Hồng Thủy - Vatican News
Tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ” gọi năm vừa qua là “một năm kinh hoàng và đau khổ” và nhận định rằng phản ứng của giới lãnh đạo quân đội Myanmar đối với các cuộc biểu tình chống lại cáo buộc lạm dụng quyền lực là rất “tàn nhẫn”. Tổ chức cũng lưu ý rằng các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc xung đột là các bang chủ yếu Ki-tô giáo như các bang Chin, Kayah và Karen, nơi quân đội đã đối đầu với lực lượng dân quân có vũ trang.
Tổ chức tuyên bố rằng “Với ngày cầu nguyện này, tổ chức muốn tưởng nhớ những người đã chết và cầu nguyện cho những người dân vô tội, đặc biệt là cho những người phải di tản trong nước, bao gồm trẻ em, phụ nữ, người già và người bệnh trong các khu vực xung đột, không phân biệt sắc tộc và tín ngưỡng.” Giáo hội Myanmar hỗ trợ những người di tản không phân biệt tín ngưỡng.
Nhu cầu thiêng liêng
Thông cáo của tổ chức cũng lưu ý rằng ngoài cơn đói và khát thức ăn và nước uống, “người dân cũng cần được hỗ trợ về mặt thiêng liêng”. Bất chấp những khó khăn, tín hữu Myanmar vẫn thực hành đức tin; Thánh lễ và Thánh Thể là một “niềm an ủi lớn lao cho các tín hữu.”
Tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ” kêu gọi các tín hữu trên khắp thế giới cầu nguyện cho tất cả các linh mục, tu sĩ và giáo lý viên đang “đồng hành với các tín hữu trong cuộc hành trình thoát khỏi những nguy hiểm đe dọa tính mạng để đồng hành mục vụ và hỗ trợ bí tích”. Thông cáo viết: “Chúng ta cầu xin Chúa hỗ trợ tất cả họ để tiếp tục sứ mạng yêu thương và hy sinh vì người dân, không phân biệt tín ngưỡng, chủng tộc và nơi chốn.”
Tôn trọng các nơi thờ phượng, bệnh viện và trường học
Tổ chức cũng mời gọi cầu nguyện “xin Chúa lay động trái tim của những người có thể tạo điều kiện tiếp cận với những người đau khổ và những người đang phải di tản, cung cấp cho họ sự hỗ trợ nhân đạo cơ bản”, và “cầu nguyện cho sự tôn trọng đối với sự sống và sự bất khả xâm phạm của các nơi thờ phượng, bệnh viện và trường học.” (Licas 25/01/2022)