Bắt đầu từ thời cận đại, làn sóng tư tưởng vô thần và duy vật vô thần bắt đầu nêu lên ý tưởng rằng "con người là con vật" nhằm chối bỏ sự hiện hữu và vai trò của Thiên Chúa trong cuộc sống con người. Người ta muốn nói về một tiến trình tiến hóa hoàn toàn ngẫu nhiên và tự nhiên của vũ trụ này, trong đó con người cũng chỉ là một trong muôn loài thú vật khác đã dần dần tiến hóa thành con người hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, đức tin và giáo lý Kitô Giáo không chấp nhận quan điểm trên đây vì đề cao phẩm giá của con người cách đặc biệt. Bài viết dưới đây sẽ tiếp cận vấn đề dưới góc độ sinh vật học, triết học và giáo lý Công Giáo để chứng minh con người không phải là con vật.
1. Sinh vật học
Dưới góc độ sinh vật học thì con người có cấu tạo cơ thể và cơ chế hoạt động của các bộ phận giống như các con vật khác (cơ quan tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, sinh sản...). Xét theo góc độ này người ta nói con người thuộc nhánh động vật linh trưởng. Tuy nhiên, xét về khả năng sinh tồn tự nhiên thì con người thua xa nhiều loài vật: không mạnh như voi, không nhanh như báo, không sống lâu như rùa, không chịu khát được như lạc đà. Thế nhưng, con người lại có thể làm chủ mọi loài vật khác nhờ khả năng trí tuệ. Như thế, tuy sinh vật học xếp con người vào nhóm động vật, nhưng vẫn cho biết rằng con người khác các loài vật khác.
2. Triết học
Các trường phái triết học nhìn nhận con người khác nhau.
- Triết duy vật khẳng định yếu tố căn bản của vật chất cùng sự tiến hóa. Con người trong cái nhìn của triết duy vật là động vật bậc cao – con vật có trí khôn. Nhờ trí khôn, con người vượt trổi các loài vật khác ở khả năng sử dụng công cụ lao động và tận dụng tài liệu, tài nguyên để phát triển. Nhưng tựu trung lại, triết học duy vật xem con người là con vật.
- Triết học hữu thần và triết học nhân học không chấp nhận gọi con người là con vật (animal), mà dùng từ sinh vật (creature). Trường phái triết học này đưa ra các so sánh để thấy rõ sự khác biệt giữa con người và con vật.
+ Khả năng sử dụng dụng cụ lao động: Mặc dù một số loài vật có khả năng bắt chước hoặc dùng dụng cụ tự nhiên để kiếm ăn, nhưng chúng không sử dụng bằng trí tuệ. Chỉ duy loài người là biết phát minh và phát triển các phương tiện lao động, cũng như biết gìn giữ chúng để sử dụng lâu dài.
+ Ngôn ngữ: Mỗi loài vật có cách liên lạc riêng, nhưng đó không phải là ngôn ngữ mà là tín hiệu. Bởi chưng ngôn ngữ cần hiểu là phương tiện truyền thông có ý nghĩa và ngữ pháp. Trong khi các loài vật chỉ có những tiếng hú, tiếng kêu đặc trưng để báo hiệu, thì loài người dùng ngôn ngữ để truyền thông, để học hành nghiên cứu. Ngôn ngữ của con người có cấu trúc ngữ pháp rõ ràng, và nó chỉ có ý nghĩa khi được dùng đúng ngữ pháp. Vì lý do này, sẽ là sai lầm nếu gọi tiếng kêu của các loài vật là ngôn ngữ của chúng. Chính xác hơn, phải gọi là tín hiệu mà thôi.
+ Ý thức: Con vật hiện hữu nhưng không hiện diện. Chúng không có khả năng trừu xuất và không thể suy tư về sự hiện diện của chúng. Cho đến nay chưa có một nghiên cứu nào chứng minh được là loài vật có khả năng suy tư. Chỉ duy con người có khả năng đặt câu hỏi về nguồn gốc của mình, về ý nghĩa của cuộc sống và cái chết. Cũng chỉ duy con người mới có ý thức về các hành vi của mình, biết điều họ làm là xấu hay tốt, nên hay không.
+ Tự do: Con vật không có tự do và chỉ sống theo bản năng. Ví dụ: Hổ là loài ăn thịt và chúng giết con mồi theo bản năng sinh tồn, chứ không có tự do chọn lựa khác. Do đó, nếu như con hổ vồ chết người vô tội thì nó cũng không biết hối hận. Trái lại, con người có ý thức và tự do trong hành động. Chỉ duy con người mới có khả năng quyết định hành động của mình, vd: hôm nay ăn thịt, ngày mai ăn rau, ngày mốt nhịn ăn... Điểm đặc biệt nhất nơi con người đó là tự do chọn lựa tốt xấu, sống chết. Chỉ có con người mới biết hi sinh tính mạng, chịu chết thay cho đồng loại.
+ Xây dựng nền văn minh, văn hóa: Con vật sống theo bản năng trong bầy đàn hoặc đơn lẻ từ hàng trăm triệu năm qua tới nay vẫn như vậy. Chúng không hề biết chuyện làm nhà, xây thành phố, trường học, nơi ăn chơi... một số loài biết làm tổ nhưng cũng chỉ là bản năng chứ không hề là kế hoạch dài hạn. Các đàn vật đi theo nguồn thức ăn, nơi này hết thì chúng tìm nơi khác (di cư) chứ không hề tiến hóa để biết trồng trọt một nơi thay vì phải di cư triền miên. Chỉ duy con người mới biết xây dựng xã hội, thiết kế nơi cư trú lâu dài và bền vững và từ đó hình thành những nền văn minh với nét văn hóa riêng.
+ Nhu cầu tâm linh và tôn giáo: Loài vật không ý thức về chính mình và cũng không biết về tâm linh. Chúng không biết đến nhu cầu tâm linh, phụng tự. Trái lại, con người từ ngàn xưa đã luôn ý thức về một thế lực siêu nhiên vượt trên thế giới này. Từ thâm sâu lòng mình, con người nhận ra một nhu cầu tâm linh tận căn khó chối bỏ, ngay cả khi dùng sự cố chấp để khẳng định thuyết vô thần. Miệng người ta có thể tuyên bố không tin thần thánh nào, nhưng khi rơi vào tình trạng bất lực và đau khổ bế tắc, người ta vẫn nhắm mắt, chấp tay khấn xin thầm thĩ; vẫn ngửa mặt kêu trời. Rõ ràng tự thâm tâm con người nhận thức một nhu cầu tâm linh để giải đáp cho những vấn đề vượt ngoài tầm kiểm soát của lý trí và khoa học.
3. Giáo lý
Giáo lý Công Giáo nhấn mạnh đến phẩm giá vượt trổi của con người trên mọi loài như sau:
Phẩm giá con người có hai mức độ:
1. Phẩm giá tự nhiên, nghĩa là phẩm giá nội tại con người có, không phải do xã hội hay quyền bính nhân loại nào ban cho. Phẩm giá tự nhiên, cũng có nghĩa là lý trí con người có thể nhận ra nó.
2. Phẩm giá siêu nhiên: GH khẳng định phẩm giá con người là siêu việt và có giá trị siêu việt vì được đặt cơ sở trên chính mầu nhiệm Tạo thành và mầu nhiệm Cứu chuộc. Phẩm giá siêu việt của con người phát xuất trước tiên từ việc con người được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh của Người và giống như Người (x. ST 1,26-28)
Con người là hình ảnh của Thiên Chúa có thể được coi như định nghĩa của Kitô giáo về con người.
Truyền thống thần học thường giải thích thuật ngữ "hình ảnh Thiên Chúa" theo ba nghĩa.
– Một là con người có khả năng đi vào một mối tương quan cá vị với Thiên Chúa, khả năng đối thoại với Người;
– Hai là con người có khả năng tự lập, tự trị, tự quyết và một sự tự do đồng sáng tạo nào đó với Thiên Chúa;
- Ba là con người có khả năng làm chủ, tức là thống trị và biến đổi vạn vật.
Những phân tích trên đây đã làm rõ sự khác biệt giữa con người và con vật, khiến chúng ta khó có thể chấp nhận quan điểm "con người là con vật". Bởi chưng, như đã nói, ngoại trừ cấu tạo của cơ thể và những nhu cầu bản năng ra, con người có quá nhiều khác biệt so với con vật, và nhất là con người vượt trổi hơn mọi loài bởi được Thiên Chúa ưu ái yêu thương cách riêng.
M. Hạnh Tử
|