Trên đồi Gôngôtha ấy, người trộm lành cũng đã đón nhận những đau đớn của mình với niềm hy vọng đặt để nơi Đấng Bị Đâm Thâu “Ông Giêsu ơi! Bao giờ lên nước của ông xin nhớ đến tôi” (Lc 23,42). Trong khi tên trộm còn lại đã để đau khổ trở thành oán hận: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu chúng tôi nữa” (Lc 23, 39). Đó vẫn là lối hành xử của con người muốn cứu mình bằng cách chỉ đường cho Thiên Chúa.
Cũng tại nơi gọi là Núi Sọ ấy, biết bao kẻ tin vào Đức Giêsu là Đấng Mêsia, Đấng nhân danh Chúa mà đến cũng vấp ngã bởi không thể vượt qua cái bóng của thập giá. Họ khóc lóc than van, chắc chắn họ cũng ao ước Đức Giêsu sẽ bước xuống khỏi thập giá, để tự cứu mình nhưng cũng là cứu họ khỏi cái đau khổ ấy, cái đau khổ của việc mất đi niềm hy vọng.
Nhưng xin dừng lại một chút dưới chân thập giá, có một người phụ nữ tên Maria, Mẹ của một con người mà ngày truyền tin được hứa là Đấng Cứu Thế! Đấng giải thoát dân Người! Đấng là con cháu Đavid, triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận! (x.Lc 1, 26-33), ấy vậy mà người con ấy đang quằn quại trong đau đớn, tủi nhục, trơ trọi và cô đơn trên thập giá. Còn đâu ánh vinh quang của giờ phút truyền tin, phải chăng lúc này “ánh sáng quanh tôi đã thành đêm tối” (Tv 139, 11) đối với Mẹ của chúng ta.
Mẹ chỉ im lặng, im lặng để đón nhận và thông phần vào đau khổ của con mình. Mẹ đã học lặng im từ sau biến cố tìm con trong Đền Thờ sau lời của trẻ Giêsu: “Cha mẹ không biết con có bổn phận ở nhà Cha Con sao?” (Lc 2,49). Mẹ đã học biết thinh lặng để thánh ý Chúa được thể hiện từ giờ phút ấy, mẹ sẽ không hỏi tại sao? Mẹ cũng không giận dữ gào thét vào mặt của quân lính, nhưng âm thầm vác thánh giá cùng con của mình, trong niềm tín thác hy vọng và tin tưởng vào Thiên Chúa.
Bạn mến! Đau khổ nhất là khổ đau bất công của con người mãi mãi là một huyền nhiệm, và đã là huyền nhiệm thì thiết nghĩ đừng bao giờ nên đặt câu hỏi “Tại sao?”, nhưng hãy học cách đón nhận trong hy vọng, dĩ nhiên đừng hy vọng Đức Giêsu xuống khỏi thập giá giải thoát chúng ta, đừng “vẽ đường” cho Chúa, nhưng hãy tin yêu và hy vọng những điều tốt đẹp mà Thiên Chúa dành cho chúng ta trong kế hoạch giải thoát đầy yêu thương của Người, như Mẹ chúng ta đã làm dưới chân thập giá và trong suốt cả cuộc đời.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói với chúng ta: “Đừng tìm cách giải thích nỗi buồn, hay đau khổ; hãy học cách làm bạn với nó!”. Chắc chắn rồi! Làm bạn không có nghĩa là yêu nó, nhưng không gì khác hơn là chấp nhận sự tồn tại của nó trong cuộc đời với thái độ “thân thiện”, thay vì đánh đuổi hay chạy trốn nó.