Mạng xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của con người trong thời đại hiện nay. Chưa bao giờ con người có thể sở hữu nhiều mối quan hệ đến thế…
Phụ nữ và đàn ông thích nói gì trên mạng?
Phụ nữ sử dụng từ “chồng” khá nhiều và thường xuyên trên mạng xã hội, trong khi đó, từ “vợ” lại rất hiếm khi được nam giới đề cập đến trong các đăng tải của mình.
Bạn bè, con cái và chồng là những đề tài yêu thích nhất của phụ nữ, bên cạnh đó còn có mỹ phẩm hay làm đẹp. Còn hứng thú của đàn ông lại thường xoay quanh xe cộ, công nghệ, chính trị, thể thao, cá cược, các trận đấu… Khi đề cập đến những chủ đề yêu thích này, nam giới có tâm lý kích động và dễ chửi thề.
Phụ nữ sử dụng ngôn ngữ mềm mỏng, lịch sự và thể hiện nhiều tình cảm. Trong khi đó, nam giới không ngại chửi thề, sẵn sàng sử dụng ngôn ngữ mạnh, không che giấu sự tức giận và cũng sẵn sàng tham gia vào những cuộc tranh luận nảy lửa trên mạng xã hội.
(Tâm lý con người thể hiện qua mạng xã hội- Ảnh minh họa)
Mức độ thân tình của “bạn mạng”
Một người dùng mạng xã hội ở mức trung bình cũng sẽ có kết nối với khoảng gần 350 người bạn. Tuy nhiên, rất ít trong số này là bạn thân và thường xuyên nói chuyện với người đó. Đến khi họ gặp rắc rối, khủng hoảng trong đời sống thật, tâm lý con người bình thường rất cần tìm ai đó để tâm sự, trên thực tế chỉ có vài người bạn mạng có thể chia sẻ và đưa ra lời khuyên. Điều này cho thấy rằng những mối quan hệ trên mạng xã hội cũng phản ánh những tính chất tương tự như quan hệ trong đời sống thật.
Nghiên cứu thú vị này được tiến hành bởi khoa sinh vật học tiến hóa của trường Đại học Oxford (Anh). Giáo sư Robin Dunbar – người đứng đầu nghiên cứu khẳng định: “Những người dùng mạng xã hội có số lượng bàn bè kết nối lớn bất thường, lên tới hàng nghìn bạn, cũng không giúp họ có nhiều bạn thân thực sự ngoài đời hơn người khác, thay vào đó, họ có thêm nhiều mối quan hệ quen biết”.
Tác dụng của mạng xã hội chủ yếu xoay quanh việc giúp con người quen biết, tương tác nhanh hơn và giúp những mối quan hệ ít hoặc không có cơ hội gặp gỡ ngoài đời thật không trôi vào quên lãng, nhưng mạng xã hội cũng không thể ngăn việc một tình bạn dần trở thành mối quan hệ quen biết thông thường vì không có bất cứ tương tác thật nào ngoài đời sống. Đây là một dạng tâm lý hết sức bình thường.
Các đăng tải trạng thái của người khác có tác động lên chính bạn
Tâm trạng của bạn rất dễ bị ảnh hưởng bởi những đăng tải từ những người bạn trên mạng xã hội. Theo đó, những đăng tải tích cực giúp tâm trạng bạn tốt hơn, còn những đăng tải tiêu cực khiến tâm trạng bạn xấu đi. Nghiên cứu thực hiện bởi khoa xã hội học của trường Đại học California (Mỹ) còn cho rằng các đăng tải sau đó của bạn cũng phản ánh chính những tác động tâm lý này. Nếu những đăng tải trong cộng đồng mạng của bạn ít thể hiện cảm xúc mạnh, các đăng tải của chính bạn cũng trung lập, dè dặt, ít biểu lộ cảm xúc hơn. Đây giống như một dạng tâm lý xã hội, khi bạn thường bị ảnh hưởng theo những thứ người khác khởi xướng.
Bên cạnh đó, mạng xã hội có thể có tác dụng ngược, khiến bạn cảm thấy cô đơn và buồn bã nếu thấy quá nhiều những hình ảnh hạnh phúc, câu chuyện lý tưởng hiện ra. Những điều này sẽ đánh thức cảm giác ghen tị trong bạn, khiến bạn tự đem bản thân ra so sánh với cuộc sống của người khác và cảm thấy thất vọng về chính mình.
Những hình ảnh, thông tin xoay quanh nghỉ tuyệt vời, kinh tế dư dả, công việc lý tưởng, quen biết rộng rãi hay đời sống phong phú… là những chủ đề dễ khơi dậy sự ganh tị âm thầm trong các “bạn mạng”. Những người thường xuyên “lướt mạng” để quan sát cuộc sống của các “bạn mạng” chính là những đối tượng dễ bị cô đơn và thất vọng nhất. |