Tác giả: Art Bennett[1]
Chuyển ngữ: Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Từ: https://catholicexchange.com
Trong cuộc sống, có rất nhiều lý do có thể khiến người ta rơi vào trạng thái tuyệt vọng, thấy cuộc đời vô nghĩa, và sống ngày này qua ngày khác như một gánh nặng. Tôi muốn thảo luận ngắn gọn về 2 vấn đề khá rộng nhưng lại rất phổ biến:
Vấn đề thứ nhất đó là quan điểm phổ quát về Thiên Chúa, là Đấng ở rất xa hoặc vắng mặt một cách thờ ơ. Do đó, người ta không có lòng tin hoặc sự kính trọng đối với một số khía cạnh như bác ái, phụng vụ và cầu nguyện. Quan điểm này cũng không tin vào những điều vô hình trong cuộc sống như ý nghĩa, mục đích, tình yêu, phẩm giá, và công ích. Việc nghĩ rằng những yếu tố siêu việt chỉ là điều hoang đường được thêu dệt có thể dẫn người ta đến sự trống rỗng và thất vọng tận căn.
Vấn đề thứ hai đó là thiếu sự trải nghiệm về một cuộc sống ý nghĩa với tình yêu chân thật, sự an toàn, và sự cảm kích sâu sắc, và đôi khi có những tình huống bị tổn thương khiến người ta rơi vào tình trạng tuyệt vọng kinh niên hoặc từng đợt. Sự tuyệt vọng này thường dẫn đến việc người ta ít nghĩ cho bản thân và từ bỏ việc tìm kiếm hy vọng và tình yêu dành cho chính mình. Sự cám dỗ này khiến người ta cảm thấy mình không được yêu thương hoặc không thể yêu thương, và cam chịu trở thành gánh nặng cho chính mình và cho người khác.
Niềm tin Công giáo của chúng ta đối lập với 2 quan điểm này.
Chúng ta tin rằng chúng ta là một cộng đoàn gồm những người được Thiên Chúa yêu thương, do đó, chúng ta có thể cố gắng để yêu mến Ngài hết lòng, hết sức, hết trí khôn, và yêu thương người lân cận như chính mình. Đức tin luôn nhắc nhở chúng ta về tình yêu đích thực và sự gần gũi thiết thân của Thiên Chúa, cũng như việc Ngài ban tặng cho chúng ta một cuộc sống vĩnh cửu ngập tràn hạnh phúc và niềm vui. Những người hoài nghi luôn phản bác lại quan điểm này nhưng Giáo hội, bằng mọi cách, không ngừng mời gọi chúng ta trải nghiệm tình yêu bao la và siêu việt của Thiên Chúa.
Một trong những biện pháp khắc phục phổ biến đối với chứng bệnh chán nản và tuyệt vọng này mà phần lớn ngành tâm lý học hậu khoa học thần kinh, (ví dụ như Liệu pháp Hành vi Nhận thức chẳng hạn) nhấn mạnh, đó là quan sát kỹ những suy nghĩ và phản ứng của chúng ta như là nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt vọng. Đồng thời, khuyến khích chúng ta cân nhắc lại suy nghĩ của mình để tránh một thế giới quan, hoặc quan điểm riêng khiến chúng ta rơi vào tuyệt vọng. Vấn đề ở đây là làm sao để điều chỉnh lại lăng kính của chúng ta về những vấn đề của cuộc sống, để rồi, chúng ta nhận ra các sự việc không phải là sự bộc lộ những khiếm khuyết, mà là cơ hội để chúng ta phát triển và vượt thắng trở ngại.
Như Khoa thần kinh hiện đại cho thấy, nếu chúng ta xem trở ngại như là một vấn đề, một rắc rối, hoặc một yêu cầu vô lý, khiến chúng ta đóng khung vấn đề một cách chán nản và giảm thiểu những chọn lựa của chúng ta để chỉ còn là sự chiến đấu (Fight), bỏ chạy (Flight) hoặc chịu đựng (Freeze). Nhưng thực tế cho thấy rằng, rất khó và đôi khi chẳng thể giải quyết được những khó khăn nếu chỉ giới hạn trong ba chữ F đó, nên càng làm cho chúng ta chán nản hơn. Tuy nhiên, nếu chúng ta làm như khoa thần kinh học và nhiều vị Thánh đã làm đó là biến trở ngại thành một thử thách mang lại cho chúng ta thời cơ, thì tâm trí và tâm hồn của chúng ta sẽ vượt xa 3 chữ F và giúp chúng ta nhận ra những cơ hội để phát triển ngay giữa thử thách. Để gắn kết cảm thức của chúng ta về đức tin, đức cậy và đức mến; về điều kỳ diệu và cơ may; và phấn khởi về những tiềm năng của sự phát triển và chiến thắng. Cuộc sống không chỉ là việc đẩy tảng đá Sisyphus lên đỉnh núi[2], mà còn là cơ hội, thậm chí là cuộc chiến đấu để dẫn tới sự trưởng thành, theo ý muốn của Thiên Chúa, và để đạt được hạnh phúc vĩnh cửu.
Ngoài việc mở rộng tư tưởng của chúng ta, Giáo hội và tâm lý học hiện đại cũng tái kích hoạt khả năng của chúng ta để có thể cảm nhận một cách khác biệt và lành mạnh. Với sự khôn ngoan, Giáo hội luôn coi cảm xúc là vô thưởng vô phạt về mặt luân lý. Cảm xúc vốn dĩ không phải là tội lỗi hoặc là dấu cho thấy chúng ta tồi tệ đến mức nào. Chính cách chúng ta hành xử liên quan đến những cảm xúc đó cho thấy chúng ta đang lớn lên trong sự thánh thiện hay tội lỗi, trong hy vọng hay tuyệt vọng. Có những biện pháp can thiệp tuyệt vời về mặt tâm lý có thể giúp chúng ta vượt thắng những tổn thương tâm lý vốn hạn chế những phản ứng về mặt cảm xúc và mở ra những chọn lựa từ phản ứng mang tính gây hấn sang yêu thương và biết quan tâm.
Đức tin và tâm lý Công giáo không khuyến khích chúng ta trốn tránh vấn đề, nhưng hỗ trợ và động viên chúng ta nhìn mọi thứ theo nhãn quan của một vị Thiên Chúa, Đấng luôn ở bên chúng ta và yêu thương chúng ta. Từ 2.000 năm qua, chúng ta được mời gọi điều chỉnh lại quan điểm của mình để thấy: kẻ thù đáng để chúng ta yêu thương; sự khủng khiếp của thập giá là chính sự cứu độ; bánh và rượu là chính mình và máu, linh hồn và thần tính của Đức Kitô đến trong cuộc đời chúng ta và biến đổi chúng ta. Đức Kitô luôn kết hợp sự chữa bệnh với sứ vụ yêu thương và khôn ngoan của Ngài. Ngài luôn dành thời gian để chữa lành những căn bệnh thể lý và từ đó, giúp con người lớn lên và vượt thắng chúng. Cũng thế, Giáo hội cũng vẫn luôn quan tâm đến tâm trí, linh hồn, hạnh phúc và phúc lợi của con người.
Việc chữa lành và hy vọng, đức tin và sự trưởng thành, sự tin tưởng vào Thiên Chúa và tin tưởng vào người khác là chìa khóa để vượt thắng sự tuyệt vọng và đòi chúng ta suy nghĩ, cảm nhận và gắn bó với cuộc sống như thể chúng ta được Thiên Chúa yêu thương và nâng đỡ trong từng phút giây.
Thật thế, Vương quốc của Thiên Chúa vẫn luôn ở giữa chúng ta và vẫn luôn là Tin mừng giúp chúng ta vượt thắng sự chán nản và tuyệt vọng trong cuộc sống.
[1] Art Bennett là một nhà Trị liệu với hơn 30 năm kinh nghiệm về Hôn nhân và Gia đình. Ông là Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Tổ chức Từ thiện Công giáo, Giáo phận Arlington, Hoa Kỳ.
[2] Theo thần thoại Hy Lạp, Sisyphus bị các vị Thần trừng phạt phải đẩy một khối đá lớn lên đỉnh núi, khi lên tới đỉnh, Sisyphus phải đứng nhìn khối đá lăn xuống chân núi, và anh phải đẩy lại hòn đá lên đỉnh, cứ như vậy lặp đi lặp lại suốt đời |