Ngọc Yến - Vatican News
Đại hội đầu tiên của các tôn giáo truyền thống và thế giới được tổ chức vào năm 2003 ở Astana, theo khuôn mẫu “Ngày cầu nguyện cho hoà bình” trên thế giới đã được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II triệu tập tại Assisi vào tháng 01/2002, nhằm tái khẳng định sự đóng góp tích cực của các truyền thống tôn giáo cho việc đối thoại và hoà hợp giữa các dân tộc và quốc gia, sau những căng thẳng của vụ tấn công khủng bố ngày 11/11/2001.
Đại hội liên tôn lần tới tại thủ đô Nur-Sultan sẽ có chủ đề “Vai trò của các nhà lãnh đạo tín ngưỡng thế giới và truyền thống đối với sự phát triển tinh thần-xã hội của nhân loại sau đại dịch”.
Liên quan đến sự kiện này, Giám đốc Phòng báo chí Toà Thánh xác nhận rằng, trong một cuộc trò chuyện video với ông Kassym-Jomart Tokayev, Tổng thống Kazakhstan, Đức Thánh Cha bày tỏ muốn viếng thăm quốc gia này để tham dự Đại hội liên tôn.
Đại hội vào tháng 9 tới lẽ ra đã được thực hiện vào năm 2021, nhưng do đại dịch phải hoãn lại cho đến năm nay. Hồi tháng 12/2020, ông Alibek Bakayev, đại sứ của Kazakhstan cạnh Toà Thánh đã nói về chuyến viếng thăm có thể của Đức Thánh Cha tại nước này. Ông cho rằng chuyến thăm của Đức Thánh Cha sẽ là “một sự kiện đặc biệt không chỉ đối với người Công giáo Kazakhstan, mà còn đối với toàn bộ khu vực Trung Á”.
Vị Giáo hoàng đầu tiên thăm Kazakhstan là Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Ngài đã thăm đất nước này, cùng với Armenia, vào tháng 9/2001.
Tại Kazakhstan, quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo Sunnit, có 5 giáo phận Công giáo, và theo thống kê năm 2008, chỉ có khoảng 250.000 người Công giáo theo nghi lễ Latinh, chiếm một thiểu số nhỏ trong dân số 18,28 triệu người.
Tòa Thánh đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Kazakhstan vào tháng 10/1992, chỉ 10 tháng sau khi nước này được thành lập vào tháng 12/1991.