Tác giả: Ronald Rolheiser, Chuyển ngữ: J.B. Thái Hòa
Chúa Giêsu nói người giầu này có một lỗi lầm thôi, một lỗi lầm chí tử, là khi giàu có, ông đã không đáp lời người nghèo đang ở trước cửa nhà mình.
Cha Henri Nouwen từng nói, nếu chúng ta muốn hiểu bi kịch của Thế chiến II, chúng ta có thể đọc cả trăm quyển sách lịch sử, xem hàng ngàn giờ phim tài liệu hoặc đọc Nhật ký của Anne Frank. Trong hồi ký của cô gái trẻ bị Đức Quốc xã cầm tù rồi xử tử, chúng ta sẽ trực tiếp thấy bi kịch của chiến tranh và những gì chiến tranh gây ra cho tâm hồn con người.
Cũng có thể nói như thế về cuộc khủng hoảng tị nạn đang diễn ra khắp nơi trên thế giới. Theo thống kê từ Liên Hiệp Quốc, ở đường biên giới của nhiều nước trên khắp thế giới, có hơn 80 triệu người tị nạn, phải bỏ xứ ra đi, vô gia cư, vô tổ quốc, đang kinh hoàng và thường bị đói khát. Hai phần ba trong số này là phụ nữ và trẻ em, họ muốn tìm một cơ hội kinh tế tốt hơn ở nước khác và đa số họ không chủ ý quyết định đến đây. Họ bị đẩy ra khỏi quê hương vì chiến tranh, bạo lực, nạn đói, thanh trừng sắc tộc và tôn giáo, tính mạng của họ bị đe dọa.
Với nhiều người chúng ta, đây là một vấn đề mơ hồ. Chúng ta có lòng cảm thương chung chung cho cảnh ngộ của họ, nhưng không đủ sâu sắc để làm chúng ta trằn trọc, xáo động lương tâm hay làm chúng ta phải hy sinh một phần thoải mái và an ninh của mình để làm một cái gì giúp họ hoặc làm gì đó thúc ép chính phủ chúng ta ra tay hành động. Thật vậy, chúng ta quá thường xuyên bảo vệ quá mức đường biên giới cũng như cuộc sống thoải mái ổn định bên trong đất nước chúng ta. Đây là quốc gia chúng tôi! Quê hương chúng tôi! Chúng tôi đã làm việc cực khổ vì những gì chúng tôi có. Thật không công bằng khi bắt chúng tôi phải lo cho những người này! Họ nên về lại nước họ và để chúng tôi yên!
Chúng ta cần tỉnh ngộ. Quyển tiểu thuyết mới đây của Jeanine Cummins, Bùn đất Mỹ (American Dirt), cho chúng ta một tường thuật hư cấu về một phụ nữ trẻ người Mexico, vì sợ bạo lực và sợ mất mạng, phải để lại cuộc sống của mình và cùng con trai chạy trốn, tìm đường vào nước Mỹ làm người nhập cư không giấy tờ. Quyển sách này đã bị nhiều người chỉ trích nặng nề vì nó không phải lúc nào cũng đúng với sự thật chính xác từng chi tiết. Ngược lại, có nhiều người tấm tắc khen. Dù là gì đi nữa, rốt cùng, đây là câu chuyện mạnh mẽ, là hồi chuông cảnh tỉnh để chúng ta thức tỉnh trước bi kịch thực sự của những người vì nghèo đói, bạo lực, nạn đói, sợ hãi và tuyệt vọng mà buộc phải bỏ quê hương để tìm một cuộc sống tốt hơn (hoặc thậm chí chỉ để được sống) ở bất kỳ nơi nào khác. Dù quyển sách này có nhiều thiếu sót, nhưng nó giúp phá tan sự mơ hồ mà chúng ta dựa vào để khỏi nhìn vào vấn đề của người tị nạn thời nay.
Phải thừa nhận, vấn đề này không đơn giản. Có những vấn đề cực kỳ phức tạp liên quan đến bảo vệ đường biên giới và cho hàng triệu người tự do đi vào đất nước mình. Tuy nhiên, khi chúng ta cùng là con người giống nhau và sống cùng một hành tinh với những người tị nạn này, liệu chúng ta có thể làm ngơ trước cảnh ngộ của họ không? Hơn nữa, là kitô hữu, chúng ta có chấp nhận nguyên tắc căn bản và không thể thương lượng trong huấn giáo xã hội kitô giáo dạy rằng, thế giới thuộc về tất cả mọi người một cách bình đẳng và chúng ta không được bám vào bất kỳ niềm tin theo kiểu chủ nghĩa dân tộc nào nói rõ hay ngụ ý rằng đất nước này là của riêng chúng ta và chúng ta không có nghĩa vụ chia sẻ nó với người khác. Tán thành chủ trương như thế là phi kitô giáo và đi ngược lại lời dạy của Chúa Giêsu.
Tôi cho rằng, tất cả chúng ta nên suy ngẫm dụ ngôn của Chúa Giêsu (Lc 16, 19-31) về người giàu làm ngơ người nghèo trước cửa nhà mình và không chịu chia sẻ miếng ăn. Người nghèo chết đi và được ở trong lòng ông Abraham. Người giàu cũng chết đi và bị giày vò bởi cơn khát trong địa ngục. Ông kêu cầu Abraham cho người nghèo mà ông đã làm ngơ cả đời đem cho ông chút nước để giải cơn khát, nhưng hóa ra chuyện đó là không thể được. Chúa Giêsu bảo rằng có một “khoảng cách không thể vượt qua” giữa hai bên. Chúng ta luôn đơn giản hóa rằng khoảng cách không thể vượt qua này là khoảng cách giữa thiên đàng và địa ngục, nhưng nó không hẳn là ý mà dụ ngôn muốn nói. Khoảng cách không thể vượt qua này là khoảng cách đang tồn tại trên đời này giữa người giàu và người nghèo, và bài học chúng ta phải cố bắc cầu qua khoảng cách này trong đời này.
Chúng ta để ý, Chúa Giêsu không nói người giàu là người xấu hay làm giàu bất chính, không nói người này không phải là công dân chuẩn mực hay không đi nhà thờ, cũng không nói người này là không phải là người chồng chung thủy hay người cha tốt. Ngài chỉ nói người này có một lỗi lầm thôi, một lỗi lầm chí tử, là khi giàu có, ông đã không đáp lời người nghèo đang ở trước cửa nhà mình.
|