Nhắc đến mẫu người cuốn hút, làm ta nhớ mãi không quên, nhiều bạn trẻ nghĩ yếu tố hàng đầu là nhan sắc, tiếp đó là trí thông minh và tài năng. Thế nhưng, khi “trưng cầu dân ý” trên mạng xã hội, câu trả lời được đồng tình nhiều nhất lại là: Người tinh tế, tốt bụng, trí thông minh cảm xúc cao.
Hội chị em cứ đinh ninh rằng nam giới thường nhớ những phụ nữ xinh đẹp, thông minh sắc sảo. Hóa ra rất nhiều anh em bị “đốn tim” trước một bóng hồng không cần quá đẹp, chỉ cần dịu dàng, đoan trang, nhân hậu. Một số anh còn vương vấn mãi cô gái điềm đạm, bao dung, thấu tình đạt lý và tỏa ra “hơi ấm” tình mẹ.
Hội anh em thì khá chắc kèo rằng phụ nữ thường thích đàn ông giàu có, quyền lực, biết ăn nói. Thế nhưng, đa số các cô cho rằng hành động tử tế của một chàng trai giúp anh ấy tỏa sáng hơn cả ngoại hình, ngoại tệ (giữ cửa cho người khác; xách đồ giúp khi ai đó mang nặng; nhường phái yếu/ người già/ trẻ nhỏ đi vào phần trong vỉa hè để tránh xe cộ; đi cùng bạn nữ thì cố ý bước chậm cho họ theo kịp...)
Một cô gái đã kể lại kỷ niệm đẹp thời học cấp ba: Hồi đó cô đậm người, da đen sạm, mặt mụn, bị nhiều bạn nam cùng lớp “body samsung” (body-shaming) và phân biệt đối xử. Mỗi lần cả lớp tổng vệ sinh, các bạn nữ chỉ cần nhỏ nhẹ nhờ là có người bê bàn ghế hộ, riêng cô lủi thủi tự mình làm mọi thứ. Có khi còn bị đám con trai dồn thêm việc vì “mày to như khủng long thì dư sức làm”. Một hôm, có cậu bạn đến khiêng giúp bàn ghế, bất chấp các nam sinh khác chế giễu. Nghĩa cử ấy in sâu vào lòng cô gái cho đến khi cô trưởng thành và đi làm. Dù không đẹp trai nhưng trong mắt cô, cậu học trò năm xưa tỏa sáng như một vì sao.
Công ty nọ ngạc nhiên khi thấy một anh chàng tốt bụng, giỏi giang đem lòng say mê cô nhân viên văn phòng chẳng có gì nổi trội, từ sắc vóc đến trình độ. Thì ra anh từng thấy cô mua ổ bánh mì kẹp thịt tặng bé bán vé số nghèo, còn cho thêm tiền để em mua đôi dép. Chỉ có vậy mà anh rung động và nhớ mãi.
Trong một nhóm facebook, cô gái nọ đăng vài dòng về bạn trai cũ - một người tinh tế, luôn cư xử đẹp lòng bạn gái lẫn người xung quanh, chỉ tiếc họ không thể bên nhau lâu dài. Bên dưới bài đăng, một anh chàng “vô duyên” nhảy vào: “Chắc vì bạn nhõng nhẽo, làm khổ người ta quá nên bị đá chứ gì?”.
Bình luận mất thiện cảm này bị nhiều bạn nữ nhắc nhở rằng ăn nói như thế sẽ chẳng cô nào thích đâu. Tuy người đăng bài nói lý do “vì bạn trai cũ đi du học lâu năm, không đi theo cũng không chờ được nên mới chia tay”, nhưng cậu ta chẳng hề xin lỗi, còn ngang ngược mắng những ai trách cứ mình. Cậu bảo dùng tài khoản ảo trên mạng thì muốn nói gì chẳng được, sao lại phán xét người khác, “tôi ngoài đời cũng ăn nói thô thiển thế đấy, chẳng mướn mấy người thích tôi!”.
Đây là “ế bằng thực lực” mà giới trẻ vẫn nói chăng?
Ngày nay, sống trong môi trường quá trọng vật chất, hư vinh và vẻ ngoài, người ta dễ lãng quên tầm quan trọng của nhân tâm. Dường như mọi lỗi sai, tật xấu đều thể tất được/ cho qua nếu đối phương đủ đẹp mã.
Thanh thiếu niên dễ bị cuốn vào lối suy nghĩ “tốt nước sơn” đôi lúc còn hơn cả “tốt gỗ”. Trào lưu xét lại văn học cổ điển và truyện cổ tích càng cổ vũ xu hướng bôi xấu nhân vật thiện và thương cảm, “tẩy trắng” nhân vật ác. Vài người biện minh cho sự độc mồm độc miệng, ăn nói kém duyên là “thô nhưng thật”, cười nhạo người nói năng nhẹ nhàng, tế nhị là “thảo mai, giả tạo”.
Nhà văn J.R.R Tolkien, tác giả bộ tiểu thuyết “Chúa tể của những chiếc nhẫn”, đã viết:
“Không phải vàng nào cũng lấp lánh,
Không phải ai lang thang cũng lạc đường.
Cổ thụ mạnh mẽ thì dễ gì khô héo,
Rễ đã bén sâu nào sợ gió sương”.
Những giá trị đẹp đẽ như lòng tốt, đức hy sinh, tính trung thực… tựa vàng ròng. Dẫu có bị thời gian làm cho hoen ố, dẫu người ta có nhầm lẫn những thứ lấp lánh khác là vàng, chỉ cần được đánh bóng, vàng sẽ lại tỏa sáng.
Sau khi đã lăn lộn đủ nhiều, con người sẽ lại thừa nhận vẻ đẹp bền vững của sự tử tế.
Ths-Bs Lan Hải |