Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB Chuyển ngữ: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB
Đức Mẹ thường đến thăm Don Bosco trong các giấc mơ. Và Don Bosco thường kể lại các giấc mơ ấy để các học sinh được hứng khởi. Trong những năm đầu hoạt động tông đồ giới trẻ đầy khó khăn, Ngài không có một ngôi nhà cố định để qui tụ trẻ em, cứ phải di chuyển hết nơi này đến nơi khác. Ngài nói:
“Các con yêu dấu, các con đừng sợ. Một cơ sở rất đẹp đang được chuẩn bị cho các con. Chúng ta sẽ có một nhà thờ đẹp, một tòa nhà lớn, nhiều sân chơi rộng, và vô số trẻ em sẽ đến giải trí, cầu nguyện và làm việc”.
Càng ngày trẻ em càng tin và yêu mến ngài. Nhiều năm sau, khi nhớ lại buổi đầu tốt đẹp và nhiều gian khổ ấy, và khi được hỏi về cách thức thu hút trẻ em, Don Bosco đã trả lời qua những câu nói có thể được hệ thống hóa như sau: niềm vui, hồn nhiên và hứng khởi.
* Platon, một triết gia ngoại giáo đã nói: “Trẻ em phải được sống trong một bầu khí đầy hứng khởi”. Không có điều gì vĩ đại mà không được thực hiện với sự hứng khởi. Sự hứng khởi là một đức tính kỳ diệu: nó thúc đẩy hành động, loại bỏ sự nản lòng và thất đảm, chiến thắng sự lười biếng.
* Sự hứng khởi có tính hay lan tỏa. Trẻ em thấy hứng khởi khi nghe Don Bosco nói về thiên đàng, hay về Đức Mẹ. Ngài nói linh động đến độ sự hứng khởi của ngài lan tỏa sang chúng. Sự hứng khởi là điều kiện để say mê mọi sự và say mê thực sự. Nói cho trẻ em một điều gì đó cách hứng khởi là bạn đang truyền thông cho chúng những tia sáng hứng khởi.
* Để sống trong sự hứng khởi, phải đặt hết tâm hồn và thể xác vào công việc đang làm. Phải trọn vẹn sống trong hiện tại. Theo bản năng, trẻ em sống ngập chìm trong hiện tại của chúng. Khi lớn lên, chúng đánh mất đặt tính ấy: phải dạy chúng lại. Triết gia bi quan Schopenhauer thường nói rằng hầu như tất cả mọi người đều mất hứng khởi chỉ vì họ sống như những “tiều phu”. Khi đi qua một cánh rừng đẹp, họ suy tính: “Cây này sẽ có thể sinh lợi cho tôi bao nhiêu? Nó sẽ cung cấp cho tôi bao nhiêu thước gỗ? Năm qua tôi đã được nhiều, năm nay tôi phải được nhiều hơn”. Họ luôn sống trong quá khứ hay trong tương lai, mà không bao giờ sống trong hiện tại.
* Một nhà giáo dục hiện đại đã nói: “Sự hứng khởi cần được nhen lên liên tục. Nhưng nhen sự hứng khởi của trẻ em bằng cách nào? Bằng đời sống ơn Chúa. Một trẻ em sống trong ơn Chúa thì luôn vui tươi và hứng khởi . Trái lại, một trẻ em không có ơn Chúa thì luôn luôn buồn bã và bất mãn. “Ai sống trong hứng khởi thì sống trong bình minh của vĩnh cửu”.
* Nơi mỗi người chúng ta có nhiều nguồn năng lực phong phú khôn dò, càng tiếp xúc với những nguồn dự trữ huyền diệu ấy, người ta càng cảm thấy dạt dào hứng khởi vì lòng tin tưởng, vì lòng tốt và sức mạnh sáng tạo. Nhưng nếu thình lình dòng năng lực tiếp tế bị gián đoạn, người ta liền rơi vào uể oải, lười biếng, do đó, phải giữ cho dòng hứng khởi được liên tục. Những trẻ em hứng khởi thì linh hoạt, năng động, chịu khó và sắc sảo hơn những em khác. Họa hiếm lắm chúng mới mệt mỏi; hầu như không bao giờ chúng ngã lòng. Đâu là bí quyết? Sự hứng khởi nảy sinh từ tâm hồn sống trong ân sủng.
|