Tác giả: Ronald Rolheiser
Chuyển ngữ: JB. Thái Hòa
Khi chúng ta khó khăn cầu nguyện với tâm trí, chúng ta vẫn luôn có thể cầu nguyện bằng ý chí và thể xác. Thể hiện bên ngoài có thể đủ cho cầu nguyện.
Nếu chỉ cầu nguyện khi có hứng, thì chúng ta không cầu nguyện nhiều.
Nhiệt tâm, thích thú và sốt mến sẽ không duy trì đời sống cầu nguyện được lâu, thiện chí và ý chí bền vững mới bền. Lòng và trí chúng ta là những con ngựa hoang phức tạp và lộn xộn, chồm lên theo hứng, và cầu nguyện không thường xuyên nằm trong dự định. Thánh Gioan Thánh Giá, nhà thần nghiệm, dạy chúng ta, sau thời gian đầu cầu nguyện sốt mến, chúng ta sẽ trải qua những năm tháng phải vật lộn, khi đó việc cầu nguyện rời rạc, buồn chán và dễ xao lãng. Vậy nên, vấn đề là làm sao chúng ta cầu nguyện lúc mệt mỏi, xao lãng, buồn chán, thiếu hứng thú, và đang lo với hàng ngàn chuyện khác. Làm sao chúng ta cầu nguyện khi trong lòng chúng ta chẳng muốn cầu nguyện? Nhất là làm sao chúng ta cầu nguyện khi cực kỳ chán cầu nguyện?
Các tu sĩ có những bí quyết đáng để chúng ta học hỏi. Bí quyết đầu tiên là nghi thức, trọng tâm nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện. Các tu sĩ cầu nguyện nhiều và thường xuyên, nhưng họ không bao giờ cố nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện dựa trên cảm xúc. Họ nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện bằng nghi thức. Các tu sĩ cầu nguyện chung bảy hay tám lần mỗi ngày, theo nghi thức. Họ quay quần trong nhà nguyện và đọc kinh phụng vụ (Kinh sáng, Kinh sách, Kinh giờ ba, Kinh giờ chín, Kinh chiều, Kinh tối, Kinh kết) hoặc cùng nhau cử hành thánh lễ. Không phải lúc nào họ cũng tham dự vì thấy thích, họ tham gia vì họ được kêu gọi, và rồi với lòng trí nhiều lúc thiếu sôt sắng, nhưng họ cầu nguyện bằng những phần sâu thẳm nhất, bằng quyết tâm và ý chí.
Trong luật thánh Bênêđictô viết cho đời sống tu sĩ có một câu thường được trích dẫn. Ngài viết, đời sống tu sĩ là theo quy tắc của tiếng chuông tu viện. Khi tiếng chuông tu viện cất lên, người tu sĩ bỏ ngang bất kỳ việc gì mình đang làm và đến bất kỳ nơi nào mà tiếng chuông đó triệu tập, không phải vì muốn mà vì đó là thời điểm, một thời điểm không phải của mình mà là của Chúa. Đó là một bí mật đầy giá trị, nhất là khi áp dụng cho việc cầu nguyện. Chúng ta cần cầu nguyện thường xuyên, không phải vì chúng ta muốn, mà vì đó là thời điểm để cầu nguyện, và khi không thể cầu nguyện với hết tâm trí, chúng ta vẫn có thể cầu nguyện bằng ý chí và thể xác.
Phải, bằng thể xác! Chúng ta hay quên rằng mình không phải là thiên thần không thể xác, chỉ có tâm trí. Không, chúng ta có cả thể xác nữa. Do đó, khi lòng trí khó khăn cầu nguyện, chúng ta vẫn có thể cầu nguyện bằng thể xác. Từ xưa đến nay, chúng ta đã cố làm việc này bằng cử chỉ và điệu bộ thể xác (làm dấu thánh giá, quỳ gối, đưa tay lên, chắp tay lại, quỳ một gối, nằm sấp) và chúng ta đừng bao giờ xem nhẹ hay hạ thấp tầm quan trọng của các cử chỉ. Nói đơn giản, khi không thể cầu nguyện bằng những cách khác, chúng ta vẫn có thể cầu nguyện bằng thể xác. (Mà ai dám nói một cử chỉ cầu nguyện chân thành thì thấp kém hơn động tác cầu nguyện của tâm trí?) Cá nhân tôi rất thích một cử chỉ, là hành động cúi đầu chạm đất của người hồi giáo khi họ cầu nguyện. Làm như thế là làm cho cơ thể mình thưa với Chúa: “Dù cho lòng trí con có thế nào, con quy phục sự toàn năng, thánh thiện và yêu thương của Ngài”. Dù là cầu nguyện chiêm niệm một mình, tôi vẫn thường kết lại bằng cử chỉ này.
Đôi khi, các ngòi bút thiêng liêng, các nhà phụng vụ học và giáo lý, lại phụ lòng chúng ta khi không nói rõ rằng cầu nguyện có nhiều giai đoạn – và trong đó, sự nhiệt tâm, sốt mến chỉ là một giai đoạn và là giai đoạn ban đầu. Như những tiến sĩ và nhà thần nghiệm thường dạy, cầu nguyện cũng như tình yêu, phải đi qua ba giai đoạn. Trước hết là lửa mến, rồi đến sự khô khan và chán ngán, cuối cùng là sự thanh thản, ý thức mình đang về nhà khi mà lời cầu nguyện không dựa vào hăng hái hay sốt mến mà dựa vào cam kết với giây phút hiện tại, bất chấp cảm giác như thế nào.
Dietrich Bonhoeffer, mục sư thần học gia người Đức, từng nói câu này khi chủ trì hôn lễ cho một cặp vợ chồng: Hôm nay, anh chị tràn đầy tình yêu và tin rằng tình yêu sẽ duy trì hôn nhân của mình. Không đâu. Hãy để hôn nhân (vốn có những nghi thức) duy trì tình yêu của anh chị. Chúng ta cũng có thể nói như thế về cầu nguyện. Lửa mến và nhiệt tâm sẽ không duy trì lời cầu nguyện, nhưng nghi thức thì có. Khi chúng ta khó khăn cầu nguyện với tâm trí, chúng ta vẫn luôn có thể cầu nguyện bằng ý chí và thể xác. Thể hiện bên ngoài có thể đủ cho cầu nguyện.
Trong quyển sách mới đây của mình, Chị Wendy yêu quý (Dearest Sister Wendy), tác giả Robert Ellsberg đã trích một câu của ông Michael Leach nói về kinh nghiệm của ông khi chăm sóc lâu dài cho người vợ bị Alzheimer: “Phải lòng ai đó là phần dễ nhất, học cách yêu là phần khó, và sống trong tình yêu là phần tối tối hậu”. Việc cầu nguyện cũng như thế.
|