Gia đình hạnh phúc theo Hệ thống Dự phòng của Don Bosco
Tinh thần gia đình
Nếu gia đình hạnh phúc là một trò chơi ghép hình thì đâu là những mảnh làm nên trò chơi này? Nói cách khác, ta có thể hỏi: Đâu là những yếu tố, những viên gạch xây dựng nên một gia đình hạnh phúc? Don Bosco đã dùng một diễn tả đặc nét làm nền tảng cho hệ thống giáo dục của ngài, đó là Tinh thần Gia đình.
Don Bosco đã muốn gọi Tu Hội ngài thành lập là Gia đình, là “nhà”. Trong tập sách Hệ thống Dự phòng, ngài viết rằng những nhà giáo dục phải là những “người cha nhân ái”. Ngài muốn dùng những thành ngữ này để mô tả về một bầu khí mà tuy rất khó để diễn tả và định nghĩa, nhưng rõ ràng lại có thể hít thở được, cảm được, một cái gì đó thân quen giống như nước đối với cá. Đó là một thứ làm cho người ta có thể hồn nhiên thốt lên: “Ở đây thật là tốt!”. Vậy đâu là những yếu tố kiến tạo nên tinh thần gia đình? Don Bosco đã linh cảm cách rõ ràng rằng gia đình không được thiết lập bởi mối liên hệ huyết thống, bởi lý do kinh tế, bởi pháp lý hay xã hội. Và ngay cả tôn giáo cũng không. Sợi dây liên kết làm nên gia đình là tình cảm, tình yêu.
Chỉ có mảnh đất tình yêu mới có thể cung cấp được dưỡng chất nhân bản, luân lý, tâm lý và văn hóa cho các trẻ và các thanh thiếu niên, để chúng thấy mình được lớn lên. Tinh thần gia đình là đá tảng vững chắc để trên đó người ta xây dựng ngôi nhà chứ không phải là đụn cát dễ trôi, dễ mất.
Có thể định nghĩa gia đình là hạt nhân tình cảm nguyên thủy, tình cảm gốc của con người. Gia đình hạnh phúc là một gia đình sống trong sự thật, trong chiều sâu, trong sự chân thành và bầu khí tình cảm bền vững. Hạt nhân vững chắc này là cơ sở để khởi hành cho việc xây dựng một một cái tôi giá trị. Tinh thần gia đình được cụ thể hóa trong một chuỗi những nhân tố sống động. Sau đây là những nhân tố kiến tạo nên “tinh thần” gia đình thực sự.
Sự can dự. Đó là sự tham gia vào, “muốn đóng góp”, là sự đầu tư thời gian, năng lực, ý chí, sự dâng hiến, hy sinh, nói cách khác đó là tất cả những gì mà từng cá nhân thành viên trao cho gia đình. Gia đình là điều hệ trọng đầu tiên, trên mọi sự. Biết bao gia đình “giẫy chết” đơn giản chỉ vì sự cẩu thả, lơ là của các thành viên.
Gia đình là một hệ thống, có nghĩa là một nơi mà trước hết, không một ai bị loại trừ, không ai là khán giả, không ai có thể nói: “Tôi chẳng liên quan gì”. Trong tương quan vòng tròn, mỗi yếu tố có cùng một điểm bắt đầu và điểm tới, là người lãnh nhận đồng thời là người trao ban, trong hệ thống – vòng tròn của gia đình, mỗi người có một chỗ độc đáo mà nếu thiếu họ, toàn bộ hệ thống sẽ trở nên khác, sẽ là một gia đình khác. Trước bất cứ điều gì xảy ra trong gia đình, không ai được dửng dưng nói rằng “Tôi vô can”, “Tôi không liên quan”. Thậm chí có ai đó cố tình thoái thác, bỏ ngoài tai những lời của người khác, họ chẳng làm gì ngoài việc nói: “Tôi có mặt”, còn mặc cho lối hành xử của họ có ảnh hưởng trên người khác và mỗi hành vi họ thực hiện có bị ảnh hưởng bởi hành động của người khác hay không. Chẳng hạn, việc họ ngủ nướng trên giường suốt ngày, hay say mèn ngất ngây được xem như lời tuyên bố với mọi người rằng “Tôi vô can”; hãy nhớ rằng mỗi dự định trốn chạy khỏi thực tế đều vô ích, vì ngay cả khi bạn thông báo là “không có tôi”, thì cũng đã là lời khẳng định về sự có mặt của bạn rồi. Chúng ta cũng nhận thức được là trong thực tế đã có hàng trăm, hàng ngàn cách thức mà qua đó chúng ta mưu toan hoặc muốn nói với gia đình rằng “Tôi không can dự vào”, “Không có tôi”.
Thương mến lẫn nhau. Tình yêu một chiều là một sai lầm và không bền lâu. Để có một gia đình hạnh phúc, mọi người đều có trách nhiệm và đồng trách nhiệm để xây dựng.
Cùng nhau làm. Khi đặt ra câu hỏi: “Theo bạn, để có một gia đình hạnh phúc thì cần có điều gì?”, 1.500 bạn trẻ trả lời rằng không phải tiền bạc, xe hơi, nhà đẹp, nhưng là “cơ hội để cùng nhau làm một điều gì đó”. Một bà mẹ viết: “Chúng tôi trải qua ngày sống trong khi cùng nhau làm việc, cùng nhau thư giãn giải trí. Chúng tôi hiểu nhau hơn, thân thiết với nhau hơn khi được cùng nhau làm việc”.
Thông tri. Một ông bố xác nhận: “Chúng tôi dành nhiều thời gian để chuyện vãn cách thanh thản. Đôi lần chúng tôi trao đổi với nhau về một vấn đề, một tâm trạng, một giá trị đang gào thét bên trong tâm hồn và muốn được chia sẻ. Nhưng nếu con trai tôi không nói được với tôi về chuyện xe cộ hay thể thao, thì cớ gì tôi lại không thể trao đổi với cháu về vấn đề mua bán thuốc phiện trong trường học?”. Nói tóm lại, cha mẹ phải học biết để nói chuyện với các con, chứ không phải là nói cho các con.
Được đánh giá. Cảm thấy mình được người khác yêu mến, khích lệ là một nhu cầu quan trọng của mọi con người. Trong gia đình hạnh phúc, việc đánh giá lẫn nhau ở mức độ rất cao. Một người mẹ viết: “Mỗi tối chúng tôi vào phòng của các con, chúng tôi ôm chúng thật chặt, hôn chúng và nói với chúng rằng: Các con thực sự là những đứa trẻ tài giỏi, ba mẹ rất yêu các con. Chúng tôi tin rằng việc thông tri sứ điệp này đến con cái trước khi đi ngủ là điều hết sức quan trọng và cần thiết”.
Chuyển trao. Gia đình là trạm giao thông đầu tiên giúp trẻ nhận biết thế giới. Gia đình là nơi trao chuyển các giá trị, luyện trí phán đoán, quan điểm và lý tưởng. Gia đình cũng là địa điểm tốt nhất để “lớn lên” cùng nhau. Việc chuyển trao sự hiểu biết trước tiên là bổn phận của cha mẹ, rồi đến lượt họ, họ cũng học từ con cái ngang qua những thông tin mới chúng đem từ trường về. Quan trọng là cần nhớ rằng con người học từ “gương mẫu” chứ không từ những điều chúng được nghe. Chúng học trong khi nhìn, quan sát, nắm bắt một vấn đề, và thử nghiệm. Người ta học hỏi ở trong chính gia đình như thế đó.
Giúp đỡ. Ở đâu người ta có thể tìm được sự trợ giúp và an ủi trong những lúc khó khăn nếu không là gia đình? Một gia đình lành mạnh sẽ là nơi chốn mà người ta tìm đến để được an ủi, được phát triển và được tái sinh, một nơi mà từ đó họ được làm mới lại và phục hồi, được trang bị sức mạnh cần thiết để đương đầu với cuộc sống với một dáng vẻ tích cực.
Thử nghiệm. Gia đình là mảnh đất của sự trải nghiệm, trong đó con cái thử nghiệm về ý tưởng và những thái độ mà chúng có ngang qua việc phản hồi, một sự hồi tưởng cho phép chúng sắp xếp lại hình ảnh về bản thân mình. Những thiếu niên chẳng hạn, chúng cần thử những ý tưởng, lối hành xử giống như thử quần áo trước một cái gương. Những người yêu thương chúng sẵn sàng trở thành gương soi cho chúng, và họ có thể sửa lỗi các em với lòng nhân hậu.
Giải quyết vấn đề. Vấn đề thì ở đâu cũng có, ngay cả trong gia đình hợp nhất, nhưng điều đáng nói là họ sở hữu được khả năng vướt thắng những khó khăn không thể tránh đang dần lộ ra trong cuộc sống. Đối diện với mỗi vấn đề, không bao giờ người ta lại hỏi nhau: “Lỗi này do ai thế?”, họ cũng chẳng mất thời gian để mà phân tích những mặt tiêu cực của những người tham gia hoặc bận tâm để lên án ai đó. Câu hỏi của họ luôn là: “Chúng ta làm thế nào để thoát ra khỏi tình trạng này?”.
Có cùng một lòng, một trí. Tình yêu gia đình không thể tồn tại nếu không có bộ rễ lớn. Những gia đình hạnh phúc họ diễn tả cách cụ thể khía cạnh tinh thần trong mọi ngày sống của họ. Họ cùng nhau chia sẻ những gía trị đích thực chứ không chỉ là cơm ăn, áo mặc, nhà ở. Gia đình quan tâm dành thời gian để cầu nguyện chung sẽ dần tạo nên một linh hồn lớn rộng được làm bằng sự dịu hiền, tha thứ, thấu hiểu và Thiên Chúa.
Tha thứ. Một nhà hiền triết nói: “Khi một cuộc cãi vã đã kết thúc thì bạn hãy nên quên nó đi!”. Tình yêu gia đình luôn kiên nhẫn, khoan dung. Những người con cho dù bị la mắng cũng đừng có chút nào nghi ngờ về tình yêu của cha mẹ.
Cử hành. Gia đình hạnh phúc “tôn vinh” niềm hạnh phúc của họ không chỉ trong tất cả những ngày lễ và những ngày kỷ niệm nào đó, mà còn trong mọi ngày sống đầy ắp niềm vui và niềm lạc quan.
Với tất cả những gì tôi là và với tất cả những gì tôi làm hôm nay, tôi muốn mình “hiện diện” trong đời sống hàng ngày của gia đình tôi!
Ngọc Yến, FMA chuyển ngữ |