Ngọc Yến - Vatican News
Trong cuộc họp trực tuyến dành cho các nhà báo được tổ chức vào ngày 08/9, cha Guido Trezzani, Giám đốc Caritas Kazakhstan mô tả về bầu khí hiện nay tại đất nước Trung Á: “Mặc dù cộng đoàn Công giáo là một thiểu số rất nhỏ ở một đất nước có đa số theo Hồi giáo, nhưng người dân đang rất mong đợi cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha”.
Cha cho biết, truyền thông đưa tin rất nhiều về cuộc viếng thăm. Ngay từ đầu, chính phủ Kazakhstan đã sẵn sàng cộng tác sự kiện lớn này, cụ thể giúp giải quyết chỗ nghỉ đêm cho các tín hữu hành hương ở các quốc gia khác đến tham dự Thánh lễ do Đức Thánh Cha chủ sự.
Mặt khác, nơi người dân vẫn còn một kỷ niệm rất sống động về cuộc viếng thăm của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 2001, mặc dù lúc đó sức khoẻ của ngài không được tốt. Cử chỉ đó được coi là một dấu hiệu đặc biệt của sự gần gũi với đất nước và người dân rất cảm kích. Lần này, mọi người cũng đang quan tâm đến sức khoẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô, và lo lắng không biết ngài có đến được không, và rất kỳ vọng vào những gì ngài sẽ nói với cộng đoàn Công giáo bé nhỏ và toàn thể Kazakhstan.
Nói về hoạt động bác ái của Giáo hội, cha Trezzani nhấn mạnh rằng, Caritas là một công cụ mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của người dân. Bởi vì mặc dù Kazakhstan là một quốc gia giàu tiềm năng về tài nguyên, nhưng thực tế người dân, nhất là dân cư sống ở nông thôn, ở xa các thành phố lớn gặp nhiều khó khăn.
Caritas tham gia vào một số lĩnh vực như giáo dục, y tế, trợ giúp cho những người dễ bị tổn thương nhất như người già và người tàn tật. Từ năm 2014, Caritas đã khởi động một dự án “thí điểm” để hỗ trợ các gia đình có trẻ em mắc hội chứng Down. Cụ thể, tổ chức bác ái của Giáo hội đã mở một Trung tâm ở Almaty với chi nhánh ở khu vực Caspio và ba điểm khác đang mở.
Giám đốc Caritas Kazakhstan nói thêm: “Công việc của Caritas không chỉ nhằm giúp đỡ các gia đình bằng cách thúc đẩy việc đưa các em đến trường và đồng hành với thế giới lao động nhưng còn là các sáng kiến nâng cao nhận thức bắt đầu từ các phòng khám”. Bởi vì theo cha, ở các phòng khám này, các nhân viên y tế thường đề nghị các gia đình phá thai, hoặc các em bị bỏ rơi trong trại trẻ mồ côi vì tình trạng của hội chứng được xem như “một tình huống vô vọng”.
Vì vậy trở lại những mong đợi đối với cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha, Giám đốc Caritas nói: “Tôi mong Đức Thánh Cha nói cho chúng tôi biết những gì ngài mong đợi nơi chúng tôi. Đức Thánh Cha biết thực tế của chúng tôi. Chúng tôi cần lời của ngài để hiểu cách thoát ra khỏi câu ngạn ngữ ‘chúng tôi đã luôn làm như thế’”.