Tại sao trong thủ tục phong thánh, ngoài việc thực hành các nhân đức, Giáo hội còn đòi hỏi phép lạ nữa? Làm sao chứng minh được được phép lạ đã xảy ra?
Trong tiếng Việt, chữ “lạ” có hơi hàm hồ. “Lạ” có thể đối lại với “quen”, như khi nói “người lạ”. “Lạ” cũng có thể hiểu là cái gì “khác thường”, ít khi xảy ra: điều khác thường ấy có thể gây ra trầm trồ ngạc nhiên, nhưng cũng có thể gây ra kinh tởm. Thí dụ hoa mai nở vào mùa thu thì là “lạ” và đáng ngạc nhiên, nhưng một quái thai với hai đầu ba bàn tay thì cũng “lạ”, nhưng có thể gây ra kinh hoàng cho lối xóm. Những thái độ nửa người nửa ngợm cũng đáng kể là “lạ”, nhưng chúng ta tìm cách tránh xa kẻo sợ liên lụy vào thân. Trong ngôn ngữ của Giáo hội, tiếng “phép lạ” dùng để dịch danh từ miraculum tiếng La-tinh. Theo nguyên ngữ, nó ám chỉ một hiện tượng khác thường, gây ra ngạc nhiên, thán phục.
Như vậy cái gì khác thường cùng đều có thể coi là phép lạ hay sao?
Có lẽ ngôn ngữ bình dân nghĩ như vậy. Thí dụ một anh học trò đi chơi suốt năm, thế mà đến kỳ khảo hạch lại đỗ cao thì phải kể là phép lạ chứ còn gì nữa? Hay là một anh chàng ra xa lộ phóng xe với tốc lực hơn 200 cây số/giờ, đâm vào cầu, té xuống sống, nhưng vẫn không hề hấn gì hết thì đủ gọi là phép lạ rồi. Đó là chưa nói đến bao nhiêu trò ảo thuật khác mà chúng ta có thể thấy trình diễn trong các rạp xiếc. Tuy nhiên, đó chỉ là quan niệm bình dân, chứ trong ngôn ngữ thần học thì để một sự kiện có thể gọi là phép lạ, cần hội đủ hai điều kiện: 1/ thứ nhất, việc đó mang tính cách khác thường; 2/ thứ hai, nó do Chúa làm ra. Hai điều kiện đi đôi với nhau thì mới được nhận là phép la.
Thế nào là tính cách “khác thường”?
Thú thực là không dễ gì cắt nghĩa: thế nào là khác thường, bởi vì nó rất tương đối. Thí dụ vào đầu thế kỷ XX, khi mới sáng chế ra máy bay, thì mỗi chiếc máy bay cất cánh là cả một phép lạ; còn ngày nay nó trở thành quá nhàm và không còn là khác thường nữa. Do đó tính cách “khác thường” tuỳ thuộc vào thời gian và nơi chốn nhiều lắm. Thánh Augustinô đã có nhận xét như sau: khi Chúa Giêsu biến năm tấm bánh để nuôi năm ngàn người thì ai cũng la lên là phép lạ; còn Thiên Chúa hằng ngày nuôi sống cả triệu người trên mặt đất từ những hạt giống bé tí, thì không ai coi đó là phép nữa. Thực vậy, nếu ta chú ý mở mắt ra thì ta sẽ thấy biết bao nhiêu điều kỳ diệu chung quanh ta! Chỉ cần lấy một thí dụ cỏn con thôi nhé, đó là con ruồi và con muỗi. Ta ghét nó và tìm cách diệt nó; nhưng thực ra ai chế tạo được một con vật li ti như vậy, biết bay, biết động? Vũ trụ này tràn ngập những kỳ công của Thiên Chúa, và do đó nói được rằng mỗi ngày chúng ta có dịp chứng kiến cả trăm phép lạ. Tuy nhiên, để nhấn mạnh đến sự can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa, Giáo hội đặt ra điều kiện thứ nhất là: sự kiện này hoạ hiếm, khác thường; đồng thời, sự khác thường phải là do Chúa làm ra, chứ không phải là trò ảo thuật, do sức tự nhiên, hoặc là do ma quỷ.
Làm sao biết được việc gì do sức tự nhiên, việc gì do ma quỷ, việc gì do Thiên Chúa?
Đây là cả một vấn đề phức tạp. Làm thế nào biết được khả năng của sức tự nhiên? Biết đâu một điều gì ngày hôm nay coi như vượt khả năng tự nhiên, nhưng chừng vài năm nữa, nhờ sự tiến bộ của kỹ thuật khoa học, thì con người có thể thực hiện được? Cách đây ba trăm năm, ai dám nghĩ rằng con người có thể tạo ra điện thoại, máy truyền hình, vệ tinh nhân tạo? Tuy nhiên, nếu chờ cho đến khi nắm chắc giới hạn của sức tự nhiên, thì e rằng chẳng bao giờ có phép lạ. Vì thế, khi xét đến các trường hợp phép lạ, Giáo hội không chỉ xét đến khả năng con người cách tuyệt đối, nhưng là đặt nó trong một môi trường cụ thể. Thí dụ như một người mắc bệnh phong cùi: giả như anh đi điều trị tại bệnh viện tối tân bên Hoa kỳ mà được lành, thì không thể coi là phép lạ; tuy nhiên, nếu người đó sống nơi rừng rú, thiếu thuốc men, mà lại được lành bệnh thì phải kể là ngoài sức tự nhiên.
Nói thế có nghĩa là các phép lạ chỉ xảy ra ở những quốc gia chậm tiến thôi sao?
Theo các thống kê thì phải nói ngược lại: các phép lạ được giảo nghiệm tại Âu-Mỹ nhiều hơn, bởi vì họ có những phương tiện tối tân để cứu xét hơn là ở các nước chậm tiến. Đàng khác, không phải là khi khoa học và kỹ thuật đã tiến bộ thì không còn phép lạ nữa! Chúng ta trở lại trường hợp của người phong cùi: đành rằng ngày nay taị Âu Mỹ bệnh này có thể chữa trị dễ dàng; tuy nhên thông thường việc chữa trị đòi hỏi một thời gian nào đó. Vì thế nếu một bệnh nhân được khỏi bệnh ngay tức khắc sau khi đọc kinh cầu nguyện thì có thể coi đó là phép lạ.
Như vậy, để được nhìn nhận là phép lạ, cần phải đọc kinh nữa hay sao?
Không hẳn là đọc kinh theo nghĩa là phải đốt đèn làm tuần cửu nhật, nhưng một cách nào đó cần có sự cầu nguyện, để chứng tỏ rằng đây là một công việc của Chúa. Thực vậy, chúng ta đừng đồng hóa phép lạ với trò ảo thuật. Như đã nói trên đây, để được gọi là phép lạ, thì ngoài tính cách khác thường, cần phải chứng tỏ đây là một công việc của Thiên Chúa, chứ không do sức lực con người hoặc một thụ tạo nào khác, kể cả thiên thần và ma quỷ. Dĩ nhiên, khi Thiên Chúa làm phép lạ thì ngài không muốn trổ tài phù phép, nhưng là ngài muốn tỏ ra tình thương cứu độ. Về phần con người, cần phải lãnh nhận phép lạ trong tinh thần đức tin. Đó là lý do vì sao nói rằng phép lạ xảy ra trong khung cảnh cầu nguyện. Có thể có nhiều dấu hiệu khác nữa để chứng tỏ sự can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại, kể cả tai ương nhằm cảnh cáo con người tội lỗi. Tuy vậy, thông thường Giáo hội chỉ lựa những trường hợp nói lên tình thương cứu độ của Thiên Chúa, đặc biệt qua trường hợp chữa lành bệnh nhân.
Như vậy là đa số các phép lạ xảy ra thuộc các trường hợp chữa bệnh hay sao?
Đúng thế. Bởi vì trong trường hợp này, ngoài việc bày tỏ tình thương của Chúa, việc kiểm chứng khoa học cũng dễ áp dụng hơn. Thông thường thủ tục diễn tiến như sau. Trước hết, bệnh nhân đã được bác sĩ chẩn bệnh, để chứng minh rằng có mắc bệnh, thường là bệnh hiểm nghèo hoặc nan trị. Điều này đòi hỏi nhiều cuộc khám nghiệm khá rắc rối. Kế đó, nếu bệnh nhân tuyên bố là mình khỏi bệnh thì đương sự lại cần được khám nghiệm do một hội đồng bác sĩ, để xem nguyên nhân của sự lành bệnh: có phải do việc dùng thuốc không, có phải do tình cờ ngẫu nhiên không, có phải do một động lực tâm lý thúc đẩy hoặc một bí thuật nào khác. Thường công cuộc khám nghiệm đòi hỏi thời gian lâu dài, bởi vì ngoài việc điều tra nguyên nhân lành bệnh, còn phải chờ xem bệnh có tái phát nữa không. Sau khi thu thập đầy đủ dữ kiện, hội đồng y khoa sẽ kết luận: “Đây là một trường hợp không thể giải thích được theo thói thường”. Nên biết là các bác sĩ sẽ không tuyên bố gì về phép lạ hết: họ chỉ kết luận rằng đây là một trường hợp hãn hữu, không thể giải thích được theo kiến thức hiện hành. Việc xác nhận phép lạ thuộc về thẩm quyền của Giáo hội: toà án Giáo hội sẽ xét xem việc lành bệnh có liên quan gì đến sự cầu khẩn Thiên Chúa, nhờ lời chuyển cầu của các thánh nhân hay các tôi tớ Chúa không? Công cuộc này cũng không phải là đơn giản đâu. Nói tóm lại, việc xác nhận phép lạ không phải là dễ dàng. Cứ lấy thống kê của Lộ-đức thì rõ: từ năm 1858 đến nay, (tức là trong vòng 130 năm), có đến hơn 5 ngàn người đến tạ ơn Đức Mẹ vì được lành bệnh, nhưng số phép lạ được chuẩn nhận không tới 70. Dĩ nhiên, đây phải hiểu là phép lạ dựa theo các tiêu chuẩn khắt khe do giáo luật đặt ra, chứ ai cũng biết là con số các phép lạ còn cao hơn.
Tại sao Giáo hội đòi hỏi phải có phép lạ trong thủ tục phong thánh?
Bởi vì Giáo hội muốn tìm một dấu chỉ chắc chắn rằng người tín hữu nào đó thực là đẹp lòng Chúa, đang hưởng vinh quang với Chúa, và vì vậy Thiên Chúa đã nhậm lời nguyện nhờ sự chuyển cầu của vị ấy. Đó là quan điểm của thủ tục phong thánh hiện hành, và không ai cấm Giáo luật có thể sửa đổi trong tương lai, như vài tác giả đã yêu cầu.
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
|