Giuse Trần Đức Anh, O.P.
Ấn tượng của Đức Thánh Cha
Vị có cảm tưởng tích cực là chính Đức Thánh Cha, như ngài tỏ lộ trong câu trả lời cho nữ ký giả Zhanat Akhmetova của hãng thông tấn TV Khabar thuộc Kazakhstan trong cuộc họp báo trên máy bay chiều ngày 15/9 lúc trở về Roma. Ngài nói:
"Cuộc viếng thăm này đối với tôi cũng là một ngạc nhiên, vì về miền Trung Á, ngoài nhạc của Borodin, tôi không biết gì. Thật là một ngạc nhiên khi gặp gỡ các đại diện của quốc gia Kazakhstan. Và cả Kazakhstan cũng là một ngạc nhiên đối với tôi vì tôi không ngờ nước này như thế. Trước đó tôi chỉ biết đó là một nước, một thành phố phát triển tốt đẹp, khôn ngoan. Nhưng sau 30 năm độc lập, phát triển được như thế, thật là điều tôi không ngờ. Ngoài ra, một nước lớn như thế, mà chỉ có 19 triệu dân, thật là không tưởng tượng được, một nước rất kỷ luật, đẹp đẽ, bao nhiêu vẻ đẹp: kiến trúc của thành phố rất quân bình, bố trí kỹ lưỡng. Một thành phố tân tiến, và cả về mặt phát triển văn hóa. Thật là một ngạc nhiên mà tôi không ngờ. Rồi về Hội nghị các vị lãnh đạo tôn giáo, một điều rất quan trọng, và đã tiến tới Hội nghị kỳ 7. Điều này cho thấy đó là một nước nhìn xa trông rộng, giúp đối thoại giữa những người thường bị gạt bỏ. Vì có một quan niệm cấp tiến của thế giới theo đó, điều đầu tiên mà người ta gạt bỏ là những giá trị tôn giáo. Kazakhstan là một nước xuất hiện trước mặt thế giới với một đề nghị về Hội nghị các tôn giáo và đã thực hiện được 7 lần rồi, thật là điều tuyệt vời! Bà có thể hãnh diện về đất nước của bà”.
Cảm tưởng của Đức ông Akashed
Đức Ông Khaled Boutros Akasheh, 68 tuổi (1954), người Giordani, Tổng thư ký Ủy ban Tòa Thánh liên lạc tôn giáo với người Hồi giáo, thuộc Bộ Đối thoại Liên tôn, nói với Radio Vatican rằng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Kazakhstan và sự tham dự của ngài tại Hội nghị các vị lãnh đạo tôn giáo thế giới tại Nur-Sultan là một đóng góp quan trọng cho công việc của Hội nghị này, và giúp duy trì hy vọng mặc dù chiến tranh tại Ucraina và tại nhiều nơi khác trên thế giới vẫn tiếp diễn.
Theo Đức Ông, đó là xác tín của những người tham dự Hội nghị và cả những người theo dõi sinh hoạt này qua truyền hình và các mạng xã hội. "Hy vọng và lời nguyện cầu của chúng tôi là những thành quả của Hội nghị này tiếp tục mưu ích cho đất nước Kazakhstan, cho miền này và cả thế giới”.
Đức Ông Akasheh cũng nhận xét rằng sự hiện diện của đại diện tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga tại Hội nghị, Đức Tổng Giám Mục Antonij, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ của Giáo Hội này, cũng là một dấu chỉ hy vọng. "Tôi đã có dịp trao đổi với Đức Tổng Giám Mục, và cảm thấy tin tưởng. Dĩ nhiên, nếu chiến tranh tiếp tục, thì điều này có những rắc rối, nhưng niềm hy vọng của chúng ta phải mạnh hơn nổi âu lo”.
Đức Ông Akasheh cũng tỏ ra có ấn tượng mạnh về những yếu tố được nói đến trong Tuyên ngôn chung kết của Hội nghị Liên tôn ở Nur-Sultan, và là những yếu tố được Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh, đó là hòa bình, tình huynh đệ, và cả tha thứ và cảm thông nhau, đây là những giá trị cần thiết, đặc biệt trong thời điểm đặc thù hiện nay, để vượt thắng những khó khăn và tái lập sự tín nhiệm và hòa bình, không những giữa Ucraina và Nga, nhưng cả trong những cuộc xung đột khác đang diễn ra trên thế giới.
Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan
Đức Cha Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Ba Lan, Stanislaw Gadecki, Tổng Giám Mục giáo phận Posznan, đã hướng dẫn phái đoàn Công Giáo Ba Lan, đến Nur-Sultan để dự Hội nghị các vị lãnh đạo tôn giáo và cùng với các tín hữu tham dự Thánh lễ với Đức Thánh Cha chiều ngày 14/9.
Tuyên bố với hãng tin Kai của Công Giáo Ba Lan, Đức Tổng Giám Mục Gadecki cho biết bầu không khí tại Hội nghị thật là thân mật và thân hữu. Ngài nói: "Thật là một điều tự nhiên khi Hội nghị này diễn ra ở Kazakhstan lần thứ 7 vì đây là một quốc gia rộng lớn, nơi có hàng trăm sắc tộc sinh sống và hầu như tất cả các tôn giáo đều hiện diện tại nước này. Tổng thống Tokayev cố gắng bảo tồn sự thống nhất quốc gia và để được vậy, ông phải dùng phương thế đối thoại, một điều không dễ dàng. Nhưng cho đến nay ông đã thành công. Nhân dân Kazakhstan rất bao dung và ý thức rằng quốc gia sẽ không có tương lai nếu không có an bình nội địa."
Đức Tổng Giám Mục lưu ý về một đoạn trong diễn văn của tổng thống Tokayev chào mừng Đức Thánh Cha, trong đó ông có nhắc đến những người Ba Lan và sự hiện diện của sắc dân này tại Kazakhstan từ khi Staline lưu đày họ đến miền này trong thập niên 1030 và 1040.
Đức Tổng Giám Mục Gadecki cũng nhận xét về bài tham luận bi thảm của Đức Tổng Giám Mục Antonij, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ tòa Thượng Phụ Chính Thống Mátxcơva: Đức Tổng Giám Mục trình bày một bối cảnh bi thảm của thế giới và nói rằng sau đại dịch có những cuộc chiến tranh ở các nơi và thế giới đang lâm vào cuộc khủng hoảng về kinh tế và luân lý.
Đức Tổng Giám Mục Gadecki tỏ ra ngạc nhiên vì sau phần chính thức của Hội nghị, có phần trao tặng huân chương của Hội nghị và Đức Tổng Giám Mục Antonij được trao tặng huân chương thứ 4 vì đã đóng góp vào cuộc đối thoại. "Mọi người vỗ tay như thể không có gì đã xảy ra... Rất tiếc là Đức Tổng Giám Mục Antonij và cũng như không có ai trong các diễn văn chính thức đề cập đến chiến tranh tại Ucraina. Chỉ có Đức Thánh Cha nói tới chiến tranh. Tôi ngạc nhiên vì mức độ của Hội nghị này và con số các tham dự viên”.
Sau cùng Đức Cha Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan kể lại Thánh lễ Đức Thánh Cha cử hành, thật là tốt đẹp với gần 10 ngàn tín hữu. "Thật là điều cảm động tại Kazakhstan, vì các cộng đoàn Công Giáo ở nước này rất rải rác, tại nhiều nơi chỉ có 10, hay 15 tín hữu tụ họp dự lễ. Có rất nhiều người rước lễ trong Thánh lễ với Đức Thánh Cha... Tôi cũng ngạc nhiên vì con số đông đảo các Linh Mục và chủng sinh Ba Lan, thật là điều giúp lên tinh thần, một biến cố đặc biệt đối với Kazakhstan. Tôi cũng rất vui mừng vì trưởng ban tổ chức là Đức Tổng Giám Mục Tomasz Peta của giáo phận Nur-Sultan, người mà tôi đã quen biết từ hồi còn ở chủng viện Gnieszno bên Ba Lan.” (Kai 16-9-2022)
Hy vọng của một Linh mục thừa sai
Sau cùng, 1 linh mục thừa sai người Áo, Cha Leo Kropfreiter, bày tỏ hy vọng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Kazakhstan để lại nhiều hiệu quả tích cực cho Giáo Hội Công Giáo địa phương.
Cha Leo thuộc dòng "Tôi Tớ Chúa Giêsu và Mẹ Maria” (Servi Jesu et Mariae), thụ phong Linh Mục năm 2008 và ngay sau đó được Bề trên gửi đến Kazakhstan hoạt động từ 14 năm nay. Tại Korneewka miền bắc nước này, cha và các tu sĩ cùng dòng cộng tác với các nữ tu dòng Phan Sinh phụ trách trung tâm giáo dục thánh Lorenzo với khoảng 200 em học sinh và người trẻ, từ tiểu học đến trung học. Từ 4 năm nay, cha Leo là giám đốc hành chánh của trường này. Từ năm 2015, cha cũng là Giám đốc toàn quốc các Hội Giáo Hoàng truyền giáo ở Kazakhstan.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Radio Vatican tiếng Đức, Cha Leo nói rằng: "Chúng tôi hy vọng có nhiều công hiệu tích cực từ cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha và cụ thể là chúng tôi sẽ có nhiều tiếp xúc hơn với dân Kazakhstan. Nguyên trong thời gian chuẩn bị cho cuộc viếng thăm, chúng tôi đã có những liên lạc chặt chẽ với các nhân viên của chính phủ Kazakhstan. Họ cố gắng hết sức để mọi sự tiến hành tốt đẹp. Qua sự cộng tác đó, nhiều người Kazakhstan, vốn chưa có ý niệm gì về Giáo Hội Công Giáo, nay họ được dịp am tường hơn về Giáo Hội. Chúng tôi tin rằng những tiếp xúc như thế sẽ mang lại hoa trái trong tương lai”.
Cộng đoàn “Tôi tớ Chúa Giêsu và Mẹ Maria” của cha Leo đã cộng tác nhiều vào việc chuẩn bị chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại thủ đô Nur-Sultan.
Cha Leo cũng cho biết nhiều tín hữu gốc Đức và Ba Lan ở Kazakhstan đã xuất cư trong những năm qua, khiến cho cộng đoàn Công Giáo địa phương thưa người hơn, cơ cấu trở nên bé nhỏ hơn, nhưng đồng thời nhờ đó "chúng tôi cởi mở hơn đối với dân Kazakhstan bản địa. Những người dân này thường là những người Hồi giáo truyền thống. Thật là đẹp khi thấy dần dần có những cuộc xin rửa tội và trở lại Công Giáo từ những người thực sự trước kia rất xa Giáo Hội Công Giáo”.
Người Hồi giáo thường rất bảo thủ. Cách thức họ tiếp xúc với Giáo Hội Công Giáo và tìm ra ơn gọi của họ là điều mới mẻ. Chúng tôi nhận thấy rằng con đường tương lai đang được mở ra. Những người đến từ xa như thế, cảm nghiệm sự thu hút của Kitô giáo rất mạnh. Đó cũng là một bước quan trọng đối với chúng ta, thúc đẩy chính chúng tôi phải hoán cải, tái khám phá vẻ đẹp đức tin của mình và vẻ đẹp của Thiên Chúa”. (Kathpress 15-9-2022)