” vì trong túi chẳng giữ một đồng nào, nhưng tôi lại luôn cảm thấy mình giàu có vì được học biết và yêu mến Thiên Chúa mỗi ngày. Chính vì thế, tôi đang cố gắng để tận dụng những năm tháng đèn sách tại Học viện Liên Dòng Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, nơi mà tôi được gặp gỡ các nữ tu khác đến từ bảy Hội Dòng đang hiện diện tại Giáo Phận Vinh.
Mấy ngày hôm nay, không khí tri ân hướng đến ngày Nhà Giáo Việt Nam đang phủ bóng trên mái trường Học viện. Thật hạnh phúc cho chúng tôi khi được các Đức cha, các cha giáo, các chị giáo giảng dạy và khai sáng trí tâm. Các ngài là những nhà giáo nhưng lại khác với những nhà giáo khác. Các ngài là “những người của Chúa” nên mang trong mình những trái tim đã được thánh hiến đến với các học viên và thông phần vào thừa tác vụ giảng dạy của các thánh Tông đồ (Rm 11,13) để chuyển hóa các ân huệ thiêng liêng cho những người thụ huấn. Đối với chúng tôi, không có gì thích thú hơn cho bằng việc khám phá cung cách dí dỏm, dễ thương đến tuyệt vời của các Đức Cha và các cha giáo khi các ngài truyền dạy những môn thánh khoa cho chúng tôi. Không chỉ am hiểu sâu rộng trên mọi lĩnh vực, các ngài còn có khiếu đem kiến thức đi vào lòng người cách thuyết phục, tinh tế. Các chị giáo cũng vậy, qua cách giảng dạy, các chị tỏ ra là những người nữ thánh hiến mang đầy nội lực và tri thức. Dù là môn học gì đi nữa, tất cả những người thầy dưới mái trường Học viện đều mời gọi chúng tôi học với vị tôn sư Giêsu – Thầy của mọi bậc thầy, như lời Người đã nói: : “Anh em hãy học với tôi” (Mt 11,29). Học với Đức Giêsu để biết, không phải chỉ một số kiến thức, nhưng đạt tới nguồn mạch của sự khôn ngoan. Lúc đó, chúng tôi sẽ có khả năng dồi dào hơn để khám phá ra vạn vật vì tất cả thụ tạo được dựng nên nhờ Người và cho Người. Đồng thời, khi nhận biết Đức Giêsu là chủ của mọi nguồn tri thức thì chúng tôi sẽ không ngại giữ phần tuyệt chiêu nào cho riêng mình, bởi ngoài kia, người đời vẫn cất giấu cái bí mật, cái gia truyền, cái đặc sắc mà không dám chia sẻ hết cho người khác.
Tôi nhận thấy rằng những bài học mà chúng tôi nhận được mỗi ngày tại Học Viện thật quý giá cho sứ vụ tương lai. Có những bài học không bao giờ có thể tìm ra trong sách vở vì đó là kết tinh những kinh nghiệm mà các giáo sư đã trải qua. Chắc hẳn, mỗi câu chữ mà các ngài trao gửi cho chúng tôi đều có một lịch sử, mang nặng công khó của các ngài, bởi để có được nguồn kiến thức thì các ngài đã phải trả nhiều cái giá “không rẻ chút nào”. Thật thế, đó là cả tuổi thơ, tuổi thanh xuân, là biết bao sự từ bỏ cao đẹp, là những nỗ lực, cố gắng, là thành công hay thất bại và là cả những câu chuyện thăng trầm trong đời thánh hiến của các ngài. Rồi đây, sau khi nhận những câu chữ ấy, tôi cũng sẽ biến chúng thành những câu chữ mang dấu ấn của cuộc đời tôi. Tôi sẽ không giữ riêng những gì mình được nhận lãnh ngày hôm nay, nhưng sẽ ra đi trao ban cho người khác qua những sứ vụ mà tôi sẽ thực thi, bởi tri thức chỉ có thể tồn tại và không mất đi khi được trao truyền từ người này qua người khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Có thể, tôi sẽ không đứng trên bục giảng nhưng sẽ trao truyền năng lượng sống bằng cung cách hiện diện của một người nữ tu đã được Thiên Chúa giáo dục qua những người trung gian.
Để biểu lộ tâm tình tri ân của những người học trò, mấy ngày hôm nay, chị em chúng tôi đang cố gắng thể hiện lòng biết ơn bằng những hành động cụ thể, phát xuất từ con tim. Cái cách mà chúng tôi chào mừng ngày nhà giáo không còn là “Nhiệt liệt lập thành tích chào mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11” hay là loay hoay làm các tờ báo tường như cái thời mực tím nữa, nhưng là một sự quyết tâm huấn luyện bản thân cách triệt để hơn; đồng thời, chúng tôi gói ghém những món quà tâm linh cho các ngài qua những lời cầu nguyện.
Hôm nay, một mùa hiến chương nữa lại về, tôi dành ra vài phút thing lặng trước Thánh Thể Chúa để điểm lại khuôn mặt những thầy cô quá khứ và hiện tại đã xuất hiện trong cuộc đời tôi, góp phần tạo nên tôi của ngày hôm nay. Rồi thời gian sẽ trôi qua, năm tháng sẽ làm nhạt nhòa tất cả, nhưng hy vọng lòng biết ơn trong tôi sẽ không bao giờ mất đi. Ước mong rằng tất cả những ai đang dấn thân trong “giáo nghiệp”, cách riêng là những người chị trong Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh, các giáo sư của Học Viện Liên Dòng Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, sẽ luôn khôn ngoan trong trí lực, vững mạnh trong thể lực và thánh thiện trong tâm lực để cộng tác với Thiên Chúa trong sứ mạng ươm mầm đức tin và tri thức cho các thế hệ.
Cây Bút Chì, MTG Vinh
|