Giuse Trần Đức Anh, O.P.
Chính Đức Thánh Cha đã tiết lộ chương trình này trong cuộc họp báo chiều ngày 15-9 vừa qua, trên chuyến bay từ thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan về Roma. Ngài nói:
"Về các chuyến tông du: đó là điều khó khăn vì bệnh đau đầu gối vẫn chưa khỏi, nhưng chuyến đi tới đây tôi sẽ thực hiện. [Ngài ám chỉ đến chuyến viếng thăm tại Bahrain dự kiến vào tháng 11 năm nay]. "Hôm nọ tôi đã nói chuyện với Đức Tổng Giám Mục Welby [Giáo chủ Anh giáo] và chúng tôi thấy có thể thực hiện chuyến đi Nam Sudan vào tháng 2 năm tới. Và nếu tôi đi Nam Sudan, thì tôi cũng sẽ đi Congo. Chúng tôi đang cố gắng. Chúng tôi sẽ đi cả ba người: vị thủ lãnh Giáo Hội Scotland, Đức Tổng Giám Mục Welby và tôi. Hôm nọ chúng tôi đã nói chuyện với nhau qua Zoom về vấn đề này...”
Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, Ông Matteo Bruni, xác nhận dự án viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Tiểu vương quốc Bahrain đang được cứu xét. Không có thêm tin tức chính thức nào từ phía Tòa Thánh về dự án này, ngoài lời xác nhận của Đức Thánh Cha: “Chuyến đi tới đây tôi sẽ thực hiện”.
Bahrain là một quần đảo gồm 33 đảo trong vùng Vịnh, với thủ đô là Manama, chỉ rộng 765 cây số vuông, với 1 triệu 700 ngàn dân cư, trong đó 235 ngàn là người nước ngoài.
Lý do Đức Thánh Cha có thể nhận lời thăm Bahrain
Ký giả Andrea Gagliarducci, chuyên nghiên cứu và đưa tin về các hoạt động của Tòa Thánh, cho rằng Đức Thánh Cha có thể nhận lời viếng thăm Bahrain vì đây là một nước Hồi giáo cởi mở đối với các tín hữu Kitô. Tiểu vương quốc này theo Hồi giáo Shia, và nếu Đức Thánh Cha đến thăm nước này, thì có thể là một cánh cửa quan trọng hướng về hệ phái này, tạo nên một sự cởi mở trọn vẹn đối với cả hai hệ phái, sau khi đã viếng thăm Abu Dhabi thuộc Hồi giáo Sunnit hồi tháng 2 năm 2019 và ký kết Tuyên ngôn quan trọng về Tình Huynh đệ nhân loại tại đây với Đại Imam al Tayyeb của Đền thờ kiêm Đại học Al Azhar, được coi là thẩm quyền uy tín nhất đối với 900 triệu tín hữu Hồi giáo Sunnit trên thế giới.
Ngoài ra, khi viếng thăm Bahrain, Đức Thánh Cha sẽ đáp ứng một nguyện vọng được Đức Cố Giám Mục Camillo Ballin (1944-2020), ấp ủ từ lâu. Ngài là Đại diện Tông Tòa ở Bắc Arabia.
Bối cảnh vấn đề
Ký giả Gargliarducci nhắc lại rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã được mời viếng thăm Bahrain ngay từ năm 2014, nhưng rồi ngài lại chọn viếng thăm Liên minh các tiểu vương quốc Arập, gọi là Emirati, hồi tháng 2 năm 2019 như vừa nói.
Hồi đó Đức Cha Ballin đã tỏ ra lo âu, bởi vì với quyết định như thế, Đức Thánh Cha tỏ ra dành ưu tiên đối với thoại Hồi giáo Sunnit, và bỏ qua Hồi giáo Shia, vốn được thực hành tại Bahrain. Và Đức Cha không phải là người duy nhất thấy nguy cơ đó. Vì thế, khi Đức Thánh Cha viếng thăm Irak hồi tháng 3 năm ngoái (2021), Đức Hồng Y Raphael Sako, Thượng Phụ Giáo Chủ Công Giáo Canđê, đã hết sức vận động để Đức Thánh Cha gặp thủ lãnh Hồi giáo Shia ở Irak là Ayatollah al Sistani, để bắc một nhịp cầu với Hồi giáo Shia. Và thực tế, cuộc gặp gỡ giữa hai vị thủ lãnh đã diễn ra tốt đẹp.
Và trước đó, ngày 3 tháng 2 năm 2020, một năm sau Tuyên ngôn về tình huynh đệ nhân loại được ký kết tại Abu Dhabi, Quốc Vương của Bahrain là Salman bin Hamad Al Khalifa, cùng với Thái Tử và thủ tướng của Bahrain đã được Đức Thánh Cha tiếp kiến tại Vatican. Cuộc gặp gỡ này là một cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai bên và đưa tới một quyết định cụ thể là việc khánh thành Nhà thờ chính tòa Đức Bà Arabia ngày 10 tháng 12 năm 2021.
Nhà Thờ chính tòa Đức Bà Arabia
Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, người Philippines, Tổng trưởng Bộ truyền giáo, đã đại diện Đức Thánh Cha chủ sự lễ thánh hiến nhà thờ.
Nhà thờ có hình dạng như Con Tàu Noe, có 2.300 chỗ ngồi và là thánh đường Công Giáo lớn nhất tại vùng Vịnh. Thánh đường được xây trên khu đất do Quốc Vương Hamad bin Isa Al-Khalifa của Bahrain tặng cho Giáo Hội Công Giáo địa phương cách đây 8 năm, và chính Nhà Vua đã khánh thành vào ngày 9-12-2021, hôm trước lễ thánh hiến.
Vì những giới hạn do Covid-19, nên chỉ có một số người được tham dự lễ khánh thành và thánh hiến.
Thánh đường là một phần của khu vực rộng 8.800 mét vuông và tọa lạc tại thị trấn Awali, ở trung tâm nước Bahrain. Quốc gia nhỏ bé có 80 ngàn tín hữu Công Giáo, đa số là người Philippines và Ấn độ.
Ngoài nhà thờ, còn có một nhà đa năng có thể sử dụng vào nhiều mục đích, một sân và khu vực đậu xe có hai tầng.
Vòm nhà thờ có hình bát giác. Bàn thờ, giếng rửa tội, các băng ghế và dụng cụ khác được chế tạo tại Ý. Chính Vua Hamad đã giới thiệu mô hình nhà thờ dài 1 mét cho Đức Thánh Cha Phanxicô nhân dịp được ngài tiếp kiến tại Vatican năm 2014.
Năm 2011, Tòa Thánh đã chính thức tôn Đức Bà Arabia là bổn mạng Giáo Hội Công Giáo tại Kuwait và Arabia.
Quốc Vương tiếp kiến Đức Hồng Y Tagle
Nhà Vua đã tiếp kiến Đức Hồng Y Tagle chiều ngày 10-12, vài giờ sau lễ thánh hiến Nhà Thờ. Đức Hồng Y mang theo lá thư Đức Thánh Cha gửi Quốc Vương. Cùng đi với Đức Hồng Y có Đức Cha Paul Hinder, dòng Capuchino, Đại diện Tông tòa Nam Arabia, kiêm giám quản Tông tòa Bắc Arabia.
Theo báo chí ở Bahrain, trong thư gửi Quốc Vương, Đức Thánh Cha Phanxicô cám ơn Nhà Vua và đề cao tầm quan trọng của lễ khánh thành Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Arabia. Đối lại, Quốc Vương gởi lời chào thăm và ca ngợi vai trò của Đức Giáo Hoàng trong "việc thăng tiến đối thoại và cảm thông giữa các tôn giáo và các nền văn minh, cũng như thăng tiến các giá trị của tình huynh đệ nhân loại, sự bao dung và sự sống chung giữa mọi người”. Ngoài ra, Nhà Vua khẳng định mong ước "củng cố những quan hệ hiện hữu và cộng tác” với Tòa Thánh. Đặc biệt Quốc Vương nhấn mạnh rằng việc thánh hiến Nhà thờ chính tòa thể hiện vai trò của nền văn minh nhân đạo tại Bahrain”, một quốc gia Hồi giáo qua nhiều thập niên cũng đã đón nhận các nơi thờ phượng không thuộc Hồi giáo.
Thư của Đức Thánh Cha cũng được phúc đáp bởi lời của Quốc Vương chính thức mời ngài viếng thăm Bahrain. Thư mời này đã được Sheik Khalid bin Ahmed bin Mohammed al-Khalifa, cố vấn ngoại giao của Nhà Vua, trao cho Đức Thánh Cha.
Lời mời Đức Thánh Cha đã có từ lâu
Đức Cha Camillo Ballin, một thừa sai người Ý, thuộc dòng thánh Comboni, rất am tường về bán đảo Arập. Ngài cũng là người đặc biệt quan tâm đến sự quân bình giữa các trào lưu và hệ phái Hồi giáo. Đức Cha đã được nhập quốc tịch Bahrain và là thành viên Trung Tâm sống chung hòa bình do Vua Ahmad thành lập và do các hoàng tử phụ trách.
Đức Cha vốn mơ ước một ngày nào đó Đức Giáo Hoàng đến thăm Bahrain và thường đề nghị Nhà Vua nước này mời Đức Giáo Hoàng.
Âm hưởng của chuyến viếng thăm
Nếu chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Bahrain tiến hành tốt đẹp, thì điều này cũng ảnh hưởng tốt đối với Cộng đoàn Công Giáo tại bán đảo Arập gồm 5 nước là Bahrain, Yemen, Qatar, Oman và Liên minh các tiểu vương quốc Arập, gọi là Emirati. Họ sống trên một lãnh thổ rộng 3 triệu 200 ngàn cây số vuông. Cách đây hơn 11 năm, ngày 31-5-2011, Đức Thánh Cha Biển Đức 16 tách cộng đoàn Công Giáo tại bán đảo này thành hai và bổ nhiệm Đức Cha Hinder phụ trách Giáo Hội tại miền nam và Đức Cha Ballin phụ trách miền bắc. Nhưng ngày 13-5-2020, Đức Cha Hinder lại phụ trách luôn miền bắc Arabia sau khi Đức Cha Camillo Ballin qua đời 1 tháng trước đó.
Nay Đức Cha Hinder có một người kế nhiệm là Đức Cha Martinelli, 63 tuổi, cho đến nay là Giám Mục Phụ tá Tổng giáo phận Milano, bắc Ý. Ngài từng làm giáo sư thần học linh đạo tại Giáo Hoàng đại học Antonianum của dòng Phanxicô ở Roma, và đến năm 2014 thì được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ tá Milano, giáo phận lớn nhất ở Ý với hơn 4 triệu rưỡi tín hữu Công Giáo.
Phần lớn dân cư tại bán đảo Arập là tín hữu Hồi giáo và chỉ có 3 triệu rưỡi tín hữu Công Giáo, phần lớn là công nhân nước ngoài, với tổng cộng 120 linh mục phụ trách mục vụ, đông nhất là người Philippines, Ấn độ, Pakistan, nhưng cũng có các tín hữu Công Giáo đến từ các nước Arập như Liban, Siria và cả Âu Châu nữa.
Nếu cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Bahrain diễn ra được thì chắc chắn nó cũng có âm hưởng tích cực về nhiều mặt đối với các tín hữu Công Giáo, các công nhân viên đang phục vụ tại Bán đảo Arập.