Tác giả: Zoe Romanowsky - Nguồn: Aleteia (26/7/2022) Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
Có thể đồng cảm với người khác là điều quan trọng, nhưng có một điều khác còn quan trọng hơn.
Chúng ta nghe rất nhiều về tầm quan trọng của sự đồng cảm. Khả năng đồng cảm là cần thiết cho các mối quan hệ lành mạnh, cho cuộc sống và sự phát triển ở nơi làm việc, trường học, gia đình và xã hội nói chung. Đó là một trong những đường nét quan trọng nhất cần khuyến khích ở trẻ em khi chúng lớn lên.
Đồng cảm là một phản ứng về mặt cảm xúc và nhận thức giúp thúc đẩy sự kết nối và hiểu biết giữa con người với nhau. Người đồng cảm có khả năng chia sẻ cảm xúc với một người khác, đến bên cạnh họ, bước vào vị trí của họ và nhìn mọi thứ từ góc độ của họ, ngay cả khi họ chưa từng có trải nghiệm tương tự. Sự đồng cảm nuôi dưỡng cảm giác thân thuộc và tin tưởng nơi mọi người.
Nhưng có một mặt trái của sự đồng cảm không được chú ý đến nhiều.
Nếu bạn đồng cảm quá mức, nó có thể khiến bạn kiệt sức. Đó là một lý do làm cho các chuyên gia trợ giúp trong cách lãnh vực như tâm lý trị liệu, điều dưỡng và công tác xã hội thường trở nên suy kiệt. Theo thời gian, cảm nhận những gì người khác đang cảm thấy có thể khiến bạn suy nhược, cuối cùng khiến bạn kiệt sức và dẫn đến những cảm xúc tiêu cực, thậm chí còn xuất hiện những vấn đề về sức khỏe tinh thần của bạn. Mức độ đồng cảm thường xuyên với người khác cũng có thể dẫn đến sự lãnh cảm nếu bạn không đặt ra những ranh giới lành mạnh.
Sự đồng cảm cũng có thể dẫn đến sự chia rẽ, điều này nghe có vẻ mâu thuẫn vì đồng cảm vốn là một kỹ năng cần thiết để xây dựng các mối quan hệ đáng tin cậy. Nhưng vì sự đồng cảm giúp chúng ta kết nối với nỗi đau khổ của người khác, nên nó cũng có thể gặp phải giới hạn khi sự đồng cảm khiến chúng ta gắn bó cách sâu sắc với những người và nhóm cụ thể nào đó. Một bài báo trên tạp chí Forbes về mặt tối của sự đồng cảm ghi nhận rằng,
Dù cho bản năng của chúng ta là hỗ trợ và bảo vệ nhóm của mình, nhưng điều đó cũng có thể làm cho chúng ta xem những người không thuộc nhóm của mình là một phần của một nhóm nào đó bên ngoài và là mối đe dọa đối với bản sắc xã hội của chúng ta. Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng sự đồng cảm được khơi dậy từ kết nối xã hội khiến chúng ta nhiều khả năng sẽ phi nhân hóa những cá nhân được coi là thuộc một nhóm bên ngoài. Ở khía cạnh cực đoan, sự đồng cảm có thể khơi lên lòng ác cảm đối với những người khác biệt với chúng ta.
Vì vậy, mặc dù sự đồng cảm giúp chúng ta kết nối và thấu hiểu người khác, nhưng nó có thể thúc đẩy sự chia rẽ dẫn đến thành kiến và thậm chí là công kích.
Phải chăng điều này có nghĩa là chúng ta đừng nên đồng cảm và dạy con cái của chúng ta như thế?
Tuyệt đối là không. Đồng cảm là một phần thiết yếu để trở thành một con người tốt và đem lại những mối quan hệ đích thực và có ý nghĩa.
Mặt trái duy nhất của sự đồng cảm là nó không đi đủ xa. Sự đồng cảm cuối cùng sẽ dẫn chúng ta đến lòng trắc ẩn.
Theo Psychology Today, “Lòng trắc ẩn là sự thấu hiểu đầy cảm thông về cảm xúc của một người, đi kèm với đó là lòng vị tha hoặc mong muốn được hành động thay cho người đó.”
Từ “lòng trắc ẩn” (compassion) có nghĩa là “chịu đựng” (suffer with) một ai đó, với ý niệm là để giúp đỡ người khác khi họ cần. Dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu (x. Lc 10,25-37) là một ví dụ về lòng trắc ẩn. Người lữ khách đồng cảm với người bị đánh đập bên đường, nhưng không dừng lại ở đó - anh ta có lòng trắc ẩn với người đó bằng cách thể hiện sự quan tâm, chăm sóc và hành động để giảm bớt nỗi đau khổ cho người đó. Điều này đòi hỏi người lữ khách phải đưa ra một kế hoạch để giúp đỡ và thực hiện các bước để biến sự giúp đỡ đó thành hiện thực.
Lòng trắc ẩn là tiêu chuẩn cho mọi Kitô hữu, và cho bất cứ ai muốn nâng tình yêu lên đến mục đích cao nhất. Bạn không thể có lòng trắc ẩn nếu không có sự đồng cảm, nhưng sự đồng cảm chỉ là điểm khởi đầu.
Vì vậy, đừng chỉ dừng lại ở sự đồng cảm - nếu không, bạn có thể sa lầy trong đó. Hãy nuôi dưỡng lòng trắc ẩn bằng cách cho phép những xúc cảm từ sự gắn bó và kết nối dẫn bạn đến việc cân nhắc những gì người kia cần và cách mà bạn có thể giúp đỡ người đó. Đây có thể là một hành độngnào đó thể hiện lòng thương xót, hoặc có thể là cầu nguyện, nhưng bằng cách theo đuổi lòng trắc ẩn, bạn sẽ không chỉ bắt chước Người Samaritanô nhân hậu mà thôi, nhưng còn là bắt chước chính Chúa.
|