Văn Cương, SJ - Vatican News
Tác phẩm: Làm sao tha thứ - giải pháp chữa lành cho khổ nạn lạm dụng tình dục
Tác giả: Lm. Jean Monbourquette, OMI.
Chuyển ngữ: Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS.
Lời giới thiệu của Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt Nguyên Tổng Giám mục Hà Nội,
Cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục đã kéo dài gần một thế kỷ. Và đã có những đổi chiều trái ngược. Từ giữa thế kỷ 20, cán cân nghiêng về phía những kẻ có quyền. Tất cả im lặng như không có gì xảy ra. Nhưng những năm cuối thể kỷ trước đã chứng kiến gió đổi chiều. Im lặng bị phá vỡ. Sóng gió phẫn nộ nổi lên dữ dội. Thế thượng phong thuộc về các nạn nhân.
Những phiên toà đã minh bạch. Công tội đã rạch ròi. Đền bù đã thực hiện. Nhưng đó chỉ là bề mặt. Toà án dân sự đã khép lại. Nhưng còn đó toà án lương tâm. Cuộc đấu tranh với quyền lực, với cơ chế đã hoàn thành. Nhưng làm sao chấm dứt được cuộc chiến với chính mình. Và cả cuộc chiến với Thiên Chúa. Những bất công được đền bù. Nhưng những vết thương sâu thẳm không bao giờ lành lặn. Vấn đề mới đặt ra: Làm sao tha thứ?
Nếu không tha thứ không thể giải quyết rốt ráo vấn đề. Tha thứ vốn luôn là vấn đề nhiêu khê. Nên thánh Phêrô đã phải hỏi Chúa xem tha thứ thế nào là đủ. Chúa đã cho biết tha thứ là không giới hạn. Trong trường hợp này vấn đề tha thứ lại càng nhức nhối hơn.
Một lần nữa cha giáo Micae-Phaolo Trần Minh Huy, PSS lại có mặt để chuyển ngữ tác phẩm Comment pardonner của cha Jean Monbourquette và biên soạn thêm phần I để mọi người hiểu rõ vấn đề trong cuốn : “Làm Sao Tha Thứ? Giải pháp chữa lành cho khổ nạn lạm dụng tình dục”.
Đây là một tác phẩm của tình yêu mục tử. Khởi đi từ một trái tim yêu mến Thiên Chúa, Giáo Hội và con người. Kết tinh trong thao thức phục vụ. Hoàn thành với phong cách trổi vượt. Là một tác phẩm đem đến niềm hy vọng. Vì “không chỉ chữa lành mà còn giúp lớn lên”.
Nội dung (Chương I - Tầm quan trọng của sự tha thứ trong đời sống chúng ta)
Ðể khám phá ra tất cả tầm quan trọng của tha thứ trong các mối tương quan nhân loại, chúng ta hãy thử tưởng tượng một thế giới không có tha thứ sẽ như thế nào. Ðâu là những hậu quả trầm trọng của nó? Có lẽ người ta sẽ bị kết buộc trong bốn chọn lựa sau đây, duy trì mãi trong mình và trong kẻ khác sai trái đã phải chịu; Sống trong sự oán giận; Bám chặt vào quá khứ; Trả thù.
Sống trong một mối oán giận thường kỳ
Biết bao nhiêu người đau khổ phải sống trong một mối oán giận thường kỳ. Hãy lấy trường hợp của những người ly dị. Những cuộc nghiên cứu mới đây về các hậu quả về lâu về dài của việc ly dị đã minh chứng rằng một số lớn những vợ chồng đã ly dị, đặc biệt các bà vợ, vẫn còn tiếp tục nuôi dưỡng trong lòng nhiều nỗi oán giận đối với người phối ngẫu cũ, ngay cả sau mười lăm năm chia tay. Trong kinh nghiệm lâm sàng của tôi, tôi năng có cơ hội để nhận thấy rằng một số phản ứng tình cảm quá trớn chỉ là sự phục hoạt của một tổn thương quá khứ không được chữa lành cho đúng.
Quả thế, sống buồn giận, dù là cách vô thức, làm tiêu hao nhiều nghị lực và nuôi dưỡng cơn ứng suất thường kỳ. Chúng ta sẽ hiểu rõ hơn cái gì xảy ra nếu luôn nhớ trong trí sự khác biệt giữa sự oán giận sản sinh ra ứng suất và sự tức giận không làm điều đó. Sự tức giận là một xúc cảm tự nó vô thưởng vô phạt và sẽ biến tan một khi đã được bộc lộ ra, trong khi đó sự oán giận và thù nghịch tồn tại như một thái độ tự vệ luôn luôn cảnh giác chống lại mọi sự tấn công có thực hoặc tưởng tượng.
Sự oán giận mưng mủ từ một thương tổn không được chữa lành đúng cách cũng có những hậu quả gây hại khác. Nó là nguyên do của nhiều chứng bệnh tâm thể lý. Sự ứng suất tạo nên bởi oán giận tấn công ngay vào hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch luôn luôn ở tình trạng báo động sẽ không còn biết khám phá ra kẻ thù nữa. Nó không còn nhận ra các tác nhân gây bệnh nữa. Nó còn tấn công ngay cả các bộ phận lành mạnh mà nó được coi như phải bảo vệ. Người ta giải thích như thế về sự phát sinh nhiều chứng bệnh như chứng viêm khớp, chứng xơ cứng động mạch, chứng xơ cứng từng mảng, những bệnh về tim mạch, tiểu đường, v.v... Giữa những chiến lược tự vệ chống lại những hậu quả có hại của sự oán giận, bác sĩ Redford khuyên thực tập thường xuyên tha thứ trong cuộc sống mỗi ngày.
Những chia sẻ trên của tác giả cho thấy tha thứ vẫn luôn có tính cách thời sự, cả trong thế giới tục hóa của chúng ta. Không cần phải mất nhiều thời gian lắng nghe người khác thổ lộ mới nhận ra sự cần thiết nóng bỏng của tha thứ. Quả thực, chẳng ai thoát khỏi những tổn thương do mất mát, chán nản, phiền muộn, đau buồn vì tình, phản bội.
Nhưng tha thứ là một nổ lực vừa nhân bản vừa thiêng liêng, là một hợp tác không những giữa kẻ gây nên xúc phạm và người bị xúc phạm, mà còn giữa con người với Thiên Chúa. Tha thứ bao hàm cả lãnh vực thể chất, lẫn tâm lý và thiêng liêng, huy động mọi phần và mọi quan năng của con người mình, nên tiến trình tha thứ vừa dài vừa phức tạp và khó khăn, có khi phải luyện tập vòng lui vòng tới nhiều lần và can đảm bắt đầu trở lại ở một giai đoạn nào đó hoặc ngay cả từ đầu, mỗi khi thất bại, dù việc tập luyện đôi khi như đóng kịch !
Mục lục
Tác phẩm gồm hai phần chính, trong đó tác giả trình bày Phần I dưới những đề tài: 1) Tổng quát về nạn lạm dụng và vi phạm tình dục; 2) Các nguyên nhân đưa tới lạm dụng; 3) Các thiệt hại của nạn lạm dụng; 4) Các biện pháp giải quyết của Giáo Hội; 5) Giải quyết tận gốc rễ.
Phần II của cuốn sách với đề tài “Tha thứ” được trình bày theo hai đề mục chính yếu: 1) Những suy tư và định hướng về bản chất của Tha Thứ; 2) Mười hai giai đoạn Tha Thứ đích thực.
Tác phẩm “Làm sao tha thứ” dày 380 trang trên khổ giấy 14.5 x 20.5 cm, qua tác phẩm này, độc giả sẽ thấy hứng thú và được khích lệ khi đọc những trang sách này vì hai tác giả trình bày một vấn đề của thời đại gần gũi với kinh nghiệm và thao thức của mỗi người. Các điều được hai tác giả trình bày không chỉ như những ý niệm trừu tượng, nhưng như những kinh nghiệm sống, với sự hiểu biết uyên thâm, với thao thức mục vụ và với tình yêu sâu xa của các tác giả đối với Giáo Hội và các phần tử cụ thể của Giáo Hội.
Với những điều đã trình bày, tác phẩm “Làm sao tha thứ? Giải pháp chữa lành cho khổ nạn lạm dụng tình dục” là một kho tàng đáng trân trọng với tất cả những ai quan tâm đến đời sống của Giáo Hội và nhất là những ai có liên hệ với vấn đề lạm dụng tình dục.